GIEO MẦM SỰ SỐNG
Ngồi đợi gần nửa giờ đồng hồ vẫn chưa thấy đò xuất hiện, tôi bồn chồn như có lửa đốt trong lòng. Nhìn đồng hồ, tôi nghĩ đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn còn nhanh hơn đi xe đò từ Sài Gòn về quê tôi. Cần Giờ quê tôi cách trung tâm Sài gòn có mấy chục cây số, nhưng do ngăn sông cách đò phải mất mấy tiếng mới về đến nhà. Từ hồi lấy chồng xa đến giờ, tôi ít khi về thăm quê, có khi cả năm không về nhà lần nào! Sau khi tốt nghiệp đại học, rồi duyên số đẩy đưa, tôi lấy chồng xa. Nay, em trai gọi điện báo mẹ đau nặng khó có thể qua khỏi, tôi phải xin nghỉ việc để về quê. Cha tôi mất sớm, mình mẹ tần tảo nuôi năm chị em chúng tôi nên người. Tôi là đứa con gái đầu tiên trong làng học lên đến đại học. Điều này là niềm tự hào của mẹ tôi.
Cách nhau con sông Long Hầu, vậy mà bên này sông khác bên kia một trời một vực. Bên này là huyện Nhà Bè có điện, nước, đường, trường học, trạm xá khá đầy đủ; còn bên kia vẫn thiếu nước, chưa có điện, đường thì lầy lội, ổ gà ổ voi… Nghe đâu người ta sắp mở đường, xây cầu để phát triển vùng biển quê tôi thành trung tâm du lịch gì đó. Tôi cầu mong cho có cái cầu, con đường hẳn hoi để dân huyện tôi dễ dàng bắt nhịp cuộc sống cùng các huyện thị khác của Thành phố.
Nghĩ đến đây, tôi ngẩng mặt lên nhìn sang bên kia, một màu xanh ngút ngàn chân trời của cánh rừng đước trải dài vô tận. Tôi có cảm giác lo sợ không biết màu xanh kia, sự bình lặng yên ả của quê hương tôi kia, rồi có còn nữa hay không? Xã hội càng văn minh, nếu không được chuẩn bị tốt, sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề phát triển khập khiễng. Tự dưng tôi cảm thấy tiếc nuối, nếu một ngày nào đó với sự phát triển quá mức, sẽ làm lụi tàn những cánh rừng kia. Một sự giằng co, giữa cái bình yên của cuộc sống thôn dã và sự ồn ào hào nhoáng của đô thị không biết bên nào tốt hơn, đang xảy ra trong tâm hồn tôi.
Tiếng “bành bạch” kêu đều đặn, chiếc đò rẽ nước đi tới. Ngồi trong khoang dành cho hành khách, tôi hướng mắt nhìn ra bên ngoài. Sự mênh mông của sông nước làm tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ trước sự bao la của đất trời. Mỗi lần đi phà hay đò, tôi rất thích một mình thinh lặng ngắm nhìn sự diệu vợi của thiên nhiên. Từ lâu rồi, mỗi lần như thế, hình ảnh anh lại hiện về trong tâm trí tôi:
“Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có chuyện gì hay không…”
***
Chuyện xảy đến với tôi đã hơn mười năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in mọi tình tiết êm đềm đó. Lúc ấy, tôi đang là sinh viên năm cuối đại học. Cũng tại bến đò này, nhưng hồi đó chưa có đò máy, chỉ có đò chèo bằng tay. Vui thì bác chèo đò ở bên này, buồn thì bác ở bên kia nên nhiều hôm phải đợi cả tiếng đồng hồ mới qua sông được. Đấy là chưa kể những hôm nước xuống còn phải đợi lâu hơn nữa.
