MỘT NIỀM TIN
Chị đã khóc. Lần đầu tiên trên sân khấu, chị khóc nức nở, ấm ức. Sau đêm diễn hoạt cảnh Giáng Sinh, mọi người khen chị lần đầu đóng kịch mà nhập vai dễ sợ, có thể đi làm diễn viên được. Chị cười, tại bữa giờ bỏ công sức tập dợt, tự dưng đến lúc diễn lại cắt điện, tức điếng nên khóc luôn chứ nhập vai nhập vở gì đâu. Chị nói vậy thôi, chứ chị biết tại sao nước mắt chị lại trào ra trên sân khấu.
Chị có chồng, sinh được ba con trai. Chị làm giáo viên, chồng chị là công nhân nhà máy đường. Làm lâu năm nên lương lá hai vợ chồng tặn tiện cũng đủ sống, đủ chu cấp cho các con ăn học. Đức tin của chị được hun đúc từ thuở trẻ thơ ngày ngày theo bố đi lễ nhà thờ. Lớn lên chị hát trong ca đoàn, hát cho đến bây giờ. Con chị học giỏi, ngoan và đạo đức. Chị tự hào về các con chị. Trong xóm, có đứa nào lì lợm học hành bê tha, mẹ chúng đều bảo: “Tới xem ba đứa con bà Nhàn kìa, học hành năm nào cũng lãnh thưởng, mẹ bảo đâu làm đấy, ra đường gặp người trong xóm làng đều chào hỏi, dạ thưa, thấy mà ghiền!”. Đứa con đầu của chị học năm thứ tư đại học. Hồi còn ở giáo xứ, nó ở trong ban giúp lễ rồi tham gia hội Giu-ni-o, chỉ có điều hát dở ẹc, giọng lạc nên không hát trong ca đoàn. Nhưng học hành thì số một, ai tặng quyển sách nào nó mừng húm. Cả ngày đâm đầu vào sách vở nên nó có vẻ chậm và hơi mang dáng vẻ “mọt sách”. Đứa con giữa học không giỏi lắm, năm thứ hai trường cao đẳng. Nó hơn anh nó sự lanh lợi, bóng đá bóng bàn gì chơi cũng được, ai nhờ vả gì cũng lanh tay lẹ chân. Đứa út vào lớp 12. Học hành giỏi như anh cả, thể dục thể thao lanh lợi hơn hẳn anh ba, nó từng đạt huy chương bạc bóng đá của tỉnh lứa tuổi phổ thông. Nó làm đội trưởng đội bóng của trường, chân dẻo và ngoặt bóng không chê vào đâu. Nó lợi thế có “mẫu mã” tốt tướng, có tài thu hút nhóm bạn, nên mỗi độ văn nghệ của trường, nó lên sân khấu chưa cần hát hò gì là cả nhóm “ồ, hố” lên rộn rã. Nó hội tụ các tài năng của hai anh nó. Hai anh nó mắc cỡ với chuyện tặng quà, viết thiệp chúc mừng mẹ những ngày lễ, còn nó thì làm một cách tự nhiên. Chị biết tính các con chị, mỗi đứa đều có cách thể hiện tình cảm riêng với chị. Đứa nào cũng hiếu thảo, nhưng chị vẫn thấy thích cách bày tỏ tình cảm của nó, thích những buổi sinh nhật lãng mạn của chị do nó với chồng chị tổ chức. Nó biết làm mẹ vui, biết làm bố hài lòng. Thỉnh thoảng chị đem những tấm thiệp chúc mừng ngày phụ nữ của nó ra xem, rồi chị lại cười tủm tỉm với những lời chúc của nó. Chị tự hào vì người ta biết nó là con chị. Nhiều khi, chị nghĩ một cách dại khờ là nó đừng lớn lên, nó lớn rồi sẽ có vợ, rồi san sẻ tình thương cho vợ, như chồng chị đang dành tình thương cho chị vậy. Cũng có lần chị nghĩ bụng sẽ chọn vợ cho nó, chị sẽ chọn thật cẩn thận, chọn người con dâu cho xứng với nó và yêu nó hơn nó yêu người ta. Chị tự hào về nó, thương nó hơn hai anh nó, dù chị biết điều này không phải chút nào. Các anh nó biết mẹ quý em hơn nhưng chẳng ganh tị vì nghĩ nó xứng đáng, vì nó cũng luôn tỏ ra kính trọng hai anh. Trong xóm chị, mấy bà ai cũng ước được có một gia đình hạnh phúc như chị: Con ngoan, giỏi giang, đạo đức, chồng thì hiền lành yêu vợ hơn cả yêu bản thân. Nhưng với chị, chị cũng có nỗi khổ riêng.
