GIEO HẠT
Hôm dẫn chầu cho buổi gặp mặt sinh viên Công giáo, mấy đứa khen tôi viết hay, áp dụng đúng thực tế, lại có tâm tình. Cái giọng Quảng Trị lai một chút Nha Trang nghe bùi bùi, mềm mềm lại đánh động được con người ta đến thế! Cũng chẳng có gì to tát, chỉ là cầu xin Chúa cho đừng rơi vào căn bệnh vô cảm mà xã hội đang lên án, như bài huấn giảng của cha tuyên úy thôi. Dù sao được khen, tôi cũng thấy sướng cả người.
Tôi ở nội trú, mỗi tháng chỉ được về nhà một lần. Tháng nào cũng vào ngày đầu tháng là hớn hở chạy xe về quê, phần thì hết tiền, phần thì nhớ nhà. Sinh viên năm đầu là thế. Có tháng về nhà chẳng lý do gì cả, biết là ba mẹ bận đi làm, tối ăn cơm chung rồi nằm dài trước hiên nhà một đêm, sáng mai chạy ra lại Nha Trang. Chỉ thế thôi mà vẫn cứ nôn nóng về nhà. Lần này thì cũng có lý do hẳn hoi, về xin tiền.
Gió nhẹ dưới cái ráng chiều tà thật là thoải mái. Xe tôi bon bon chạy dọc theo con đường làng đổ nhựa, hai bên thưa thớt bóng dừa. Tôi đang thả hồn theo cơn gió chiều đồng nội, tận dụng chút gió đồng để tâm hồn thoải mái trước kỳ thi kết thúc năm thứ nhất, chợt nghe một tiếng kêu “wei” khi vừa rẽ qua ngã tư xã Cam Hiệp, ngoảnh mặt thấy người đàn ông ngoắt ngoắt tay xin “quá giang”. Người lão mềm nhừ, đi từng bước ngập ngà ngập ngưỡng xiêu vẹo như muốn té xuống mặt đường sần sùi, lô nhô đá một-hai do thiếu nhựa hắc mà đám công nhân đã ăn bớt ăn xén khi thi công. Hai mắt lão có vẻ lờ đờ của người thiếu ngủ, giọng khàn khàn day ra từng tiếng mệt mỏi đứt quãng để xin quá giang. Im lặng, tôi nhìn đồng hồ đang chỉ 14h, còn 1h30 phút: có 1h để chạy xe, 15 phút ghé khu nội trú, 15 phút đến trường, thế là kịp giờ thi. Nhưng lòng cũng muốn giúp lão bớt lê lết một quảng đường dài. Dừng xe có ý vậy, nhưng chợt thấy lão có vẻ thấm men say, người lão hơi loạng chọang, tôi đâm ngán. Nghĩ, lên xe lão ngồi không vững, có thể té xuống đường rồi tôi chuốc họa vào thân, hoặc lão cứ càm ràm lè nhè nhức cả đầu, người ngà ngà say có bao giờ để miệng nghỉ ngơi đâu, mà tôi còn phải tỉnh táo để vào phòng thi. Một ý nghĩ chợt đi qua bảo tôi chạy tuột đi, mặc kệ lão, rồi sẽ có người khác lo. Nhưng rồi, tôi lại nghĩ bụng: “Làm vậy thì tệ quá!”
Lão tự khai ở trên Khánh Sơn xuống, lên xin làm gỗ, cơm đùm gạo bới, mấy ngày ngồi chờ việc thì ăn hết những gì mang theo. Buồn quá làm chút rượu tiêu sầu, giờ đói co ro, ngày qua cuốc bộ 50 km vượt đường mòn từ trên đó xuống mệt lử cả đôi chân, mà toàn thân cũng ê ẩm. Đó là lý lịch tôi biết được về lão qua lời kể. Cái kiểu lừa gạt thế này tôi quá quen, đi đâu cũng nghe người khác cảnh giác. Như hôm bắt đầu xách gói vào đời sinh viên, đi thăm bà con, nhìn tướng mọt sách của tôi ai cũng bảo: Cẩn thận nghe con, đừng khéo tin người, thiệt bụng quá là dễ bị lừa. Chiêu trò này xưa như trái đất, còn lâu mới bị lừa - tôi nghĩ bụng. Lão sẽ lờ đờ lên xe, đi một quãng đường tới khúc vắng teo, lão sẽ quay ngoắt đầu cái rụp, người lão bổng trở nên tỉnh queo, hai mắt sáng quắc ra như con mèo vừa trông thấy con chuột nhắt chạy qua. Nhanh như điện, lão rút dao kề sát cổ tôi và một sợi dây vòng qua siết chặt ống thanh quản lại, bảo tôi rẽ vào một cánh đồng vắng vẻ vắng ve, sau đó đi ra với chiếc xe máy, mang theo đồ đạc, để lại tôi ngoi ngóp tuyệt vọng ở nơi không biết là đâu. Tôi sẽ mò mẫm trong bóng tối tìm lối về... Người thân nhìn tôi không một chút thương hại bảo: “Trời đất, ngu chi mà ngu dữ vậy, bữa nay mà còn bị lừa ba cái vụ này nữa”. Nhất là mấy người ở quán cắt tóc gần nhà hay ra tán dóc sẽ thửng thơ: “Trời, thằng này ngu thiệt!”