Chiều Chúa nhật hôm đó, mẹ tôi nói: “Nay đúng con nước. Nước xuống! Con nên đi sớm kẻo lỡ đò. Nếu lỡ đò phải đợi đến đầu giờ chiều nước mới lên”. Mấy tháng mới về nhà một lần, tôi và các em ríu rít đủ thứ chuyện. Và kết quả khi tôi ra đến bến đò thì chiếc đò đã ở tít xa giữa lòng sông. Tôi băn khoăn, trở về nhà thì tốn kém và thế nào cũng bị mẹ tôi “ca” cho một bài, còn ở lại phải đợi mấy tiếng cũng chán. Đang lưỡng lự thì vừa lúc đó, anh phóng xe tới. Nhìn ra giữa lòng sông, anh buột miệng: “Hay thật! Lại trễ đò nữa rồi”. Trông thấy tôi, anh mỉm cười và hỏi: “Em cũng trễ đò à?” . Tôi trả lời: “Vâng!”. Lúc trả lời anh, tôi ngước lên nhìn và chợt nhận ra nơi anh có cái gì đó đặc biệt mà tôi không tìm thấy nơi những người bạn trai của mình.
Tôi bị anh hớp hồn ngay. Anh người cao lớn, trông có vẻ hiền lành và đứng đắn. Đôi mắt sâu ẩn dưới cặp kính cận với vẻ ngoài trí thức càng tô điểm thêm những điều thiện cảm tôi có về anh. Anh dắt xe để dưới bóng râm của cây bàng. Anh quay về phía tôi và hỏi: “Ô! Trông em có vẻ là người dân vùng này, sao lại bị trễ đò?”. Tôi không trả lời mà hỏi lại: “Anh trông giống dân thành phố, xuống đây làm gì vậy? Sao lại chỉ đi có một mình thôi?”. Nhìn tôi một cách dễ tính, anh nói chậm rãi: “Thường thứ bảy, Chúa nhật mình hay xuống vùng này thăm bà con. Mình thích đi thăm họ lắm!... Chuyện đợi đò vẫn thường xảy ra đối với mình. Em có muốn đi thăm những bà con gần đây với anh không?”. Anh hỏi có vẻ không tha thiết lắm, cũng chẳng khách sáo. Tôi hỏi lại: “Bà con anh ở gần đây à?”. Anh cười: “Không! Mình không biết nữa! Thì mình cứ đi thăm đại. Vào nhà ai họ cho gặp thì gặp, ai không thích thì mình đi chỗ khác”. Thấy vẻ mặt nhíu mày tỏ vẻ không hiểu của tôi, anh giải thích: “Bà con mình nói là những người dân vùng này, chứ không ai là họ hàng ruột thịt với mình chi hết. Tứ hải giai huynh đệ! Mình là con người với nhau nên có sự liên đới tình người. Mình đi thăm, xem và cảm nghiệm đời sống cơ cực của bà con vùng này như thế nào…”. Tôi hỏi lại: “Thế anh là chuyên viên khảo cứu xã hội à? Chứ chẳng có ai rảnh rang đi chơi không không bao giờ…”. Đưa mắt nhìn tôi anh nói: “Em có muốn đi hay ở đây chờ thì tùy”. Vừa nói xong, anh đã quay bước men theo bờ sông đi về phía những túp lều ven sông.
Tôi lưỡng lự, ở lại một mình cũng chẳng làm gì, mà đi theo anh kể cũng kỳ kỳ. Nhìn bề ngoài người ta là vậy, còn bên trong thế nào ai mà biết được!
“Hoạ hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm”
Mấy năm sống xa nhà phải ở trọ đã giúp tôi có kinh nghiệm khi tiếp xúc với những người khác, trở nên dè dặt thận trọng hơn.
Anh vẫn để đồ đạc lại trên xe, đi người không giữa cái nắng chang chang, tiến về phía những túp lều xa xa. Tôi cảm thấy như mình bị thúc giục bởi một cái gì đó, liền gọi với theo: “Đợi em với… Anh gì ơi! Cho em đi theo với”. Anh dừng lại và đợi tôi đến rồi cùng đi. Vừa đi anh vừa hỏi tôi một vài thông tin xã giao về bản thân tôi.
Hai chúng tôi đi men theo bờ sông, khoảng chừng hai trăm mét là tới mấy túp lều gần đó. Nhìn thấy chúng tôi đang đi bộ từ đàng xa, bọn trẻ như phát hiện ra một cái gì đó khác thường, chúng chạy ùa tới, tíu tít đủ thứ chuyện: “Thầy cô đến thăm chúng mày ơi!”.
