Header Ads

Đường Ngược Chiều - Giải Viết Văn Đường Trường V, bản tin số 14

Mã số: 17-146

Tàu về ga chập choạng tối, Nam đứng đó tự bao giờ. Quyên bất ngờ vì gặp lại ánh mắt ấy, ánh mắt mà cô luôn thấy mình còn mắc nợ. Đang lẩm bẩm tự hỏi sao Nam lại biết được ngày mình về thì Nam đưa tay kéo chiếc vali từ tay Quyên vừa hỏi: Quyên mệt không? Chị Mai nhờ Nam đón Quyên... Quyên thuộc lòng ý đồ của người chị gái, lâu nay chị vẫn khăng khăng cản Quyên đi tu chỉ với một lý do là sợ em khổ. Có lẽ chị nghĩ rằng trái tim Quyên dù gì vẫn làm bằng thịt, mà nó đã một lần rung động, khi có cơ hội, ai dám chắc được nó sẽ không rung thêm một lần nữa. Chị hy vọng...

Hà Nội về đêm đẹp lãng mạn lạ thường. Nam nói hai giờ nữa mới có chuyến xe về Thái Nguyên. Vậy là Nam có dịp chở Quyên đi lòng vòng Hà Nội như thủa sinh viên. Quyên ngồi sau không còn tự nhiên như trước nhưng vẫn nhỏ nhẹ:

- Đáng lẽ giờ này Nam phải chở một cô bé dễ thương nào đó rồi chứ nhỉ?

- Cô nào hả Quyên?

- Thì một em trẻ trung xinh đẹp nào đó...

- Có ai đâu! Nam cười hiền lành. Mặc cho dòng xe cộ ồn ào chảy qua, hai con người lâu ngày gặp lại cứ đua nhau đuổi theo những khoảng không trống rỗng trong mình.

(Ảnh minh họa)

Con đường đêm dưới ánh đèn lạnh buốt. Nam tạt vô tiệm chè Sài Gòn trên phố Láng và gọi hai ly sữa chua nếp cẩm một đá, một ấm. Nhìn cái cách ấy, Quyên biết Nam chưa hề quên điều gì dù là nhỏ nhất. Nam kể về quãng ngày sau khi ra trường, về gia đình trong lúc sa sút rủi ro, về người mẹ hiền lành nhưng can đảm trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Nam còn kể về những lần anh chứng kiến sự vô cảm của con người trước những lần siết nợ, những đồng tiền nặng lãi bóp nghẹt mẹ con anh. Anh lao đầu vào công việc và gánh trách nhiệm về gia đình trên vai, không còn thời gian nghĩ cho riêng mình. Có lần trên công trường, Nam can thiệp vào mấy vụ bất bình, không ai trong công ty ủng hộ, họ còn nói anh dại dột, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, và cuối cùng anh cũng bị vạ lây. Nam không giải thích được vì sao con người lại có thể đối xử tàn nhẫn với nhau đến thế... Chẳng còn chút tử tế của lương tâm và lòng ngay thẳng. Nam ủng hộ Quyên khi Quyên chọn rời xa chốn này để đi vào tu viện, dù biết lý do của Quyên không phải là trốn tránh sự đời, Quyên có lý do cao thượng hơn. Nhưng Nam thấy thế là tốt nhất cho Quyên. Nam thà thấy mình đau hơn là thấy Quyên bị tổn thương và bị thế gian làm khổ tâm. Quyên ngồi đó như pho tượng Người Trinh Nữ. Cô nghe tất cả và nuốt từng lời chia sẻ của Nam. Những vất vả cực nhọc quá nhiều từ ngày hai đứa xa nhau. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh trớ trêu. Nhưng Quyên vui vì thấy những thứ bên ngoài cuộc sống không dễ gì làm mất đi lòng nhân hậu và những phẩm chất cương trực trong con người Nam mà Quyên biết. Thương Nam quá! Nước mắt trào ra nhưng đó không phải là thứ cảm xúc bồng bột thủa nào. Nam lúng túng châm điếu thuốc rồi hí hoáy nhắn tin. Quyên cũng mở điện thoại: “Quyên đừng khóc, Quyên khóc nữa là Nam không cho Quyên đi tu nữa đâu.” Quyên cười, nước mắt lại rơi...

