Header Ads

[Giải VVĐT 2018] Tiếng phèng la

TIẾNG PHÈNG LA 

Hình minh họa


(Mã số: 18-045) 


Phèng… phèng… phèng… 

Đó là tiếng phèng la phát ra từ đoàn người đang đưa thi hài anh Giuse Nguyễn Văn Triều ra nghĩa địa Gò Dừa. Họ đi vội vã, không có tiếng thưa kinh và tiếng khóc, chỉ có tiếng văng tục của đám dân công khiêng quan tài đi sau cùng. Chốc chốc, tiếng chửi lại rộ lên, phần vì mùi hôi thối phát ra từ trong quan tài, phần vì giẫm phải chân nhau. Tuy nhiên, chẳng có ai bỏ ngang, họ vẫn một lòng đưa anh đến nơi yên nghỉ an toàn. Người ta chết rồi mà, ai nỡ lòng nào!... Phải! Anh chết vì bệnh tiểu đường và vì đau khổ, hối hận khôn nguôi. 

*** 

1. 


Ngày anh chị lấy nhau, mọi người ai cũng trầm trồ cho đôi trai tài gái sắc. Chẳng biết tương lai thế nào nhưng họ phải khen. Khen anh khỏe khoắn, làm việc gì cũng nhanh nhẹn gọn gàng, ai thấy cũng vừa lòng. Anh lại có giọng hát hay, đã chiếm lòng mộ mến của biết bao cô gái trong xóm. Cho nên, đương nhiên, anh có một vị trí solo không ai thay thế trong ca đoàn của giáo xứ. Khen chị đoan trang nết na, nét mặt có duyên, dáng người đầy đặn, không cần chỉnh trang. Vì thế, chị đã hớp hồn biết bao chàng trai làng trên xóm dưới. Chị lại có cái tên thật đẹp: Mađalêna Phạm Ngọc Mai Trâm. Hương thơm “hoa Mai Trâm” tỏa khắp vùng Gò Dài, lan sang các vùng Gò Thị, Xuân Phong, Thượng Hòa… Thế mà trong lòng chị chỉ có mình anh và trong mắt anh chỉ có mình chị. Đấy vừa là cái duyên, vừa là cái nợ mà chị phải gánh hơn hai mươi năm chung sống. 

Thời gian đầu, cả hai thật hạnh phúc, đúng như lời người ta trầm trồ. Ngày ngày anh chị quấn quýt bên nhau không rời. Thế mới thấy cái tình “ngày xuân” luôn đẹp và hấp dẫn các đôi uyên ương. Và nếu họ biết giữ mãi tình yêu như những ngày đầu thì hạnh phúc sẽ luôn ở với họ. Phải nói, thời gian này, anh và chị thật khéo ăn khéo ở, luôn biết chăm chút cho tổ ấm của mình. Họ lại siêng năng kinh lễ, chẳng bỏ sót một ngày nào. Cho nên, nhờ ơn Chúa ban, không bao lâu, anh chị đã có nhà riêng và sinh được hai người con dễ thương, một gái một trai. 
Thế nhưng từ ngày anh theo bạn bè chuyển sang đi làm công trình thì chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” bắt đầu xảy ra trong gia đình. Cái vị trí solo trong ca đoàn cũng nhường cho người khác. Anh chẳng còn màng đến chuyện lễ nghĩa chi hết. Sau giờ làm, anh hay trở về trong cơn say rồi gây chuyện chửi bới gia đình, hàng xóm. Có hôm, anh còn đánh vợ đập con, làm cho không khí gia đình càng ngày càng nặng nề. Lại thêm chuyện, anh ghen bóng ghen gió chị lẹo tẹo với anh Phi đi làm cùng công ty gỗ với chị. Đành rằng tình yêu vợ chồng cần có chút “gia vị chua cay” nhưng anh đã cho quá nhiều. Thế là vừa ghen, vừa rượu, anh đã biến gia đình thành hỏa ngục. 

Càng ngày, chị càng không thể chịu được thói cộc cằn của anh. Nhiều lần chị định dắt hai đứa con bỏ đi thật xa nhưng lần lựa mãi không đành. Chị cắn răng chịu đựng vì hai đứa con. Đứa con gái mới học xong 12, còn đứa con trai mới học lớp 10. Thế là cả ngày chị tìm cách tránh chạm mặt với anh. Sáng sớm, chị đã dậy lo bữa sáng cho con rồi hai mẹ con đi làm khi anh chưa kịp mở mắt. Chiều đến, hai mẹ con lại tăng ca cho đến 10 giờ đêm mới về. Chị muốn làm cho hết ngày giờ, để khỏi phải đấu khẩu với anh, để quên đi những ưu phiền. Và khi hai mẹ con trở về thì anh và con trai đã ngủ say. Như thế, một ngày yên ổn đã trôi qua. 

