Header Ads

Bánh mì và Phục Sinh





Ở các nước thuộc Âu Châu, bánh mì là thực phẩm chính giống như cơm gạo của người Á Châu, nên có rất nhiều phong tục cổ truyền được tượng trưng qua chiếc bánh của ngày lễ Phục Sinh.

Lấy thí dụ điển hình. Ở tỉnh Sardina nước Ý, bánh mì ảnh hưởng đến một phần diễn tiến sinh hoạt của xã hội. Thực phẩm quan trọng nhất của Sardina cũng như trên hầu hết nước Ý là bánh mì. Bánh mì liên quan đến kinh tế,chính trị, xã hội, mỹ thuật, biểu tượng và sức khỏe.

Người đàn bà Ý khi lập gia đình rồi, họ hay làm những chiếc bánh mì có hình thập tự tượng trưng cho sự đóng đanh của Chúa Giêsu. Họ cùng chồng ăn chung chiếc bánh này, là cùng chia chung những khó khăn, cùng nhau ghé vai vác gánh nặng của đời sống.

Người Ý làm bánh Phục Sinh không phải chỉ là một chiếc bánh ngọt có trang trí bằng hình những bông hoa, con chiên hay con thỏ đơn sơ, chiếc bánh Phục Sinh của họ còn mang rất nặng ý nghĩa tôn giáo.

Ở bên Anh, người ta tin một chiếc bánh mì làm trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) sẽ cứng hơn và như thế sẽ che chở những tai nạn về hỏa hoạn cho nguyên một năm. Thủy thủ cũng thích mang theo bên mình chiếc bánh mì của ngày Thứ Sáu này để tránh vỡ tầu, tránh tai nạn ngoài khơi. Nhà nông vùi bánh vào khạp đựng khoai, bắp để chuột thấy chiếc bánh này sẽ không dám vào ăn và sau cùng là có khi đau ốm họ bẻ một miếng của cái bánh cứng ngắc này, tán thành bột, hòa với nước uống thay thuốc, và tin là bệnh gì cũng khỏi.

Cũng người Anh, một chiếc bánh mì có hình Thánh Giá được làm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đem treo trước của nhà trong ngày đó sẽ tránh được điều xấu nguyên năm.

Bột trộn làm bánh hay bánh làm xong vào ngày Thứ Sáu sẽ không mốc và hư dễ dàng. Mấy bà nội trợ tin rằng, cứ để đó không hư được đâu. Thứ sáu mùa chay mà!

Một phong tục cổ truyền rất dáng yêu của phụ nữ Ukrainian. Khi nàng làm bánh Phục Sinh Ukrainian Paska, nàng phải giữ lòng tinh khiết, và ngôi nhà phải hoàn toàn im lặng. Chồng hoặc một người anh trai nào của nàng phải đứng canh ở trước của không cho ai ghé vào nhà khi bánh ở trong lò. Nàng không muốn một đôi mắt không được thánh thiện nhìn vào chiếc bánh đang nướng của nàng, nó sẽ đem mất đi những thịnh vượng của cả gia đình trong năm tới.

Hôm qua Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng tôi sau khi ở nhà thờ về có mời mấy người bạn ghé nhà ăn bữa cháo chay, chúng tôi được một ông bạn người Ý mang đến cho một chiếc bánh để cuối tuần ăn mừng lễ Phục Sinh. Chiếc bánh chính ông làm lấy bằng công thức gia truyền của mẹ ông để lại.

Đó là một chiếc Bánh Phục Sinh vừa lạ vừa đẹp.

Tôi nói nhỏ với chồng, người tha hương nào cũng muốn đem văn hóa ẩm thực của mình giới thiệu với cộng đồng khác. Nhưng khi nhìn vào chiếc bánh tôi linh cảm ngay được chiếc bánh này còn nói lên một điều gì trên cả văn hóa ẩm thực của người Ý. Bằng giọng nói ấm áp, từ tốn, chúng tôi được ông cắt nghĩa về chiếc Pane di pasqua của người Ý mang những ý nghĩa như sau:

Pane di pasqua (Ý)

Bánh Phục Sinh này cũng làm bằng bột mì, men nổi như các bánh mì thông thường khác nhưng có cho thêm rượu. Bánh hình tròn, có ba quả trứng nhuộm mầu xanh, đỏ còn để nguyên cả vỏ đặt vào cái vòng tròn đó, trên mỗi quả trứng, có bột vắt ngang hình chữ thập. Hình tròn của cả chiếc bánh tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu (Never ending love). Ba quả trứng tượng trưng cho Ba Ngôi (Trynity): Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần. Mỗi quả trứng lại có ba phần: phần vỏ ngoài cùng là Chúa Thánh Thần (Holy Spirit); lòng trắng trứng là Chúa Giêsu (Christ); lòng đỏ là Chúa Cha (God). Bột bánh có hình chữ thập vắt trên quả trứng tượng trưng cho sự Phục Sinh, Chúa Chết và Sống lại. Nguyên cả chiếc bánh tượng trưng cho lễ Vượt Qua (Passover) trong bánh có rượu và bột nổi để ôm những quả trứng cho được khít khao.

Tôi chưa hề được nghe ai giảng cho nghe về một chiếc bánh đầy biểu tượng tôn giáo như thế.

Bánh mì là biểu tượng của đời sống, người nông dân Ý có câu ngạn ngữ: “Người nào có bánh mì thì không bao giờ chết - Chie hat pane mai non morit.” Phải chăng đó chính là họ lập lại lời của Chúa: “Ta là bánh hằng sống”

Mỗi khi xem bức tranh vẽ lại bữa Tiệc Ly của Chúa với mười hai tông đồ tôi thường hình dung lại hình ảnh của Chúa bẻ bánh ra chia cho các môn đệ ở căn phòng Tiệc Ly trên núi Zion trong thành Jerusalem với câu nói: 

“Hãy lấy ăn đi, ( bánh) này là thân thể ta đã vỡ ra vì các ngươi”

Còn hình ảnh nào cảm động bằng hình ảnh so sánh giữa ổ bánh mì bẻ vụn ra từng mảnh nhỏ chia cho các tông đồ để nuôi sống phần xác và thân thể Chúa vỡ ra từng mảnh để cứu vớt phần hồn của nhân loại.

Mỗi khi tôi ăn món bánh mì chấm với dầu olive của người Ý, cầm ổ bánh mì bẻ ra từng mảnh nhỏ, tôi cũng liên tưởng đến câu nói hơn hai ngàn năm của Chúa.



Chúng ta vẫn được nghe ở những bài đọc trong thánh lễ hàng ngày, hàng tuần về những ổ bánh được nhân lên hàng ngàn lần khi Chúa làm phép lạ để phân phát đầy đủ cho người đi theo Chúa nghe giảng dậy đã được các thánh ghi lại trong phúc âm.

Như vậy dù ở thời điểm nào, bánh mì thật sự là một trong những thực phẩm quan trọng cho sự sống, còn. Nhưng một danh nhân đã nói “Người ta không phải chỉ sống bằng bánh mì”

Tôi tin như vậy, tôi ăn bánh mì (hay cơm) để nuôi sống phần thân thể, nhưng phần linh hồn Chúa đã hà hơi vào thể xác tôi thì tôi phải cần đến chính thức ăn của Người. Tôi cần “Bánh Hằng Sống”.


Mùa Phục Sinh 2008

Trần Mộng Tú

Tài Liệu Tham Khảo: Wikipedia , Holidays Symbols and Customs (Sue Ellen Thompson)

Powered by Blogger.