Học xong đại học, Quyên đi tu. Đó là ước mơ của mẹ cô và sau này là của chính cô. Quyên xin vào một dòng tu ở Sài Gòn. Quyết định đó đã chỉ nhận được sự phản đối kịch liệt từ các anh chị, họ trách Quyên bất hiếu, không thương bố và các em. Thi thoảng trong những giấc mơ xen lẫn những lần thức giấc, ký ức Quyên lại hiện lên rất rõ con đường ngược chiều giữa thành phố Vĩnh Lạc. Cô thực sự thấy mình lạc lõng và lẻ loi. Hôm ấy, sau khi không thuyết phục được cô trở về, tức quá chị Mai quay mặt lên xe để lại câu nói vô tình: “Mặc kệ nó, mình về thôi anh, trái tim nó hóa đá rồi.” Câu nói của chị như xé tâm hồn Quyên ra nhiều mảnh. Quyên đứng như trời trồng, mặc kệ cho hai giọt nước mắt đuổi nhau trên gò má.

Từ lâu, Quyên luôn có một dự cảm về sự ra đi này mà cô không dám công nhận nó vì còn đó bố đau bệnh, và hai đứa em nhỏ. Từ ngày ra trường, Quyên vẫn đi dạy thêm nhưng chỉ đủ xăng xe và mua cho các em mấy cuốn tập. Tấm bằng đã nhàu đi vì photo công chứng quá nhiều. Hồ sơ không nhúc nhích vì không có phong bì đi trước. Thi thoảng bố lại đay nghiến: “Thời này chỉ có chuột chạy cùng sào mới đâm đầu vào sư phạm, cứ làm theo ý mình, giờ thì thất nghiệp con ạ!”. Quyên không nói nhưng đắng họng mỗi khi thấy bố lụi hụi ra vườn vì thằng út sáng nào cũng xin tiền học phí. Bố giục Quyên lấy chồng như thể muốn tống khứ cô cho xong trách nhiệm. Đầu cô lúc nào cũng lùng nhùng như một mớ bòng bong rối. Sau mỗi thánh lễ, hôm nào Quyên cũng ở lại rất lâu trước tượng Đức Mẹ. Có khi ở lại chỉ để khóc một cách thoải mái cho nhẹ những nối cực lòng. Quyên giấu nhẹm cái quyết định của mình, chỉ có Nam biết. Cái quyết định mà từ lâu cô vẫn xin Mẹ soi sáng cho cô để cô dám nói ra và không còn giữ riêng cho mình nữa. Quyên nhận ra rằng: Ứớc mơ cũng cần biết chờ đợi, khi nó hội tụ đủ sức mạnh, tự khắc nó sẽ đẩy người ta đi đến một hành động cụ thể, cho dù hành động đó có phải trả giá đi nữa, người ta vẫn sẵn sàng.

Ngày Quyên khăn gói lên đường, chỉ có cơn mưa rào tiễn đưa. Nam gọi nhưng cô cúp máy cái rụp rồi lại tự nguyền rủa mình trước cách xử sự ấy. Đúng hơn là cô sợ, sợ mắc nợ người ta khi chọn Chúa. Cô đâu biết Nam yêu cô nhưng chưa bao giờ anh muốn cản lối hạnh phúc trên lối đường cô chọn. Ngày đó, Sài Gòn cũng đón cô bằng cơn mưa, nhưng là cơn mưa bóng mây dịu dàng hơn. Mới đó mà đã 6 năm... Thi thoảng nhìn lại mình trong bộ áo dòng đen, Quyên chợt nhận ra một con người cũ đã chết và một con người mới đang được Chúa tô điểm.

