Header Ads

Đường Tu

Trần Thị Huyền Vân
(Vinh)
Giải Triển Vọng Viết Văn Đường Trường 2013

Liên cứ ngỡ là sẽ được tận hưởng một mùa hè bình yên nơi làng quê bình dị của mình. Cô sẽ được thả hồn trong tiếng sáo diều réo rắt, được ngắm nhìn bầu trời trong vắt sau luỹ tre làng thân yêu, được hít hà hương thơm dìu dịu say say của mùi rơm mới...

Thế nhưng, lần gặp gỡ Khôi hôm ấy đã làm xáo trộn tất cả. Hôm đó, Khôi mời Liên đi uống nước ở quán vỉa hè. Chẳng phải lần này Liên mới đi với Khôi. Mùa hè nào chẳng thế! Kết thúc năm học, về nghỉ hè, mấy đứa bạn học vẫn thường phone cho nhau, thỉnh thoảng gọi nhau đến mấy quán vỉa hè gặp mặt. Gặp để nói đủ thứ chuyện tào lao, từ chuyện bầu cử tổng thống Mỹ, đến những xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cả chuyện nhà bà Tư xóm trên hồi chiều bị mất con trâu... Nhưng hôm đó, Khôi chỉ gọi mình Liên đi. Liên đùa: “Chắc không phải có tình ý gì riêng với mình chứ?”. Khôi cười, nhưng ánh mắt đượm nét buồn u ẩn.

Liên rất thích túm tụm với đám bạn ở các quán vỉa hè như thế này. Nói là quán nhưng thực ra chỉ là mấy bộ bàn ghế nho nhỏ, hoặc những chiếc chiếu nhựa trải dưới các gốc cây bên đường. Phục vụ quán chỉ một hoặc hai người. Khách vào quán chủ yếu là đám thanh niên làng. Họ nhâm nhi chén nước chè, hoặc nhân trần, trà đá; nhấm nháp mấy món cóc, ổi, xoài dầm... Họ nói chuyện thế sự, tiếu lâm, đời thường... Họ muốn tận hưởng cái không gian là cả cánh đồng mênh mông thoáng đãng.

Khôi chọn cái bàn nhỏ dưới gốc cây xà cừ phía cuối quán, cách xa mấy đám thanh niên đang ồn ào. Làn gió mát rượi mang theo hương nồng nồng ngai ngái của lúa đương chín. Mảnh trăng non dọi ánh sáng bàng bạc giăng mắc khắp thôn làng. Liên ngắm nhìn Khôi. Những sợi tóc xỏa xuống trên vầng trán thư sinh của Khôi không hiểu sao gợi cho Liên một cảm giác se buồn... Khó khăn lắm, Khôi mới chia sẻ được với Liên những tâm sự sâu kín của mình. Khôi nói rằng Liên là người Khôi tin nhất, rằng Khôi muốn Liên cầu nguyện cho mình... Liên không thể gọi tên được những cảm xúc của mình lúc ấy. Rối tung. Hỗn độn. Cũng khó khăn lắm, Liên mới cư xử được một cách bình thường với Khôi. Nói là bình thường nhưng vẫn có nhiều phần gượng gạo.

Không lẽ thế ư? Những điều Khôi nói là thật? Liên không tin. Hay đúng hơn là không muốn tin. Khôi và Liên là bạn học cùng lớp thời THPT. Nếu nói có một người con trai nào làm trái tim Liên xao xuyến thì đó chỉ có thể là Khôi. Mặc dù, từ lúc còn nhỏ, Liên đã ủ ấp ước muốn được “đi nhà dòng” (như cách nói của người làng quê Liên). Nhìn các soeur trong chiếc áo dòng đen với chiếc lúp đen viền trắng trên đầu, đọc Thánh Kinh với giọng điệu nhẹ nhàng, cho rước lễ với cử chỉ khoan thai, điềm đạm mà Liên thấy thích quá. Đâu phải như mấy chị gái của Liên, lúc nào cũng tất bật, lo toan; lắm lúc còn cau có, bực bội. Có lần, chị Hai về, khóc lóc, kể tội chồng với mẹ. Sụt sịt một hồi rồi tiếc rẻ: “Biết thế ngày xưa con không lấy chồng, đi tu cho khoẻ”. Mẹ thở dài: “Mày tưởng đi tu mà dễ à! Mà nếu đi tu cho khỏe, để trốn lánh việc đời, thì Chúa đâu có chọn mày!”. Liên tự vấn, mình cũng chỉ vì thích phong thái của các soeur mà có ước muốn đi tu. Phải chăng cũng là một cách “trốn lánh việc đời” như mẹ nói? Ước muốn của mình đâu phải xuất phát từ một mục đích cao cả nào? Vậy Chúa có chọn không? Nhưng biết đâu được… Ngày xưa các Tông đồ đi theo Chúa ban đầu cũng đâu phải xuất phát từ mục đích cao cả nào! Họ tưởng theo Chúa sẽ được vinh hoa phú quý ở đời này. Thế mà Chúa vẫn chọn đấy thôi! Cuối cùng, các Tông đồ ấy, họ đã không tiếc cả tính mạng mình để làm chứng cho Chúa, để tiếp tục thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại của Con Người đó sao? Chẳng phải Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta đã từng nói: “Thiên Chúa biết vẽ những đường thẳng trên những nét cong” đó sao?

