Cú pháp Tiếng Việt
I. Cú pháp
Cú pháp là phép tắc dùng các tiếng để đặt câu văn cho chỉnh. Cú pháp là linh hồn của ngôn ngữ. Muốn viết văn cho đạt và muốn nói cho hay, ta phải sành về cú pháp. Muốn sành về cú pháp, ta phải hiểu thế nào là câu văn, các loại câu văn, mệnh đề, các loại mệnh đề, cùng cấu trúc của chúng.
II. Câu văn
Câu văn là sự kết hợp của nhiều tiếng để diễn tả một sự việc (sự tình) hay nhiều sự việc một cách đầy đủ, có ý nghĩa, và có liên quan với nhau.
Khi nói hết một câu, ta ngừng lại hay thôi không nói nữa. Khi viết một câu văn, ta viết hoa mẫu tự đầu của chữ ở đầu câu. Ở cuối mỗi câu, tùy từng trường hợp, ta dùng dấu chấm (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), hay ba chấm (...). Trong một câu, ta còn dùng dấu phẩy (,) và chấm phẩy (;) để phân các chữ, các nhóm chữ, và các mệnh đề. Mỗi câu văn gồm có một hay nhiều mệnh đề.
III. Mệnh đề
Mệnh đề là lời diễn tả kết quả của một sự phán đoán. Nếu có đầy đủ ý nghĩa, một mệnh đề tự nó đã là một câu. Đó là câu đơn. Nếu trong một câu có nhiều mệnh đề thì câu đó là câu tổng hợp hay câu phức.
Các mệnh đề được xếp thành ba loại: mệnh đề độc lập, mệnh đề chính, và mệnh đề phụ. Vậy, mệnh đề là một thành phần của một câu. Mỗi mệnh đề gồm có tối thiểu một chủ từ và một động từ, trừ những trường hợp tỉnh lược, nhất là trong câu hỏi và trả lời.
Thí dụ:
Thí dụ:
1. Cô Hồng đi vắng. (Mệnh đề độc lập).
2. Quyển sách này là của tôi và quyển kia là của anh. (Hai mệnh đề độc lập).
3. Tại xe hỏng, tôi không lại thăm anh được. (Mệnh đề phụ và mệnh đề chính).
4. Dừng lại! (Chủ từ hiểu ngầm hay được tỉnh lược: Anh hay các anh dừng lại).
5. Anh Hải đến chưa? - Chưa. (Anh Hải chưa đến. Chủ từ Anh Hải và động từ đến được tỉnh lược trong câu trả lời Chưa.)
IV. Phân loại câu văn
1. Theo cách cấu tạo câu, ta có hai loại câu văn: câu đơn và câu tổng hợp (câu phức). Câu đơn diễn tả một sự việc, câu tổng hợp (câu phức) diễn tả nhiều sự việc. Câu tổng hợp có từ hai mệnh đề trở lên: mệnh đề độc lập, mệnh đề chính, và mệnh đề phụ.
Thí dụ:
a. Câu Đơn chỉ có một mệnh đề: Tôi xin lỗi anh!
b. Câu Tổng Hợp (câu phức) có nhiều mệnh đề (m.đ.): Xin lỗi anh (m.đ. độc lập), tôi không đến dự phiên họp được (m.đ. độc lập). Vì hôm qua xe hỏng (m.đ. phụ), tôi không đến dự phiên họp được (m. đ. chính). Tôi xin lỗi anh (m.đ. độc lập), vì hôm qua xe hỏng (m.đ. phụ), tôi không đến dự phiên họp được (m.đ. chính).
