Đức Mẹ Của Chúng Con
TRẦN MỘNG TÚ
(Hoa Kỳ)
(Hoa Kỳ)
Họ đạo St. Louise, ở thành phố Bellevue, thuộc bang Washington, nơi chúng tôi cư ngụ, kỷ niệm khánh thành 50 năm. Cha chánh xứ có nhã ý cho giáo dân Việt Nam thuộc họ đạo được treo một tấm ảnh Đức Mẹ Việt Nam trong nhà thờ. Giáo dân Việt vô cùng hứng khởi về việc may mắn này. Họ gọi nhau ơi ới, tiếng gọi bay qua những mái nhà, những đỉnh cây, làm rung động cả không gian mùa xuân. Ai cũng nghĩ đây là cơ hội “Ngàn năm một thuở.” Mẹ Việt Nam của mình được treo hình trong nhà thờ Mỹ. Một nhóm người sẵn sàng hiệp sức với nhau để lo việc này cho tốt đẹp. Ngoài việc rước kiệu, dâng hoa, lễ làm phép ảnh theo truyền thống, việc chọn ảnh Mẹ để treo lên quan trọng nhất. Mẹ Việt Nam thì nhất định phải mặc áo dài rồi, và nhất định phải là Mẹ hiện ra ở La Vang, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam rồi.
Mẹ Việt Nam! Tại sao lại phải có Mẹ Việt Nam, Mẹ Ấn Độ, Mẹ Trung Hoa, Mẹ Nhật Bản, Mẹ Mễ Tây Cơ, Mẹ Phi Châu, Mẹ Da Đỏ nhỉ? Dân tộc nào là dân tộc đầu tiên nghĩ ra: Phải có một Mẹ riêng cho mình, hay có một Thượng Đế cùng màu da với mình.
Tôi nhớ, đã đi dự một thánh lễ ở nhà thờ của khu có nhiều người da đen cư ngụ. Hình Chúa Giêsu chăn chiên là một thanh niên cỡ ba mươi tuổi, da đen, tóc quăn rút rít, ôm một con chiên lông trắng trên tay. Ôi cái hình trông mới quyến rũ, mới đẹp, mới thân mật làm sao! Tôi da vàng, nhìn hoài không chán mắt, nói chi người da đen.
Tôi phân vân, tự hỏi: có phải sự dân tộc hóa, chủng tộc hóa Thiên Chúa và các vị thánh đã làm cho con người cảm thấy gần gũi với các đấng linh thiêng hơn?
Mẹ mặc áo dài, giống cái áo con đã từng mặc, Chúa da đen giống như mầu da của con. Cái khoảng cách cao vời vợi, bỗng chốc với tới được; cái khoảng cách dị biệt bỗng chốc xóa nhòa được. Chúa đứng bên cạnh ta không khác gì anh em ta. Da cũng đen và tóc cũng quăn. Mẹ đứng bên cạnh ta, không khác gì cô, dì hay mẹ trần thế của ta. Cũng áo, cũng khăn như thế, mà nét mặt Mẹ ôn nhu Á Đông quá, mũi Mẹ không cao lắm, dáng Mẹ lại gầy gầy như chính dáng ta.
Kể từ lúc sinh ra, khi có được cái nhìn hiểu biết về Chúa, về Mẹ đầu tiên trong đời, ta nhìn Chúa, một vị Thượng Đế ở trên chín tầng trời, mắt mũi, y phục Chúa hoàn toàn cách biệt với ta. Đôi khi sự cách biệt đó làm ta run sợ không dám đến gần, mặc dù có bao nhiêu lời kinh, lời nhạc khuyến khích “Hãy gõ, cửa sẽ mở” ta vẫn rụt rè.
Ta nhìn Mẹ, Mẹ đẹp quá: da Mẹ trắng, mắt Mẹ to, mũi Mẹ cao, y phục của Mẹ trang trọng. Ta ở dưới này, quỳ xuống kêu xin, có khi áo rách, có khi chân đất, có khi lạnh, có khi đói. Dù ta có nghe câu hát “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không” đôi khi ta vẫn thấy ngàn trùng cách biệt.
