[Giải VVĐT 2018] Sau tiếng khóc
SAU TIẾNG KHÓC
(Mã số: 18-051)
Ba giờ sáng.
Tâm mở cửa vào phòng, nhẹ nhàng để không ai biết. Cô nằm vật ra giường, muốn ngủ một giấc thật say để quên đi tất cả, nhưng không được. Tiếng thở dài ngao ngán chưa kịp bật ra, cô vội gồng mình để kìm lại. Nhìn lên trần nhà, những “thước phim” trở lại làm cho cô cảm thấy hoang mang. Khoảng thời gian gần hai giờ đồng hồ vụng trộm với anh trưởng phòng Chính cứ ám ảnh trong tâm trí Tâm. Cô tự hỏi: “Có phải đây mới là tình yêu đích thực của mình?”.
*****
Tâm và Phong quen nhau từ những ngày sinh hoạt trong ca đoàn. Tình yêu chớm nở, rồi họ tiến tới hôn nhân thật bình dị. Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng đưa nhau về Hà Nội làm việc. Phong làm thợ xây, Tâm phụ hồ và nấu cơm cho thợ. Góc lán thợ được quây bởi hai chiếc vỏ chăn trở thành tổ ấm cho đôi bạn. Phong đạo đức, trầm tính, tin tưởng và yêu vợ. Tâm mộc mạc nhưng có nét sắc sảo. Nhiều người thừa nhận Tâm có duyên thầm. Lao động chân tay làm cho cơ thể cô cân đối, săn chắc. Ngày Chúa Nhật, Tâm trở nên bắt mắt hơn nhờ chiếc quần đen và áo sơ mi trắng. Vẻ đẹp mộc mạc ấy cũng thu hút được nhiều cái nhìn trộm của người đi đường.
Sau kì nghỉ Tết, ông bà Bình nói chuyện với hai con:
- Vợ chồng con có em bé được mấy tháng rồi?
- Dạ! Ba tháng rồi mẹ ạ! - Tâm nói.
- Mẹ nghĩ con nên ở nhà. Đi làm vất vả sẽ không tốt cho thai nhi đâu.
- Con cũng định làm thêm một hai tháng nữa thôi. Có thêm chút thu nhập, cháu bé sinh ra sẽ có điều kiện tốt hơn.
- Tùy vợ chồng con. Nhưng con nhớ làm gì cũng phải cẩn thận, nhất là ăn uống kiêng khem cho tốt. Bây giờ chuyện mẹ không tròn con không vuông xảy ra nhiều lắm.
- Con cám ơn mẹ. Mẹ yên tâm, con sẽ cố gắng.
Trở lại Hà Nội sau kì nghỉ Tết khi bụng mang dạ chửa, Tâm thấy công việc vất vả hơn rất nhiều. Cô vẫn cố gắng làm để cùng chồng đỡ gánh gia đình. Phong rất cảm phục vợ, không muốn vợ phải khổ sở nên nhất quyết bắt vợ về quê nghỉ ngơi. Sau kì sinh, Tâm ở nhà nuôi con và làm ruộng.
*****
Ở làng Hiền Quan, sau ngày mùa bận rộn, người phụ nữ rất nhàn rỗi. Những năm gần đây, một số công ty may mặc và điện tử được xây dựng gần làng để khai thác nguồn lao động đó. Như thế, phụ nữ nông thôn có thể sáng đi tối về. Cụm công nghiệp Phú Hà được mở ra cách làng Hiền Quan không xa, khoảng hai mươi phút đi xe máy.
Thế hệ phụ nữ trẻ như Tâm bắt đầu bỏ làm ruộng. Họ nộp đơn xin vào các công ty. Ban ngày, họ nhờ ông bà chăm sóc con cái rồi đi làm. Buổi tối, họ trở về với chúng. Những người cao tuổi như ông bà Bình thấy đất bỏ hoang thì tiếc xót. Trước kia, họ phải vỡ từng mỏ cuốc, đôi khi làm mấy buổi mới được mảnh đất đủ trồng vài khóm cà pháo. Bây giờ, những cánh đồng rộng và màu mỡ đã mọc đầy cỏ dại.