2. Theo ngữ điệu của câu, tức là theo giọng khi ta nói câu đó, chúng ta có ba loại câu:
a. Câu nói theo giọng thường: Mẹ đã về chợ.
b. Câu nói theo giọng hỏi: Mẹ đã về chợ? (Dùng để hỏi lại xem có đúng không). c. Câu nói biểu lộ tình cảm: Mẹ đã về chợ! (Người con reo mừng khi thấy mẹ về chợ). Ngoài ra muốn nhấn mạnh vào chữ nào, ta nói chữ đó với giọng cao hơn trong câu nói theo giọng thường, chẳng hạn như ta nói: “Anh phải làm ngay việc đó.” hay “Anh phải làm ngay việc đó.”
3. Theo cách nói xác định, phủ định, hay nghi vấn (hoài nghi), ta có ba loại câu:
a. Câu Xác Định diễn tả sự việc có xảy ra: Cô ta ngâm thơ. Trong các câu xác định, ta còn dùng các trạng từ sau để tăng thêm ý xác định: có (Nhà tôi có ở nhà.), chính (Chính cô ta đã nói.), tự (Anh hãy tự trách mình.), phải (Cô ta phải đi.), chỉ (Chỉ có anh mới làm được việc ấy.), mới (Tôi mới thấy cô ta.), duy (Duy có anh mới xứng đáng chức vụ ấy.), toàn (Họ toàn là người tốt.), tinh (Họ ăn tinh những rau.), rặt (anh ấy nói rặt tiếng Bình Định.), thuần (Cô ta mặc thuần một màu đen.), những (Cô ta mua những mười cái áo dài.), v.v.
a. Câu Xác Định diễn tả sự việc có xảy ra: Cô ta ngâm thơ. Trong các câu xác định, ta còn dùng các trạng từ sau để tăng thêm ý xác định: có (Nhà tôi có ở nhà.), chính (Chính cô ta đã nói.), tự (Anh hãy tự trách mình.), phải (Cô ta phải đi.), chỉ (Chỉ có anh mới làm được việc ấy.), mới (Tôi mới thấy cô ta.), duy (Duy có anh mới xứng đáng chức vụ ấy.), toàn (Họ toàn là người tốt.), tinh (Họ ăn tinh những rau.), rặt (anh ấy nói rặt tiếng Bình Định.), thuần (Cô ta mặc thuần một màu đen.), những (Cô ta mua những mười cái áo dài.), v.v.
b. Câu Phủ Định diễn tả sự việc không xảy ra: Cô ta không đi dự tiệc. Trong các câu phủ định, ta thường dùng các phủ định trạng từ như: không (Chúng nó không tới.), chẳng (đồng nghĩa với không nhưng có ý quả quyết hơn: Chúng nó chẳng làm được gì ra hồn.), chớ (Chớ thấy người sang bắt quàng làm ho.), đừng (Đừng nghe những gì bọn ấy nói, hãy nhìn những gì bọn ấy làm), chưa (Cái gì cũng chưa xong.), há (Anh ấy há phải con người vô ơn bạc nghĩa. Tôi một lòng vì nghĩa há vì danh lợi.), phi (Phi những người học rộng tài cao, không ai làm được việc đó.), bao giờ (Tôi có làm thế bao giờ.), đâu (Của đâu mà cho nó hoài. Tôi biết đâu việc đó.), v.v.
Người ta còn dùng những tiếng phiếm chỉ đại danh từ ai, người nào, và cái gì, v.v. kèm với các phủ định trạng từ chẳng, không, cũng, cũng không, và chưa, v.v. để diễn tả ý phủ định một cách mạnh hơn: Chẳng ai ưa hắn. Không người nào lai vãng đến đây. Chưa cái gì hoàn tất cả. Người nào cũng không thích. Cái gì cũng tệ!
