Header Ads

[Giải VVĐT 2018] Không nề hà

KHÔNG NỀ HÀ 



(Mã số: 18-038) 

Mùa đông năm 1972, trên một vùng đất đang diễn ra tranh chấp giữa hai miền Nam - Bắc. 

1. 

Trời đã vào đông, không khí lạnh lan tỏa khắp mọi nơi. Trong gian bếp cạnh chuồng heo, cha Vũ đang nằm co ro trên chiếc giường xếp cũ. Cha kéo chăn đắp kín người lên tới cổ. Thế mà cha vẫn cảm thấy lạnh. Đôi môi cha tím lại, da mặt khô sần, mắt ríu lại. Cha muốn ngủ nhưng phải canh cho con heo nái đang cắn ổ. Theo lời ông Tú, người giúp việc, quá khuya nó sẽ đẻ. Cho nên, cha đành phải kiêm luôn việc đỡ đẻ cho nó. Ông cha đỡ đẻ cho heo, thật lạ đời, nhưng đó là sự thật trớ trêu của hoàn cảnh hiện tại. Thời loạn lạc mà! Tối đến ai cũng phải ở nhà của mình, không được đi lang thang, không được đi ngủ lang nhà người khác, trừ những người có quyền cấm người ta ngủ lang. Cái tình thế ấy làm cha buồn bực trong lòng. Bao nhiêu năm học hành ở ngoại quốc, rồi về nước làm giáo sư, đi dạy hết chỗ này đến chỗ khác, đùng một cái, cha phải rời thành phố về quê sống ở một nơi heo hút của xóm đạo Cù Sơn. Thế là đời chu du đây đó phô bày tri thức không còn nữa, cha phải trở thành “cha sở nhà quê”, sáng dâng lễ, chiều cày cuốc với giáo dân. Nghĩ đến đấy, cha ứa nước mắt, thở dài, than thở với Chúa. 

- Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con!... 

Nằm mãi từ tối tới giờ mà chưa thấy heo đẻ, trời càng về khuya càng lạnh, cha phải ngồi dậy cho thêm củi vào bếp lửa để lấy hơi ấm. Tiếng con heo nái vẫn ụt ịt trong chuồng. Cha nằm xuống lấy sách Kinh Thánh ra đọc cho đỡ buồn ngủ. Cha vừa đọc vừa chìm đắm trong khung cảnh khởi nguyên vũ trụ của sách Sáng Thế. Thật kỳ diệu, Thiên Chúa thật vĩ đại! Chưa bao giờ cha có cảm nhận sâu sắc về Lời Chúa như lúc này. Có lẽ cái không khí lạnh căm, khói bếp mờ ảo dưới ánh đèn dầu, không gian tĩnh mịch và tiếng của con heo nái đã tạo nên một bầu khí “sáng tạo” như trong Kinh Thánh. Cha bắt đầu thấy vui và tâm đắc về những gì tác giả thánh đã viết. Cha đang ngây ngất thì có tiếng kêu eng éc rất mạnh của con heo nái. Cha giật mình và biết rằng nó đã đẻ. Cha lụ khụ đứng dậy đi đỡ đẻ cho nó. 

Cha lấy giẻ lau rồi bước vào chuồng. Trước mặt cha, con heo nái đang chuyển bụng dữ dội để đưa con của nó ra khỏi dạ sau bao nhiêu tháng mang nặng. Một cái bọc đo đỏ đang cục cựa trên nền chuồng. À thì ra đây là chú heo con đầu tiên ra khỏi dạ mẹ đây! Cha ngồi xuống, xé cái bọc ra, lấy giẻ lau khô con heo, móc đờm trong miệng, xong cha đưa lên thổi mạnh vào miệng nó. Con heo con kêu éc một tiếng, đấy là dấu hiệu bắt đầu của một sự sống mới trên trần gian. Điều này chẳng khác gì cảnh Thiên Chúa sáng tạo con người trong sách Sáng Thế (x. St 2,7). Tự nhiên lòng cha trào dâng một cảm xúc lâng lâng lạ thường. Cha bắt đầu nghĩ đến những người mẹ trên trần gian và nỗi đau đớn sinh con của họ. Cha lại nghĩ đến mẹ già đang ở quê nhà tít tận ngoài Bắc đang heo hút chờ con. Cho nên lòng cha vui buồn lẫn lộn. Cha hôn chú heo con một cái rồi bỏ nó vào lồng úm. Xong xuôi, Cha quay lại với đoạn sách Sáng Thế. Chưa đọc được dăm câu, cha lại nghe những tiếng “éc” tiếp theo. Thế là từ khuya cho tới gần sáng, cha phải thức để đỡ đẻ cho 12 chú nhóc heo trắng hồng dễ thương. 

