[Giải VVĐT 2018] Vết sẹo
hình minh họa |
VẾT SẸO
(Mã số: 18-100)
Đêm tân hôn… Loan lắc đầu ngao ngán nhìn chàng tân lang của mình để nguyên lễ phục nằm ngay đơ như khúc gỗ, mặt tái dại, đã thế lâu lâu còn ợ lên một tiếng, mùi rượu bia nồng chua khắp phòng cưới khiến cô cũng cảm thấy buồn nôn. Đã cấu véo suốt tiệc cưới nhưng Hòa vẫn cứ uống tới bến, nên nỗi đêm được cho là “hạnh phúc nhất đời người” của cô thành thế này đây. Những tưởng tượng vẩn vơ hay nỗi lo lắng trước ngày cưới của cô, cả những điều khôi hài như ngồi bóc phong bì và cười cợt những lời chúc của “hội người yêu cũ”, hai đứa cũng chẳng có. Loan chán nản lắc đầu dồn đống quà cưới lại một chỗ, đẩy “đống thịt thừa” vào góc giường rồi đi ngủ.
Hòa là con nhà gia thế. Bố là giám đốc công ty tuyển người đi lao động nước ngoài. Mặc dù tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng ông Hợp hãy còn phong độ lắm, chỉ có điều lạ là ông vẫn không tái hôn dù vợ mất gần hai mươi năm nay. Ba em gái đã lấy chồng, chỉ riêng cái anh Hòa - bản sao của ông Hợp - vẫn ở nhà phụ giúp ba. Một điều lạ nữa là dù “đại gia” nhưng nhà không có người giúp việc mà hai bố con tự túc hết, cuối tuần mới thuê người dọn dẹp. Hòa nói với Loan “đã quen tự làm từ ngày mẹ mất” khiến cô thêm phần vững dạ khi về làm dâu. Loan lọt vào mắt xanh của Hòa cũng làm nhiều người trong làng ý kiến ì xèo này nọ, vì dù cô ưa nhìn và có học nhưng nhà không mấy khá giả, gái ngoại thành, lại là người Công giáo, cưới nhau theo phép chuẩn khác đạo thôi, có được dắt tay vào nhà thờ hoành tráng như trong phim đâu. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, bao người ngoài ghen ăn tức ở không thể nào biết được bên trong căn biệt thự sang trọng này ẩn chứa những bí mật gì, bằng không…
* * *
Sáng hôm sau, mặt trời lên được mấy con sào, ông Hợp đã đi làm từ lâu, Loan mới gọi chồng dậy. Chưa kịp hờn dỗi, cũng chưa nhận được lời cảm ơn nào từ lão chồng đáng ghét, đã thấy Hòa kêu lên vẻ trách móc:
- Giời ạ, sao giờ này mới gọi anh dậy? Em quên là đợt này bận đến mức mình không đi trăng mật được à…
Nói rồi anh vội vàng rửa mặt qua quýt, bỏ cả đánh răng, thay áo quần, nhai kẹo cao su rồi rời phòng, mặc cho Loan đứng như trời trồng. Cô nói với theo:
- Anh, em làm bữa sáng rồi…
Như để “chuộc lỗi”, dù đã xuống tầng trệt nhưng Hòa để nguyên cả giày lật đật quay lại phòng, hôn lên trán vợ, nói khẽ “xin lỗi, anh vội”, xong lại tất tả chạy đi.
Tối hôm ấy người cùng ăn tối với Loan vẫn chỉ mỗi ông Hợp. Hòa về muộn và lại say mềm, không lên nổi cầu thang, ông Hợp và Loan vất vả lắm mới đưa được “cái đồ bị thịt ấy” (lời ông Hợp) lên phòng. Tình thế cũng y hệt đêm qua và đến sáng Hòa vẫn vội vã rời phòng như chạy trốn, dù Loan đã gọi anh chàng dậy sớm hơn nhiều. Đến đêm thứ ba thì Loan bắt đầu nghi ngờ, cô bật hết đèn, soi kỹ “bị thịt” nhưng không thấy có gì bất thường, ngoại trừ một vết sẹo khá lớn trên đầu trông như vết dao chém hay vết mổ gì đó, bị lấp sau mớ tóc khá dài của anh. Sáng ra khi Hòa còn ngái ngủ, Loan đã quyết định “phải làm cho ra nhẽ”. Cô hắng giọng:
- Em đã dặn anh nhiều rồi. Nếu đêm nay còn say rượu nữa thì em sẽ về nhà ba mẹ ngủ.
