[Giải VVĐT 2018] Tích tắc
(Mã số: 18-044)
Vậy là đã tới tháng 10, thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã gần tới cuối năm. Ngoảnh đi ngoảnh lại anh cũng đã thấy mình thành công, có chỗ đứng trong xã hội. Tuy không gọi là giàu có nhưng anh cũng được cho là người thành đạt, công việc ổn định, lương cao, với một gia đình hạnh phúc. Vợ anh có một cửa hàng kinh doanh áo quần, con trai anh năm nay đã 8 tuổi, và vợ chồng anh đang có ý định sinh thêm một đứa con nữa. Ngôi nhà hai tầng khang trang, được mua bởi mồ hôi công sức của anh với vợ, mọi người cứ trầm trồ khen ngợi về cách bài trí đẹp mắt, độc đáo của căn nhà, làm anh hãnh diện lắm.
Hôm nay, sau khi tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật về, thằng Đăng con anh có vẻ ra chiều đăm chiêu lắm, vì cu cậu đang có một thắc mắc khó hiểu. Chịu không nổi, cậu liền chạy đến kéo kéo cánh tay bố, người đang cúi mặt vào cái smartphone và hỏi: “Bố ơi! Sao lúc nãy con nghe không có tên gia đình mình khi giáo xứ thông báo đọc kinh tháng Đức Mẹ Mân Côi bố nhỉ?”.
- Bố có đăng ký với giáo xứ đâu mà có tên. - Anh giải đáp trong khi đầu vẫn cúi vào màn hình điện thoại.
Thằng bé kêu to:
- Sao vậy bố?
Lúc này anh mới ngẩng mặt nhìn con, giọng anh thiếu kiên nhẫn:
- Thời gian đâu, gần cuối năm rồi bố bận lắm, mẹ con thì suốt ngày ngoài cửa hàng tối mịt mới về, có ai ở nhà đâu mà đọc với chả kinh!
Nói xong, anh tiếp tục ôm cái điện thoại để mặc con trai tiu nghỉu. Đăng lủi thủi đi về phòng, ngồi trên giường mà cậu cảm thấy buồn quá, trong khi bạn giáo lý của cậu đứa nào cũng háo hức chờ đến lượt đọc kinh nhà mình thì nhà cậu lại không có. Tuy không gọi là sốt sắng lần chuỗi, có khi lại ngủ gà ngủ gật nhưng sau buổi đọc kinh bọn trẻ lại được phát kẹo, và có khoảng thời gian chạy nhảy trong khi đợi người lớn nói chuyện. Khoảng thời gian ít ỏi ấy vui lắm, bọn Đăng bày ra biết bao nhiêu trò để chơi.
“Nhà mình không đọc thì mình tới nhà chúng nó”, Đăng nhủ thầm. Nhưng hi vọng đó lại bị tắt ngấm khi cậu chợt nghĩ: “Bố mẹ bận rồi ai đưa mình đi, đi một mình thì chắc bố mẹ không cho đâu”. Đăng thở dài buồn bã, cái buồn thoang thoảng của một đứa trẻ đang hình thành nhận thức về thế giới xung quanh.
- Đăng ơi! Xuống ăn cơm con!- Tiếng mẹ cậu lanh lảnh.
Nhìn đồng hồ đã 20h, tối nào cũng thế, nhà cậu ăn cơm rất muộn vì phải đợi mẹ ở ngoài cửa hàng về.
Suốt tháng nay, tối nào Đăng cũng nhắc bố chở đi đọc kinh Mân Côi nhưng chỉ nhận được lời gắt gỏng từ bố cậu. Đăng toàn thấy bố lúc thì ngồi viết viết ghi ghi trên đống giấy tờ, lúc thì ôm cái điện thoại nằm nơi ghế sofa. Có lúc cậu nhằng nhì dữ quá bố cậu quát lên: “Đi làm cả ngày căng thẳng, mày để cho bố nghỉ ngơi cái coi, muốn đọc thì vào phòng lần chuỗi đọc một mình, cần gì phải tới nhà họ”.