Nhờ sự giúp đỡ của cha, con heo mẹ đã vượt cạn thành công và nằm thở hổn hển. Nó kêu ụt ịt, mặc cho bầy con bú rút sữa mẹ. Cha đứng nhìn chúng mà lòng vui khôn tả. Cha không ngờ là mình có thể làm được điều đó. Dù mệt mỏi vì mất ngủ nhưng trong thánh lễ sáng hôm ấy, cha vẫn tỉnh táo, vui vẻ, chăm chú từ đầu cho đến khi kết thúc. Sáng ra, ông Tú hỏi thăm thì cha chỉ biết nhoẻn miệng cười. 

- Cảm ơn chú nhiều nhé! Nhờ lời chỉ bảo của chú mà con có được một cảm nghiệm hết sức thú vị. Con sẽ không bao giờ quên điều này... 

Ngước mắt lên trời, cha Vũ thầm cầu nguyện. 

- Con cảm ơn Chúa đã cho con cộng tác vào công trình “sáng tạo” của Chúa. Amen!... 



2. 


Sau giờ kinh sáng, cha Vũ đi xuống nhà bếp. Ông Tú đã chuẩn bị sẵn cho cha mấy củ khoai lang luộc. Đó là tất cả bữa sáng của cha. Cha nhìn đĩa khoai, bốc một củ cho vào miệng nhai nhỏm nhẻm. Cha chẳng buồn ngồi vào bàn làm gì, bởi cái thời ăn trên ngồi trước hết rồi. Bây giờ, cha phải tập sống với giáo dân của mình. Họ ăn gì, làm gì, cha cũng phải tập để hòa đồng với họ. Mà cũng phải thôi! Thời này, linh mục tu sĩ đâu còn quyền hưởng đặc ân đặc lợi gì nữa… Ngẫm nghĩ bấy nhiêu chuyện thời cuộc nên cha mừng cho thân phận của mình. Có củ khoai ăn là mừng lắm rồi! Cha lấy tiếp một củ nữa, vừa ăn vừa đi lên nhà trên. Chưa đến nơi đã có người đàn ông chạy xộc vào nhà, thở dốc, hối thúc cha đi xức dầu cho bố của anh. Thế là bữa sáng của cha chẳng trọn, chứ nói chi đến chuyện nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng. Cha vội vào nhà lấy túi đồ, chỉnh trang lại quần áo, rồi nhảy lên chiếc Mobilet cũ chạy theo người đàn ông. 

Chiếc xe cũ của cha phải chạy hết tốc độ mới có thể đuổi theo chiếc xe Vespa của người đàn ông. Số là ông ta muốn đưa cha đi cho nhanh nhưng cha ngại nên lấy xe của mình đi. Với lại, thời này loạn lạc nên cha phải cẩn thận, biết đâu lại là cái bẫy. Đấy là điều cha nghiệm ra khi gần đây xảy ra liên tiếp những vụ bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản của các cha trong giáo phận khi đi mục vụ. Tuy nhiên, cha cũng cảm thấy an tâm vì đang là ban ngày mà việc xức dầu lại không thể chậm trễ. Thế là cha và người đàn ông kia phải chạy nhanh hết tốc độ suốt 50 cây số để đến cho kịp kẻo người bệnh không đợi được. Cha vừa chạy, vừa cầu xin Chúa giữ gìn. 

Đến nơi, người đàn ông dẫn cha vào nhà. Căn nhà ngói khá khang trang nhưng im lặng thê lương. Người nhà của ông đang túm tụm trước sân, vẻ mặt ai cũng trông mong cha đến kịp thời. Họ chỉ bớt căng thẳng khi thấy cha đã đến. Sau mấy câu chào hỏi, người đàn ông dẫn cha xuống nhà dưới, chỗ căn phòng ông cụ đang nằm. Đến nơi, ông mời cha vào rồi quay mặt đi ra. Ông chỉ kịp nói. 