Ngoài ra, người ta còn dùng các trạng từ như: nào, dễ, dám, quản, xiết, còn, kể, và chắc, v.v. để nhấn mạnh nghĩa phủ định của câu văn. Thí dụ: Nào tôi có làm thế bao giơ! Đã dễ gì nó làm được việc đó mà anh lo. Tôi đâu dám sai lời. Quản bao tháng đợi năm chờ (Kiều, câu 553). Khóc than khôn xiết sự tình (Kiều, câu 73). Còn chi là cái hồng nhan (Kiều, câu 3101). Kể chi những nỗi dọc đường (Kiều, câu 1527). Chắc gì nó làm xong việc ấy.
c. Câu Nghi Vấn để hỏi hay để tỏ ý hoài nghi: Cô ta có đến không? Cuối câu nghi vấn bao giờ cũng phải có dấu hỏi (?) . Muốn đặt câu hỏi, người ta thường dùng các trạng từ nghi vấn, chứ không cần đảo ngược vị trí chủ từ và động từ như trong tiếng Anh tiếng Pháp.
Người ta thường dùng các trạng từ sau đây trong câu hỏi: không (Anh đi không?), có...không (Cô có đi không?), chưa (Anh đọc quyển sách này chưa?), đã...chưa (Anh đã đọc quyển sách này chưa?), à (Thật như thế à?), nhỉ, a (Da mồi tóc bạc ta già nhỉ? Aó tía đai vàng bác đấy a ?), ư (Thật thế ư?), tá (dùng trong văn chương để tự hỏi mình: Người xưa đâu tá?), và hử hay hở (Làm gì thế hử? Ngã như thế có đau không hở?).
Trong các câu hỏi về người, ta dùng tiếng nghi vấn đại danh từ: ai (Ai đi với nó? Nó nói chuyện với ai vậy?). Người ta còn dùng tiếng nghi vấn chỉ định từ nào đặt sau các danh từ ông, bà, anh, chị, người v.v. để hỏi: Ông nào? Người nào chào anh vậy? Bà nào đứng đằng kia? Trong số các anh này, chị chọn anh nào? Chị nào tình nguyện?
Trong các câu hỏi về sự vật, người ta dùng tiếng chỉ định từ gì, chi, nào,v.v. để hỏi: Cái này là cái gì? Anh hỏi cái chi? Anh đi đường nào? Trong hai việc, anh chọn việc nào? Ngoài ra, người ta còn dùng các trạng từ nghi vấn như: sao, làm sao, thế nào, tại làm sao, bao nhiêu, mấy, bao giờ, bao lâu, đâu, bao xa, v.v. để đặt câu hỏi: Anh nói sao? Làm sao anh ra nông nỗi này? Anh thấy cô ta thế nào? Tại làm sao anh không đi? Tất cả có bao nhiêu người đến dự? Em học lớp mấy? Bao giờ cô ta về? Anh đi bao lâu? Cô ở đâu đến? Từ nhà anh đến đó bao xa ?
V. Thành phần căn bản của câu đơn và mệnh đề
Một câu đơn hay mệnh đề thường có hai phần căn bản: chủ từ và thuật từ. Thí dụ: 1.Tôi đi xe điện ngầm. 2. Con chó đen đang chạy ngoài sân. 3. Cám ơn cô. 4. Bao giờ anh đi Orlando? - Mai.
Trong câu 1, chủ từ là Tôi và thuật từ là đi xe điện ngầm. Trong câu 2, chủ từ là Con chó đen và thuật từ là đang chạy ngoài sân. Trong câu 3, chủ từ được hiểu ngầm là Tôi và thuật từ là Cám ơn cô. Trong câu 4, ở câu trả lời Mai, chủ từ tôi và thuật từ đi Orlando được hiểu ngầm. Khi trả lời Mai, ta có ý nói: Mai tôi đi Orlando.
1.Chủ Từ: Chủ từ là một chữ hay một nhóm chữ trong câu. Chủ từ giữ vai trò làm chủ hành động hay tình huống được diễn tả trong câu đó. Phải có một chủ từ mới thành câu văn. Tuy nhiên, câu văn có thể có chủ từ tỉnh lược, tức là chủ từ được hiểu ngầm như được trình bày trong thí dụ 3 và 4 ở trên. Trong một nhóm chữ dùng làm chủ từ, có một hay nhiều tiếng chính làm chủ từ, các tiếng khác là tiếng phụ dùng để làm rõ nghĩa cho chủ từ.