“Nhưng nếu lão không lừa thì sao, lỡ lão đói thiệt thì sao? Mình không chở, không cho ăn, người khác cũng làm giống mình thì sao? Ai đưa lão về ? Ai cho lão ăn? Lão sẽ tiếp tục lê từng bước dưới cái nắng mùa hè và chắc chắn ngã gục, chết lịm trên con đường hun hút. Lão sẽ chết! Vậy lời cầu xin hôm dẫn chầu là để cho vui vậy thôi sao, chẳng phải là cơ hội để khẳng định mình không mắc vào căn bệnh mà xã hội và Giáo hội lên án đó sao?”... Tôi tự hỏi mình.
Tôi gật đầu, lão hớn hở lên xe nhưng nụ cười vẫn nhăn nheo như cánh hoa chiều vì bụng đói. Tôi chỉnh lại cái gương chiếu hậu xem lão có động tịnh gì đáng nghi không. Chợt, lão chồm qua người tôi nói vọng lên: “Mấy ngày nay chưa có gì bỏ bụng, đói quá đi!”, và xin ít tiền. Tôi bảo lão ăn bánh mì cho tiện thì lão từ chối cách thẳng thừng: “Từ nhỏ tới giờ không ăn đựơc mì gói và bánh mì”. Sự đáng nghi ban nãy, giờ đã kéo về và rõ nét trong tôi. Độ cuối tháng, hết tiền, bụng đói, mấy thằng tôi giành nhau gói mì của phòng nữ bên cạnh lủm ngon lành. Có khi phải chạy qua cầu cứu Phượng, Phượng hay nhăn nhó bảo tôi tiêu kiểu gì mà không biết lường tính, cuối tháng nào cũng trống túi. Trời xui đất khiến sao mà tôi lại mê cái nhăn nhó của Phượng. Hay tại yêu Phượng rồi nên cái gì của người yêu tôi cũng yêu luôn. Có lần Phượng giận, tôi bảo: “Sao em nhăn nhó mà trông dễ thương vậy?”- Phượng đập vai tôi: “Xạo!”… Vậy mà lão trong tình thế này lại đòi ăn sang. Con người này không đáng tin. Tôi bắt đầu thấy lo lắng, qua đoạn đèo Bãi Dài nhiều chỗ vắng, lão mà giở trò thì tiêu thật luôn. Không tự trả lời được, nhưng tôi trở về một quá khứ trong tiềm thức: Nếu bạn muốn giúp người mà còn tính toán được gì và mất gì thì lòng nhân hậu của bạn đã đóng lại. Tôi để lòng mình nghỉ ngơi và nhủ thầm: “Lạy Chúa, nếu Chúa là người hành khách này thì tuyệt vời, còn nếu Chúa đang ở đâu đó đưa mắt nhìn con thì xin Chúa bảo vệ con!”
“Xe buýt”, tôi reo lên một tiếng đến đổi lão giật mình hỏi: “Gì vậy?”. Tôi mừng hớn hở như hôm giải ra bài toán kinh tế chính trị trong đề thi vậy. Đưa lão đến trạm xe buýt, tôi sẽ vừa an toàn mà lão cũng được về tới nhà. Ví không có tiền lẻ, bốn tờ một trăm ngàn mẹ mới đưa, tôi đưa lão một tờ, bảo lão về xe buýt, ra tới nơi thì đón xe ôm về nhà và kiếm gì bỏ bụng. Khi quay xe để trở lại đường Bãi Dài thì thấy lão bỏ trạm xe buýt bước đi một đoạn. Lão sẽ tiếp tục cuộc hành trình lừa gạt những con người nhẹ dạ như tôi, tôi nghĩ vậy.
