Header Ads

KHI CHÚA THƯƠNG…


Có lẽ đêm nay là đêm cuối cùng của tôi trên dương gian này! Cách đây một tháng, căn bệnh xơ gan cổ trướng tái phát, và tôi biết đã đến lúc tôi phải lên đường, từ giã cuộc sống lữ hành trần gian… Bác sĩ đã chẩn đoán là căn bệnh của tôi sẽ không kéo dài hơn một tháng. Chúa ơi, lẽ nào giờ đây tôi đang phải trải qua những giây phút sau cùng của đời mình? Thân xác tôi càng lúc càng rả rời hơn…! Tôi cố đưa mắt nhìn lại thân xác mình lần cuối cùng. Cái thân xác mà trước đây ngày nào tôi cũng kề cận, nhưng chưa khi nào nhìn kỹ như hôm nay. Tôi không muốn lìa xa nó chút nào. Giờ tôi mới cảm nghiệm được thế nào là cái từ: Chết!
Hơn 25 năm trong đời sống linh mục, tôi đã chứng kiến biết bao cái chết, đã giảng biết bao bài giảng lễ an táng, đã khuyên nhủ biết bao tang quyến. Thế mà hôm nay tới lượt mình, tôi lại thấy lo sợ. Có lẽ tôi không sợ cái chết cho bằng sợ cảm giác đánh mất chính mình. Đúng hơn, tôi không muốn giã từ cuộc sống này, tôi vẫn muốn làm con người!
Tôi bắt đầu nhớ lại hành trình cuộc đời mình, khởi đầu từ những trường hợp khó quên trong cuộc sống linh mục. Một ông lão mắc bệnh lao giai đoạn cuối. Ông phải ở trong  một căn phòng như cái chuồng gà. Con cái phải dựng cho ông một cái chòi để ở riêng. Nền nhà thay vì tráng xi-măng hay gạch hoa như thường lệ, thì lại được rắc cát trắng vào để dễ hút mùi hôi tanh sau những lần thổ huyết của ông.
Tôi nhớ lúc đó là hơn 12h đêm, có tiếng gõ cửa nhà xứ dập dồn, tôi mở ra thì thấy con trai lớn của ông.
- Ba con sắp đi rồi cha, xin cha tới ban phép xức dầu cho ba con.
Tôi vội vã sửa soạn hành trang rồi theo anh ta. Cách “cái chuồng” của ông vài chục mét đã nghe mùi tanh tanh rồi. Tôi xin một cái bàn, trải khăn thánh, thắp nến, đặt Thánh Giá và Mình Thánh Chúa lên đó.
- Chào ông, tôi mang Chúa đến với ông đây.
- Xin Cha đừng vào chỗ này, kẻo lây bệnh đó. - Ông nói trong tiếng nấc.
- Không sao, ông cứ yên tâm.
Mọi người cũng khuyên tôi là không nên vào, vì đây là giai đoạn cuối của căn bệnh lao và là thời kỳ dễ lây nhiễm nhất. Tôi cũng hơi run, nhưng làm sao bây giờ, không vào thì làm sao giải tội được. Tôi không nói gì, lặng lẽ bước vào ngồi bên cạnh ông.
- Ông dọn mình rồi xưng tội để đón Chúa nhá!
- Dạ!
Tôi giúp ông xét mình và ông bắt đầu xưng tội. Nửa chừng, một cơn ho dữ dội bộc lên, ông thổ huyết. Máu phụt ra và ướt hết nửa khuôn mặt của tôi. Mọi người đứng phía ngoài cũng ồ lên một tiếng rõ to, ai cũng lo lắng cho tôi và … tôi cũng lo lắng không kém. Tôi nhẹ nhàng đưa tay vào túi áo dòng, rút chiếc khăn lau vết máu trên mặt, rồi ôn tồn:
- Không sao, ông hãy tiếp tục!
- Con xin lỗi. - Nói rồi, ông tiếp tục xưng tội một cách xác tín và thánh thiện.
Sau khi cho ông lãnh các bí tích sau cùng, tôi về tới nhà xứ đúng 2h sáng. Tôi chạy ngay vào nhà vệ sinh rửa mặt thật kỹ, chà đi chà lại mà lòng vẫn lo lắng.
“Cốc, cốc, cốc”… lại có tiếng gõ cửa. Tôi bước ra thì con trai lớn của ông báo tin là ông đã về với Chúa trong tình trạng rất thánh thiện. Tôi lẩm nhẩm điệp khúc “khi Chúa thương gọi tôi về…” và lên giường ngủ, lòng rất an vui và nhẹ nhõm.
Giờ đây không biết ông lão trên thiên đàng có nhớ tôi không. Tôi lo lắng. Lúc này, tôi đang đi đoạn đường cuối mà ông đã đi qua. Tôi cũng muốn cất tiếng hát “khi Chúa thương...” nhưng sao khó quá. Tôi hát không nổi. Tại sao hát điệp khúc này hát cho người khác thì dễ, mà hát cho chính mình khó thế? Và rồi, một trường hợp khác lại xuất hiện trong đầu tôi. Nhà ấy có một đứa con trai, vừa ngoan hiền vừa giỏi giang. Thi đậu vào lớp 10 trường công lập xong, thằng nhỏ xin ba mẹ đi chơi suối với chúng bạn, rồi bị vấp ngã chết. Người mẹ ngồi bên cạnh xác con với khuôn mặt lạnh tanh ngây dại, đôi mắt khô rang đăm đăm không buồn chảy một giọt nước. Có lẽ đối với bà, nước mắt lúc này cũng trở nên vô nghĩa với nỗi đau mà bà đang gánh chịu.