Trong thí dụ “Con chó đen đang chạy ngoài sân,” nhóm chữ Con chó đen là chủ từ của động từ đang chạy. Trong nhóm chữ này, chữ chó là tiếng chính làm chủ từ của câu. Chữ con, tiếng loại từ, làm rõ nghĩa cho chữ chó. Chữ đen, tiếng tính từ, bổ nghĩa cho chữ chó. Trong thí dụ “Bàn, ghế, và tủ trong nhà đều là của cô ta,” nhóm chữ “bàn, ghế, và tủ trong nhà” là chủ từ của câu. Trong nhóm chữ này, ba tiếng bàn, ghế, tủ là những tiếng chính dùng là chủ từ. Chữ và là liên từ; giới từ trong và danh từ nhà là những tiếng bổ nghĩa cho chủ từ “Bàn, ghế, và tủ.”
2.Thuật Từ : Phần của câu ngay sau chủ từ được gọi là thuật từ. Phần thuật từ có thể rất đơn giản hay rất phức tạp. Phải có thuật từ mới thành một câu. Tuy nhiên, thuật từ có thể được hiểu ngầm hay tỉnh lược như trong thí dụ 4 ở trên. Tiếng chính trong phần thuật từ là động từ; những chữ khác có thể là trạng từ và túc từ của động từ cùng các bổ từ khác. Thuật từ dùng để thuật về chủ từ, tức là nói rõ chủ từ là gì, làm cái gì, làm sao, ở đâu, thế nào, v.v. Trong thí dụ “Con chó đen đang chạy ngoài sân,” nhóm chữ “đang chạy ngoài sân” là thuật từ của chủ từ “Con chó đen.”
VI. Những lỗi thông thường về cú pháp
Những lỗi điển hình về cú pháp gồm câu què, lỗi chấm câu, và lỗi dùng sai tiếng bổ nghĩa, v.v.
Trong các thí dụ sau đây, để tránh sự đụng chạm cá nhân, người viết đã thay những tên nhân vật, tên các hội đoàn, tên thành phố, và tên tác phẩm,v.v. bằng từ ABC. Vì tính cách tế nhị, người viết cũng không nêu rõ xuất xứ của câu văn. Mục đích chính của phần này là nêu ra những câu sai về cú pháp cùng những câu đề nghị sửa mà thôi. Sau đây là các thí dụ điển hình về những câu sai cú pháp. Để các bạn đọc tiện theo dõi giữa câu sai và những câu đề nghị sửa, chúng tôi xin biên câu đề nghị sửa liền sau mỗi câu sai về cú pháp.
1. a. Câu sai (lỗi về dấu chấm câu, câu thiếu chủ từ): Sau khi đã gửi thơ đề ngày 1-12-1998 đến tất cả các vị cựu chủ tịch ABC, để tường trình về hiện trạng bế tắc của tôi, do phía bà ABC cố tình gây nên, với hy vọng sẽ đón nhân được cao kiến khai thông sự bế tắc này.
b. Câu đề nghị sửa: Sau khi đã gửi thư đề ngày 1-12-1998 đến các vị cựu chủ tịch ABC để tường trình về hiện trạng bế tắc của tôi do bà ABC cố tình gây nên, tôi hy vọng sẽ đón nhận được cao kiến khai thông sự bế tắc này.
2. a. Câu sai (lỗi chấm câu, lỗi dùng chữ hoa, câu què): Bà cũng không chịu tổ chức cuộc bầu cử thống nhất 2 ABC ở ngay nơi bà đang cư ngụ. Vì bà ta thừa biết, cuộc bầu cử ấy sẽ khiến con Hồ Ly Tinh phải hiện nguyên hình chồn cáo.
