[Giải VVĐT 2018] Ngố
NGỐ
(Mã số: 18-092)
1.
- Anh Sơn!...
- Gì thế em?
- Em tính thế này anh có chịu hông?
- Mà chuyện gì mới được chứ em?
- Chúng mình ly dị đi!...
- Gì thế!... Em có điên không mà bảo vợ chồng mình ly dị? Tội chết chứ chẳng chơi đâu!
- Chưa gì hết mà anh đã gào lên thế!... Chỉ là ly dị giả thôi!... Mẹ em đã tính hết rồi. Em ly dị giả với anh, rồi kết hôn với anh Hòa Việt kiều. Sau đó, em qua Mỹ, ly dị với ảnh, xong bảo lãnh anh và các con qua. Gia đình mình sẽ sum họp như trước. Giả thôi, có gì đâu mà anh sợ...
- Anh vẫn thấy không ổn. Mình giả chứ giấy tờ có giả đâu. Mà chuyện vợ chồng không nên giả dối như thế. Nhà mình ở đây vẫn dư dả, vẫn đủ lo cho con ăn học. Việc gì em phải khổ thân...
- Mệt anh quá! Đúng là đồ khờ mà!... Qua Mỹ đương nhiên sống sung sướng hơn, con cái có cơ hội học hành tốt hơn. Anh còn muốn gì nữa mà không chịu?... Thôi, em quyết rồi! Anh không đồng ý, em vẫn làm. Chừng đó, anh đừng hối hận...
Nghe vợ gắt, Sơn làm thinh, không muốn cãi cọ chi cho rách việc. Với lại, tính anh từ trước tới giờ vẫn thế. Mỗi lần có chuyện to tiếng với vợ, anh đều nhường nhịn. Nhịn vợ chứ nhịn ai đâu mà sợ người ta cười. Nhịn vợ một chút cho êm chuyện. Gia đình phải trong ấm ngoài êm mới hạnh phúc, con cái mới học hành nên người. Anh nhịn, nhất định phải nhịn. Được thế, Son lại lên nước, đụng chuyện gì cũng la chồng được hết. Son lại thường làm mình làm mẩy, bắt Sơn phải chiều chuộng đủ thứ. Cả ngày, sau buổi chợ, Son về nhà nằm ngủ, xem phim, lên mạng… chứ chẳng buồn động tay vào những việc trong nhà. Tất cả mọi chuyện đều do một tay Sơn chăm nom. Sáng sớm, Sơn phải dậy mổ heo cho Son đem ra chợ bán. Sau đó, Sơn chuẩn bị bữa sáng, gọi các con dậy, cho chúng ăn và đưa đi học. Trở về nhà, Sơn lại lui cui với đống mỡ heo, da bò rồi nấu cơm cho bữa trưa. Hết trưa lại đến chiều, Sơn chẳng nghỉ ngơi được chút nào. Công việc cứ quấn lấy Sơn hết ngày này đến ngày khác một cách tẻ nhạt đến nỗi Son phải bực mình. Cho nên không ít lần, Son mắng anh là thằng “ngố”, chỉ biết làm với ăn, chẳng biết hưởng thụ, chẳng biết quan tâm tạo niềm vui cho vợ con vào những ngày cuối tuần. Mỗi lần như thế, Sơn chỉ biết cười cho qua chuyện. Vì thế, lần này, Son quyết thực hiện ý định đưa Sơn và các con sang Mỹ để thay đổi cuộc sống buồn tẻ này. Để thực hiện dự tính ấy, Son nhờ mẹ của mình sắp xếp.
2.