Nghe tin, tôi ghé tới trong tư cách là bổn phận của người chủ chăn, để hiệp thông chia sẻ và cầu nguyện cho con bà. Trong khi cộng đoàn hát tới điệp khúc “khi Chúa thương gọi tôi về….” thì người mẹ chợt bộc phát: Thương gì lạ vậy mà thương! Ai cũng giật mình khi nghe bà nói, nhưng rồi mọi người đều im lặng như để an ủi bà. Vì lúc này, cho dù là ai và cho dù có khuyên gì đi nữa cũng không lấp nổi nỗi đau này.
Tôi bắt đầu nhớ lại những bài học trong Đại Chủng Viện, đặc biệt là môn “cánh chung luận”. Khi đó chúng tôi bàn luận và tranh cãi rất sôi nỗi về những sự sau cùng: chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Sao lúc ấy tôi bàn luận hăng say và sôi nổi đến thế! Chắc là vì lúc ấy tôi còn rất trẻ và có cảm giác như cái chết còn rất xa. Nếu bây giờ được sống lại giây phút ấy chắc tôi không dám nói gì nhiều. Mà đâu phải riêng tôi, hình như con người là như thế. Khi mình còn trẻ, có khi nào nghĩ tới cái chết đâu. Hồi đó, mỗi buổi sáng chạy bộ ra bãi biển Nha Trang, tôi chỉ thấy toàn người già đi tập thể dục. Điều này như minh chứng cho điều mà người đời thường nói: tuổi già mới sợ cái chết!
Tôi tiếp tục nhớ lại những bài giáo lý vỡ lòng. Những hình ảnh về cuộc giao tranh giữa Thiện và Ác mà các soeurs dạy giáo lý minh họa cho trẻ con dễ nhớ bài. Rồi tới những bài hát trong lễ đám tang. Có một điều tôi vẫn lấy làm khó hiểu là: Tại sao giáo lý dạy chết là cuộc trở về với Cha trong hân hoan, nhưng trong lễ an táng, tôi không thấy mang chút âm hưởng gì của sự hân hoan ấy. Từ cách trang trí bàn thờ, cho tới lễ phục của chủ tế, thậm chí là những giai điệu của thánh ca phụng vụ lễ an táng cũng mang âm hưởng trầm buồn. Lúc còn trẻ, tôi cũng từng thấy khó chịu về cách bài trí như thế. Nhưng giờ này, tôi lại thấy thấm thía hơn, không biết tại sao nữa.
Trời ơi, sao hôm nay tôi lại suy nghĩ những chuyện vu vơ thế nhỉ? Con người tôi đang bị giằng co dữ dội giữa sự lưu luyến và sự từ bỏ. Dù không muốn nhưng sự quyến luyến cuộc sống vẫn xuất hiện trong tôi. Tôi nhớ giáo dân của tôi quá chừng! Những bàn tay chai sạm, những nét mặt đen đủi với những nụ cười nhăn nheo của họ đã thắp cho tôi bao nhiêu hy vọng. Giờ đây, tôi chuẩn bị lìa xa tất cả. Cả cuộc đời linh mục của tôi, đi không cần hành trang, đến không cần điểm tựa. Vậy mà lúc này tôi cảm thấy ra đi khó quá chừng. Tôi cố hít một hơi thật sâu và thả lỏng toàn thân tối đa như là một chiến thuật trên bước đường từ bỏ. Nhưng ôi, sao khó quá! Tôi bắt đầu kêu xin Thầy tôi trợ giúp: “Lạy Thầy Giêsu, xin giúp con biết từ bỏ chính mình để theo Người mãi mãi, và giúp con hát lên điệp khúc “khi Chúa thương gọi tôi về…” bằng cả trái tim”!
Tôi đang suy nghĩ miên man thì tiếng trẻ con văng vẳng cất lên:
Thiên đàng địa ngục hai quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha
Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng.
Bài đồng dao của trẻ con đang chơi đùa trong sân giáo xứ đưa tôi về lại với tuổi thơ của mình. Tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Bầu trời vẫn cao cao. Các vì sao lấp lánh như đang vẫy chào tôi. Tôi mĩm cười mà nước mắt lưng tròng.
Reng, reng, re…e…ng…
Tiếng đồng hồ báo thức điểm 3h30 sáng. Tôi giật mình tỉnh giấc. Hóa ra, nãy giờ tôi đang mơ một giấc mơ thật dài. Tôi hít một hơi thật sâu để định thần lại mình đang ở đâu. Tôi làm Dấu Thánh Giá dâng ngày cho Chúa. Sau đó, tôi chuẩn bị mọi thứ để dâng thánh lễ. Thánh lễ sáng nay là lễ an táng cho một thanh niên trong giáo xứ mới bị tai nạn giao thông hôm trước, để lại người vợ trẻ măng và hai đứa con nhỏ xíu. Và một câu hỏi lóe lên trong đầu tôi: Có nên khởi đầu bài giảng bằng điệp khúc quen thuộc “khi Chúa thương gọi tôi về…” nữa hay không?
Nhạn Đình
(Nha Trang)
Giải Triển Vọng Viết Văn Đường Trường 2013
Powered by Blogger.