- À à, ờ ờ… Mấy ngày rồi, em về bên ấy chơi rồi ngủ lại cũng được mà.
- Hả, anh nói gì vậy hả, anh lảng tránh điều gì? Ba ngày rồi… anh còn…chưa…thực hiện nghĩa vụ làm chồng…
Loan ngập ngừng, xấu hổ, nhưng dường như Hòa không mấy quan tâm:
- Anh bận ngập mặt, phải nhậu chứ thích thú gì đâu, nhưng anh hứa hôm nay sẽ không uống, chịu chưa!
Đêm ấy, Hòa không say, nhưng anh có vẻ lúng túng như một đứa trẻ chơi trò vợ chồng. Loan thấy buồn cười, trộm nghĩ, thời yêu anh ấy cũng hay ngượng ngùng, thảo nào U40 mới chịu lấy vợ. Hay do ngoại hình của cô có nhiều nét giống bà Hợp khiến anh ngại ngần, nhưng Hòa từng nói đó là lý do khiến anh yêu cô cơ mà? Có lần cô cuồng nhiệt thì anh lại chủ động dừng, thầm thì: “Em là người Công giáo, anh giữ cho em”, làm cô cảm động muốn khóc. Nhưng đêm nay thì phải khác! Cô chủ động ôm lấy từ phía sau, tay vân vê sợi tóc anh, thốt nhiên chạm vào vết sẹo, dường như Hòa bị giật mình, cô buột miệng:
- Vết sẹo này…
- Em… em… em… biết rồi à?
Hòa lắp ba lắp bắp. Loan cũng ngỡ ngàng, định hỏi lại “biết gì cơ”. Nhưng rồi cô kịp trấn tĩnh, đây là thời cơ có một không hai để “làm rõ trắng đen”. Cô vờ ra vẻ nghiêm trọng:
- Em biết, nhưng em muốn anh nói hết ra, lý giải thế nào…
Không ngờ câu nói vu vơ ấy có tác dụng lớn đến thế! Hòa quỳ xuống trước mặt Loan khóc lóc xin lỗi, kể rằng năm xưa anh bị u sọ hầu, một khối u có thể do tụ máu não bởi bị ngã lúc nào đó khi còn thơ bé mà không biết (theo lời bác sĩ). Tới khi có triệu chứng lâm sàng là suy giảm thị lực mới thăm khám thì khối u đã quá to, lại ở vị trí khó, không thể mổ nội soi hay chiếu tia được mà phải rạch mổ. Lớn lên nỗi đau còn nhân lên gấp bội vì anh không dậy thì, mới hay dù khối u đã được lấy ra nhưng ca mổ ấy cũng làm anh mất khả năng “làm đàn ông”, chỉ còn giải pháp tiêm hóóc môn nam giới hỗ trợ, hy vọng cùng với thời gian, anh sẽ trở thành “đàn ông thực thụ”. Dù thế, đã qua bao năm, lúc nào bệnh viện cũng xác nhận “có tiến triển” nhưng anh mãi vẫn chưa thể thành “đàn ông đích thực”, đó cũng là lý do anh lấy vợ muộn. Anh vô cùng xin lỗi Loan, rằng anh rất yêu cô và hy vọng cô sẽ cùng anh chữa bệnh, một ngày nào đó họ sẽ có những đứa con, bằng không sẽ đi thụ tinh ống nghiệm hoặc xin con nuôi…
Loan ngỡ ngàng, cô không thể chấp nhận sự thật này. Cô đâu phải nữ tu và lấy chồng đâu phải chỉ để sinh con mà thôi. Lúc này cô mới chợn rợn, không lẽ vì lý do này mà Hòa chọn cô, một người Công giáo. Phải chăng vì anh biết “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6)? Cô gào lên:
- Anh là đồ dối trá, có phải anh nghĩ tôi là người Công giáo thì không thể bỏ chồng đúng không?
- Anh… anh… Thực ra anh cũng có biết… Nhưng anh yêu em thật lòng mà, anh cứ tưởng là…
- À, à, ra thế… Tôi không ngờ… Anh đâu phải đàn ông mà nói yêu thật lòng được! Thế anh có biết theo giáo luật thì hôn nhân này chưa thành sự, tôi có thể xin bề trên tha.