Đăng rơm rớm nước mắt lẩm bẩm: “Đọc một mình đâu có vui đâu, có gặp mọi người được đâu”. Mẹ thì cậu chẳng hề đòi vì có nói cũng như không, giờ mẹ về đã trễ giờ kinh rồi nói làm gì nữa.
Không được đi đọc kinh tháng Đức Mẹ, Đăng lại háo hức tới tháng Các Đẳng Linh Hồn, không phải vì những lí do như trên mà vì một lí do đặc biệt khác, đó là cậu muốn cầu nguyện cho bà nội mới mất năm vừa rồi. Đăng quý bà nội lắm, bà thường dẫn cậu theo trong những buổi đọc kinh, thủ thỉ bên tai cậu những câu chuyện dạy làm người, hướng dẫn cho cậu cách tự làm những việc vệ sinh cá nhân, luôn dành thời gian để chơi cùng cậu. Đăng muốn cầu xin Chúa cho bà cậu được lên thiên đàng, đối với cậu đó là một nơi kỳ diệu và đẹp đẽ. Và nếu lỡ một ngày nào đó cậu có chết trong căn phòng bé nhỏ của mình mà không ai hay biết như cô bé bán diêm trong câu chuyện cùng tên, câu chuyện mà bà hay kể thì cậu cũng sẽ được bay lên ở trên thiên đàng cùng bà.
Đăng lại kéo cánh tay bố hỏi:
- Tháng 11 này bố có xin giáo xứ tới đọc kinh cầu nguyện cho ông bà mình không hả bố?
- Chúa nhật nào bố cũng xin lễ cho ông bà rồi, bố đã nói với con là bố không có thời gian mà.- Anh ngẩng mặt khỏi đống tài liệu trả lời con.
Đăng lủi thủi quay đi mà không hề nài nỉ thêm. Nhìn theo bóng lưng con anh cảm thấy tội tội và hơi xấu hổ với nó. Từ khi mẹ anh mất, nó trở nên trầm lặng hơn, vì bà nội là người chăm sóc và bên cạnh nó nhiều nhất, ỉ có mẹ, anh và vợ lao vào công cuộc kiếm tiền, xây nhà lầu sắm xe hơi. Sinh hoạt trong giáo xứ anh cũng dần không màng tới, với anh đi lễ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ trọng, giữ các điều răn giới luật là đủ cho một người Kitô hữu.
Sự ra đi đột ngột của mẹ không chỉ gây hụt hẫng cho Đăng mà còn làm cho nếp sống của gia đình anh xáo trộn. Tất cả những công việc bếp núc chợ búa con cái của mẹ anh trước kia giờ vào tay vợ chồng anh, một ngày trôi qua cứ quay như chong chóng. Anh ước sao thời gian dài thêm ra để thảnh thơi đôi chút.
Đăng nằm lặng lẽ trong phòng, bước đến chiếc giường cậu nằm xuống quờ tay ôm con gấu bông đã cũ, đó là con gấu bông bà đã tặng cho cậu, mà khóc tấm tức. Bà ơi! không có nhiều người cùng cầu nguyện thì làm sao bà mau lên thiên đàng được. Vì với suy nghĩ non nớt thì lời cầu nguyện được tính bằng số người cầu nguyện, càng có nhiều người nhớ đến bà và dâng lời cầu xin thì điều cầu xin sẽ mau ứng nghiệm.
Đăng đâu hiểu được rằng lòng ao ước điều tốt đẹp cho bà với một tâm hồn ngây thơ là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất dâng lên Chúa, đó là lời cầu xin thơ ngây, trong sáng và thánh thiện vô cùng, nó đẹp lòng Chúa hơn những chiếc phong bì chỉ chứa dựng trong đó giá trị vật chất, mà nhạt nhẽo tấm chân tình sốt sắng tham dự thánh lễ, nó hơn cả những lời kinh được đọc rập ràng mà tâm hồn người đọc lại để ở một chốn khác.
