Header Ads

Phút 90-1

Sơn Thù Du
(Dòng Mân Côi)
Giải III Viết Văn Đường Trường 2013

Khó khăn lắm, ông Năm mới mở mắt ra được. Lấy hết hơi tàn, ông thều thào:

- Tôi muốn xưng tội!

Bà Năm ngẩn người ra, không hiểu ông muốn nói gì. Bà lúng túng cúi xuống sát bên ông:

- Ông cần gì?

Ông Năm đã mệt lắm rồi, nhưng dường như lòng khao khát hay cái gì đó tương tự làm ông không dám nhắm mắt lại, ông sợ nhắm lại rồi ông không còn mở ra được nữa. Cố rướn đôi mắt chỉ như muốn khép lại, ông nói trong hơi thở sắp tàn:

- Đi mời cha nhà thờ cho tôi xưng tội.

Không phải là bà Năm nghe không rõ, nhưng đúng là bà không hiểu ông muốn gì. Nhìn đôi mắt tha thiết và khẩn khoản của ông, bà biết ông không mê sảng. Nhưng sao ông lại đòi mời cha nhà thờ nhỉ, ông đâu phải là người có đạo? Ông Năm đã không để bà Năm phải bối rối lâu, ông đã chết trước khi bà Năm kịp quyết định là có nên đi mời cha nhà thờ cho ông hay không. Không hiểu sao, bà Năm lại coi ước muốn cuối cùng của ông như một lời di chúc mà bà có bổn phận phải thực hiện. Có lẽ bà hối hận vì đã chần chừ không mời cha nhà thờ cho ông chăng? Bà đến nhà thờ để hỏi cha xứ xem ước muốn xưng tội của chồng bà có nghĩa là gì. Thoáng chút ngần ngừ, cha xứ trả lời :

- Có lẽ ông đã từng là người theo đạo Công giáo. Vì chỉ có người Công giáo mới muốn xưng tội trước khi chết.

- Xưng tội là sao hả cha? – Bà Năm thắc mắc.

- À… là nói cho Chúa nghe những yếu đuối lỗi lầm của mình, những lần mình đã xúc phạm đến Chúa, những điều không tốt mình làm cho người khác… và xin Chúa tha thứ.

- Nhưng chồng con đâu có nói gặp Chúa. Chồng con xin được gặp cha để xưng tội mà.

- Thế này bà Năm à… - Cha xứ phân trần - Bây giờ con có giải thích bà cũng không hiểu đâu. Trừ phi…

- Trừ phi sao hả cha?

- Trừ phi bà Năm theo đạo, rồi tự khắc bà Năm sẽ hiểu.

Thế là bà Năm đã vào đạo như thế đó. Bà xin theo đạo để có thể hiểu được ước muốn cuối cùng của chồng bà. Nhưng khi được học giáo lý rồi, lòng bà Năm lại cảm thấy lo lắng. Mỗi lần đến nhà thờ dự lễ là tâm trí bà chỉ còn xoay quanh một câu hỏi: Không biết chồng bà có được tha tội không? Chỉ có Chúa mới biết là bà yêu ông nhiều như thế nào, nên bà cảm thấy đau đớn với ý nghĩ ông bị xuống hỏa ngục. Tim bà cứ nhói đau khi tưởng tượng giờ này ông đang phải quằn quại giữa một biển lửa, mà không phải chỉ trong một thời gian nào đó thôi, nhưng là đời đời kiếp kiếp. Đó là số phận của những người đang mắc tội trọng mà chết. Sự lo sợ của bà không phải không có căn cớ, bởi bà biết bí mật của ông, một bí mật mà sau khi ông chết bà mới phát hiện ra…