- Nhưng… còn món tiền xây nhà của ba mẹ em, anh không nghĩ là ba anh sẽ bỏ qua đâu…
- A… à vâng… vâng, tôi biết, tôi biết… Hóa ra nhà anh tính hết cả rồi!
- Không phải, không phải mà, cho anh cơ hội đi, anh xin em, rồi anh sẽ khỏi bệnh…
Hòa chạy theo khi Loan bỏ ra ngoài, anh cầu xin vợ ở lại phòng, anh sẽ ngủ ghế sôfa.
Đêm ấy, Loan trằn trọc không ngủ được dù trên chăn dưới nệm, cô đang thấm nỗi đau “Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?” (Mt 16,26). Thì ra nhà Hòa không thuê người giúp việc là để giấu bí mật đau đớn này. Cô muốn khinh bỉ chồng, khinh bỉ nhà chồng cũng không được, bởi thực tình cô không yêu Hòa lắm, cô yêu nhà cao cửa rộng của anh hơn. Cô đã từng rất vui vì ông Hợp phóng khoáng cho ba mẹ vay cả tỷ đồng không lấy lãi, đủ xây một ngôi nhà hoành tráng, để ngày cưới được “môn đăng hộ đối” cho thiên hạ khỏi ì xèo. Về vật chất, danh tiếng, cái giá cô phải trả hôm nay có lẽ không quá đắt, nhưng cái mất lớn nhất là linh hồn cô, kể từ cái ngày cô chấp nhận kiểu hôn nhân gọi là “đạo ai nấy giữ” kia, bởi cô biết chắc “tộc trưởng Hòa” sẽ không bao giờ theo đạo Công giáo, lời hứa cho con cái Rửa Tội chỉ là hứa lèo, hứa láo. Nhưng việc đã lỡ, phải ráng tìm cách moi móc hoặc làm ra thật nhiều tiền tuồn về cho ba mẹ trả nợ, rồi chuồn khỏi ngôi nhà này càng sớm càng tốt, cô lẩm nhẩm tính…
* * *
Loan chưa kịp tìm ra cách xoay tiền thì “địa ngục” nơi cô đang ở lại hạ xuống một tầng đáy nữa. Vào hôm Hòa đi công tác xa, giờ cơm tối thấy ba chồng nốc rượu liên tục, cô khuyên nhủ:
- Ba à, ba uống ít thôi!
- Ba đang có chuyện bực mình…
- Nhưng ba giữ gìn sức khỏe, có tuổi rồi…
- Có tuổi rồi… haha… đừng khinh ba! Để yên cho ba uống.
- Dạ, con không dám, là…
Loan chợt ngừng lại, cô rùng mình trước ánh mắt đáng sợ đang vằn lên những tia máu của ông Hợp, cái nhìn ấy như một ông chủ uy quyền sắp đổ sấm sét lên đầu nhân viên mắc lỗi. Cô vội vàng thu dọn chén đĩa đi rửa, tính lên nhà đi nghỉ trước thì giật bắn mình vì có người ôm chặt từ sau lưng, hơi men nồng nặc phả vào gáy. Không thể tưởng tượng được! Đó là lão dê già ba chồng của cô. Hoảng hồn, cô la lên:
- Ba, ba làm cái gì vậy?
- Ba… haha… nghe lời anh… Cái thằng Hòa vô tích sự ấy… nó… không làm được thì anh làm… Sinh cho anh một đứa con trai nối dõi, em sẽ là bà chủ…
Lão Hợp vừa nói hổn hển trong tiếng thở, vừa xoay người Loan lại. Cô chưa kịp hoàn hồn đã bị lão giật phăng mớ cúc áo ngoài. Cô hét lên:
- Chúa ơi… cứu con…
Lão Hợp giật mình khựng lại mấy giây. Mặc Loan cố sức đẩy ra, lão cười nhăn nhở:
- Chúa nào cứu em được giờ này, ngoan ngoãn nghe lời anh đi!