Anh lấy chị mới theo đạo. Công việc ở nhà máy của anh cũng không được thong thả để tham dự lễ lạc ngày thường, nhưng lễ Chúa Nhật anh không bỏ. Chị cũng không trách anh chuyện ấy. Với một người trở lại thì giữ lễ ngày Chúa Nhật là tốt rồi, mà thi thoảng anh cũng đi lễ ngày thường với chị những khi được nghỉ việc. Anh hay hỏi chị về giáo lý, những câu hỏi của anh đậm chất lý luận. Kiểu câu hỏi này dù có trả lời một thì cũng lộ ra hai điều muốn hỏi tiếp, phải chi anh dừng lại ở lời giải thích của chị và tin là đủ rồi, đằng này anh lòng vòng hỏi đến tận xương tủy. Chị có phải là linh mục đâu. Anh không phải là hạng người so đo tính toán thiệt hơn chuyện giữ đạo, nhưng thấy điều trái lý là bụng muốn hỏi, muốn bất bình. Chị sợ kiểu bất bình của anh. Bữa đi lễ về anh nói: Sao thấy kì quá đi! Chúa nói đong đấu nào thì trả đấu nấy, mà những người ở hiền lành thì hay mất trộm, nhiều người đạo đức sốt sắng thì bị người khác ăn hiếp. Chị không giải thích cho anh, chị biết giải thích thế nào anh cũng vặn hỏi, mà chị thì không đủ lý lẽ làm cho anh bị thuyết phục. Chị biết tính anh vậy, con người anh hay suy tư và đi tới cái tận cùng mới thôi. Niềm tin người mới theo đạo có thể lung lay từ những thắc mắc vụn vặt, những bất bình không ai tháo gỡ. Nhiều bữa hàng xóm xả nước phân heo qua vườn hôi đến khó chịu, anh qua nói đôi lời, trúng bà hàng xóm hồ đồ: “Thải bên vườn, tại mưa gió nó chảy qua, thích thì vác đơn mà kiện”. Cái giọng thách thức, chua chát của bà làm anh tức lộn gan, muốn cho bà một cái tát tai thì chị bảo: “Kệ, họ ngửi trước, ngửi nhiều hơn mình, đến lúc bà ta chịu không nổi nữa thì tự đào hầm giải quyết thôi”. Anh bực cái kiểu giữ đạo của chị, phải nhịn nhục giữ tình xóm nghĩa làng. Mà anh thấy bất bình hỏi thì chị không giải thích được. Khi nào chị cũng kết thúc bằng câu: “Có những điều Chúa làm cho ta mà ta không nhận ra”. Nhiều hôm anh nghĩ bụng, chắc khi nhận ra thì đã già quá đát, xuống mồ mất rồi! Tình cảm vợ chồng đôi khi cũng bất hòa ở chỗ đó.
Hai đứa lớn đi học. Chỉ còn thằng út ở với chị. Ngoan ngoãn, học giỏi, đạo đức sốt sắng như chị. Chị thương nó, muốn giữ nó cho mình, chị sợ một ngày nào đó nó cũng bỏ chị đi vào Sài Gòn học, bỏ chị lại với anh trong ngôi nhà trống vắng không tiếng học bài rôm rả, không trò ngỗ nghịch của đám nhỏ bạn nó tới chơi. Chị cố giữ nó bên mình, cố nắm chặt nó không để nó tuột khỏi vòng tay chị. Chị nắm hết thời khóa biểu, lịch học thêm, giờ đi chơi với bạn của nó. Thằng nhỏ không một tiếng phàn nàn, cứ để mẹ mặc tình giám sát. Chị có cảm giác nó sẽ ra đi thật, chị muốn chăm sóc cho nó trước khi rời khỏi vòng tay của chị. Cái áo, cái quần, đôi tất giữ ấm chị đều mua cho nó, cố để ý thời trang của đám học sinh thế hệ 9X, chị không để cho nó ăn mặc lạc lõng, ngộ ngộ trước đám bạn của nó. Cái mũ lưỡi trai in chữ “nobody I love” chị cũng mua cho nó… Một ngày, chị bỗng thấy trong người trống vắng, bất an. Chị nôn nóng chờ nó đi học về, chỉ để gặp mặt nó, có vậy thôi. Chị bắc bếp chiên khoai lang cho nó, đây là món nó yêu thích. Chị chờ, và chờ. Đã quá giờ tan trường rồi, chị chạy lại đầu xóm trông thử, ngộ nhỡ nó đang la cà nhà đứa bạn. Không thấy. Chị sốt ruột, như linh cảm điều gì đó xảy ra với con chị. Chị nhận điện thoại, bên kia giọng run run, vội vã nhưng không rõ tiếng: “Thằng Khoa chết đuối trên suối rồi cô ơi!”. Chị ngã quỵ xuống, không còn biết gì nữa… Lớp nó được nghỉ hai giờ văn, cả bọn nam kéo nhau lên suối, và trong sự vội vã, nó trượt chân té xuống hồ tích nước. Trước khi mất hút dưới mặt nước, nó ngoắt ngoảy tay kêu lên mấy tiếng: “mẹ, mẹ…” . Chị khóc, khóc đến cạn kiệt sức, khóc như thể khóc lần cuối trong đời chị vậy. Một ngày, hai ngày, ba ngày, nước mắt đã cạn. Chị biết chị cần tỉnh táo, tỉnh táo để anh còn niềm tin mà sống, tỉnh táo để hai đứa con chị còn lòng trí mà học, mà sống cho tương lai. Anh không khóc thành dòng lệ, nhưng lòng anh đau, đau như ai đó lấy mũi dao đâm vào tim vậy.