Nay trở về, mọi thứ đã nguôi ngoai nhưng không khí trong gia đình cô có gì đó rất lạ. Cô không còn cảm nhận được cái đầm ấm như những ngày còn thơ. Anh chị em đã lớn, mỗi người mỗi ngả, ngày tết quây quần bên nhau mà cô chỉ thấy họ tranh luận về mấy chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện xe to nhà đẹp, chuyện giao thông, tệ nạn gần xa... Lần nữa Quyên lại phải gồng mình lên để chấp nhận những luồng khí độc đang ngấm ngầm len lỏi vào trong gia đình mình. Cô muốn làm gì đó mà không biết mình phải bắt đầu từ đâu? Anh cả thì tối ngày say xỉn, vợ chồng anh hai thì lam lũ mà vẫn không đủ sống, anh kế cô thì cũng lao đao vì sa vào mấy vụ đỏ đen... Quyên hụt hẫng khi nghe chị Mai kể, một nỗi tủi thân nghẹn ứ ở cổ họng ngay giữa đêm đầu tiên cô trở về. Cô nói cùng chị: “Em ao ước nhà mình một lần được quay về ngày xưa với những bữa cơm rau đầy ắp tiếng cười.” Cô phát hiện ra thói quen đọc kinh tối trong gia đình đã mất tự bao giờ. Bàn thờ thì mạng nhện giăng ngang dọc, bàn cơm thì nguội lạnh mỗi buổi vì ai bận việc người nấy. Trong khung hình cũ, cô thấy khuôn mặt mẹ buồn buồn. Cô chợt nhớ bà da diết.

Quá nhiều thứ đang vây bủa Quyên làm cô phân tán và nghi ngờ vào thứ Tình Yêu cô tôn thờ. Có lúc ngước nhìn Giêsu, Cô tủi hờn trách móc: “Một năm, hai năm hay bao lâu nữa Chúa mới ghé qua gia đình con ? Sau khi con vào dòng Ngài hứa sẽ thế chỗ của con, sao Ngài lại nuốt lời ?” Cô trách Chúa như một đứa con trách cha mình. Im lặng ! Đó là tất cả những gì cô nhận được khi cố loanh quanh với những câu hỏi.

Hết những ngày nghỉ tết nhưng tâm trạng của cô không khá hơn là mấy. Nam tiễn Quyên ở ga khi trời lất phất mưa bay. Đó là một chiều xuân ảm đạm và tẻ nhạt nhất mà cô từng thấy. Trước khi ra ga, Nam đưa cô đi ăn bún đậu, chả cốm. Nam vẫn thuộc lòng sở thích của cô. 1b, ngõ Trạm, Lý Nam Đế, cô tự hỏi cái địa chỉ thân quen ấy không biết có lần nào nữa trở lại? Cô quen Nam lần đầu tiên trên giảng đường lớn hồi năm nhất đại học. Năm đó sinh viên của mấy khoa xã hội hay học chung một số môn có các thầy thỉnh giảng từ Sài Gòn ra. Giảng đường mênh mông hầu như không còn một chỗ trống. Nhìn lên những bậc ghế cao Quyên thất vọng vì không thấy cô bạn thân ngồi đâu cả. Nó hay giành giùm chỗ cho cô khi cô đến trễ. Vội vã đi theo những bậc thang, cô vừa đi vừa đưa mắt tìm xem còn chiếc ghế nào trống. Chợt thoáng qua trong hàng ghế chặt trội một cánh tay giơ lên chỉ chỉ bên cạnh. Trên cổ tay của người con trai ấy có đeo một tràng chuỗi bằng gỗ. Cô tò mò nhưng có gì đó thật thân quen. Đôi mắt biết cười làm cô thấy thân thiện. Cô ngồi xuống, mỉm cười rồi cám ơn nhưng sao chưa bao giờ cô nhìn thấy đôi mắt ấy. Cô quen Nam tình cờ như vậy. Nhưng cũng như một sự xếp đặt.

Rồi một ngày Nam ngỏ lời yêu. Cô không nói nhưng anh biết cô có thích anh. Mỗi buổi chiều Nam vẫn chở Quyên đi lễ trên chiếc xe cà tàng... Món quà giáng sinh năm ấy Quyên nhận được là một cuốn sách có tựa “Viết cho em”. Còn Quyên dí vào tay Nam một tràng chuỗi gỗ và nói “nhớ cầu nguyện cho Quyên một kinh để ước mơ của Quyên thành sự thật...” Thời gian vụt qua như kẻ trộm, nó đã không tìm được câu trả lời từ bờ môi người thiếu nữ cho kẻ trung tình. Nhưng anh biết tình yêu không có quyền chiếm hữu, càng cố giữ nó càng nhanh chóng tuột mất.