Lão dê già vẫn đè Loan sát chậu rửa, đẩy mạnh cô lên rồi cúi xuống phía dưới khiến nửa người Loan bật ngửa ra sau, cô quẫy mạnh tay phản kháng. Dường như lời kêu cầu Chúa đã tiếp cho cô sức mạnh và sự may mắn, Loan vớ được con dao thái thịt chưa rửa, bổ bừa vào vai “yêu râu xanh”. Lão Hợp rú lên một tiếng, tay phải ôm lấy vai trái lùi lại:
- Cô… cô…
Ở tư thế khó, lại không có sự chuẩn bị nên nhát chém của Loan không gây sát thương chí mạng song cũng đủ làm lão Hợp rất đau đớn. Loan vẫn chưa hoàn hồn, cô ngồi bệt xuống, tay trái hợp với tay phải nắm chặt cán dao:
- Ông… ông… nếu… giết…
Loan lắp bắp không thành lời, tay run run nhưng lão Hợp còn run hơn, lão lại lùi, miệng vẫn lắp bắp “Cô… cô…”. Lão mở cửa chạy ra ngoài, máu trên vai rớt xuống thành một vệt dài. Loan không chỉnh trang quần áo, ngồi ngây ra như sẵn sàng đón đợi lão quay lại. Cho đến khi, cũng không biết thời giờ đã qua bao lâu, chỉ biết đó là tiếng mở cửa, Loan mới giật bắn mình nhưng thở hắt ra rồi rũ xuống khi thấy Hòa…
- Quá nguy hiểm, em không thể ở đây một phút một giây nào nữa…
- Không được… Món nợ ấy, cộng với việc ba có thể kiện em tội cố ý gây thương tích. Sự tình này cũng có thể do ổng say rượu thôi, với lại hôm nay ở công ty ổng có chuyện bực mình…
- Anh… Giờ này mà anh còn bênh cho lão, lão không xứng đáng là ba…
- Em biết đấy, ba bao giờ cũng chuẩn mực mà. Chỉ là không hiểu sao lần này ba lại như ma nhập vậy. Anh sẽ làm rõ với ba, từ nay anh sẽ ở bên em 24/24 nha!
* * *
Nói là làm, ngay hôm sau Hòa đưa Loan tới làm lễ tân của công ty để tiện hàng ngày đưa đón, bảo vệ cô 24/24. Lão Hợp không về nhà và cũng tránh mặt Loan ở công ty, mọi liên lạc đều qua điện thoại nhưng lão gọi riêng cho cô lễ tân khác. Tuy thế mỗi lần thoáng thấy bóng lão dê già ấy, Loan lại lạnh gáy, có lúc thiếu chút không giữ được bình tĩnh mà la lên.
Hơn một tháng sau, bất ngờ Hòa dẫn lão Hợp vào phòng, Loan hoảng sợ ngồi thu lu vào góc giường. Hòa nhẹ nhàng bảo:
- Ba biết lỗi rồi, ba vào xin lỗi em, là hôm ấy ba quá chén, ba giận em bảo ba già…
Lão Hợp quỳ xuống trước cửa. Một việc quá khó tin! Ba chồng lại quỳ trước con dâu, ông giám đốc uy quyền lại quỳ xuống khóc lóc dưới chân một cô lễ tân. Nhưng chuyện đó đã xảy ra… Lão Hợp lắp bắp:
- Tha thứ cho ba… Ba là… thằng khốn nạn!
Loan nghẹn ngào không thốt nên lời, chỉ tay ra phía cửa nghẹn ngào trong tiếng nấc. Lão Hợp vội vã đứng dậy bước ra ngoài.
Những ngày sau đó bữa cơm tối là khoảng thời gian ngột ngạt nhất trong ngày, cứ nhìn thấy lão Hợp là Loan không nuốt nổi thứ gì, buồn nôn như người mắc nghén. Cô luôn thủ sẵn một con dao nhỏ trong người, đề phòng. Cô ước sao kiếm đủ tỷ bạc để chuồn khỏi ngôi nhà này ngay và luôn nhưng không thể, chỉ biết nuốt nước mắt và sống trong thắc thỏm lo âu, phải cố gắng kiềm chế nỗi sợ hãi để không bị phát điên.
Lại một tháng nữa trôi qua. Hôm ấy hai bố con Hòa đi công tác xa, Loan đang nấu cơm tối thì Hòa báo phải ở lại đấy mai mới về được. Đang tính ăn một mình, bỗng dưng lão Hợp về, cô hoảng hồn đứng bật dậy, lùi lại thủ thế. Dường như hiểu ý, lão Hợp kêu lên:
- Ba chỉ về lấy hành lý, ba cần bay gấp sang Angola.