Rồi Đăng cũng đi qua tháng 11 với những lời nguyện cầu mà cậu cho là bé nhỏ. Tay mân mê tấm hình hai bà cháu chụp chung, Đăng nói nhỏ: “Bà đừng lo, rồi ngày nào cháu cũng sẽ cầu cho bà được bay lên trời, không nằm dưới đất lạnh lẽo nữa”.
- Đăng ơi! Mau lên con…- Tiếng mẹ Đăng thúc giục ngoài sân.
Đăng chạy vụt ra, vui vẻ nói to:
- Dạ, con đây mẹ.
Tối nay cả nhà cậu xúng xính áo quần đẹp để đi lễ Vọng Giáng Sinh, nhìn căn nhà được trang trí đẹp đẽ, cây thông Noel rực rỡ sắc màu, đèn lồng phát ra muôn vàn ánh sáng chói lóa. Tuy bố cậu không làm hang đá nhưng Đăng cũng thấy vui khi nhìn khung cảnh lấp lánh của căn nhà. Không uổng công những ngày chờ đợi háo hức. Cầm lấy bàn tay mẹ và bố, gia đình cậu tản bộ đến nhà thờ giáo xứ. Đường phố những người là người, khó khăn lắm cả gia đình mới len lỏi được vào phía trong nhà thờ. Giáng Sinh năm nào nhà thờ cũng đông nghẹt người, không chỉ người trong Công giáo đến tham dự thánh lễ mà có cả những người ngoại đạo cũng đến xem, vì năm nào giáo xứ cũng có chương trình diễn nguyện, diễn lại cảnh Đức Mẹ và Thánh Giuse sinh hạ Đức Giêsu, thêm vào đó là một vài tiết mục chào mừng Giáng Sinh. Đăng say sưa xem với tâm hồn trong sáng, háo hức của một đứa trẻ.
Đêm muộn cả gia đình mới trở về nhà, Đăng có vẻ nghĩ ngợi lắm, bố mẹ cậu mãi ngắm nhìn quang cảnh trang trí Giáng Sinh trong nhà mà không để ý đến những thay đổi trên khuôn mặt con trẻ. Vừa bước vào nhà Đăng lặng lẽ quay người nhìn ra bóng đêm đen và chợt hỏi:
- Bố mẹ có thấy nhà mình như cái quán trọ không?
Mẹ cậu bỗng giật mình, bà hết sức ngạc nhiên trước câu hỏi có phần hơi già tuổi của con, còn bố cậu lại cười bảo:
- Nhà mình mình ở, chứ mình có phải ở nhà thuê của người ta đâu mà con nói thế.
Đăng bước đến bên bố, cậu ấp úng trả lời:
- Không! Ý con là nhà mình như cái quán trọ đã từ chối không đón nhận Mẹ Maria và Thánh cả Giuse đó, không để cho Mẹ vào ở để sinh Chúa Giêsu đó.
- Sao con lại nói thế?- Mẹ Đăng thắc mắc.
- Con thích có một hang đá để đón Chúa Hài Đồng trong mùa Giáng Sinh mà bố mẹ có làm hang đá trong nhà để đón Chúa Hài Đồng đâu, với lại con thấy mấy người đến xin ăn bố mẹ đều không tiếp, bà nội nói những người ấy là Chúa đó. Còn nữa, tới tháng Mân Côi bố mẹ có rước kiệu Đức Mẹ về nhà đâu, bố mẹ cũng không đọc kinh cầu hồn cùng giáo xứ để cầu nguyện cho các linh hồn đã mất.- Đăng nói ra suy nghĩ của mình.
- Trời ơi! Con đúng là suy diễn lung tung… Không phải bố mẹ từ chối Chúa mà vì bố mẹ không có thời gian. Thôi, ngồi đó bố mẹ tặng quà Giáng Sinh cho.- Anh dỗ dành.