Trong khi dọn lại những hồ sơ giấy tờ của ông, bà biết được rằng quả thật ông là người Công giáo. Không những vậy, trước khi cưới bà, ông đã từng có vợ và hai con. Như vậy, theo luật đạo, ông lấy bà là bất hợp pháp, là phạm tội trọng. Đã vậy, khi sống với bà, ông còn bỏ đạo, không lễ lạy gì cả. Sống với ông mấy chục năm, chưa một lần bà thấy ông nhắc đến Chúa. Ông chôn Chúa sâu xuống tận vực thẳm của lòng ông. Bí mật này của ông bà không dám kể cho ai, nhất là cha xứ. Không phải bà sợ mọi người nghĩ xấu về ông, điều bà sợ là phải nghe một lời phán quyết về số phận đời đời của ông, mà nếu điều đó được nói ra từ miệng cha xứ thì chắc chắn là sẽ không thể thay đổi được. Vì cha xứ là người thay mặt Chúa, nên điều gì cha nói thì chắc như đinh đóng cột, không thể sai chạy vào đâu được. Nghĩ vậy nên bà dặn lòng sẽ giữ bí mật này cho đến khi tìm được một câu trả lời chắc chắn, rằng ông không bị phạt xuống hỏa ngục. Nhưng bà biết tìm câu trả lời đó ở đâu bây giờ, bởi tội của ông đã quá rõ ràng như thế, mà ông lại không kịp xưng tội trước khi chết... Bà chỉ còn biết cố giữ cho mình một niềm hy vọng mơ hồ mà bà linh cảm được khi nhìn lại cuộc đời của ông, nhất là sự khao khát mà bà đọc được trong đôi mắt của ông khi ông muốn được xưng tội lúc hấp hối. Chính đôi mắt ấy làm bà day dứt vì đã không đáp ứng được, và chính nỗi niềm không thể nói trong đôi mắt ấy đã đưa bà vào đạo. Nhưng bà cảm thấy niềm hy vọng của bà vẫn rất chông chênh, bởi lẽ nếu chỉ dựa vào đời sống của ông thì… Mà ông thì đã chết khi chưa kịp xưng tội. Bà nghĩ, phải có một niềm hy vọng nào đó mà không chỉ dựa vào việc con người có sống tốt hay không. Nhưng bà biết tìm niềm hy vọng đó ở đâu bây giờ, vì bà không thể bày tỏ nỗi niềm sâu kín đó cho bất cứ ai. Chúa mà bà mới tin theo vẫn còn rất xa lạ đối với bà, thậm chí bà còn không dám nghĩ đến Chúa cho niềm hy vọng của bà. Vì trong hiểu biết của bà, thì Thiên Chúa là Đấng sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm là tốt hay xấu. Tuy cả đời bà chưa thấy ông sống ác hiểm với ai, nhưng ông lại bỏ Chúa là một tội nặng lắm.

Cho đến một Chúa Nhật nọ, nhằm ngày Lễ Lá, bà nghe đọc lại câu chuyện Chúa chết, trong đó có đoạn:

“… Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ‘Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!’. Nhưng tên kia mắng nó: ‘Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!’. Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: ‘Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!’. Và Người nói với anh ta: ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng…” (Lc 23,39-43).

Nghe đọc như thế, bà thấy mình như người chết đuối vớ được cái phao, bà ôm chặt lấy đoạn Tin Mừng đó. Bà không còn nghe cũng không còn quan tâm đến những gì xảy ra sau đó nữa. Đoạn Tin Mừng đó, nhất là câu cuối cùng của Chúa Giê-su, như một cơn gió mạnh thổi tan tác đám mây đen vẫn vần vũ trên đầu bà. Chỉ một lời thôi, mà người ăn trộm được Chúa cho lên thẳng Thiên Đàng. Bà nghĩ, cả đời anh ta chắc hẳn là làm nghề trộm cướp, và dù không hiểu gì về luật lệ thời đó, bà cũng có thể hình dung được anh ta chắc phải là một tên chuyên cướp của giết người thì mới bị án tử đóng đinh như vậy. Nhưng dường như Chúa Giê-su không quan tâm đến quá khứ của anh ta, Chúa chỉ biết giây phút hiện tại anh ta muốn gì. Anh ta xin Chúa nhớ đến anh trong Nước của Chúa, và Chúa đã cho anh ta vào Thiên Đàng mà không xét đến việc anh ta là một tên cướp giết người... Bà cảm thấy lòng tràn đầy hy vọng. Nhớ lại những trận bóng đá mà bà vẫn ngồi coi cùng ông, có những đội bóng đã gỡ hòa hoặc chiến thắng ở phút cuối cùng, bà gọi đó là phút thứ 90-1. Nhưng ở đây không phải là 1 phút, mà bà nghĩ chỉ cần một giây thôi, đủ để cho người ta kịp ngoái đầu lại. Một giây của hiện tại. Một giây để hối hận. Một giây để nói lên ước muốn cuối cùng của mình, như “người trộm lành” bên phải Chúa Giê-su. Song kinh nghiệm cũng dạy cho bà hiểu rằng, để 1 giây cuối cùng có thể ngoái đầu lại, thì người ta đã phải nỗ lực trong suốt 89 phút 59 giây trước đó. Hay ít ra thì trong suốt thời gian đó, người ta đã phải thường xuyên ngoảnh đầu lại. Bởi lẽ, nếu không có thói quen ngoái đầu lại, hay ít là ước muốn ngoái đầu lại, thì làm sao có thể kịp ngoảnh lại chỉ trong một giây... Bà nhớ lại cuộc đời của ông, nhớ lại ánh mắt tha thiết khẩn khoản của ông lúc hấp hối, và nhất là lời Chúa Giê-su nói với người “trộm lành”… Rồi không chỉ tràn đầy hy vọng, bà đã tin…

Powered by Blogger.