Đứa đi trước. Đứa chạy sau. Đứa nắm tay. Đứa xô đẩy nhau chí choé. Chúng với anh hình như có mối dây liên lạc vô hình nào đấy. Tôi không hiểu được. Điều tôi cảm nhận là chúng rất quý anh và anh có tác động tích cực lên chúng. Đi qua túp lều nào anh cũng ghé vào chào hỏi họ dăm ba câu. Người già thì anh hỏi han về sức khoẻ, các bậc cha mẹ thì anh nói chuyện về công việc làm ăn, việc học hành của con cái họ. Gặp các thanh niên nam nữ, anh trêu khéo: Bao giờ thì mời anh uống rượu?!... Tôi có cảm giác như anh là người của mọi người. Anh biết rõ hoàn cảnh của mỗi gia đình anh đến thăm. Anh nhớ tên từng người và hỏi họ về những vấn đề khó khăn trong cuộc sống mà họ đang đối mặt.
Qua câu chuyện anh tiếp xúc với bà con nơi đây, tôi dần hiểu ra: Tên anh là Ngọc, mọi người gọi là “Thầy Ngọc”. Anh là thầy giáo? Năm ngoái anh về công tác dưới huyện tôi một năm. Cứ thứ bảy, Chúa nhật anh từ dưới huyện lên đây thăm bà con. Bây giờ anh đã về lại thành phố, lâu lâu rảnh rang anh lại xuống thăm bà con một lần, đặc biệt vào các dịp lễ Tết.
Chẳng biết do đâu, hay tại anh có tín hiệu gì đặc biệt, mà mấy chục em thiếu nhi từ các ngõ ngách chung quanh gọi nhau í ới, đổ ra đi theo chúng tôi. Sau khi đi thăm mấy nhà đầu lối, anh quy tụ các em lại thành vòng tròn ở bãi cỏ ven sông và cùng nhau hát hò vui chơi. Đột nhiên, tôi cảm thấy ghen tị với các em vùng này. Chúng cũng chân lấm tay bùn như tôi, nhiều đứa không có cơ may đến trường, còn những đứa đi học thì nửa buổi đến trường, thời gian còn lại đi mò cua bắt ốc… Vậy mà hồi còn nhỏ bằng chúng, tôi nào có dịp được hát hò, chơi đùa như thế này. Mãi đến khi lên tới đại học, khi đi tham dự các kỳ cắm trại, tôi mới chợt nhận ra mình khờ khạo, không thuộc những bài hát sinh hoạt đơn giản, những quy định tối thiểu của sinh hoạt nhóm. Tôi rất thích tham dự những buổi sinh hoạt hát hò, các công tác từ thiện xã hội, nhưng bị mặc cảm về những hạn chế của mình vì không biết cách thức phải sinh hoạt ra sao. Tôi nghĩ sau này lớn lên, khi tung mình vào các môi trường xã hội, các em sẽ cảm nhận được những giá trị mà chúng đón nhận được từ nơi anh lúc này.
Vừa chơi, tôi vừa lén nhìn anh nhễ nhãi mồ hôi khi hát, sinh hoạt với các em. Tìm tôi tự dưng đập rộn ràng, một cảm giác nao nao. Thương anh cách lạ lung! Một cảm giác tự nhiên mà tôi không hiểu được và chưa từng có trước đây. Một ý nghĩ táo bạo chợt loé lên trong tôi: muốn chiếm trọn anh cho riêng mình… Mọi tiết mục (trò chơi) anh đưa ra, tôi đều hưởng ứng, tham dự tích cực. Tôi cũng không hiểu sao hôm nay đứng trước anh và các em vùng này tôi tự tin cách lạ thường, không như những dịp tham dự ở trường lớp. Có phải do cách thức anh đưa những người tham dự vào cuộc chơi một cách đặc biệt, không phải là lối trình diễn, thể hiện mình như tôi đã từng thấy nơi những người khác?
Chúng tôi đang chơi thật hào hứng, bỗng dưng thấy anh nhìn ra dòng sông và bảo các em dừng. Rồi anh dặn dò điều này điều kia… vì nước đã lên và anh phải về. Tụi trẻ có vẻ tiếc nuối vì cuộc chơi chấm dứt giữa chừng. Nhưng có lẽ quen với sự đến rồi ra về bất chợt của anh nên chúng ngoan ngoãn nghe theo. Lúc chia tay, các em lại tíu tít đủ điều. Chúng mong anh mau xuống lại thăm chúng. Có lẽ, vì chúng quý mến anh nên tôi cũng được hưởng lây. Tôi cảm nghiệm về một tình liên đới giữa con người với con người cách đặc biệt. Tôi cũng là dân vùng này, nhưng hôm nay tôi cũng có sức hút đấy chứ?!