Nghe đến quà, bao nhiêu thắc mắc bay biến, cầm món quà trên tay mà Đăng sung sướng quá.
- Thích không con?- Mẹ xoa đầu cậu hỏi.
Ôm cái ipad vào ngực, Đăng cười toe toét, cậu thấy bạn cậu đứa nào cũng có nên cậu cũng ước ao có một cái.
Nhìn con cười anh cũng vui lây, thấy con lủi thủi chơi một mình mà anh thấy tội, mua cái này cho nó chơi đỡ buồn và không mè nheo làm phiền đòi chơi với anh nữa. Tuy vậy, anh cũng không quên dặn dò con:
- Học bài xong mới được chơi nghe không?
- Dạ.- Tay mân mê cái Ipad, Đăng trả lời.
- Thôi giờ lên phòng đi ngủ, mai bố bày cho cách sử dụng và tải trò chơi.-Anh ân cần.
Đăng ngoan ngoãn nghe lời, không quên chúc bố mẹ ngủ ngon. Đây là ngày vui nhất kể từ khi bà Đăng mất. Vậy là Đăng có bạn mới rồi, không biết người bạn này là người bạn thế nào nhưng có bạn để chơi là vui rồi. Leo lên giường, Đăng đi vào giấc mơ ngọt ngào.
Dạo này, không gian trong nhà yên tĩnh hẳn, từ ngày mua cho con cái ipad, nó không còn vòi vĩnh đi chơi như trước nữa, cứ hễ có giờ rảnh là anh thấy nó cầm cái ipad chọt chọt quét quét. Nhìn con ngồi một chỗ để chơi anh cũng thấy yên tâm, không còn phải bận tâm tới nó nhiều nữa. Đọc báo thấy nhiều đứa trẻ bị tự kỉ vì suốt ngày ôm ipad, anh hơi lo nhưng thấy con vẫn nói chuyện đi học bình thường nên anh cũng không lo lắng mấy.
Chiều nay cũng như mọi chiều, anh trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vì công việc nên vợ chồng anh cho con đi học bán trú, chiều mới đón về. Việc đưa đón con anh cũng nhờ cô em gái làm giúp, vì con của em gái học chung trường với con anh nên rất thuận tiện. Mở cửa vào nhà, chỉ có tiếng giày anh là âm thanh duy nhất trong ngôi nhà yên ắng. Chẳng lấy làm ngạc nhiên cho sự im lặng này, anh nghĩ bụng: “Chắc con đang chơi game trong phòng”. Thong thả bước về phòng thay áo quần, anh bước sang phòng con trai định gọi con xuống tắm rửa, đẩy cửa bước vào chưa kịp mở miệng thì cảnh tượng trước mắt làm anh sợ hãi. Con anh nằm bất động, máu me toàn thân, chiếc ipad vỡ tung tóe khắp phòng. Chẳng kịp suy nghĩ anh lao đến gọi to:
- Đăng ơi! Đăng ơi! Con có nghe bố gọi không?
Anh lắc người con nhưng chẳng nghe tiếng con trả lời, hai mắt con nhắm nghiền, người vẫn còn ấm, hơi thở có phần yếu ớt. Bế xốc con lên, anh quáng quàng chạy vào bệnh viện.
Ngồi ngoài phòng cấp cứu, hai bàn tay đan lại vào nhau ghì chặt, anh đang rất sợ hãi cho điều tồi tệ có thể xảy đến. Lúc nãy nhìn cặp mắt con nhắm nghiền mà tim anh run rẩy. Vợ anh chạy như tên bắn đổ vào người anh khóc nức nở:
- Con sao rồi anh? Nó đâu rồi? Chuyện gì đã xảy ra với nó vậy?