Thế nhưng, Khôi đã làm cho Liên phải dao động. Vì Khôi, có lúc Liên đã mơ một giấc mơ khác: Giấc mơ về một mái ấm gia đình, một ngôi nhà nho nhỏ, những đứa con ngoan, những bữa cơm đạm bạc mà ấm cúng... Nhưng cuối cùng, những rung động đầu đời đó không làm cho Liên thay đổi mơ ước nguyên sơ của mình. Khôi là cành hồng hay là thập giá mà Liên gặp trên con đường mình đi? Có lẽ là cả hai. Liên không sợ phải đối mặt với những tâm tình đó. Nếu không có những cảm xúc như thế, thì đi tu đâu còn là khổ giá? Đấu tranh để vượt qua chính mình. Phải chăng đó mới là tu? Liên biết, Khôi hoàn toàn không hay biết những tình cảm của Liên đối với mình. Khôi chỉ nhìn thấy ở Liên sự chân thành trong tình bạn. Có lẽ, đó là lí do Khôi chọn Liên để chia sẻ.

“... Liên à! Mình thực sự rất khổ tâm khi phát hiện ra mình là người đồng tính. Mình sợ mọi người sẽ nhìn mình bằng con mắt khác. Liên hãy giúp mình... Liên hãy cầu nguyện cho mình...”

Đất trời như sụt lở dưới chân Liên. Gương mặt Khôi như những mảnh ghép vỡ ra dưới ánh trăng nhàn nhạt... Những ấn tượng đẹp đẽ của Liên đối với Khôi bỗng chốc như biến thành những đám mây đen đặc quánh, không tan đi, mà bám chặt lấy tâm trí Liên, kết tụ lại trong cái cảm giác như ghê sợ, như muốn xa lánh Khôi... Liên tự trách mình: Sao mình lại có thái độ kỳ thị với Khôi như thế? Khôi là một con người. Hơn nữa còn là một người bạn rất tốt của Liên. Khôi chắc đang đau khổ lắm? Khôi đã chọn mình để chia sẻ, vậy thì mình phải cố gắng làm sao để không phụ lòng Khôi chứ!

Có lúc Liên hoài nghi, có phải Khôi đồng tính thực sự, hay chỉ là một sự tự kĩ ám thị? Khôi mồ côi cha từ lúc còn nhỏ. Mẹ Khôi một mình nuôi con. Bà đã dồn tất cả tình yêu thương vào đứa con trai duy nhất. Nhưng dù thế nào cũng không thể bù đắp được những thiếu thốn về tình cảm mà chỉ người cha mới có thể đem lại cho con. Liệu có phải vì thế mà Khôi luôn khao khát sự mạnh mẽ của một người đàn ông? Liệu có phải một phần do Khôi chịu ảnh hưởng của xu thế thời đại?... Dù sao thì những suy nghĩ của Liên vẫn chỉ là những suy nghĩ của người ngoài cuộc. Liên chỉ biết hi vọng rằng, ngày mai, Khôi sẽ khác ... Liên vẫn cầu nguyện. Cho mình. Cho Khôi. Cho các chị gái của Liên. Cho mọi người....

Năm học cuối cùng trôi qua. Liên ghi tên dự tuyển vào một tu viện.

Mẹ Liên lo âu: “Mẹ không phải không ủng hộ mày. Nhưng chỉ sợ đường tu dang dở, người ta lại cười cho, rồi mang khổ vào thân...”