Tuy nhiên, công việc ở công ty gỗ đâu được đều đặn. Đến hè, đa số các công ty đều cho công nhân nghỉ việc. Chị và con gái đành phải ngồi ở nhà bóc hạt điều kiếm cơm. Công việc ấy cũng nhàn nhưng ít tiền, chỉ có dăm ba ngàn một ký, lại phải cặm cụi cả ngày. Buồn quá, đứa con gái xin chị đi Gia Lai chạy bàn cà phê với mấy đứa bạn. Thương con, chị đành để nó đi mà lòng không yên chút nào. Con gái lớn rồi mà!... Con gái đi xa, ở nhà thui thủi một mình, chị lại càng buồn hơn. Anh đi làm suốt ngày, con trai đi học cả hai buổi. Chị ngồi một mình vừa bóc hạt điều vừa nghêu ngao hát cho đỡ buồn. Tuy nhiên, càng hát chị càng buồn, lòng chị nấc nghẹn vì chồng vì con. Sao người ta lại có thể viết trúng tâm trạng của chị như thế: Có chồng mà như không! Cái tình cái nghĩa hẹn ước ngày xưa đâu rồi? Ôi Chúa ơi!... Con phải chịu cảnh này bao lâu nữa? Con chỉ muốn gia đình con hạnh phúc như ngày xưa thôi... Câu hát vẫn cứ trôi theo dòng nước mắt. Chị vừa hát, vừa khóc, vừa bóc vỏ điều. 



2. 


Trời đã nhá nhem tối. Hai mẹ con ra ngoài hè ăn cơm cho mát. Mùi khói rơm từ ngoài đồng bay vào khét lẹt, khó thở. Nó làm cho bữa cơm của hai mẹ con thêm buồn. Thằng nhỏ cố nuốt cho hết chén cơm nhưng nghẹn ứ ở cổ. Nó rướn người, vuốt ngực mấy cái mới khỏi. Muỗi cắn. Nó vỗ đen đét. Chị lấy cái quạt giấy phe phẩy đuổi chúng đi, tiện việc đẩy cho bớt khói. Thế nhưng gió nồm vẫn cứ đẩy từng đùn khói xuyên qua hàng rào, tỏa đầy sân đầy nhà chị. Bực quá chị chửi. 

- Ai ác nhơn ác khí dữ! Không biết người ta đang ăn cơm à! Đốt gì vào giờ này... 

- Mấy đứa nhỏ đốt đấy mẹ! Chắc con phải cho chúng nó một trận!... 

- Đừng! Để mẹ mắng vốn ba má nó... 

Câu chuyện của hai mẹ con chưa dứt, Triều ở đâu mò đầu về. Vẫn cái giọng lè nhè thường ngày, Triều quát như tháo nước. 

- Mẹ con lũ bay mắng gì tao thế hả?... Đừng có hỗn hào nghe chưa!... 

Triều xiên xẹo bước lên hè, đá tung mâm cơm rồi thản nhiên đi vào nhà, ngã người trên giường hát nghêu ngao… Thằng con trai nhảy phốc xuống sân chạy biến, còn chị đứng dậy dọn mâm cơm, thinh lặng chẳng nói một lời. Chị không muốn nói với kẻ say, kẻ khùng mà đúng hơn là kẻ ma nhập.

 Đúng thế! Có lần trong khi tỉnh, anh kể rằng mình đã ăn nằm với hai cô gái xinh đẹp ở gò ông Bộ Thọ. Cái khu gò bỏ hoang, cây cối rậm rạp, có con đường mòn chạy ngang dẫn đến nhà anh. Cho nên, nếu anh trở về trong đêm tối với cơn say thì anh liền bị hai cô gái xinh đẹp dẫn vào “nhà” ngủ. Anh cứ đi theo, cứ ngủ “lăn chai lăn chình” giữa bao bụi rậm mà chẳng hay biết. Cho đến sáng, khi tỉnh dậy, anh mới biết mình gặp ma. Nhưng anh lại thấy thích, dù có mệt mỏi và trầy xước. Anh thích nhưng cả nhà đâu có ai thích. Người ta bảo anh “mắc đàng dưới” mà! Mắc duyên với người cõi âm. Thế là chị không còn chỗ đứng trong tâm trí anh nữa. Anh có về nhà cũng chỉ vì đó là nhà của anh chứ không phải vì vợ con. Anh sẽ quậy tanh bành nếu chị dám nói một lời nào đó xúc phạm. Mặc kệ vợ con! Hết ngày này sang ngày khác, anh đi kiếm tiền rồi về trong cơn say, ngủ với ma và la cà với quỷ. 