Nghe mẹ than phiền nhiều, Tâm nói:
- Con thấy làm ruộng chẳng được bao nhiêu. Tiền thuê cày, bừa, gặt, vò và tiền giống tiền thuốc đã chiếm gần hết. Bây giờ tụi con đi làm mỗi tháng được gần tấn lúa. Nếu làm ruộng thì bao giờ mới được như thế. Bố mẹ chịu khó chăm cháu giúp con, mỗi tháng con đưa một triệu tiêu riêng, thoải mái đong thóc, sắm sửa.
- Mẹ không lấy công…- Bà Bình nói lớn, rồi chuyển giọng- Mẹ chỉ buồn là cháu bé thiếu tình cảm của người mẹ thôi.
- Thời buổi nó thế mà mẹ. Con có muốn thế đâu. Nhưng nếu con không đi thì làm sao anh Phong lo nổi kinh tế gia đình. Mẹ thấy đấy, tiền đóng học, ăn uống, đi lại, sắm sửa... tốn kém lắm. Mà con gái làng mình cũng đi làm hết đấy chứ!
- Tùy ở con quyết định thôi.
Kể cũng hay, chẳng ai bảo ai mà các ông bà trong làng đầu hai thứ tóc lại phải nuôi con thơ. Sáng ra, họ cho các cháu ăn, đưa cháu lớn đi học. Khi trở về nhà, họ vừa trông cháu nhỏ, vừa giặt giũ quần áo, dọn dẹp, nấu cơm. Chiều đến, họ đón cháu, tắm giặt và nấu cơm cho chúng ăn. Buổi tối, họ đưa cháu đi nhà thờ, dạy cháu học, ru cháu ngủ... Công việc lặp đi lặp lại thành điệp khúc quen thuộc. Các bà nhớ lại cảnh nuôi con ngày trước, mặc dù đói khổ nhưng còn có lúc rảnh tay, được đi thăm hỏi nhau. Bây giờ có tiền, đầy đủ tiện nghi mà sao cực nhọc quá. Họ không còn thời gian đi chơi nữa. Nếu đi ăn cưới thì cũng phải tranh thủ thật nhanh để về nhà.
*****
Ở Phú Hà, công nhân làm giờ hành chính. Ai làm tăng giờ thì được tăng lương. Các cô gái còn trẻ khỏe đều muốn tăng thu nhập nên đã đăng ký tăng ca rất nhiều. Từ đó, mẹ và con ít nói chuyện với nhau hơn. Khi mẹ đi làm thì con chưa thức dậy, khi mẹ về thì con đã ngủ. Đêm đầu tiên Tâm tăng ca, bé Tình khóc lóc đòi mẹ đến khản tiếng cũng không thấy mẹ về. Bà Bình dỗ dành mãi nó mới chịu nín.
Sau một lần tăng ca đêm, Tâm về nhà khi trời đã gần sáng. Cô ngủ một giấc tới gần trưa. Thức dậy, cô cảm thấy khát khô cổ. Nhìn ra ngoài nhà, Tâm thấy bé Tình đang chơi điện thoại liền gọi:
- Con ơi! Lấy cho mẹ cốc nước.
Im lặng.
- Lấy cho mẹ cốc nước… Tình ơi!
Vẫn im lặng.
- Con có nghe thấy không? Mẹ không cho chơi điện thoại bây giờ.
Bé Tình vẫn không chịu đi. Nó dừng tay xem thái độ của mẹ. Tâm bực mình chạy ra, giật lấy điện thoại, tát vào mông con rồi quát:
- Con hư quá, không chịu nghe lời mẹ hả!
- Á… ối bà ơi! Bà...ơi...i...i...