Nỗi lo lắng của mẹ Liên không phải không có căn cứ. Chẳng là ở gần nhà Liên, có chị theo đuổi ơn gọi tu trì mười mấy năm. Mười mấy năm, chị đã bỏ tuổi thanh xuân trong những tháng ngày xa lắc. Mười mấy năm, chị không còn là thiếu nữ trẻ măng ngày nào. Bụi thời gian đã in hằn những nét ưu tư trên vầng trán chị, nhuốm sạm màu da trên đôi má hồng hào của chị ngày nào. Mười mấy năm... chị nhận về cái quyết định “không phù hợp”. Chị khóc, nước mắt lặn vào trong. Mẹ chị vật vã. Nhiều người xì xầm “đi không trọn đường tu”. Người làng quê Liên có kiểu “đạo đức” đến “lạ”. Yêu kính các “đấng bậc” (cách gọi của họ về những người tận hiến cho Chúa) hết mực. Nhưng một khi họ có sai lầm hay có điều gì thất thế, thì cũng chê bai không tiếc lời. Liên không hiểu hết những ẩn tình trong quyết định của bề trên tu viện chị ấy. Chỉ hiểu đôi chút qua tâm sự ngắn ngủi của chị, rằng bề trên thấy chị “thiếu sáng suốt trong nhận định”. Liên ngạc nhiên, vì sao mười mấy năm trời, chị mới nhận được quyết định như thế?

Chị vẫn muốn tiếp tục theo đuổi mơ ước của mình, qua một tu viện khác. Liên chỉ biết an ủi chị: “Thiên Chúa luôn có những chương trình riêng của Ngài. Có lẽ Ngài muốn chọn cho chị một con đường khác. Ở nơi nào, chị thấy lòng mình thực sự bình an, chị hãy dừng lại ở đó. Em tin đó là nơi Thiên Chúa muốn chọn cho chị”.

Mẹ Liên cũng chỉ vì thương con, sợ con phải chịu khổ. Nhưng Liên không sợ. Cuộc đời là một hành trình đi tìm và thực thi thánh ý Chúa. “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày”. Ước mơ của Liên vẫn còn vẹn nguyên như ngày xưa. Chỉ riêng mục đích là có chút ít thay đổi. Liên muốn thực sự được hoà mình với Chúa để cảm nghiệm phần nào nỗi đau mà Ngài đã gánh chịu cho nhân loại. Cảm nghiệm một cách sâu xa nỗi đau của những người sống bên mình, là mẹ, là Khôi, là chị hàng xóm khát khao ơn gọi tận hiến, là các chị gái của Liên trong bậc sống hôn nhân... Chẳng phải, họ đang vác thập giá của họ đó sao?

Khôi vẫn sống độc thân. Anh tham gia nhiều hoạt động xã hội cũng như Giáo hội. Có lần, Khôi chia sẻ với Liên: “Mẹ Khôi bây giờ không lo buồn quá như trước đây nữa. Có lần, mẹ bảo mình hay cứ lấy vợ đi, biết đâu mình cũng sẽ bình thường như bao người đàn ông khác. Nhưng mình thực sự không muốn bất cứ người con gái nào trở thành vật thử nghiệm cho giới tính của mình. Chỉ khi nào mình thực sự rung động với một người con gái nào đó, mình mới quyết định lập gia đình”

- Còn nếu không? - Liên hỏi, giọng nghiêm trang.

- Thì... - Chợt Khôi mỉm cười, đưa mắt nhìn Liên - Liên nói đúng, mỗi con người chúng ta đều nằm trong chương trình riêng của Chúa. Nếu Chúa định đó là thập giá mình phải vác, thì mình xin sẵn sàng. Mà chẳng phải chỉ những người như Liên mới đi tu đâu nhé. Suy cho cùng, bất cứ ai ở bậc sống nào, dù tận hiến, hay độc thân, hay xây dựng gia đình... nếu sống đúng bậc mình, cũng đều là đi tu đấy thôi. Bởi con đường theo Chúa là con đường thập giá mà.

- Đúng thế, Khôi à! Nhưng Liên cũng tin rằng Chúa sẽ không bắt ai phải vác quá nặng, bởi “ách của Ta thì êm ái mà gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. Chỉ cần có ơn nghĩa Chúa, mỗi chúng ta sẽ đi trọn đường tu...

________________________________________________________

Powered by Blogger.