Vì thế, càng ngày anh càng tàn tạ. Chị cũng chẳng quan tâm. Hai vợ chồng như hai tượng đá đặt chung trong một nhà. Cả thằng con trai cũng thế. Nó đã học xong phổ thông và muốn đi khỏi nhà. Nó theo bạn xuôi vào Nam đi làm chẳng thèm về nhà lần nào nữa. Thi thoảng nó gọi điện hỏi thăm chị đôi câu, gửi cho chị ít tiền. Chị có khuyên lơn thế nào nó cũng nhất quyết không về. Nó bảo, chừng nào ổng chết thì nó mới về. Thế là chị càng buồn, càng cô đơn trong cuộc chiến chống lại cả chồng lẫn ma. 

Chiều hôm đó, Triều trở về trong cơn say. Đôi mắt đỏ như hai hòn than, anh đi quanh quẩn bên chị như sư tử vờn mồi, cố khích cho chị nói. Chỉ cần một lời thôi là anh có cớ để hành hạ chị. Thế nhưng chị vẫn lặng im, chăm chú vào công việc rán cá. Bực quá, anh đi qua đi lại trước mặt chị, hết chửi chị lại chửi đến ông bà tổ tiên của chị. Kìm nén quá lâu, tức nước vỡ bờ, chị vùng lên, chửi như tát nước vào mặt anh. Chị ném luôn con cá đang rán nóng hổi vào người anh. “Mẹ, chồng gì! Mầy là tên quỷ thì có!”... Thế là con quỷ đã thắng. Nó hùng hổ nhào vô, bóp cổ, đè chị xuống và đổ luôn cả chảo dầu đang sôi lên người chị. Nóng quá, chị giãy giụa, mắt trợn trắng… Bỗng đâu một chút lương tâm lóe sáng. Nó đánh gục tên ác quỷ đang điên cuồng hại người lành. Anh buông tay, mắt sụp xuống, miệng thản thốt kêu la: “Chúa ơi! Con giết vợ con rồi!”... Anh bế xốc chị, chạy ngay sang nhà hàng xóm, nhờ chở vào bệnh viện cấp cứu. 


3. 

Chén nước hất đi không thể nào lấy lại được. Sau khi ở bệnh viện về, với đầy thẹo trên người, chị gói đồ bỏ đi vào Nam với con trai biệt tích. Giờ đây, anh mới thấy mình sai lầm, tội lỗi không thể dung thứ. Anh bỏ việc, bỏ hết tất cả, thui thủi một mình trong nhà như người điên. Mà anh điên thật! Hai con ma nữ vẫn cứ lởn vởn bên anh. Chúng muốn hại cho tàn cả đời của anh, bởi anh đã bán linh hồn cho nó… May mà cha sở đã kịp thời đưa đội Legio đến nâng đỡ. Nếu không anh đã chết thối mà chẳng ai hay biết. Bởi vì từ ngày chị ra đi, anh tự nhốt mình trong nhà, chẳng chịu đi đâu hay gặp người nào, nhịn ăn nhịn uống để đền tội. Cứ thế cho đến khi người ta đưa anh về với đời sống bình thường, thân thể anh đã tiều tụy chỉ còn da bọc xương. Anh còn mắc thêm bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Thế nhưng anh chẳng buồn chăm sóc cho mình. Anh muốn chết để chuộc tội, chết để khỏi phải nghe người ta nói đến mình, chết vì không còn ý nghĩa để sống. Anh muốn chết thật nhanh!... 

Anh muốn chết nhưng đâu có dễ dàng như ý muốn. Mười năm trôi qua, hết người này chết, đến người khác chết mà anh vẫn cứ sống trơ trơ. Mấy lần anh tự tử lại bị người ta cứu sống. Cho nên, anh cứ sống vất vưởng. Hôm thằng bạn thân mất vì đột quỵ, anh đến đứng trước linh cữu, nức nở. 

- Anh Luân! Anh thế mà sướng! Anh chết ấm cúng!... Anh cứ yên tâm ra đi, em và thằng Trung sẽ theo sau anh. Em bị tiểu đường, chắc cũng nay mai thôi. Còn thằng Trung bị xơ gan, cái bụng đó chắc cũng phải “nổ” sớm thôi!... 