***

Tàu chạy. Nó lao về phía trước, đi vào miền nắng. Con tàu đong đưa theo dải đất hình chữ S. Đi dọc miền đất nước Quyên mới cảm nhận ra thật nhiều điều to lớn và nhỏ bé. Đèo Hải Vân hùng vĩ, bao la, công trình sáng tạo của Chúa là đây. Cô thấy nỗi buồn sau dịp tết như tan ra cùng núi rừng và biển cả. Cô lại thấy cả những dải đất toàn cát và đá, nắng cùng gió. Vài con cừu lưa thưa giữa cánh đồng khô cháy, những đứa trẻ đen nhẹm và còi cọc nhưng miệng chúng vẫn nhoẻn cười vô tư. Cô thấy quá khứ đơn độc và những nỗi buồn hiện tại được thu nhỏ. Tàu SE 15 bị trật đường ray. Cả đoàn tàu phía sau phải hoãn lại, TN 5 phải ở lại ga Diêu Trì sáu giờ đồng hồ. Ngoài trời lập lòe thứ ánh sáng đỏ quạch từ chiếc đèn hiệu tàu. Vài ba người gác tàu đi đi, lại lại như những bóng ma. Ghế 54, toa 9 có người đang chìm vào giắc ngủ nhưng chẳng sâu. Cô kéo vội chiếc áo khoác cho bớt lạnh. Cô bắt đầu nghĩ về chuyến đi ngược chiều này. Cô bỗng thấy tâm hồn bình an lạ thường và cô biết con đường ngược chiều này sẽ đưa cô về miền tràn trể nắng ấm và đầy ắp niềm hy vọng. Cô chỉ hơi chạnh lòng khi ngôi nhà nơi miền trung du cứ lúc ẩn, lúc hiện cùng với khuôn mặt các anh của cô. Quyên quyết tâm sẽ là làm dấu chỉ kéo các anh trở lại với Chúa và cô sẽ cầu nguyện cho Niềm Tin đang mai một trong tâm hồn từng người trong gia đình thân thương của cô. Nhưng bằng cách nào đây? Quyên bỏ ngỏ một câu trả lời vì cô biết cô còn phải sống cho một Gia đình lớn hơn. Giáo Hội đang cần cô, những người nghèo trong tim cô, những đứa trẻ nơi mái ấm Bừng Sáng, làm sao cô có thể phong kín họ mãi trong suy nghĩ và lý tưởng mà thôi. Trở lại miền nắng. Quyên quyết định viết cho các anh của mình, đó là cách duy nhất mà cô có thể làm để hóa giải những mâu thuẫn và những chới với trong niềm tin vào Thiên Chúa nơi họ.

Quyên biết chặng đường vừa đi chỉ là con đường dài dằng dặc về mặt vật lý. Nhưng còn một con đường vô hình mà cô đang liều mình bước vào - Đường Dâng Hiến - ngược dòng đời và khó đi. Nhưng tự sâu thẳm cô lại thấy yêu thích và hứng thú hơn lúc nào hết. Quyên yên tâm vì Chúa thả cô chạy theo đường ray của lòng cậy trông và yêu mến. Hồn cô được mở ra như cánh cửa trên toa tàu kia và Chúa đọc được tất cả những niềm vui, nỗi buồn mỗi khi ghé nhìn cô từ Trời cao. Về đến nhà dòng, cô bỏ ba lô, giầy dép bước vào nhà nguyện để tạ ơn Chúa. Mắt cô bị hút vào ánh sáng từ ngôi Nhà Tạm, Chúa đã giam mình trong đó chờ cô từ lâu lắm rồi… Bỗng, có một bóng người vụt nhanh qua ô cửa. Ánh sáng lờ mờ từ chiếc đèn dầu không đủ cô nhận ra đó à ai. Chỉ kịp nhận ra đôi mắt ấy nhìn cô cách trìu mến. Quyên nghe được một lời duy nhất vọng lại: “Con yêu, ơn ta đủ cho con, hãy vững vàng lên! Cô mở mắt, giật mình, ngước nhìn lên Nhà Tạm, cánh cửa nhỏ đang mở…

__________________

Powered by Blogger.