Những câu hỏi dồn dập phát ra từ vợ anh, cô ấy vừa từ cửa hàng bán áo quần chạy đến đây khi nghe anh gọi điện. Anh ôm vợ vào lòng, nghẹn ngào chẳng thốt được thành lời, một lúc sau giọng anh khàn khàn:
- Con đang được các bác sĩ cấp cứu. Chiều nay, khi anh về nhà thì đã thấy con nằm bất động với nhiều vết máu và các mảnh vụn của chiếc ipad, chắc là chiếc ipad bị nổ khiến cho con trai mình như thế.
- Biết thế em không mua cho con đâu, em hại con rồi anh ơi!- Vợ anh khóc òa. Suy nghĩ của con người cũng thật là tuần hoàn, nếu biết sự việc xảy ra thế này hoặc thế nọ thì đã không làm không nói.
Anh ghì chặt vợ vào lòng hơn, bỏ mặc mọi ánh nhìn tò mò của mọi người xung quanh, vì chính lúc này đây anh cũng đang có suy nghĩ giống vợ. Vợ chồng anh đã quá tham công tiếc việc, bị cuốn theo guồng máy công việc của xã hội này, để mỗi lần con trai muốn anh chơi cùng thì nó luôn nhận được câu trả lời: “Bố không có thời gian đâu”. Anh đau đớn nhận ra mình đã quá vô tâm, mua cho con cái ipad cũng chỉ vì anh ích kỉ không muốn nó quấy rầy khoảng trời riêng của mình, vậy mà anh đã từng hãnh diện về người làm bố như anh. Câu nói ngày nào của con chợt văng vẳng trong đầu anh lúc này: “Nhà mình như cái quán trọ, đã từ chối đón nhận gia đình Chúa Hài Đồng”.
Không phải nhà mình như cái quán trọ đâu con ơi! Mà chính lòng bố mẹ đã trở thành quán trọ, vì bố mẹ đã quá ích kỉ với con, không dành thời gian cho con, không chăm lo đời sống đạo đức.
Thời gian là cái gì mà khiến anh trở nên một con người vô tâm thế này. Nếu một ngày dài thêm mấy tiếng nữa thì tốt biết bao, nhưng dù có dài ra bao lâu mà anh không biết sử dụng thời gian một cách ý nghĩa thì cũng vậy thôi. Chúa ban cho từng giây từng phút này để đón nhận Ngài chứ đâu phải từ chối, để quan tâm tha nhân chứ đâu phải vô tâm, để kết nối yêu thương chứ đâu phải để ích kỉ chỉ khư khư lo cho gia đình mình.
Anh nói thầm: “Con ơi! Đừng rời bỏ bố mẹ, bố sẽ chơi cùng con, đưa con đi đọc kinh, bố sẽ xin giáo xứ về nhà mình cầu nguyện cho bà nội, bố sẽ…”. Tiếng anh đứt quãng, con người là thế, khi sắp mất mát, họ mới nhận thức được sâu sắc những điều quý giá mà bình thường họ cho là lẽ tất nhiên. Nhưng, có phải là muộn rồi hay không?
Cả hai vợ chồng anh đứng vụt dậy khi vừa thấy bác sĩ bước ra, vội vã đi tới, anh cùng vợ hấp tấp hỏi:
- Con tôi sao rồi bác sĩ?
Nét mặt thoáng buồn, vị bác sĩ trả lời:
- Chúng tôi đã khâu lại những vết thương do các mảnh kim loại gây ra, do bị mất máu quá nhiều nên cháu vẫn chưa tỉnh.
Nghe vậy vợ chồng anh nhìn nhau thở nhẹ nhàng. Nhưng, những câu nói tiếp theo của bác sĩ lại khiến cho cả hai người bàng hoàng.
- Phần mặt cháu bị tổn thương nghiêm trọng, tuy không nguy hại đến tính mạng nhưng khuôn mặt cháu sau này sẽ có nhiều vết sẹo và có thể mắt cháu sẽ không nhìn thấy được nữa… Tôi xin lỗi, tôi đã cố gắng hết sức.
