Header Ads

CHUÔNG CHIỀU

Ba vị đạo sĩ lên đường. Bấy giờ, ngôi sao họ đã nhìn thấy ở phương Đông lại hiện ra, dẫn lối cho họ đến tận nơi ở của Hài Nhi mới dừng lại... (trích Kinh Thánh)
Bà cụ đã ngủ yên rồi. Cô gái gấp sách lại, đặt lên bệ cửa sổ. Thoáng có chút gió. Cô đóng bớt một cánh cửa. Sắp hết chiều. Nắng muộn trốn trong những cụm mây đỏ ối hắt ra lửng lơ giữa trời, trông như những dòng tơ mảnh, thoáng thấy thoáng không. Ước gì bây giờ được nghe một tiếng chuông giáo đường! Cô gái bật cười với ý nghĩ: "Mình lại bị lây bà cụ mất rồi!". Cô quay sang dém chăn cho bà. Bà nằm trên chiếc ghế mây. Chiếc ghế có hai chân hình cánh cung thuôn dài, cong cong như kiểu bập bênh ngựa gỗ. Ghế bập bênh và ngựa gỗ. Một cách nào đó, về già chính là trở lại tuổi thơ. Chẳng thế mà gần đây bà lại bảo cô đọc Kinh Thánh cho bà nghe. Kinh Thánh, một dạng cổ tích của người Do Thái, cô nghĩ thế. Đọc Kinh Thánh, một cách nghe chuyện cổ tích kiểu người già đây mà!
– Mấy giờ rồi chị? Đã chuông chưa? - Bà cụ đột ngột tỉnh giấc hỏi.
– Hơn năm giờ bà ạ! Chuông từ lúc nãy rồi.
– Thế à?
Cô không biết bà có buồn hay không, bởi gương mặt người già vốn đã được định hình bằng những nếp nhăn, thật khó để nhận ra chút cau mày phật ý. Ngày cô nhận việc chăm sóc bà, chị con gái chỉ vào chiếc máy hát cũ:
– Chốc chốc thì bật cho bà nghe nhé!
Trong máy có cuộn băng thu sẵn tiếng chuông nhà thờ.
– Ngày xưa nhà tôi ở khu Công giáo. Không theo đạo nhưng mẹ tôi nghiện nghe chuông lễ. Nếu không vì làm ăn thua lỗ phải bán căn nhà ấy thì... – Chị con gái chép miệng – Cũng may, bà già rồi, mắt tai nghễnh ngãng cả rồi...
Nhưng chẳng mấy khi cô bật cái máy ấy. Cô không thích dối người khác. Cô luôn nghĩ cái thật bao giờ cũng hơn. Thế nên cô dành thời giờ đưa bà đến những nhà thờ quanh vùng. Chiều hiu hắt, một già một trẻ cạnh nhau. Chuông xao xác đổ, như từng cơn ký ức dội xuống lòng bà. Bà ứa nước mắt. Tấm màng mờ nhoè bao năm bọc lấy con ngươi bỗng như mủn ra. Bà chợt trông thấy rõ ràng một vùng đồi đất nâu bạc phếch, những vạt cây còi cọc cháy nắng. Gió lơ phơ đẩy những xác cầu gai xơ tướp lăn tồng tộc. Một thiếu nữ rón rén bước, gương mặt trông rất quen. Có vẻ như cô đang theo dấu người con trai đi phía trước. Chàng trai ấy vì hình dáng thanh mảnh quá nên như hoà người vào trong nắng chói loa loá. Bất ngờ anh quay lại. Không trông rõ mặt, chỉ biết khoé miệng vẽ một nét cười...
Rồi chuông ngưng. Chút thanh âm rắc trong thinh không đã tan mất. Lại chẳng một chút sáng, lại đôi mắt như đêm đen, sợi dây ký ức bị cắt đứt, bà dò dẫm trong nhớ nhớ, quên quên...
– Tối rồi, mình về bà nhé! Cháu sẽ đọc Kinh Thánh cho bà nghe.
Cô gái với lấy tập sách trên bệ cửa sổ, giở ra.
– Hôm qua cháu đọc đến đoạn nào nhỉ? Đây rồi!... Ba vị đạo sĩ lên đường. Bấy giờ, ngôi sao họ đã nhìn thấy ở phương Đông lại hiện ra, dẫn lối cho họ đến tận nơi ở của Hài Nhi mới dừng lại... 
Một kết thúc có hậu! Các câu chuyện cổ tích bao giờ cũng kết thúc có hậu. Cuối cùng ba kẻ có lòng cũng tìm được minh Chúa của mình, nhờ ánh sao soi đường. Còn bà, những tiếng chuông ấy có dẫn bà tìm được ký ức?