Anh cũng có nỗi nhớ của mình. Thi thoảng anh lại nghe nó gọi: “Bố, làm ván cờ hè? Con làm xong bài tập rồi”. Ngồi uống nước trà mà như chợt thấy hai cha con đèo nhau vào shop hoa, nó cười với anh, đưa tay chỉ: “Mẹ thích hoa này nè!”. Hết tiết, chị chẳng muốn về nhà, lang thang đâu đó cho thời gian trôi đi. Chị sợ ngôi nhà rộng rãi của mình, nó lạnh lẽo và trống vắng đến ớn lạnh. Đứng, ngồi… khi nào cũng thấy bóng dáng thằng nhỏ. Đi qua phòng thấy nó đang ngồi say sưa làm bài, ngồi vào bàn ăn thấy nó và cơm vội vã ngon lành, chị lại thẫn thờ. Chị muốn mình bận bịu suốt ngày để quên đi hình bóng nó, quên để hai vợ chồng không còn rầu rĩ khi ngồi vào bàn ăn nữa.
Chị không thích đóng kịch lắm, chị nói sân khấu nó có vẻ gì đó không thật, nhưng Giáng Sinh này chị nhận vai, vai vợ ông Gióp. Chị muốn cho khuây khỏa, muốn quên đi mọi muộn phiền. Suốt một tuần, cơm tối xong là chị lên nhà thờ tập kịch. Chị có rủ anh đi nhưng anh không thích. Anh còn một ẩn khuất trong lòng chưa giải được. Anh còn khúc mắc: Tại sao vợ con anh thánh thiện thế, anh cũng không bê tha kinh nguyện, mà sao Chúa đối xử với gia đình anh như vậy?! Chị cũng muốn làm cho anh tin vào tình thương của Chúa, nhưng chị không giải thích được. Tối, chị lại đi tập kịch. Anh càm ràm, cái giọng có vẻ khó chịu, cau có: “Em còn tin Chúa đến bao giờ nữa, đến thằng con trai Chúa cũng lấy đi, vậy mà em còn kịch cọt gì nữa, đến bao giờ thì em mới tỉnh ngộ đây?”. Chị không cãi, không trách anh. Đức tin của một người trở lại chị không thể đòi hỏi nhiều. Chị chỉ biết sống với niềm tin của mình, niềm tin rằng Chúa sẽ không để con người thiệt thòi. Nhưng chị linh tính có điều không tốt, chị biết anh sẽ làm một điều gì đó. Cái tính của anh chị còn lạ gì!
Anh quảy một ba lô bước ra khỏi cổng, không biết đi đâu và đi bao lâu, có thể là mãi mãi. Hôm trước khi anh đi, trước đêm Giáng Sinh, chị đã giằng co đôi ba câu với anh về cái chuyện nhà thờ nhà thánh. Bình thường anh đâu có tính thiệt hơn, chỉ tại thấy Chúa bất công, lấy đi người con trai hợp tính hợp tình với anh, mà chị thì cứ đeo bám, cứ tin Chúa nhân từ, một hai lo chuyện nhà thờ, công tác nhà thờ. Anh đi không một lời chửi mắng, không gào thét, anh vẫn yêu chị và không muốn chị đau khổ. Anh đi để chị tỉnh thức, thoát khỏi niềm tin mãnh liệt của mình, chỉ thế thôi. Chị nhìn theo anh từng bước qua rào cổng, không níu kéo, không van nài, không phẫn nộ, chỉ thấy lòng trống vắng, mất mát và đau đớn. Chị biết không thể níu kéo anh, mà níu kéo van nài thì chẳng khác gì đánh rơi đức tin cho anh thấy trước mắt.