Nói xong lão lên nhà một lúc rồi gọi lái xe vào đưa chiếc túi kéo du lịch xuống. Trước khi rời nhà, lão xởi lởi:
- Bên ấy nhiều kim cương, ba mua cho con bộ trang sức nha?
Loan trợn trừng mắt. Biết ý, lão xoay sang chữa lời:
- À à… Ba biết là con thích thằng Hòa tặng hơn…
Loan có cảm giác sờ sợ, vội lên phòng chuẩn bị đồ tính về nhà mẹ thì thấy mỏi mệt, ngủ quên mất. Nửa đêm, đang mơ mơ màng màng thì Hòa về, bất ngờ hơn là anh sà ngay vào người cô, hai người có một đêm ái ân mặn nồng. Sáng ra, Loan không thể tin vào mắt mình khi thấy Hòa trần truồng bên cạnh, vội kéo chăn lại. Hòa mở mắt, cười giả lả:
- Gớm, có gì đâu mà xấu hổ, giờ yên tâm làm vợ anh rồi nhé!
- Anh thật là… đê tiện…
- Anh thích hai chữ “đê tiện”, haha…
- Nhưng sao anh… Anh khỏi bệnh hồi nào?
- Thực ra thì…
Giọng Hòa chùng xuống. Ra là nơi anh vừa đi công tác có một thầy lang có bài thuốc cực hay, nhưng khuyến cáo không nên lạm dụng, và ông ta cũng không phổ biến rộng rãi vì sợ công an sờ gáy nên chỉ bốc cho anh một liều. Anh nhận thuốc vội về nhà thử ngay. Thế là kế hoạch chạy trốn khỏi nơi này không thành, nhưng Loan lại thấy được an ủi vì Hòa đã có phương án chữa bệnh mới, hơn thế, rõ là anh yêu cô hết lòng…
Và rồi một biến cố lớn xảy ra khiến Loan không biết nên gọi là buồn hay vui. Nói “vui” thì cũng thật quá đáng nhưng không thể phủ nhận là cô đã thở phào nhẹ nhõm: Ông Hợp bị sát hại ở Angola, không rõ cướp bắn hay bị kẹt giữa những nhóm giang hồ thanh toán nhau. Dù sao cũng là ba chồng, không thể không động lòng, nhưng là “kẻ thù không đội trời chung”, cô không thể không vui với cảm giác được giải thoát. Cô rùng mình khi nghĩ lại đã có lúc muốn hạ độc vào đồ ăn của lão Hợp để chấm dứt nỗi sợ hãi, nhưng cô không đủ nhẫn tâm, cô sợ tù tội và hơn hết là sợ phạm điều răn thứ năm của Chúa. Bởi chẳng phải chính Ngài đã cứu giúp cô thoát khỏi nanh vuốt của “yêu râu xanh” kia trong tình thế hiểm nghèo nhất sao? Và ngay cả lúc ấy, cô đã chọn xả dao vào vai lão thay vì vào đầu. Nhưng phải chăng Chúa cũng đã trừng phạt lão, “chuyến buôn người” này lỗ vốn, không, chính xác hơn là cụt vốn rồi!
Niềm vui của Loan nhân lên gấp bội khi cô mang bầu. Hòa tỏ vẻ ngạc nhiên “Chỉ một lần mà nhạy thế…”, nhưng dường như anh cũng mừng vì tránh được việc vượt hàng trăm cây số để lấy thuốc bởi Loan mấy lần gợi ý, dù anh đã thoái thác là “giữ chay” vì ba mới mất. Cùng với việc lão Hợp chết, Loan nghiễm nhiên trở thành bà chủ, cô có cảm giác “một tấc tới trời”. Hòa tuy “kém cỏi”, bù lại anh chăm chỉ, không tệ nạn và… biết nghe lời. Loan ngày càng yêu anh hơn.