Nghe tiếng cháu khóc, bà Bình đang ở ngoài vườn vội vàng chạy vào, bế cháu dỗ dành:
- Ối a, cháu yêu của bà… Ngoan nào, nín nào, để bà thương cháu nào...
- Mẹ chiều nó quá, nó sinh hư đấy!
- Cháu nó làm gì mà con bảo nó hư?
- Con gọi mấy lần mà nó không thưa, cứ dán mắt vào điện thoại.
- Mẹ bắt con đi lấy nước cho mẹ!- Bé Tình cãi lại.
- Sao con không tự đi mà lấy?- Bà Bình hỏi Tâm.
Được bà bênh đỡ, bé Tình tỏ ra hỗn xược:
- Mẹ cút đi!
- Câm mồm!- Tâm trợn mắt, chỉ tay vào mặt con.
- Con định dạy trẻ thế à!- Bà Bình lớn tiếng- Suốt ngày con đi vắng, về nhà là quát mắng nó, hèn gì nó không nghe lời con.
Tâm uất ức nghẹn tới cổ. Nước mắt trào ra, cô bưng mặt khóc:
- Mẹ bủ nhè bủ thiu. Lêu lêu!
- Cháu không được chọc giận mẹ như thế. Làm như vậy là xấu lắm.
- Vâng ạ!
Bà Bình bế cháu sang hàng xóm cho nhẹ bầu khí. Vừa đi bà vừa nói:
- Cháu không được đuổi mẹ đi như vậy. Như thế là hư đấy.
- Vâng ạ!
- Từ lần sau cháu phải nghe lời mẹ. Bởi vì cơm cháu ăn, áo cháu mặc, sữa cháu uống... là do bố mẹ cháu làm ra đấy.
- Vâng ạ!
Tiếng hai bà cháu nhỏ dần khi hai người khuất vào cổng nhà bên.
Thái độ của bé Tình làm cho Tâm suy nghĩ, mỏi mệt. Sắc mặt cô xạm hơn. Cô chới với, buồn bã...
*****
Sau giờ tan ca, trưởng phòng nhắn Tâm tới văn phòng. Cửa mở sẵn, Tâm bước vào, khẽ thưa:
- Anh cho gọi em lên có việc gì ạ?
- Em ngồi đi!- Chính chỉ tay vào chiếc ghế sopha cạnh bàn tiếp khách.
- Cám ơn anh.
Hai người ngồi đối diện, Tâm cúi mặt nhìn xuống bàn, lo sợ. Chính nhìn Tâm một hồi rồi nói:
- Hình như dạo này em không được khỏe lắm?
- Dạ! Em vẫn bình thường ạ!- Tâm vội vàng trả lời, sợ mình sắp bị sa thải.
- Có phải chuyện của cháu nhỏ làm em bận tâm đúng không?
Tâm giật mình. Chính vội trấn an:
- Em đừng hiểu lầm. Anh xem hồ sơ và để ý em thì đoán như vậy.
Tâm run sợ, không ngờ chuyện đó mà anh cũng biết. Ngước nhìn lên, Tâm bắt gặp ánh mắt Chính đang chăm chú nhìn mình. Một cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp xâm chiếm lòng cô. Nỗi buồn không biết tỏ cùng ai nay đã có người hiểu.
Bỗng điện thoại báo tin nhắn, Tâm vội vàng mở ra xem. Con Hà cùng xóm nhắn: “Mày đang ở đâu? Về thôi, sắp bão rồi. Tao đang đợi ở ngoài cổng”. Có cớ, Tâm vội vàng trốn chạy ánh mắt của Chính.
- Cám ơn anh! Em phải về. Bạn em đang đợi.