- Xin cha thông cảm cho tình trạng ông cụ nhà con!... 

Cha Vũ vẫn còn ngơ ngác về lời nói của ông thì một mùi hôi thối chưa từng có xộc vào cánh mũi cha. Cha sặc lên mấy tiếng, đầu óc choáng váng. Cha lùi lại mấy bước nhưng có cánh tay nào đó đỡ cha lại và tiếp thêm sức mạnh. Cha nhắm mắt nguyện tắt mấy câu, mở mắt ra, cố hít một hơi thật sâu cho quen mùi rồi bước vào phòng. Chúa ơi!... Ông cụ đang phải nằm trần truồng trên chiếc giường phên tre. Thân hình ông teo tóp, da nhăn nheo, xương cốt lòi ra, hai con mắt lờ đờ không chớp. Phía mông của ông lở loét đủ chỗ, mưng mủ, máu và phân hòa lẫn chảy ra liên hồi. Thế thì không hôi mới lạ! Mọi người trong nhà không dám đến gần ông cũng đúng thôi! Thật đau khổ cho ông cụ... Ông cụ nghe cha đến, muốn nhỏm người ngồi dậy nhưng cố không được, đành bất lực nằm im. Ông thì thào. 

- Xin lỗi cha vì con phải tiếp cha, đón Chúa trong tình trạng thế này! 

- Ôi, ông ơi! Chẳng sao đâu! Chúa biết rõ lòng ông mà... Vậy xin ông sốt sắng đón nhận các phép sau hết. Con xin mời ông... 

- Vâng lạy cha! Xin cha chịu khó giúp con... 

Trước khi ban các phép, để khích lệ tinh thần ông cụ, cha kêu gọi tất cả mọi người trong gia đình chịu khó quây quần bên giường ông cụ đọc kinh. Vâng lời cha và cũng là nghĩa cử cuối cùng có thể làm cho bố mình, họ nhất loạt bước vào phòng và lớn tiếng cầu kinh. Ông cụ thấy con cháu đến bên, mắt sáng lên, hai dòng nước mắt chảy không ngừng. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, ông sốt sắng xưng thú hết mọi lỗi lầm thiếu sót trong đời, thánh thiện đón nhận phép Xức dầu và nhận Của Ăn Đàng. Bây giờ, ông như người ở bên Chúa, gần rất gần. Ông hạnh phúc nói lời cảm ơn cha rồi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ yên lành.
Xong việc, cha xoay người bước ra thì đầu óc quay cuồng. Cha chộp được cánh cửa, đứng gượng lại một lúc mới hết. Người đàn ông hốt hoảng chạy đến đỡ cha lên nhà trên nghỉ. Trong câu chuyện trao đổi qua lại lúc ấy, cha mới biết ông cụ tên Hoàng Nam, là cựu sĩ quan thủy quân lục chiến, từng lăn lộn trên nhiều chiến trường. Đạn bom không thể cướp được mạng sống của ông, bởi ông luôn trông cậy vào Chúa quan phòng. Không ngờ khi về già ông lại phải gánh chịu bệnh ung thư ác nghiệt. Âu cũng là thánh giá Chúa gửi trao lúc tuổi đà xế bóng. Vì thế, ông không một lời oán trách Chúa. Nghe hết câu chuyện, trời đã quá trưa. Gia đình có nhã ý mời cha ở lại dùng cơm nhưng cha nhất quyết không chịu. Cha phải về cho kịp thánh lễ buổi tối. Vì thế, họ đành gói cho cha chút lương khô và bi-đông nước đi đường. Cha cảm ơn rồi lên xe trở về. 



3. 