2. a. Câu sai (lỗi chấm câu, lỗi dùng chữ hoa, câu què): Bà cũng không chịu tổ chức cuộc bầu cử thống nhất 2 ABC ở ngay nơi bà đang cư ngụ. Vì bà ta thừa biết, cuộc bầu cử ấy sẽ khiến con Hồ Ly Tinh phải hiện nguyên hình chồn cáo.
b. Câu đề nghị sửa: Bà ta cũng không chịu tổ chức cuộc bầu cử thống nhất 2 ABC ở ngay nơi bà đang cư ngụ vì bà ta thừa biết cuộc bầu cử này sẽ khiến con hồ ly tinh phải hiện nguyên hình chồn cáo.
3. a. Câu sai (lỗi chấm câu, câu què): Trong lãnh vực giáo dục văn học, nghệ thuật, và báo chí, dù không có vấn đề chiếu trên chiếu dưới phân chia đẳng cấp như quân đội. Nhưng thiết tưởng ông phải biết thân phận mình, và vị trí đích thực của mình, mới đáng là người có văn hoá.
b. Câu đề nghị sửa: Dù trong lãnh vực giáo dục, văn học, nghệ thuật, và báo chí không có vấn đề “chiếu trên chiếu dưới” để phân chia đẳng cấp như ở trong quân đội, tôi thiết tưởng ông phải biết thân phận mình và vị trí đích thực của mình thì mới đúng là người có văn hóa.
4. a. Câu sai (câu què, lỗi chấm câu, lỗi dùng chữ): Vì tâm lý bọn tiểu nhân, bất tài, thường hay dùng lối chê dè, dè bỉu khơi khơi, với dã tâm ti tiện hạ người khác xuống, để tạo ảo tưởng mình hay hơn, tài giỏi hơn.
b. Câu đề nghị sửa: Với dã tâm ti tiện hạ người khác xuống để tạo ảo tưởng là mình hay hơn và tài giỏi hơn, bọn tiểu nhân bất tài thường có tâm lý dùng lối chê bai dè bỉu khơi khơi.
5. a. Câu sai (câu què, chủ từ và tiếng bổ nghĩa không phù hợp, dùng chữ viết hoa không đúng cách, lỗi dấu châm): Để tưởng nhớ những người đã chiến đấu bảo vệ Hòa Bình cho Thế Giới và Tự Do cho nhân loại. Hàng năm, ngày ABC được tổ chức tại ABC vào mỗi tháng 8 dương lịch - nhân ngày khai trương ABC.
b. Câu đề nghị sửa: Hàng năm, để tưởng nhớ những người đã hy sinh chiến đấu bảo vệ hòa bình cho thế giới và tự do cho nhân loại, cơ quan ABC có tổ chức ngày ABC tại ABC vào tháng 8 dương lịch nhân ngày khai trương ABC.
6. a. Câu sai (câu què, câu cụt, câu bất thành cú): Một thách đố của người ABC di cư tị nạn BCA! Chứng minh và nói lên sức mạnh của sự đoàn kết. Con đường duy nhất để tiến tới mạnh mẽ và liên tục trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của dân tộc ABC hiện nay.
b. Câu đề nghị sửa: Hàng năm, để tưởng nhớ những người đã hy sinh chiến đấu bảo vệ hòa bình cho thế giới và tự do cho nhân loại, cơ quan ABC có tổ chức ngày ABC tại ABC vào tháng 8 dương lịch nhân ngày khai trương ABC.
6. a. Câu sai (câu què, câu cụt, câu bất thành cú): Một thách đố của người ABC di cư tị nạn BCA! Chứng minh và nói lên sức mạnh của sự đoàn kết. Con đường duy nhất để tiến tới mạnh mẽ và liên tục trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của dân tộc ABC hiện nay.
b. Câu đề nghị sửa: Một thách đố của người ABC di cư tỵ nạn BCA là làm sao phải chứng minh và nói lên sức mạnh của sự đoàn kết. Đó là con đường duy nhất để tiến tới một cách mạnh mẽ và liên tục trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng hiện nay của dân tộc ABC.