Từ đó, cơn gió nhè nhẹ thổi vào lòng trí Tâm, làm nhòa hình ảnh của Phong. Mỗi ngày đi làm, cảm giác vui vẻ hiện lên khuôn mặt Tâm, xua tan trạng thái mỏi mệt trước đây. Niềm vui đến công ty của cô là được nhìn thấy anh và được anh nhìn thấy. Những buổi đi uống cafe sau ca làm xuất hiện. Câu chuyện bắt đầu từ lời hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình... Những điều mà Tâm cho là bình thường tới mức tầm thường bỗng trở nên đáng yêu vì được anh hỏi đến.
Mỗi lần hẹn hò, Tâm phải kín đáo trước mắt những đứa bạn cùng xóm. Những ngày không có đứa nào tăng ca thì Tâm lại đăng ký. Đó sẽ là một buổi tối nói chuyện vui vẻ với Chính tại một quán cafe xa trung tâm. Cô sống lại thời hẹn hò mới. Nó không lãng mạn cách hoang sơ như tình đầu với Phong, nhưng dường như nó khỏa lấp được nỗi quạnh vắng trong lòng khi không có chồng bên cạnh.
Cả tháng nay Phong không về nhà, bây giờ ngồi đối diện với Chính, Tâm cảm thấy rạo rực. Tay cô đưa lên cầm cốc sinh tố, nhắp một chút rồi lại đặt xuống gối, thừa thãi không biết làm gì nên cứ vặn lấy nhau. Chính nhìn Tâm hồi lâu rồi điềm tĩnh nói:
- Em đưa tay lên bàn cho anh xem. Anh muốn tặng em một món quà.
- Tay em xấu, em ngại lắm.
- Em cứ khiêm tốn. Đừng tự ti như thế chứ! Hic…
Tâm từ từ đưa tay lên bàn. Hai bàn tay cô nắm chặt. Chính mở tay Tâm rồi đặt vào đó chiếc phong bì:
- Gì vậy anh?
- Em mở xem.
Tâm khẽ hé phong thư. Cô giật bắn người, vội gấp lại rồi đẩy sang cho Chính:
- Em không lấy đâu.
- Chỉ là chút quà anh muốn gửi ông bà ở nhà, cho bé gái, và để em sắm sửa ít đồ cá nhân thôi mà.
- Nhưng nhiều như vậy em không dám nhận đâu.
Tâm ước chừng số đó khoảng mấy triệu. Nó bằng cả tháng lương của cô. “Công bằng”, hai chữ ấy chạy vụt qua trong trí của Tâm, nhắc nhở cô không được nhận. Nhưng lòng muốn cũng xuất hiện đồng thời.
- Xin lỗi anh! - Nói rồi Tâm bước vội ra cửa.
Chính chạy theo, nắm lấy tay Tâm kéo lại rồi ôm cô vào lòng. Tâm ú ớ mấy câu, khẽ đẩy ra nhưng không được, rồi đứng lặng. Một cảm giác ấm áp, được che chở lan tỏa khắp người Tâm. Chính an ủi:
- Em đừng xúc phạm lòng tốt của anh như thế.- Vừa nói anh vừa đặt phong thư vào túi xách của Tâm.
Ham muốn vừa tới, Tâm kịp khựng lại. Cô dùng sức mạnh đẩy Chính ra: “Cám ơn anh”, rồi chạy vội ra bãi xe.
Chính nhìn theo, mỉm cười.
Tâm về nhà, vừa vui vừa lo. Bước tới sân, cô giật mình khi thấy ông bà Bình và chồng đang ngồi nói chuyện với nhau. Cô nghĩ ngay tới khả năng ai đó tố giác chuyện của mình tối nay. Hít một hơi thật sâu, Tâm lấy lại bình tĩnh:
- Bố mẹ chưa ngủ à? Anh về khi nào vậy? Sao không báo cho em biết trước?
- Con nói hôm nay tăng ca tới mười hai giờ đêm mà, sao về sớm vậy?- Bà Bình hỏi lại.
- Dạ, con... con mệt nên xin nghỉ trước.
Tâm hốt hoảng, lo sợ trước khả năng mọi người đã biết chuyện của mình nhưng giả vờ.