Vợ anh ngã quỵ trong vòng tay anh, còn anh thì phải dựa vào bức tường bệnh viện mới đứng nổi. Trong tâm trí anh bây giờ là hàng vạn, hàng vạn câu hỏi, hàng vạn câu tha thiết khẩn cầu:
- Chúa ơi! Chúa ơi! Xin Ngaì hãy thương đoái đến con của con. Con hứa con sẽ sửa đổi, con hứa con sẽ làm một người cha tốt, xin Ngài đừng gieo bóng tối nơi con trai của con. Con ân hận lắm, con hối hận lắm, Chúa luôn nhân hậu, yêu thương, tha thứ cho những kẻ lầm đường lạc bước, con cầu xin Người hãy cho con một cơ hội, con xin Người.- Anh kêu cầu trong cơn hoảng loạn.- Con sẽ thực hiện những điều con đã hứa, xin Người hãy đoái thương đến đứa con bé bỏng của con.
Những lời cầu xin tha thiết đó chắc chắn anh sẽ làm nhưng trớ trêu thay nó lại diễn ra trong thì tương lai. Giá như, giá như những từ ngữ trên được thực hiện trong quá khứ nối dài đến hiện tại và trãi dài trong tương lai thì làm gì có sự việc anh đang cầu xin thống thiết như bây giờ. Bởi thế, giá như cũng chỉ là giá như mà thôi. Và anh bây giờ, không phải đớn đau, buồn khổ và day dứt, dày vò…
Sáng hôm nay, tiết trời thật dịu nhẹ, đôi làn gió thoảng qua mang hương hoa bay khắp gian nhà. Đăng ngồi trên ghế, đôi tay cậu quơ quơ khoảng không gian trước mặt như một người không biết bơi đang chới với giữa dòng nước xiết.
- Bố ơi! Mẹ ơi!- Đăng cất tiếng gọi.
Nghe tiếng con, vợ chồng anh chạy lại nắm lấy bai bàn tay bé nhỏ, vui vẻ hỏi con:
- Con thấy thế nào? Con đau ở đâu? Con có đói không con trai?... Sao? Muốn ăn gì nào chàng trai của mẹ?- Vợ anh hỏi liên hồi mà quên mất cần phải nghe câu trả lời của con.
Đáp lại những câu hỏi dồn dập của mẹ là một câu hỏi của Đăng khiến cả hai vợ chồng anh đều nghẹn ngào:
- Hôm nay chim đã hót mà sao trời tối quá vậy bố mẹ, sao bố mẹ không bật điện lên, con thấy tối lắm, với lại hai mắt của con sao nó rát quá!- Đăng hồn nhiên hỏi.
Hai vợ chồng anh nhìn nhau chết lặng, cái lặng im đau đớn đến nghẹt thở. Anh cố gằn cảm xúc để trả lời con, trong khi vợ ạnh đứng đấy, lưng tựa vào tường, đôi mắt đờ đẫn nhòa lệ, hai tay cố bấu chặt lấy chiếc ghế gỗ.
- Tạm thời mắt con bị đau nên không thể thấy được, vài tuần tới con sẽ lại nhìn thấy bình thường.
- Dạ.- Đăng trả lời anh rồi cậu nói tiếp.- Con đang chơi trò chơi thì cái Ipad tự nhiên nóng lên, rồi con nghe một tiếng “bùm”, rồi con thấy đau, và giờ là con không thấy gì nữa.
Vợ anh bước đến bên con, dịu dàng bảo:
- Không sao nữa rồi con ạ! Bác sĩ bảo chỉ một thời gian ngắn con sẽ bình phục, chúng ta lại được về nhà.
Chạm tay nhẹ vào tay con trai, trong anh dấy lên một quyết tâm: “Nhất định bố sẽ là người bố tốt”.
* * *
- Bố ơi! Bố ơi!...
