Sao Chúa Vẫn Yêu Tôi
Lê Đình Bảng
Đêm nay, nhớ đốt trầm lên, chờ sáng
Lòng rất nghiêm trang, hương khói phụng vì
Muôn lạy đất trời vô lượng từ bi
Phơ phất lau thưa, dặm dài mỏi cánh
Giữa khuya khoắt, áo tầm gai se lạnh
Nghe nước sông trôi hay tiếng kinh buồn
Đôi ngả bồi hồi mờ mịt thinh không
Trông đốm lửa chài, chân đi trĩu bước
Cõi thiêng thánh mấy ai hòng chạm được
Chúa ở đâu, sao bằn bặt nghìn trùng?
Tôi như vầy, mà sao Chúa cứ thương
Ứa nước mắt nhiều khi không gượng nổi
Làm sao giữ mình ăn năn chuộc lỗi
Từ buổi chim bay, hoa rụng đầy vườn
Đêm nguyệt tà, lời kinh đẫm hơi sương
Như gió thoảng từ thiên đường thổi xuống
Giữa vô thức, giữa lạc lầm, hoang tưởng
Cậy dựa, tin ai, neo đậu đời mình
Giữa những điệp trùng, xiêu ngã, chông chênh
Tôi lặng lẽ, quỳ lâm râm cầu nguyện
Niềm riêng ấy cứ lâu ngày dày kén
Từ trái tim kia mách bảo tôi về
Với mùa xanh, xanh rợp những làng quê
Nhớ mắt biếc, nhớ môi trầm ẩn giấu
Và đôi lúc, tưởng chìm trong tâm bão
Tôi như vầy, mà sao Chúa vẫn thương
Ruộng mật bờ xôi vàng ánh thơm lừng
Người dìu dẫn tôi qua thời mông muội
Trên lối cũ còn ngổn ngang đào xới
Mỗi bước chân đi đau xót nhói lòng
Như loài chim sâu cuốn lá ngủ đông
Tôi ngước trông lên trái tim rộng mở
Vẫn cháy bừng lên nồng nàn ngọn lửa
Một vết đâm tươi rướm máu bao dung
Trăng tuyết nghìn năm, Hy Mã chập chùng
Tôi khao khát giọt kinh rơi đầu lưỡi
Sao nước mắt còn mặn hơn cả muối
Ở cuối phương đi, đầm, phá, sông dài
Ở nữa đường về, cỏ rạp ngang vai
Chỉ thấy gió, gió bốn bề phiêu lãng
Xao xác Tầm Dương, bạt ngàn Tây Tạng
Chúa ở đâu, tôi trông ngóng mỏi mòn
Hỏi ngày nào ta còn gặp ta không
Ôi giọt nước ở đầu ngành dương liễu?
Có va vấp, có trầm luân, mềm yếu
Tôi chẳng là chi giữa những thiên hà
Thôi, đành nhủ lòng mỗi sớm ngang qua
Kiễng chân hái một chùm hoa vừa nở
Đêm nay, trước ngọn đèn dầu mờ tỏ
Ngoài kia ríu ran cây lá chuyện trò
Tôi khấn thầm, lời khấn nhỏ đơn sơ
Trang giấy rưng rưng in nhòe mực tím
Mỗi con chữ, mỗi lời kinh bịn rịn
Của kẻ ăn xin hát xẩm đầu đường
Tôi như vầy, mà sao Chúa vẫn thương
Ơi giọt nước ở đầu ngành dương liễu.
_______________________________________
Post a Comment