Ông Gióp bước ra, nhìn những đứa con ngoan ngoãn với đàn gia súc của mình liền cảm tạ Thiên Chúa. Ông đang cười nói với vợ bên mâm cơm thì người đầy tớ hốt hoảng chạy vào, báo tin chiên, dê, bò, lừa, bị quân Sơ-va giết chết; các tôi tớ và những người con của ông cũng bị lửa từ trời thiêu cháy, không còn sống một ai. Ông đau khổ sụp lạy Thiên Chúa mà thưa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa”. Chị bước ra trong vai vợ ông Gióp. Tức tối và nóng giận. Chị không cầm được lòng mình nữa, nói như trút giận, nói cho hết những ấm ức trong lòng: “Thế này rồi mà ông còn ca tụng Thiên Chúa của ông hả?”. Chị quỳ gục xuống, khóc, khóc nức nở, tức tưởi, khóc như trút bỏ mọi thứ. Chị không khóc cho cảnh trong kịch bản nhưng chị khóc cho lòng mình, khóc cho cảnh đời của mình. Chúa đã lấy đi của chị tất cả, “con trai vàng” của chị, người chồng của chị.
Đêm Giáng Sinh, nhà nhà quây quần, người thân tay trong tay nói cười hớn hở, sánh bước đến nhà thờ đón Chúa giáng sinh. Chị trở về nhà, cô đơn, hiu quạnh. Chị nhìn qua máng cỏ bên góc phòng khách, Chúa Hài Đồng nằm lạnh lẽo, rồi thì thầm đôi lời. Chị cố buông lỏng người nằm dài xuống giường, cố không hình dung đến cảnh Noel ngày mai mọi người tưng bừng tiệc mừng, vui chơi. Chị thấy trong lòng mình chảy qua một cảm xúc bồn chồn, một điều gì đó sẽ đến với chị rất mơ hồ, chị không rõ vui hay buồn. Chị thiếp đi trong giấc ngủ.
Một ngày Giáng Sinh sắp qua đi, chị vẫn ở mãi trong phòng. Có tiếng chó sủa, không dồn dập, không đay nghiến, cái tiếng “ăng ẳng” quấn quýt và mừng rỡ. Người đàn ông yêu thương của chị đang bước qua cánh cửa. Ánh mắt ngỡ ngàng, chị choàng tay qua thắt lưng ôm lấy anh. Nước mắt lại chảy tràn. Chị không hỏi anh, không cần biết lý do anh trở về nhà. Chị cố siết chặt vòng tay không để anh tuột khỏi một lần nữa.
Hai đứa con nhảy dựng lên khi gặp anh, đứa nhỏ ôm vai, đứa lớn hí hửng hỏi thăm mẹ. Chúng đang hạnh phúc, vô tư như cánh diều cứ vút bay, mặc cho thằng bé dưới đất cố gỡ những đoạn dây rối mà ngày hôm qua vội vả quấn thu. Thấy khuôn mặt con trẻ hạnh phúc, anh không nỡ cho nó biết chuyện của mình. Anh biết cõi lòng chúng sẽ tan nát, vỡ vụn và đau khổ khi biết anh đã bỏ nhà đi. Giọt cà-phê đắng ở một góc quán nhỏ Sài Gòn đủ làm anh tỉnh táo để suy nghĩ, để thấy giây phút này anh đang mất mát, giây phút này vợ anh đang đau khổ, đang thiếu một bờ vai nâng đỡ. Anh nhận ra anh có một người vợ đảm đang nết na, không như cô hàng xóm hỗn xược với chồng, thấy các con anh ngoan hiền, thấy anh đang có một gia đình mà mọi người mơ ước. Bởi đâu? – anh tự hỏi lòng mình. Rồi tự trả lời: “Chẳng phải do chuyện kinh nguyện sớm tối làm cho vợ anh trở thành người mẹ tốt, người vợ đáng yêu đó sao? Nếu không kinh nguyện, lễ lạy sốt sắng thì các con liệu có ngoan ngoãn, đỗ đạt như vậy không?”. Giọt cà phê đắng ấy làm anh nhận ra hạnh phúc đang ở ngay bên mình. Hạnh phúc đó bởi đâu? Chẳng phải bởi Chúa đó sao? Anh quyết định trở về giữ lấy hạnh phúc của mình.
Anh cũng không nói cho chị biết lý do trở về, chỉ thỏ thẻ bên tai chị khi nước mắt đang rơi ướt trên bờ vai: “Hạnh phúc ở bên ta, Chúa làm mà ta không nhận ra… Em đã đúng!”.
Post a Comment