Song hạnh phúc đâu có dễ vậy! Loan bầu bì không suôn sẻ. Tuần thứ 13 bác sĩ siêu âm phát hiện cô mang thai bé trai nhưng “khoảng sáng sau gáy” vượt mức cho phép, có nguy cơ dị tật cao. Lúc ấy Hòa lẩm bẩm: “Hay hôm đó dùng thuốc quá liều”, làm Loan càng hoảng sợ. Nơi cô tìm đến tiếp theo không phải là cơ sở y tế khác mà là Cha Linh hướng của Cộng đoàn, người khá nổi tiếng chữa lành các thai nhi. Cha nhỏ nhẹ khuyên cô: “Cha có cảm giác nhiều bác sĩ đang ‘bắn nhầm hơn bỏ sót’, đã tiếp tay cho việc giết hại các thai nhi. Bởi có quá nhiều người sợ hãi với kết quả siêu âm, tìm cha xin lời cầu nguyện, nhưng sau đó sinh con chẳng dị tật gì, và vì thế người ta cứ cho là cha có tài chữa bệnh, nhưng thực tình không phải thế, hơn nữa quyền năng đến từ Chúa chứ không phải từ cha. Trường hợp của con cha không dám khẳng định điều gì, nhưng cha sẽ dâng lời cầu nguyện cho con”.
Ba cô biết chuyện, ông khấn thai nhi cho “Thánh Antôn hay làm phép lạ”. Còn mẹ cô lặn lội đến tận La Vang nguyện xin Đức Mẹ xót thương. Dường như được nhậm lời, kết quả “Triple Test” của cô vẫn ổn và rồi các lần siêu âm thai sau đó đều có kết quả khả quan. Đến ngày mãn nguyệt khai hoa, Loan sinh bé trai giống Hòa như đúc, chỉ có cái đầu hơi to nhưng bác sĩ bảo “không phải bệnh não úng thủy” nên gia đình an tâm, vậy rõ là có “ơn tha thứ và chữa lành” rồi!
Ba tháng sau, lễ rửa tội cho “đích tôn nhà họ Nguyễn” diễn ra trang trọng lắm, Hòa xin hẳn một lễ riêng, “nhà có điều kiện” mà! Bé được đặt tên thánh Antôn như lời khấn riêng của ông ngoại. Hòa còn tiết lộ, anh đang cân nhắc xin Rửa Tội vì đã cảm nhận được quyền năng của Chúa, làm Loan cảm thấy hạnh phúc gần tới viên mãn rồi. Cô thầm cảm tạ Chúa vì bao lần cô rời bỏ Ngài nhưng Ngài đã không rời xa cô…
Lễ về, chuẩn bị làm cơm thì không thấy ba cô em đâu. Loan hỏi, cậu em rể chỉ tay lên trên bảo: “Chắc đang bàn chuyện làm giỗ Ông tuần tới”. Loan bế con lên lầu gọi ba người xuống giúp làm cơm. Cô khựng lại vì những lời thì thầm to nhỏ trong phòng thờ lọt ra:
- Thằng bé giống anh Hòa như đúc ấy…
- Thôi xin, tao sợ nó cũng hỏng như ảnh. Đầu nó to thế, bác sĩ bảo không việc gì nhưng tao vẫn lo, nhất là lúc siêu âm thai đã có vấn đề.
- Chị cứ hay nghĩ linh tinh. Anh Hòa có bị bẩm sinh đâu! Nhưng mà… nhưng mà… liệu mẹ có tha thứ cho ba không?
- Chị không biết, nhưng Chúa của chị Loan thì đã không tha cho ba, huhu…
- Thôi chị ạ, xét cho cùng thì chắc là Chúa của chị ấy cũng sẽ không tha cho anh Hòa và ba chị em mình đâu, nhưng dù sao thì ba cũng đã mãn nguyện rồi…
Loan không thể tin vào tai mình, mọi thứ chao đảo trước mắt cô. Chuyện gì đã xảy ra đêm đó? Câu nói “Hay hôm ấy dùng thuốc quá liều” của Hòa là lý do khác chứ không như cô nghĩ? Cầu thang cuồng quay trước mắt, cô bước xuống…
…
Và…
…
Hụt…
* * *
Nhiều năm sau đó, người ta thường thấy trước cổng Trường Dòng vào mỗi chiều Thứ Bảy, có một cậu bé đứng chờ người mẹ trẻ trên chiếc xe lăn đến thăm. Cậu bé ấy cũng đáng yêu như bao thiên thần nhỏ, chỉ khác là trên mái tóc cắt húi cua lộ ra một vết sẹo rất dài…
Post a Comment