- Đi làm vất vả lắm, lại nhiều cám dỗ và bất trắc… Nếu em cảm thấy mệt thì cứ xin nghỉ. Đừng cố quá!
- Vâng ạ! Cũng muộn rồi, bố mẹ đi nghỉ cho sớm ạ.
- Ừ, các con cũng nghỉ sớm cho khỏe.
- Chúc bố mẹ ngủ ngon.- Phong đáp.
Nói rồi, Phong vào phòng và lên giường. Anh không muốn ân ái vì mới đi xa về. Tâm thay đồ, rửa mặt rồi vào giường. Cô cũng không còn hứng thú. Lòng trí cô đầy sợ hãi trước vẻ mặt điềm tĩnh của chồng. Nằm một hồi, Tâm hỏi:
- Anh về lâu không?
- Sáng mai anh đi luôn.
- Sao anh về gấp thế, có việc gì à?
- Tự nhiên trưa nay anh thấy sốt ruột quá nên lo nhà có sự gì. Anh gọi cho bố mẹ và em đều không được nên ăn cơm trưa xong anh về luôn.
Tâm rùng mình. Mười hai giờ trưa là lúc cô không nghe máy của Phong vì đang trả lời tin nhắn hẹn của Chính. Tâm hoảng loạn, co mình lại. Phong quàng tay qua ôm vợ vào lòng, một mùi hương tỏa ra. Phong không quen dùng nước hoa, nhưng cũng đoán đây là loại đắt tiền.
- Em cũng dùng nước hoa à?
- Đi làm thì dùng thôi anh. Nếu không thì hôi lắm.- Tâm trả lời mà thấy lạnh toát sống lưng.
- Loại này chắc là mắc tiền lắm?
- Bạn em có đứa cháu đi Hàn về cho. Nó không dùng nên cho em. Chứ em làm gì có tiền mà mua!
Nói dối làm Tâm thấy bất an. Cô ngồi dậy:
- Nếu anh không thích thì em đi rửa lại.
- Anh thích mùi này mà…- Phong kéo vợ vào lòng.- Em đi làm nhớ giữ gìn sức khỏe và bản thân nhé!
- Vâng ạ.
- Muộn rồi. Ngủ thôi em.
Một lúc sau, Phong ngủ luôn. Tâm khe khẽ gỡ tay chồng. Cô nằm miên man suy nghĩ: “Hai người, ai cũng tốt, vậy mình phải làm sao đây”. Tâm ngồi dậy ôm đầu. Dưới ánh đèn ngoài ngõ hắt qua song cửa sổ, cô nhìn rõ đôi giầy lấm láp của chồng xếp bên đôi dép cao gót của mình. Đôi giầy đã cũ, dính nhiều vữa xi. Nó đã mòn một bên và bè ra vì sức nặng của công việc. Nhưng nó được xếp ngay ngắn, gọn gàng. Còn đôi dép cao gót là món quà kỷ niệm bốn năm ngày cưới mà Phong mua tặng. Nó kiêu hãnh, sành điệu và có nhiều lý do để được sánh đôi với đôi giày đẹp hơn. Nó không được xếp ngay ngắn như đôi giầy; một chiếc quay về phía giường, chiếc kia quay ra ngoài. Hai đôi ấy không cân xứng với nhau chút nào, nhưng lại bị gắn kết với nhau, không thể tách rời. Tâm bỗng thấy cô đơn, tủi hờn cho thân phận của mình. Thu người vào một góc giường, cô úp mặt xuống gối, âm thầm nức nở.
Từ đó, Tâm liên tục tăng ca đêm.
*****
Một buổi chiều không tăng ca được, Tâm đang chuẩn bị về thì Hà rủ ra quán bờ sông uống nước. Mọi ngày nó rất vui vẻ, nhưng hôm nay trông nó thật căng thẳng. Vừa ngồi xuống ghế, Hà hỏi ngay:
- Tâm à!... Mày bảo tao phải làm sao?