Bỗng một ngày, có ai đó cho ta xem một vở kịch, có ông thánh Giuse, có Đức Mẹ mặc y phục nông dân Việt Nam, có Chúa để tóc trái đào mặc bộ áo cánh, quần cộc. Ta bỗng thấy chao ôi là gần gũi! Có cảm tưởng như bây giờ mình muốn chuyện trò gì với cả ba Đấng đều được cả. Muốn xin gì thì xin đi. Có khi ở lại lâu hơn một chút ba Đấng lại hỏi xin mình một cái gì không chừng. Sao mà thân thiện thế! Y phục của các Ngài thế kia thì có khác gì mình đâu. Bây giờ thì tha hồ kể lể nguồn cơn. Khoảng cách Thượng Đế và con người trần thế bỗng biến mất, như chưa từng có.
Tôi có lần được xem một tấm ảnh do một họa sĩ người Nhật vẽ. Trong tranh có Thiên Thần và Đức Mẹ. Thiên Thần đứng, trong y phục thông thường tôi thấy ở nhà thờ, áo chui đầu, dài đến chân, màu trắng, nhưng Đức Mẹ thì quỳ và mặc chiếc kimono màu hồng, in hoa, bụng lại to, nhìn rõ là có mang (bầu). Tôi cứ ngắm mãi bức ảnh đó, thấy thân mật và gần gũi quá, (dù mình không phải người Nhật) nhưng lần đầu tiên nhìn thấy hình Đức Mẹ có mang, giống mình.
Vậy thật ra Thượng Đế mang quốc tịch nào? Để ta mỗi khi muốn gần Ngài vội vàng đổi quốc tịch Ngài sang quốc tịch của ta. Tôi nghĩ Ngài không thuộc về của riêng quốc gia nào cả. Bằng chứng là Ngài nghe được tất cả mọi ngôn ngữ loài người đặt ra. Ngài mặc bất cứ một cái áo nào loài người khoác lên, Ngài đối xử công bình với tất cả nhân loại.
Ta có cần phải quốc hữu hóa Thượng Đế và các thánh để thấy gần gũi hơn hay không?
Mẹ Têrêsa khi làm việc tông đồ cứu giúp người nghèo khổ, mẹ nói: “Tôi nhìn thấy Chúa qua họ.” “Họ” của mẹ Teresa là những người Ấn, tôi không nghĩ là mẹ tin Chúa mang quốc tịch Ấn, và Chúa có cùng màu da với người Ấn, nên mẹ thấy Chúa giống họ.
Tôi nhớ có lần tôi phàn nàn với chồng tôi:
Sao người Mễ (Mexican) ở đâu mà họ dọn tới thành phố mình đông thế, mấy năm trước đâu có nhiều như thế này. Bây giờ đi lễ, toàn là người Mễ.
Chồng tôi hỏi lại tôi:
- Em thật không biết họ từ đâu đến à?
- Không. Bộ anh biết à?
- Biết chứ, họ đều đến từ Chúa (They all came from God.)
Tôi đành ngậm miệng.
Như vậy, khi người thế gian, muốn quốc hữu hóa Thượng Đế hay Đức Mẹ, hay các thánh, chỉ là điều họ muốn có những đấng quan phòng gần gũi, mật thiết, để khi họ đến cầu khẩn họ cảm thấy được ơn cách riêng. Đặc biệt Đức Mẹ, quốc gia nào, dân tộc nào cũng muốn Đức Mẹ mang quốc tịch mình, mặc y phục nước mình. Nhất là khi Mẹ hiện ra, làm phép lạ ở nơi nào, thì nơi đó nhất định phải có ảnh tượng và cung cách tôn kính Mẹ theo truyền thống của nước đó.
Thứ bảy, ngày 15 tháng 5 này, chúng con được rước kiệu Mẹ La-Vang, được tôn vinh ảnh Mẹ La-Vang trong một họ đạo Mỹ, Mẹ mặc áo dài, khăn vành dây cổ truyền Việt Nam. Chúng con vừa cảm động vừa hãnh diện giới thiệu Mẹ Việt Nam của chúng con với giáo dân Mỹ. Nhưng trong thâm tâm của chúng con, chúng con biết Mẹ là Mẹ của tất cả nhân loại, chúng con không dám giữ riêng cho dân nước mình.
Xin hồng ân Mẹ đổ xuống cho các con của Mẹ, không phân biệt màu da, chủng tộc, để tất cả chúng con được sống an bình trong một thế giới đại đồng.
-----------------------
Post a Comment