Tôi và anh trở lại bến đò. Vẫn chưa có đò. Chúng tôi đến ngồi dưới gốc cây, nơi anh để xe. Anh lấy chai nước ra mời tôi uống. Chúng tôi ngồi đợi đò và nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Tôi nghĩ đây là lúc thuận tiện để thăm dò những thông tin về anh, vì từ nãy tới giờ tôi đâu có dịp. Thấy anh mồ hôi nhễ nhãi, tôi định lấy khăn giấy ra lau cho anh. Nhưng nghĩ mình là con gái, lại mới gặp anh mấy tiếng đồng hồ chưa biết thế nào nên thôi. Tôi đưa khăn để anh tự lau lấy.
Anh hỏi tôi cảm thấy thế nào? Có vui không? Tôi không muốn khen anh nhưng chỉ nói lên sự thật: “Chưa bao giờ em có một cuộc chơi vui như hôm nay. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp trong đời em, chắc không bao giờ em quên được. Hoá ra trễ đò mà lại hay!” - Anh nhìn tôi cười đầy bí ẩn: “Cuộc đời là vậy đó. Nó là một trò chơi đã có giải đáp, nhưng chúng ta phải tìm cách giải nào có ý nghĩa nhất. Nó chứa đầy bí ẩn trong suốt hành trình ta đi tới. Nó không đơn giản như phép toán một cộng một là hai, mà có những mối liên hệ vòng vo chằng chịt”. Tự dưng anh quay sang hỏi tôi: “Em có nhớ bài hát lúc nãy anh tập cho các cháu ở đây không?”. Tôi trả lời: “Nhớ chứ! Nhưng em chưa thuộc. Anh hát lại để em ghi được không?”. Anh hát cho tôi nghe: “Đời con một chuyến đi dài, dọc hành trình con âu yếm trong tay những hạt mầm cho tương lai rực rỡ, con gieo xuống bên vệ đường đất đỏ, thật trìu mến như muốn ngỏ tình yêu … Để một sớm, để một trưa, để một chiều, để thêm mưa, để thêm nhiều giọt nắng, đường con qua sẽ rực thắm muôn hoa…” (1).
Anh vừa hát xong thì đò cập bến. Lúc này đã có nhiều người đang đứng đợi ở bến đò. Chúng tôi đi tới và cùng nhau lên đò. Bác chèo đò đang chống sào đẩy con đò ra xa khỏi bến… Tôi vào trong khoang ngồi nhưng anh lại đứng ở mũi đò, mặt hướng ra xa, nhìn dòng nước mênh mông giữa trời cao trong xanh và như đang suy nghĩ điều gì đó. Anh đứng bất động như hoà quyện vào đất trời bao la. Nhìn anh, tôi khát khao được đứng cạnh bên, cùng anh hoà quyện vào cái thế giới bao la ấy. Tôi mường tượng ra một ngày nào đó được đầu kề vào vai anh để anh truyền cho sức mạnh. Nhưng không biết bao giờ điều đó mới thành hiện thực? Bây giờ tôi muốn lắm nhưng không thể. Tôi không dám phá vỡ cõi riêng tư của anh.
Mọi khi tôi thấy bác chèo đò chèo chậm rãi khoan thai, nhưng hôm nay tôi có cảm tưởng bác chèo vội vàng hơn. Tôi muốn cứ được ngồi nhìn anh như vầy mãi. Nhưng thời gian không ngừng trôi. Đò đã cập bến. Giờ nói lời chia tay với anh đã đến… Bác chèo đò vừa bắc xong tấm ván là anh đã vội vàng dắt xe lên, không quay lại chào tôi một tiếng. Anh tệ thật! Thế là anh đi thật ư? Tôi, lòng buồn bực, lững thững bước lên bờ, chen lấn trong đoàn người đang vội vã bước lên. Tôi như đau nhói trong tim. Tôi có cảm giác hụt hẫng, như vừa tuột mất một cái gì đó không bao giờ lấy lại được. Tôi tự xấu hổ và cảm thấy mình thật vô lý…
- Này cô bé! - Anh gọi.