- Làm sao là sao?
- Anh quản đốc để ý tao. Bây giờ tao khó xử quá. Anh gạ tao ly dị để cưới anh ý. Tự nhiên tao thấy chán nhà tao quá. Đi xây cả tháng mà không về “quan tâm” tao lần nào.
- Bọn mày làm gì nhau rồi à?
- Đó mới là vấn đề. Tao đã phải phá một lần rồi. Giờ tao lại bị trễ cả chục ngày nay.
- Mày cũng liều thật đấy!
- Thực tế đi mày. Mày không biết là tao máu hơn mày cái khoản đó à. Riêng gì tao, bọn con Hồng, con Mai cũng loằng ngoằng với mấy tay trong công ty đấy thôi. Mà sao trông mày ngon lành thế lại không ai hỏi đến à?
Tâm cười trừ. Hà nói tiếp, giọng buồn buồn:
- Mày nghe thì cũng chỉ biết vậy. Không ai giúp được gì cho tao cả. Tao phải tự bơi thôi. Gia cảnh nhà mày ngon lành như thế thì cố mà giữ. Mày đừng vướng vào như tao… Có tiền thật đấy, nhưng lắm lúc nhục lắm.
Tâm im lặng, nhìn ra ngoài sông, mang theo suy nghĩ về kiếp làm vợ, làm mẹ của mình. Cuối cùng thì dòng sông sẽ trôi ra biển, nhưng không biết nó sẽ chảy qua những nơi nào. Có khi nó được đón nhận những khe suối sạch sẽ, nhưng lắm khi phải chấp nhận những cống rãnh bẩn thỉu.
Trở về nhà, Tâm cứ suy nghĩ về lời khuyên của Hà, nhưng sức hút của Chính cứ níu lấy cô. Cơn gió tình cứ thổi mạnh vào trái tim. Lời tỏ tình của anh cứ vang lên. Tâm đã xin thời gian suy nghĩ trước khi trả lời, Chính mở ngỏ chờ đợi.
*****
Đêm nay, Tâm tan ca khi đồng hồ chỉ mười hai giờ. Gió bắt đầu thổi mạnh. Cô đi dọc theo vỉa hè tới chiếc Camry dưới tán cây mai hoàng yến. Khi chắc chắn không có ai nhìn thấy, Tâm mở cửa vào xe.
- Em xin lỗi đã để anh đợi lâu.
- Không có gì.
Chính vừa nói vừa đạp chân ga. Chiếc xe lao đi trong đêm, bỏ lại khu công nghiệp phía sau. Những ánh đèn đường cũng thưa dần. Ánh đèn xe xé toạc màn đêm một cách thô bạo. Bóng đen lập tức phủ lấp phía sau xe. Khi đã đi xa, xe rẽ vào một nhà nghỉ trong ngõ nhỏ. Cả hai lên phòng. Không ai nói gì với nhau, nhưng đều biết mình đến đây để làm gì. Sau cuộc ân ái, khi căn phòng trở nên yên lặng thì những tiếng thét gào trong lòng Tâm nổi lên. Mặc cảm tội lỗi làm cho Tâm thấy bứt rứt, khó chịu:
- Mình về thôi anh…
- Còn sớm mà em!
- Em sốt ruột quá…- Tâm bịa ra lý do- Từ lúc trưa, con bé nhà em hơi sốt.
- Vậy để anh đưa em về.
Trong xe, im lặng bao trùm. Hai ven đường, hàng cây bị gió thổi phần phật. Cành cây lắc lư trông như những cánh tay đang xua đuổi, lên án Tâm. Nhìn qua ô kính, Tâm thấy cảnh vật cứ trôi qua vùn vụt một cách vô hồn. Tâm thấy mọi sự cũng đang trôi qua đời mình như thế. Lòng chùng xuống, cô thấy khóe mắt cay cay. Hai hàng nước mắt làm nhòe đi tất cả. Tới ngõ, Tâm mở cửa rồi chạy lao mình về nhà, không đủ can đảm chào Chính.