Khuya vắng. Cô gái mở cửa sổ. Trời rất trong. Sao chi chít thắp bừng cả một vùng cổ tích. Ai nấy đều ngủ. Bà cụ cũng ngủ. Không, họ đang thức đấy chứ! Họ thức trong những giấc mơ. Mỗi giấc mơ là một cuộc hành trình. Và trong hành trình của chính mình thì người ta không ngủ. Người ta thức để chờ một ánh sao dẫn đường. Mọi cuộc hành trình đều cần một ánh sao dẫn đường. Cô gái khép cửa sổ. Cô cầu mong một ánh sao dẫn đường sẽ rơi vào giấc mơ của bà cụ. Nhưng cô đâu biết bà đang tiếp tục hành trình của mình theo những nhịp chuông rung. Mỗi nhịp chuông rung là một lớp màng phong toả ký ức xưa cũ lại bong ra. Mỗi nhịp chuông rung là một tiếng gõ vào cánh cửa quên lãng. Cứ gõ, gõ mãi cho đến lúc trí nhớ xuất hiện. Phải rồi, bà nhớ có một miền quê nghèo; một ngôi nhà thờ lớn bằng vài ba mảnh sân nhà, vách đóng cọc tre và mái lợp lá; một vị linh mục già; một chú giúp lễ trẻ măng dáng người mảnh khảnh; và một thiếu nữ ngoại đạo thường lén theo sau chú giúp lễ mỗi lần trông thấy chú có việc đi qua làng...
Cô gái giơ tay ra phía ngoài hiên. Trời đang mưa. Chiều nay cô đưa bà đi nghe chuông thì gặp mưa. Cô xoay lưng chắn mưa cho bà. Ngọn đèn đường nhập nhoạng vài vệt sáng loang trên lưng áo cô. Còn bà cụ hoàn toàn chìm trong tối. Không có những tiếng chuông bà hoàn toàn chìm trong tối. Mơ hồ quên, nhớ. Vô định như những hạt mưa rải giữa trời...
Cô gái cúi nhìn nhìn đồng hồ trên tay. Chắc phải còn lâu mới về nhà được. Mưa chưa ngớt. Không khí hoai nồng mùi ẩm mốc. Bậc thềm trú mưa hẹp lại vì có thêm người. Một chị phụ nữ dẫn một bé gái tấp vào. Cô bé phụng phịu, rơm rớm nước mắt. Chị phụ nữ cau mày:
– Còn đứng đó hờn dỗi gì nữa! Cái tội trốn học giáo lý là lớn lắm nhé! Lát nữa về mẹ sẽ méc ba đánh đòn.
Cô bé vung tay, giậm chân.
– Nhưng giáo lý khó lắm! Con đã thức học mấy đêm rồi mà vẫn không thuộc.
Cử động của cô bé làm những chiếc chuông nhỏ trang sức trên vòng tay, vòng chân phát ra tiếng leng keng. Tiếng động rất nhỏ, tiếng chuông rất nhỏ, nhưng trong một giây không gian xung quanh bất ngờ im ắng, bà cụ bỗng nghe ra một chuỗi ngân nga xao động vỗ về. Bà lại thấy người thiếu nữ ấy. Cô đang vơ vẩn ngó nghiêng dưới nền đất, thi thoảng lén xoay sang nhìn người con trai đang cắm cúi ghi chép gì đó từ trong sách ra một quyển tập.
– Em vẫn chưa thuộc bài giáo lý tuần trước à?
Chàng trai ngừng tay, ngẩng lên nhìn thiếu nữ. Cô lập tức cúi gằm mặt, ấp úng.
– Khó, khó quá! Em chẳng hiểu gì cả, làm sao mà thuộc! Tại sao Chúa Trời lại có ba ngôi? Tại sao đến ba ngôi vẫn chỉ là một Chúa? Tại sao Cha, Con và Thánh Thần lại ngang bằng nhau?
Chàng trai khẽ mỉm cười:
– Này em, ngày còn bé em có chơi rước đèn trung thu không? À, hoặc là buổi tối nhà em có thắp nến không?
Thiếu nữ không trả lời, chau mày nhìn chàng trai lom lom. Chàng trai buông bút, hướng mắt lên mỏm đồi xa, nơi cây Thánh Giá được dựng đơn sơ đang đứng yên trầm mặc.
– Có bao giờ em tách được ánh sáng và sức nóng ra khỏi ngọn nến không? Có bao giờ cây nến cháy mà lại không ánh sáng, không có sức nóng toả ra không? Thiên Chúa ba ngôi chính là như thế. Ba ngôi, nhưng chỉ một Chúa mà thôi!