Tôi vờ như không nghe thấy. Anh lại gọi lần nữa.
- Này! Thanh Tâm.
Khi nghe anh gọi đúng tên tôi, tôi cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng anh dành cho tôi. Tôi quay về phía tiếng anh gọi mà chân vẫn bước đi, vờ như không nhìn thấy anh. Anh vẫy tay về phía tôi và nói:
- Anh quên mất… Em đi xe đò, phải đợi ở đây cả tiếng đồ hồ mới có chuyến xe cuối cùng từ ngã ba chạy vào. Nếu muốn đi quá giang đến ngã ba anh cho đi. Rồi sau đó bắt xe buýt cho nhanh.
Tôi mừng hết cỡ, nhưng vờ ra vẻ lưỡng lự. Vì từ lúc ở bên kia đợi đò, tôi đã có ý định xin đi nhờ mà còn e ngại. Tính tôi vốn không muốn nhờ vả ai, riêng với anh sự thể lại khác. Giờ anh gợi ý cho đi quá giang thì còn gì bằng! Tôi nói như có vẻ đắn đo:
- Vậy cũng được. Em đỡ mất thời gian và cũng đỡ tốn tiền xe.
Con đường từ bến đò ra ngã ba chừng năm cây số, đường đất lồi lõm. Những lần trước, thỉnh thoảng bị nhỡ đò tôi vẫn đi xe ôm. Tôi phát khiếp khi các chú xe ôm lái, ngồi đằng sau người cứ nẩy lên tưng tưng. Mỗi lần như thế, tôi phải ôm chặt lấy bác tài nếu không muốn bị rớt. Lần này không như vậy. Anh chạy đều đều. Tôi cảm tưởng những ổ gà ổ vịt đi đâu hết. Tôi mong có cơ hội ôm chầm lấy anh mà không có.
Đi gần đến ngã ba, tôi nghĩ trường mình nằm trên đường về trung tâm thành phố nên muốn xin anh cho quá giang luôn thể, và cũng để anh biết chỗ có dịp nào ghé qua chơi. Tôi nói lên ý định của mình và được anh đồng ý. Xe tiếp tục chạy bon bon. Ngồi đằng sau anh, bao nhiêu suy nghĩ mông lung hiện về trong trí tưởng tượng của tôi. Nhìn sang hai bên đường, rừng đước xanh bạt ngàn trải dài mêng mông, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng với những ý nghĩ buâng quơ.
Nhoáng một cái, anh đã chạy đến trước cổng trường tôi. Chừng bốn chục cây số từ bến đò đến trường tôi, những hôm nào thuận giờ đi xe buýt, nhanh cũng phải mất gần hai tiếng. Nay chưa đầy một tiếng đồng hồ tôi đã có mặt trước cổng ký túc xá. Xe anh dừng trước cổng. Tôi mời anh lên phòng uống nước và để biết chỗ ở của tôi, nhưng anh từ chối vì đã trễ giờ, anh phải về. Mời anh lên phòng không được tôi định xin địa chỉ, số điện thoại để liên lạc. Nhưng nghĩ mình là con gái, ai lại làm vậy. Hơn nữa, tôi có thể dọ tìm, xin bà con ven sông địa chỉ của anh cũng được. Khi xe anh phóng đi rồi, hoà theo dòng chảy vô tận của dòng người, tôi mới giật mình và tiếc nuối. Giữa dòng người đông đúc như thế kia, nếu không biết đích xác về anh khó có thể gặp lại. Một cảm giác hối tiếc ngập tràn trong tôi.
Từ lần đó đến nay, tôi không bao giờ gặp lại anh nữa. Tôi có dò la tin tức bà con ven sông, nhưng họ chỉ biết anh ở trên thành phố xuống thăm họ là đủ, họ chẳng có nhu cầu phải xin địa chỉ… Cuộc sống của họ là vậy, rất đơn giản nhưng cũng rất chân tình. Tôi âm thầm ấp ủ những tình cảm đẹp về anh. Tôi chẳng biết phải gọi tình cảm này là gì. Tôi chỉ biết hình ảnh anh luôn hiện diện trong tôi.