*****
Ngoài nhà có tiếng động. Tâm biết đã bốn giờ sáng, vì giờ này ông bà Bình dậy đọc kinh sáng. Sau khi đọc kinh dâng ngày, dâng gia đình và lần hạt, ông hỏi:
- Con dâu về chưa hả bà?
- Nó chưa về! Hôm qua nó nói làm thâu đêm. Mà ông này, ông có thấy gần đây con Tâm nhà mình thay đổi gì không?
- Ý bà là thế nào? Tốt hay xấu?
- Thì tôi trông thấy nó điệu đà và lại hay đi làm đêm hơn. Nó cứ sợ tôi nhìn. Và nhất là tôi cũng không thấy nó thường xuyên gọi điện cho thằng Phong như trước nữa.
- Chắc là nó bận việc thôi.
- Nhưng tôi lo nó thế này thế nọ lắm. Như con Hà ý, cặp kè với anh quản đốc, chồng nó biết liền nổi máu ghen đánh cho phải nhập viện đấy.
- Biết là thế, nhưng cũng có đứa nọ đứa kia. Mình phải tin tưởng con mình chứ!
- Tôi vẫn tin, nhưng tôi cứ thấy lo lo. Gia đình chúng nó cứ làm sao ý, tôi thấy mỏng manh lắm.- Trầm lại một lát, bà nói tiếp- Lâu rồi tôi cũng không thấy nó xưng tội rước lễ nữa.
- Ừ, thì....
Ông còn đang ậm ờ, bé Tình thức dậy. Nó ngoan ngoãn ra ngoài nhà và đến ngồi vào lòng bà. Tóc nó rối bù, nhưng đôi mắt tỉnh táo. Nó hỏi:
- Bà ơi! Sắp tới giờ đi lễ chưa hả bà?
- Sắp đến rồi. Bà rửa mặt, thay quần áo mới, chải tóc cho cháu rồi mình đi lễ nhé!
- Vâng ạ!
Ông bà và cháu đi lễ rồi, căn phòng trở nên vắng lặng.
Tâm thở dài, vục dậy, lững thững bước ra phòng khách, tới chiếc ghế salon, nơi trước kia cô thường ngồi đọc kinh chung với gia đình. Chỗ đó vẫn sạch sẽ vì bà Bình lau dọn hàng ngày. Trong căn phòng rộng rãi, Tâm thấy mình thật lẻ loi. Câu chuyện vừa nghe làm cho Tâm xót xa. Nhìn lên bức ảnh Thánh Gia, cô nhớ lại mình cũng đang có một gia đình hạnh phúc. Bố mẹ chồng rất quan tâm mình, con gái ngoan ngoãn và đạo đức, chồng chịu khó làm ăn và tin tưởng mình. Nhìn sang bên cạnh, Tâm thấy bức ảnh cưới vẫn còn mới. Cô nhớ lại cảm giác ngất ngây hạnh phúc khi mặc chiếc váy cưới trắng tinh đó. Ánh mắt Phong như đang nhìn cô trìu mến. Môi anh mỉm cười hiền hậu. Trước ánh mắt ấy, Tâm thấy mình nhơ bẩn và không xứng dưới cái nhìn ấy. Cô gục mặt xuống gối, khóc lóc nức nở.
Chuông nhà thờ đổ liên hồi. Đã lâu rồi Tâm không nghe được tiếng chuông sáng như hôm nay. Cô liền đứng dậy, rửa mặt, thay đồ rồi đi lễ. Tới cổng nhà thờ, Tâm tháo chiếc đồng hồ đeo tay là món quà Chính tặng rồi dứt khoát vứt xuống ao nhà xứ. Vừa lúc đó, tiếng chuông trên tháp nhà thờ báo hiệu năm giờ sáng. Thánh lễ bắt đầu.
Post a Comment