7. a. Câu sai (chủ từ và tiếng bổ nghĩa không phù hợp): Để tiếp tục duy trì truyền thống văn hóa Việt Nam, Hội Xuân A với chủ đề B do Hội C cùng các hội đoàn bạn phối hợp tổ chức.
b. Câu đề nghị sửa: Để tiếp tục duy trì truyền thống văn hóa Việt Nam, Hội C cùng các hội đoàn bạn phối hợp tổ chức Hội Xuân A với chủ đề B.
8. a. Câu sai (chủ từ và tiếng bổ nghĩa không phù hợp, lỗi chấm câu): Chủ trương tạo không khí Tết truyền thống, chương trình gồm nhiều tiết mục phong phú, thích hợp cho mọi lứa tuổi, Hội Xuân hy vọng thu hút một lượng người đáng kể.
8. a. Câu sai (chủ từ và tiếng bổ nghĩa không phù hợp, lỗi chấm câu): Chủ trương tạo không khí Tết truyền thống, chương trình gồm nhiều tiết mục phong phú, thích hợp cho mọi lứa tuổi, Hội Xuân hy vọng thu hút một lượng người đáng kể.
b. Câu đề nghị sửa: Với chương trình gồm nhiều tiết mục phong phú đượm không khí Tết truyền thống và rất thích hợp cho mọi lứa tuổi, chúng tôi hy vọng Hội Xuân sẽ thu hút một số khán thính giả đáng kể.
9. a. Câu sai (câu què): Để kỷ niệm một trong những ngày đáng ghi nhớ của Quân, Dân Việt Nam trước đây. Trân trọng kính mời Ông, Bà và gia đình đến tham dự buổi tiệc họp mặt nhân ngày ABC.
b. Câu đề nghị sửa: Để kỷ niệm ngày ABC, một ngày đáng ghi nhớ của quân dân Việt Nam trước đây, chúng tôi sẽ tổ chức buổi tiệc họp mặt nhân ngày ABC này. Trân trọng kính mời ông bà cùng gia đình đến tham dự buổi tiệc họp này với chúng tôi.
10. a. Câu sai (câu què): Để mừng ngày ABC và cũng để đánh dấu sự hình thành Đại-Đô-Thị ABC. Một cuộc ABC với sự tham-gia đông-đảo của nhiều đoàn thể người bản xứ, nhiều Hội-đoàn và tổ-chức các Cộng-đồng, cùng nhiều đoàn quân của các sắc dân hiện định cư tại ABC.-
b. Câu đề nghị sửa: Để mừng ngày ABC và cũng để đánh dấu sự hình thành Đại Đô Thị ABC, tòa ABC sẽ tổ chức một cuộc ABC với sự tham gia đông đảo của nhiều đoàn thể người dân bản xứ cùng các hội đoàn, tổ chức cộng đồng, và nhiều đoàn quân của các sắc dân hiện định cư tại ABC.
11. a. Câu sai (chủ từ và tiếng bổ nghĩa không phù hợp): Đang là bạn thân mà thay đổi lập trường, ABC quạt ngay trên mặt báo.
b. Câu đề nghị sửa: Hễ thấy ai đang là bạn thân của mình mà thay đổi lập trường, ABC quạt ngay trên mặt báo.
12. a. Câu sai (lỗi chấm câu, câu văn lủng củng, ý tứ lộn xộn): Thì giờ lúc nào cũng thấy thiếu, kể cả với những người quanh năm thất nghiệp! Huống chi ngày ngày phải đi làm, vật lộn với sinh kế, đầu óc thường xuyên căng thẳng, gạt bỏ hết mọi thứ để ngồi vào bàn biết quả thực là một việc rất khó khăn. Mấy ai đã có được kỷ luật sáng tác như ABC, sáng sáng ôm giấy bút ra công viên, quyết viết cho xong trường thiên ABC gần hai ngàn trang! Nhất là ông định cư tại AB, giữa cộng đồng người Việt quá sầm uất, lúc nào cũng dễ dàng lôi cuốn người ta ra khỏi thời khóa biểu thường nhật, cắt ngang dòng sáng tác của khá nhiều văn hữu. Tôi còn nhớ ngay từ 1982, tạp chí ABC của nhà thơ ABC xuất bản tại ABC, đã phải than lên rằng: “Bộ môn văn, con dao cùn trong tay những người cầm bút hải ngoại!”