Nói xong, anh khóc hu hu… 

Tiếng phèng la bắt đầu vang vang kêu gọi mọi người tập hợp chuẩn bị đưa linh cửu anh Luân đến nhà thờ. Tiếng nó cứ phèng phèng buồn thảm, vang lên rồi tắt lịm vào trong không khí lành lạnh cuối năm. Tiếng nó không giống như tiếng chiêng tiếng cồng trầm bổng du dương. Nó cứ phèng phèng cụt ngủn như người sắp chết thở chẳng ra hơi. Gió bấc thổi đều đều làm cho tiếng nó càng thêm buồn và chua chát. 

Đúng một tháng sau, tiếng phèng la lại vang lên khắp xóm. Anh Trung đã ra đi với căn bệnh xơ gan cổ trướng. Nó đã đủ thời gian để hành hạ, vắt kiệt sức lực rồi lôi anh vào cõi chết. May là anh đã có thời gian chuẩn bị kỹ càng. Âu cũng chỉ vì rượu chè mà hai người bạn chí cốt của Triều đã chết khi chưa vượt quá tuổi trung niên. Nỗi buồn lại chồng chất thêm trên anh khi chẳng còn ai chia sẻ nỗi niềm. Thế thì anh còn sống để làm gì. Chết cho hết một cuộc đời đau khổ. Anh đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Anh xin Chúa cất anh đi bất cứ lúc nào Ngài muốn. 

4. 

Vào một ngày cuối năm, trong khi các gia đình quy tụ nhau chuẩn bị đón Tết, anh phải nằm cheo veo mong chờ vợ con về nhìn mặt lần cuối. Anh sẽ chẳng chịu nhắm mắt khi chưa thấy đủ bóng dáng của vợ của con. Cho nên, anh chờ từng ngày, hy vọng từng ngày. Nghe có tiếng người vào thăm, anh lại nhỏm lên trông ngóng rồi buồn sầu hụt hẫng. 

Mãi đến hai chín tết, vợ và con anh mới trở về. Họ thản nhiên đến bên giường anh, ngồi xuống, không một chút xúc động. Dường như tình nghĩa vợ chồng, cha con bị những đám mây mù của hờn giận che khuất. Nó chỉ le lói đôi chút rồi lại vụt tắt ngay. Như thế, mọi người mới thấy chuyện tình cảm gia đình vun trồng thì khó nhưng phá đổ rất dễ dàng. Ai lầm đường lạc lối sẽ phải gánh chịu hậu quả như anh. Cho nên vừa thấy vợ và con, hai mắt anh đỏ hoe, cổ họng ứ nghẹn, tim muốn ngớp vì xúc động. Anh cố níu lấy tay chị thều thào. 

- Anh xin lỗi Trâm, xin lỗi em!... 

Quay sang hai đứa con, anh nghẹn ngào. 

- Ba xin lỗi các con! Ba là một người hư... 

Anh nhìn lên Thánh Giá, mở to mắt, hai dòng nước mắt hối hận và hạnh phúc chan hòa trên má, cạn dần... 

- Xin Chúa thương xót con! Xin Chúa Kitô thương xót con!... 

Bàn tay anh nới lỏng, rơi xuống lòng thòng một bên giường. Mắt trợn lên, tắt thở. Chị bụm miệng, nước mắt chỉ ứa ra đôi chút. Cuối cùng, chị cũng động lòng phải tha thứ cho anh. Nghĩa tử là nghĩa tận mà! Ai lại chấp nhất người đã khuất. Mà chị còn hận anh để làm gì, chỉ thêm đau khổ thôi! Giọt nước mắt trào ra, cho thấy chị đã thanh thản hơn nhiều. Chị đưa tay vuốt mắt anh rồi đứng dậy đi ra. Thằng con trai cũng đi theo mẹ. Chỉ có đứa con gái òa lên khóc sướt mướt… Tiếng đọc kinh đưa tiễn bắt đầu. 

*** 

Tiếng phèng la tiếp tục phát ra mạnh và nhanh hơn, thôi thúc đoàn người đi nhanh ra Gò Dừa, nơi yên nghỉ cuối cùng của cả xóm đạo, một thành phố chết đầy Thánh Giá. Nó nằm chơ vơ giữa mênh mông ruộng lúa xanh mơn mởn. Cái khung cảnh ấy như nhắn nhủ với những người còn đang sống: Chết chưa phải là hết, chết là bắt đầu một hành trình mới… 

Gió bấc vẫn cứ thổi vù vù vào đoàn người làm tắt tất cả các ngọn đèn trên nắp quan tài, làm xiêu vẹo những dáng đi khập khiễng. Trong đoàn người ấy chỉ có vỏn vẹn ba chiếc khăn tang. 

Nắng chiều vàng vọt, tiếng phèng la buồn da diết, lòng người chẳng lặng yên. 

Phèng… phèng… phèng…
Powered by Blogger.