Thời gian trôi đi, tôi tốt nghiệp đại học, vào làm cho một công ty đa quốc gia. Công ty tôi có chi nhánh ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Tôi được chuyển ra Hà Nội để làm việc. Ở đó tôi quen anh Sơn, sau mấy năm cùng làm chung rồi tìm hiểu nhau, chúng tôi đã tiến tới hôn nhân. Hiện tôi đã có hai con, chúng đều xinh xắn, ngoan ngoãn. Gia đình tôi hạnh phúc, vì chúng tôi có thời gian dài tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân, và chúng tôi được cả hai bên nội ngoại thương mến. Tuy vậy, nơi sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn chừa một khoảng trống cho những hình ảnh cao đẹp tôi đã có về anh, cho dù chúng tôi chỉ gặp gỡ có một lần trong đời.
“Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy
ngàn năm hồ dễ mấy ai quên?”.
***
Mấy hôm nay, về đến nhà là tôi phải nhìn cảnh mẹ tôi nằm thở thoi thóp. Mẹ như ngọn đèn trước gió. Các bác sĩ bó tay trước căn bệnh của mẹ. Mẹ nằm đợi tử thần đến rước đi. Tôi có cảm giác mẹ rất ung dung tự tại trước cái chết. Mẹ tôi càng an bình bao nhiêu thì tôi lại càng khắc khoải bấy nhiêu. Lâu nay, tôi ít khi suy nghĩ về cái chết, về phận người… Chẳng nhẽ cuộc đời con người bi đát vậy sao? Sống ở đời này làm gì? Trên đời này không thiếu gì những con người thừa ý chí, thừa trí khôn, kể cả những kẻ được mệnh danh là “làm nên lịch sử”, chung quy cũng chỉ là những nhân vật của một tấm bi hài kịch vĩ đại và bất tận sao? Con người cũng chỉ như con vật, chết rồi là hết! Mấy trăm tiết học về chính trị, học về chủ thuyết này nọ thật vô ích, không giúp tôi vượt qua được biến cố hiện sinh trước mắt. Nó không giúp tôi trả lời đâu là những giá trị mà mẹ tôi đã vất vả tạo lập suốt cuộc đời?
Chuyện gì đến sẽ đến. Con người chẳng thể níu kéo thêm cuộc sống ở cõi đời này. Mẹ tôi đã ra đi. Điều làm tôi ngạc nhiên là mẹ tôi ra đi trong bình an, thanh thản, như đi vào giấc ngủ, đi vào một thế giới khác. Tôi cảm nhận mẹ vẫn đang hiện diện đâu đây cùng chị em chúng tôi.
Vùng quê tôi, lác đác có những người, những gia đình theo đạo Công giáo. Nguyên do là chú Hai Tương bên cạnh nhà tôi, bị đưa đi “học tập cải tạo” sau biến cố 1975 và ở cùng một ông Cha. Chú được ông cảm hoá. Sau khi “đi học tập” về, chú đã hướng dẫn, giúp đỡ những người khác theo Đạo. Nghe đâu, lúc đầu cũng có nhiều khó khăn từ phía chính quyền lắm. Tôi biết được chuyện này vì mẹ tôi và các em cũng là những người theo Đạo. Phải chăng mẹ tôi đã tìm ra được chân lý cho cuộc đời mình trong niềm tin của Đạo?
Vì đã sống xa gia đình, xa làng xóm cả chục năm và đang là đảng viên, tôi là người duy nhất trong gia đình chưa vào Đạo. Trong suốt mấy ngày mẹ tôi nằm xuống, bà con đến đọc kinh cầu nguyện cho mẹ, tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ biết tiếp đón, mời nước lúc họ mới đến cũng như trước lúc họ về. Có lẽ vì lý do trên, và cũng với tư cách là chị hai, nên sáng này, sáng cuối cùng trước khi tiễn biệt mẹ tôi ra nơi an nghỉ cuối cùng, các em giao cho tôi nhiệm vụ đáp từ khách mỗi khi có hội đoàn đến cầu nguyện, kính viếng. Em tôi còn dặn dò kỹ càng là hôm nay có “cha” đến dâng lễ nên chị…
Không biết tôi đã được nghe câu nói “tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ” bao nhiêu lần rồi trong mọi cuộc học tập liên quan tới tôn giáo, nhưng những ngày này, đứng trước sự ra đi của mẹ tôi, tình cảm và đức tin của những người đồng đạo đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi chưa xét đến mặt đức tin, chỉ xét riêng mặt xã hội thì tôn giáo vẫn còn nguyên những giá trị của nó. Nó làm cho con người sống xứng đáng là người hơn.