Mẹ của Son, bà Sanh, là người hay so đo tính toán. Ngay việc bà gả Son cho Sơn cũng nằm trong tính toán của bà. Nhà bà vốn giàu sẵn. Cho nên, bà muốn đứa con gái duy nhất phải lọt vào nhà giàu. Thấy nhà Sơn khá giả, Sơn cũng được tính hiền lành, biết nghe lời nên bà tỏ ý bắt rể cho con gái mình. Đối lại, gia đình Sơn cũng tỏ ý ưng thuận, vì thấy nhà bà giàu và là nhà có đạo. Khổ nỗi, một hai bà Sanh bắt Sơn phải ở rể. Chiều ý bà, Sơn đồng ý ngay. Với lại, từ ngày gặp mặt Son, anh tương tư nàng, ngày đêm muốn được cưới nàng cho mau. Thế là chỉ sau vài tháng quen nhau, Sơn và Son đã trở thành vợ chồng.
Thời gian đầu, cả hai sống rất hạnh phúc, ngày đêm quấn quýt bên nhau không rời. Tuy nhiên, sau khi hai đứa con ra đời, một nam một nữ, và vì công việc lu bu, hai vợ chồng càng ngày càng xa cách. Tối đến vẫn ngủ chung một giường nhưng lòng Son luôn hướng về một thế giới mơ mộng như các cặp đôi trong phim Hàn Quốc. Son nằm bên chồng mà chẳng có chút hứng thú nào. Cả hai như tượng đá đặt bên nhau. Sơn cũng chẳng quan tâm. Đầu óc Sơn chỉ có công việc và tương lai của các con. Sơn cũng chẳng buồn động đến Son mỗi khi chung giường, cứ lên giường là anh ngủ thẳng cẳng. Hôm nào, Son có tâm sự thì Sơn chỉ nói vài câu rồi ngủ lúc nào không hay để mặc cho Son nói một mình. Thế thì vợ nào chẳng bực mình! Cả ngày ở ngoài chợ bốp chát với người ta. Tối về lại chẳng được một lời an ủi động viên gì hết. Buồn, buồn thiệt! Son buồn đến nỗi muốn bỏ Sơn nhưng còn e ngại nhiều chuyện. Dịp may đã đến khi Hòa từ Mỹ trở về gặp mẹ của Son và có ý nhờ bà mai mối cho một đám. Thế là mẹ Son lên kế hoạch cho con gái của mình.
3.
Đúng ra, lần này Hòa về quê để kiếm vợ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ ở bên Mỹ. Hòa bị vợ đá sau khi đã lấy đi khá nhiều tài sản để đi theo tình nhân. Vợ Hòa cũng như Son, chê chồng mình khờ khạo, chẳng biết galăng gì hết, tối ngày cứ cắm đầu vào công việc. Vợ chứ đâu phải đồ vật vô tri vô giác được trang trí trong nhà. Vợ phải được quan tâm yêu thương. Vợ cần tiền nhưng tiền không phải là tất cả. Cho nên, vợ muốn đi tìm một người bạn tình biết thương yêu chiều chuộng. Mà ở cái xứ “tự do” này, vợ chồng bỏ nhau như cơm bữa. Thích thì sống, không thích thì ly dị, chẳng vướng bận gì cả. Thế mới bực! Vợ chồng là chuyện cả đời chứ đâu phải hợp đồng làm ăn, hết hạn thì cắt đứt. Vợ gì! Một kẻ lừa bịp, một người ăn bám thì đúng hơn! Dẹp, chẳng cần ở Mỹ nữa…
Thế là sau khi ly dị vợ, Hòa buồn sầu, bỏ bê công việc, trở về Việt Nam để mong kiếm được một người chung thủy. Và trong thời gian nghỉ ngơi ở nhà mẹ, Hòa có dịp gặp bà Sanh, bạn thân của mẹ. Qua nhiều lần nói chuyện, Hòa biết được ý định của bà muốn định cư bên Mỹ để thỏa lòng mong ước về “xứ sở thần tiên”. Tuy nhiên, bà đã quá già để có thể kết hôn với Hòa. Nói đúng hơn, Hòa đâu muốn vướng mình vào một bà già đáng tuổi mẹ mình cho khổ thân. Điều Hòa đang muốn là tìm một cô gái trẻ đẹp, hiền hòa, quê mùa một chút cũng được nhưng biết vun vén cho gia đình. Hòa đã quá ngán các cô Việt kiều tự do bên Mỹ. Cho nên, anh nói ý định ấy với bà, mong bà làm mai cho một cô. Thế là hai mắt bà sáng lên. Bà nghĩ ngay đến Son, đứa con gái đã có chồng của mình. Bà đề nghị Hòa một cách nghiêm túc.