Anh giật mình khỏi dòng suy nghĩ khi nghe văng vảng đâu đây tiếng gọi quen thuộc. Ngước mắt lên anh chỉ thấy ngôi bàn thờ đơn giản, “có lẽ mình nhớ con quá nên tưởng tượng”, anh nhủ thầm. Thở nhè nhẹ trong không gian yên tĩnh anh như cảm nhận được cái ôm từ đôi bàn tay đầy vết máu của Chúa Giêsu, ánh nhìn trìu mến từ Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Như ve vuốt tâm hồn anh, nụ cười hiền từ của bố mẹ anh làm con tim anh ấm nóng. Kể từ khi con trai đau đến giờ, không ngày nào là anh không đứng trước bàn thờ cầu nguyện, mỗi lần như thế anh đều nhớ tới giọng nói tha thiết của con khi hỏi về việc xin giáo xứ đọc kinh cho bà nội, lòng anh cảm thấy thật xấu hổ với con của mình
- Bố ơi! Con về rồi nè.- Đăng hét lớn.
Anh vội vàng chạy ra mở cổng, không phải tưởng tượng mà là sự thật, con anh đã trở về. Ôm chầm lấy con anh mỉm cười ấm áp, chiếu ánh nhìn trìu mến về phía con anh ngưng đọng trong phút chốc, tay sờ khuôn mặt không còn vết sẹo nào của con trai.
- Con có mệt lắm không? Con nhìn thấy bố không?- Anh hỏi.
Đăng cười khúc khích:
- Con không mệt bố à, con nhìn thấy rồi mà, đi máy bay thích thật bố nhỉ!
Lúc này, vợ anh mới lên tiếng:
- Con hoàn toàn bình phục rồi chồng à!- Nói xong cô ôm chồng siết chặt.
Mặc dù đã được vợ gọi điện thông báo nhưng anh vẫn rất lo lắng, chỉ khi thấy tận mắt anh mới yên tâm, hạnh phúc vớ òa tan chảy theo từng câu nói của vợ. Sau khi các vết thương của con lành hẳn, vợ chồng anh với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, đã chuyển con sang Singapore để chữa mắt và thẩm mĩ lại khuôn mặt cho con, vì không thể bỏ việc nên anh đành để vợ một mình đưa con đi. Suốt tháng qua anh ăn ngủ không yên, dáng vóc anh gầy rộc hẳn ra. Đang mải mê ngắm con, đang đắm chìm trong hạnh phúc thì anh nghe giọng ngạc nhiên của Đăng:
- Ủa, đây đâu phải là nhà mình đâu bố?
Lúc nãy, khi ngồi trên taxi Đăng đã thấy là lạ, vì đường vào nhà không giống như trong trí nhớ của Đăng, khi nãy gặp bố mừng quá nên không để ý, bây giờ thấy lạ quá.
Anh lúng túng:
- À! Mình đổi nhà rồi con, tạm thời mình ở đây. Tuy căn nhà này không to bằng nhà mình nhưng nó cũng gọn gàng, sạch đẹp lắm con à. Con vào trong xem đi.
Đăng chạy ù vào nhà ngó nghiêng, không để ý đến vẻ mặt bối rối của bố. Thật ra, vợ chồng anh đã bán xe, bán nhà, bán luôn cả cửa hàng quần áo của vợ, chạy vạy vay mượn bà con xa gần, cộng thêm sự chung tay giúp đỡ của bà con giáo xứ, mới đủ tiền trang trải để đưa con đi chữa bệnh ở nước ngoài. Đây là căn nhà anh thuê để ở tạm. Đỡ vai vợ, nhìn theo bóng dáng bé nhỏ của con, anh thấy lóng mình thanh thản quá đỗi. Ngước lên trời cao anh thấy hàng ngàn thiên thần nhỏ đang bay lượn trên ngôi nhà bé nhỏ của gia đình anh. Vậy là một cuộc sống mới bắt đầu, đặt những viên đá đơn sơ vợ chồng anh xây nên hang đá Bêlem của lòng mình.
Post a Comment