b. Câu đề nghị sửa: Thì giờ lúc nào người ta cũng thấy thiếu, ngay cả đối với những người quanh năm thất nghiệp huống chi đối với những người mà đầu óc thường xuyên căng thẳng vì ngày ngày họ phải đi làm và vật lộn với sinh kế thì việc gạt bỏ hết mọi thứ để ngồi vào bàn viết quả thực là một việc rất khó khăn! Mấy ai đã có được kỷ luật sáng tác như ABC, nhất là ông lại định cư tại ABC, nơi có cộng đồng người Việt quá sầm uất! Không khí sinh hoạt nơi đây lúc nào cũng dễ dàng lôi cuốn người ta ra khỏi thời khóa biểu thường nhật và cắt ngang dòng sáng tác của khá nhiều nhà văn. Thế mà sáng sáng ôm giấy bút ra công viên, ông đã viết xong cuốn tiểu thuyết trường thiên ABC dày gần hai ngàn trang! Tôi còn nhớ, ngay từ năm 1982, trên tạp chí ABC của nhà thơ ABC, xuất bản tại ABC, ông ta đã viết bài than rằng: “Bộ môn văn, con dao cùn trong tay những người cầm bút hải ngoại!”
VII. Muốn viết văn, phải biết văn pháp và văn phạm.
Lời nói rõ ràng và đầy đủ ý nghĩa, nếu được viết ra đúng như thế, tự nó đã là một câu văn trong sáng và đúng văn pháp rồi. Cú pháp giúp ta viết văn đúng cách, rõ ràng, trong sáng, và đầy đủ ý nghĩa hơn. Bài văn trong sáng là bài có cú pháp đúng cách, ý tưởng phân minh, và bố cục rõ ràng. Những ý trong mỗi đoạn và toàn bài văn phải theo sát với đề tài và có liên quan chặt chẽ với nhau. Viết hết một đoạn, ta phải xuống hàng. Việc chấm câu đúng cách cũng làm cho câu văn và tác phẩm trong sáng, rõ ràng, và dễ hiểu.
Đã viết văn, ai cũng có thể mắc lỗi kể cả các nhà văn lão thành. Những nhà văn lão thành cho biết rằng sau khi viết xong một bài văn, mỗi lần đọc lại, ta lại thấy những lỗi chính tả và cú pháp khác nhau. Chính vì thế mà đã có những nhà văn sửa bản nháp của họ tới hàng chục lần mới ưng ý. Điều này cho ta thấy rằng cứ viết văn là có lỗi, không nhiều thì ít, rất hiếm có người viết một lần mà được như ý. Không có ngoại lệ. Muốn viết văn cho đúng cách ta phải viết nhiều và viết riết rồi quen.
Khi ta đã để công nghiên cứu văn pháp cùng văn phạm và chịu khó viết văn, chắc chắn chúng ta sẽ viết văn đúng cách và câu văn của chúng ta sẽ trong sáng linh động hơn. Nếu có mắc lỗi, chúng ta sẽ chỉ mắc những lỗi nhẹ và mắc ít lỗi hơn.
*Ghi Chú: Bài này được trích ra từ tác phẩm KIẾN VĂN , trang 215, của Khải Chính Phạm Kim Thư, xuất bản tải Canada năm 2001.
*Ghi Chú: Bài này được trích ra từ tác phẩm KIẾN VĂN , trang 215, của Khải Chính Phạm Kim Thư, xuất bản tải Canada năm 2001.
______________________________________________
Post a Comment