Suốt chiều hôm đó, tờ một trăm cứ nhảy lui nhảy tới trong đầu tôi. Một trăm bằng hai mươi bó rau muống mà mẹ lặn lội dưới ruộng nước, cộng mấy quả mãng cầu, mấy quả mướp mẹ trầm trầy trầm trọc ngẩng cổ khều hái, thêm mớ rau dền mẹ loay hoay buộc cả buổi tối, cộng thêm nhọc nhằn ngồi suốt cả buổi chợ sáng của mẹ. Tôi hình dung khuôn mặt lão hí hửng, cái cười diễu cợt với tờ bạc giấy mà lão đã lừa lấy được trên sự vất vả của mẹ tôi. Chiều hôm qua, tôi còn hớn hở khi đưa lão tờ một trăm ngàn, nghĩ đã làm một việc tốt mà mẹ đã dạy từ thuở níu tay mẹ đi lễ. Mỗi lần tan lễ, mẹ thường bảo tôi: “Nghe cha giảng không con, giúp người, làm việc tốt”. Bây giờ, lại thấy ngán ngẩm với hai mươi bữa mì gói sắp tới trong tháng này. Thế nào cũng bị Phượng càm ràm.
Nhưng tôi cũng còn phải học để thi, còn phải lạc quan, còn phải vui vẻ để tin cuôc đời không lừa gạt. Mà tôi còn sống với những con người khác, những con người cần đến tôi, tôi không thể ngồi đó ôm nỗi nghi ngờ với khuôn mặt ủ rủ được. Tôi nghĩ một cách lạc quan hơn, không sao, chưa chắc lão lừa. Biết đâu lão không chịu nổi những cú sốc dồn dập của xe buýt khi dừng trạm như tôi vậy, biết đâu lão sẽ nôn mửa khi ngửi mùi máy lạnh tạp nham của xe buýt nên phải đi một đoạn để đón xe đò, biết đâu chừng vì đói nhừ người, lão phải đi tìm cái gì bỏ bụng rồi mới lên xe. Có lẽ mẹ sẽ không buồn như tôi nghĩ. Hôm ra Nha Trang học, ai cũng nhắc nhở tôi cảnh giác, riêng chỉ có mẹ bảo: “Cố gắng sống tốt nghe con, mình làm cho người ta điều gì đó thì đời sẽ làm lại cho mình như vậy, đong đấu nào Chúa trả đấu nấy đó con, đừng quá lo thiệt thân”. Vậy, mẹ chẳng phải vui mừng đó sao? Tôi thôi suy nghĩ, xách cặp tài liệu vào giảng đường.
Phượng bảo tôi xuống phụ xách đồ, mẹ Phượng đi khám bệnh, tiện ghé thăm. Quà ở quê khi nào cũng khệ nệ, nặng nề, mấy lần trước cũng vậy. Mẹ quê thương con, cái gì cũng nghĩ con cần nên mang tất cả: xoài chín, xoài xanh, vú sữa, đu đủ chín, đu đủ xanh để dành và cả mít. Phượng hớn hở nói chuyện với mẹ, để lại người đàn ông loay hoay chuyển đồ trên chiếc xe hon-đa cũ mèm xuống. Tôi khựng lại vì chạm phải mặt ông ta khi trao túi xách cho tôi. Nãy giờ ông cúi mặt, loay hoay tháo dây, chuyển đồ. Khuôn mặt hơi ngâm, hai gò má hốc hác cháy nắng, cái mũi gãy, đầu tóc quăn bị nắng đốt, có vẻ hơi trầm tính. Tôi đã nhận ra ông. Ông thì ngờ ngợ tỏ vẻ đã gặp tôi ở đâu đó mà không nhớ rõ. Những vết nhăn kéo nhau về chằng chịt trên vầng trán của ông để cố nhớ tôi là ai. Suy nghĩ, và suy nghĩ. Rồi ông bật ra một câu thiếu hụt: “Cậu là...”. Phượng quay qua phía chúng tôi và tiếp nối câu thiếu vị ngữ của ông: “Dạ, ảnh là bạn của con. Đây là cậu của em.” Khuôn mặt của ông đầy sự bất ngờ: “Trời đất, là cậu. Bữa đó, may nhờ cậu giúp đỡ.” Ghé thăm con không quá năm phút vì mẹ Phượng phải kịp giờ đến bệnh viện. Cuộc viếng thăm quá ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi và Phượng một niềm vui: Phượng, được mẹ đến thăm; tôi, gieo hạt đúng ruộng đất và hạt giống đã nảy mầm.
Trăng Làng
(Nha Trang)
Post a Comment