Bây giờ, cha mới thấy con đường trở về thật xa và đầy nguy hiểm. Cha chạy ngược con đường lộ đi vào thị xã Qui Nhơn. Tiếng là quốc lộ nhưng vào thời điểm này vắng tanh. Mọi người chẳng ai dám đi lang thang một mình kẻo bị bắt oan thì mệt xác. Có đi đâu, họ phải đi thành đoàn và nếu được, phải có cảnh sát dẫn đường. Thế mà gần đây cũng xảy ra đủ thứ chuyện cướp giật, đánh bom, đạn lạc chết không biết bao nhiêu người. Cho nên, cha càng nghĩ càng sợ, không khéo mất mạng như chơi. Tuy sợ nhưng có gì đó thúc đẩy cha phải đi cho nhanh trở về cho kịp giờ lễ. Thế là tay cha vẫn cứ lái, xe vẫn cứ chạy, lòng cha chỉ biết cậy trông vào Chúa. 

Đến dốc Cây Me, cha tăng hết ga, chạy nhanh lên khỏi con dốc. Tự nhiên, tay ga khựng lại, cha nhìn phía trước thấy có bốn người vừa lớn vừa nhỏ đang túm tụm bên một chiếc xe hơi. Cha ngờ ngợ là nhóm ăn cướp nào đó đang dàn cảnh bày trò, bởi ở khu vực này chẳng có một bóng nhà, cây cối um tùm. Cha chạy xe chậm lại, trố mắt nhìn cho kỹ những con người đang hì hục với chiếc xe. Cha bình tâm hơn khi họ chẳng chú ý gì khi cha đã đến gần bên họ. Mọi sự nghi ngờ trong cha tan biến. Trước mặt cha là một gia đình ăn mặc đàng hoàng, người bố đang chui xuống gầm xe, cố tìm ra nguyên nhân hỏng hóc để sửa chữa. Chắc họ cũng đang vội phải trở về nhà như cha. 

Đến bên, cha dừng xe và ngỏ lời hỏi thăm xem họ có cần giúp gì không. Người đàn ông chui ra khỏi gầm xe, nhìn cha một lúc rồi nói. 

- Anh có thể giúp tôi sửa chiếc xe này không? Chúng tôi đang phải vội trở về thị xã có việc gấp. 

- Vâng! Tôi cũng biết chút ít. Để tôi xem nào! 

Cha bước xuống xe, người đàn bà và hai đứa con gái trố mắt nhìn bộ râu trắng che gần hết miệng của cha. Mấy đứa nhỏ bụm miệng cười. 

- Ông già Noel!... 

Cha cười đáp lễ rồi cùng với người đàn ông chui xuống gầm xe xem xét. Một giờ sau, họ mới tìm ra nguyên nhân và chữa đúng bệnh. Chiếc xe nổ máy trở lại làm tất cả vui sướng. Hai đứa trẻ reo vui nhảy nhót. Người phụ nữ vái lạy trời phật. Riêng hai người đàn ông bắt tay nhau cùng cười sảng khoái. Người đàn ông rút danh thiếp trao cho cha và tự giới thiệu là Nguyễn Ngọc Huy, chủ doanh nghiệp thép Hoàng Ngân, ở thị xã Qui Nhơn, còn vợ anh là Đặng Thanh Ngọc. Họ sẽ rất hân hạnh đón tiếp cha nếu cha có dịp ghé thăm. Còn cha cũng ghi cho họ tên, địa chỉ và hẹn ngày gặp mặt. Cả hai ôm hôn chào nhau như những người Tây thật sự. 

- Chào anh! Chúc gia đình anh thương lộ bình an... 

- Chúc anh thượng lộ bình an... 

Hai đứa trẻ cũng chạy đến ôm hôn “ông già Noel” của chúng. 

- Chúng con cảm ơn ông! Ông đúng là “ông già Noel” luôn!... 

Chia tay nhau, họ lên xe trở về tổ ấm của mình, còn cha trở về với nhà Chúa và công cuộc “sáng tạo” của mình. Lòng cha hân hoan khôn tả, vì trọn ngày hôm nay Chúa đã cho cha cảm nghiệm đầy đủ mùi vị đắng cay hạnh phúc của cuộc sống. Hạnh phúc biết bao khi được giúp đỡ mọi người. Họ hạnh phúc là chính mình hạnh phúc, là chính Chúa hạnh phúc. Cha bước lên xe trở về nhà, trời đã nhá nhem tối. 