Tôi đang ngồi trong phòng suy tính công việc thì cậu út chạy vào:
- Chị hai ơi! Cha đến rồi. Nhờ chị ra tiếp chuyện giúp em.
Tôi đứng lên, chỉnh lại quần áo cho ngay ngắn và đi ra. Bất ngờ nhìn thấy anh, tôi quên mất anh là “cha” đến dâng lễ cầu nguyện cho mẹ tôi. Tôi hấp tấp, vồn vã chạy đến bên và hỏi: “Anh Ngọc! Anh còn nhớ em không?... Em là Thanh Tâm, cô bé cách đây hơn mười năm về trước cùng bị nhỡ đò với anh, rồi sau đó anh cho em đi thăm bà con ven sông và sinh hoạt văn nghệ với các em ở đó… Và rồi, còn cho em đi quá giang về tận ký túc xá… Từ hồi ấy, em cố tìm gặp anh mà không được”.
Anh vẫn vậy, vẫn cái dáng người như thủa nào, nở nụ cười hiền từ và hỏi tôi: “Ủa, đây là nhà em à? Tôi có nghe mọi người nói về em, nhưng không nghĩ là người tôi đã từng gặp”.
- Dạ! Đây đúng là nhà em.
Lúc này tôi giật mình nhớ ra là cậu út bảo ra tiếp “ông cha”. Chẳng lẽ anh là cha đạo? Tôi phải xưng hô thế nào đây? Ngôn ngữ của những người có đạo tôi không rành. Tôi mời anh ngồi và vẫn nói chuyện một cách thân tình. Tôi kể cho anh đôi chút về hoàn cảnh và cuộc sống của tôi. Lúc này bà con đã đến rất đông, tôi không hiểu tại sao mọi người từ già đến trẻ đều chào anh là “Cha” một cách thành kính. Tôi chẳng còn biết mình phải xưng hô thế nào cho phải?
Đang băn khoăn thì cậu út vào và mời cha ra chuẩn bị cử hành nghi lễ. Nhìn cung cách nói chuyện tự nhiên và thân tình của tôi với anh, cậu út tôi ngạc nhiên và hỏi: “Chị hai quen cha à? Chị có hay về quê đâu mà lại quen được cha? Với lại cha ở thành phố, chỉ những dịp lễ lớn mới về đây “dâng lễ trộm” rồi lại đi ngay. Chị gặp ngài khi nào?”. Tôi nhìn anh với ánh mắt ra hiệu và gật đầu nói với cậu út: “Con người là một huyền nhiệm đầy bí ẩn với những mối liên hệ vòng vo chằng chịt…”.
Trong buổi hành lễ, anh giảng về những điều trong đạo mà tôi không hiểu được nhiều lắm. Có câu anh giảng làm tôi thấy vững tin hơn khi nhìn về cái chết: “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất, có thối đi mới sinh nhiều hạt khác. Bất cứ vật gì sống trên trần gian này cũng phải vậy, ngay cả đối với cái chết của con người. Chúng ta không chết mà đi vào trong sự gặp gỡ Thiên Chúa một cách đầy đủ nhất”. Nghe anh giảng, trong tôi lại vang lên lời bài hát năm nào anh đã hát cho tôi. Bài hát mà đã bao nhiêu lần trong đời tôi hát, để nhắc nhủ mình hãy gieo những hạt mầm cho tương lai rực rỡ… “Đường con qua sẽ rực thắm muôn hoa”…
Tôi chợt hiểu ra, tại sao khi mới gặp anh lần đầu, trực giác của tôi đã cảm nhận nơi anh những điều phi thường. Đời thật có ý nghĩa biết bao khi ta biết gieo xuống cho đời, cho người, cho Trời những hạt mầm sự sống. Một niềm hy vọng về cõi xa xăm nào đó đang bừng lên trong tôi. Con người chết không phải là hết, mà đang nảy mầm vào một sự sống mới…!
Post a Comment