Mỗi lần ngồi một mình trong tối, thiếu nữ lại thắp một ngọn nến. Kìa giọt sáp lung linh đang nhảy nhót giữa tim đèn hay chính là ánh mắt anh mỗi khi giảng giải Kinh Thánh. Lòng vẩn vơ những mối cảm xúc phiền phức, thiếu nữ hết giở ra rồi lại gấp vào tập sách giáo lý, không hay ngọn nến đã cháy đến giọt cuối cùng.
Bà cụ ngồi yên trong tối. Khách trú mưa hết vào lại ra. Một chiếc xe máy đang lượn vòng vèo chợt rẽ vào hiên. Người đàn ông cầm lái lảo đảo bước xuống, moi chiếc di động đang reo ầm ĩ ra khỏi túi, bấm nút, hét toáng lên:
– Gọi gì mà gọi hoài. Nghỉ lễ một bữa thì có làm sao! Đang nhậu ngon lành. Làm mất hứng không hà! 
Điện thoại vừa ngắt, lại ngay lập tức đổ chuông. Người đàn ông vất luôn chiếc điện thoại xuống đường, leo lên xe máy, lảo đảo chạy đi. Thật lạ, chuông lần này đổ thật lạ, sa sả cứ như là... Có lần bà cụ đã nghe một thiếu nữ nói với một chàng trai bằng giọng điệu này.
– Anh thật là... Lễ lạy ngày nào chẳng giống ngày ấy? Hơn kém gì nhau mà quan với chẳng trọng!
Chàng trai im lặng bỏ đi. Thiếu nữ mấy lần định giơ tay với níu rồi lại thôi. Tuổi trẻ mà, trăm suối ngàn sông có khi cạn chỉ vì một câu nói. Được ít lâu, thiếu nữ theo gia đình đi xa. Niềm nao nức say mê học đạo nhạt dần trước ồn ào, rộn rã phố thị. Chờ khi thời trai trẻ qua rồi, đi gần giáp một vòng đời người, lại quay về những ước mong thơ trẻ. Muốn đọc một đoạn Kinh Thánh… Muốn nghe chuông lễ chiều chiều… Muốn thắp nến ngồi học giáo lý… Muốn về xem lễ một lần trong ngôi nhà thờ lợp mái lá trên gò đồi đất nâu…
Lại có người ghé vào trú mưa: một ông cụ và một chú bé. Ông cụ đẩy chú bé vào trong, dùng tay vuốt bớt nước sũng ướt trên vai áo cậu. Cậu bé tháo chiếc túi vải đang đeo, dỡ những thứ bên trong ra: một quyển sách, chai dầu, chiếc chén đồng, cái chuông nhỏ... Cậu vắt ráo cái túi, lại lần lượt bỏ từng thứ một vào bên trong. Cầm chiếc chuông nhỏ, cậu hoa tay lắc lắc liên hồi. Ông cụ từ tốn:
– Đừng nghịch nữa con! Làm phiền mọi người.
Cậu bé nheo mắt:
– Mong cho mau hết mưa Cha nhỉ! Kẻo lỡ buổi tĩnh tâm tối mất.
Ông cụ gật đầu, nhè nhẹ xoa đầu cậu bé.
           Tiếng chuông, lại cả tiếng nói nữa, quen quá! Bà cụ ngoảnh lại, run rẩy:
– Ông, ông đấy phải không?
Bà nhoài người lên phía trước, những muốn nắm níu những xưa cũ vừa tìm lại được. Cô gái vội đỡ lấy bà:
– Bà, bà gọi cháu ạ?
Bà cụ loay hoay:
– Ông ấy, ông ấy đâu?
Cô gái nghiêng sang ông cụ, nói khẽ:
– Mắt bà cháu bị loà. Mà dạo gần đây cụ lại có vẻ như mong ngóng ai đấy. Ông thông cảm ạ!
Ông cụ gật đầu, cúi xuống, nắm nhẹ tay bà lão:
– Vâng, là tôi đây. Là tôi đây mà!
Bà cụ hết khóc lại cười:
– Bây giờ tôi vào đạo có được không ông? Có kịp không ông?
Bà bỗng nấc lên, rồi không nói nữa. Ông cụ bảo cậu bé lấy chiếc chén đồng ra hứng nước mưa trước hiên. Ông đổ nước trên trán bà và đọc:
– Tôi rửa bà nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...

Qua mấy phút yên tĩnh, cô gái nhận ra bà cụ đã không còn thở nữa. Bà đã đi. Một hành trình mới. Một miền đất mới. Chắc chắn bà sẽ đến nơi. Cô nghĩ thế. Bà đã gặp được ánh sao dẫn đường rồi.

Đinh Thị Thu Hằng
(Sài Gòn)
Giải II Viết Văn Đường Trường 2013

Powered by Blogger.