Trong thánh lễ tối hôm đó, bài giảng của cha thật hay và đầy cảm xúc. Mọi người tham dự thánh lễ đều thấy mình được sốt sắng hơn, vì giữa cảnh loạn lạc, bom đạn này vẫn luôn luôn có những người tốt. 

4. 


Chín giờ sáng hôm sau, đang khi đọc kinh Giờ Ba, có người vào báo cha có khách. Cha Vũ đành gác lại giờ kinh ra tiếp họ, vì cứ ngỡ là họ vào mời đi kẻ liệt. Vừa bước ra khỏi cửa, cha ngỡ ngàng vì khuôn mặt trẻ thơ xinh đẹp của hai bé gái hôm qua. Chúng hát một bài chúc mừng rồi tặng cha bó hoa do chính tay chúng bó. Mỗi đứa nắm một tay của cha dẫn đến với bố mẹ chúng. Bố chúng tươi cười ngỏ lời. 

- Thật ngại cho anh quá! Chúng tôi không biết anh là linh mục... À, phải gọi bằng “cha” chứ! Chúng con đã bắt cha sửa xe cho mình rồi... 

- Chào gia đình anh Huy chị Ngọc!... Ôi, tưởng chuyện gì... Mời gia đình vào nhà! Mình chỉ làm việc bổn phận thôi. Nói chung mình cũng biết đôi chút về ô tô, nếu gặp chuyện khác chắc là chẳng giúp được gì đâu. 

- Dạ! Chính vì thế mà chúng con cảm phục cha lắm... Ngày trước, con có biết về “đạo ông Diệm” nhưng cũng chẳng tin tưởng gì lắm. Sau thời của ông, con thấy mọi người bỏ gần hết nên cũng chẳng cần quan tâm. Hôm qua, gia đình con được gặp cha, thú thật, chúng con đã được mở lòng mở trí nhiều lắm! 

- Tạ ơn Chúa! Tất cả là ơn Chúa hết... Thú thật, mình cũng chẳng dám tin là lúc đó mình lại dám đứng lại giúp đỡ mọi người. 

- Dạ!... Chúng con có chút quà biếu cha... 

Trên tay anh Huy là tờ ngân phiếu giá trị rất lớn, đủ cho cha sửa lại ngôi nhà thờ đang xập xệ. Anh phải nài ép mãi, cha mới chịu nhận để lo cho công việc chung của giáo xứ. Sau đó, cha càng vui mừng hơn khi biết gia đình anh chị có ý định học đạo và theo đạo. Bởi đúng ra, vào cái thời này người ta bỏ đạo chứ ai lại theo đạo làm gì. Bỏ đạo để có chức có quyền, để khỏi phiền người ta hỏi đến thân, để người ta khỏi phân biệt rồi liệt vào danh sách đen. Thế đấy, người ta phải biết thời thế thì mới sống được. Đằng này, gia đình anh Huy lại đi ngược dòng, không khéo mà sự nghiệp tan tành hết. Nhưng không, anh chị đã quyết và vì cảm mến mà theo đạo, giữ đạo chứ không phải vì lợi lộc. Ấy vậy, mới thấy lòng người khi đã được Chúa chiếm lấy thì không có thế lực nào có thể lay chuyển… Gia đình anh chị ở lại chơi với cha cho đến chiều mới ra về. 

Đứng nhìn chiếc xe của gia đình anh chị Huy - Ngọc dần chạy xa, cha Vũ thầm cảm ơn Chúa đã đưa cha về xới xóm đạo nhà quê Cù Sơn này. Chính nơi đây cha đã học được bài học từ bỏ của Chúa Giêsu để mang lấy “mùi chiên” vào mình, không nề hà bất cứ việc gì. Và chính trong những lúc ấy, Chúa sẽ không bỏ linh mục của Chúa. Đấy chính là kinh nghiệm quý giá cho đời linh mục mà những năm chu du đông tây không tài nào cha học được. 

Mặt trời đã dần khuất sau rặng núi Kỳ Sơn. Ánh nắng vàng vọt hắt lên nền trời đỏ thẫm. Bóng tối đang dần bao trùm mặt đất. Một hành trình mới bắt đầu...

Powered by Blogger.