- Thôi, chú đừng tìm chi cho khổ! Tôi sẽ gả con gái tôi cho chú...
- Thế thì còn gì bằng! Nhưng cô ấy là ai và như thế nào để con còn tính…
- Ừ… Có điều, nó đã có chồng và có hai con rồi!...
- Thế thì con không cần đâu. Cô cứ đùa không!
- Ấy chết! Tôi không đùa đâu… Tôi nói thật đấy! Nếu chú muốn thì nó sẽ ly dị chồng rồi kết hôn với chú.
- Thế nghĩa là sao?
- Tôi nói thật... Tôi và con gái ở Việt Nam này chẳng thiếu thứ gì hết. Có điều, tôi và nó muốn định cư bên Mỹ. Mà dịp này có chú giúp đỡ thì hay biết mấy… Chú cứ kết hôn với con gái tôi đi. Mọi chi phí tôi sẽ lo hết. Miễn là chú đồng ý để việc sang Mỹ của gia đình tôi được thuận lợi. Xong việc, tôi sẽ bồi dưỡng chú thêm. Yên tâm đi, chú chẳng lỗ đâu!...
- Cô để con suy nghĩ vài ngày đã...
- Chú cứ suy nghĩ. Nhưng mà nhanh nhanh lên nhé!...
4.
Nghe lời đề nghị của bà Sanh, Hòa đắn đo suy nghĩ. Lẽ nào nhà bà này lại muốn đi Mỹ đến thế? Mỹ có gì hay ho đâu mà họ muốn qua đó. Đấy, mình đã đổ bao công sức của cải để được sống bên Mỹ, thế mà bị chính vợ mình đá ngay trên giường. Đau quá! Mình đang muốn trở về Việt Nam, may ra còn kiếm được một cô nào đó an ủi khi về già. Mình đã bốn mươi mấy tuổi đầu rồi còn gì. Mình chẳng còn ham hố gì tiền bạc nữa. Nhưng biết đâu, bà này đang có âm mưu gì. Mình phải dè chừng! Nếu không sẽ bị mắc lừa như con vợ của mình thì càng khổ hơn. Tuy nhiên, để biết chắc chắn sự việc thế nào, mình cần phải gặp con gái của bà. Đúng! Phải gặp mới quyết định được. Mình sẽ dò ý của cô và bà ta. Nếu đúng như bà nói, mình sẽ được lợi rất nhiều. Thế là sau hai ngày suy nghĩ, Hòa hẹn gặp bà Sanh và Son.
Bà Sanh và Son biết Hòa đồng ý thì mừng rỡ, lo “tân trang” mình cho thật bắt mắt để đi gặp Hòa. Bà đã hẹn Hòa ở một quán cà phê sang trọng, nằm trên bờ biển Qui Nhơn. Bà và Son đến sớm ngồi chờ Hòa. Đúng giờ, Hòa xuất hiện với bộ đồ hơi bụi, quần “rin” trầy xước, áo thun sậm màu và chiếc kính đen. Hòa bước vào quán, đi thẳng đến chỗ bà Sanh và Son đang ngồi. Sau lời chào, Hòa bỏ kính và ngất ngây trước vẻ đẹp mặn mà của Son. Gái hai con mà vẫn còn trông mòn mắt luôn! Hòa chẳng hiểu Son giữ gìn cách nào mà sắc đẹp vẫn còn nguyên vẹn đến thế. Dưới con mắt của Hòa, Son còn đẹp hơn cô vợ đỏng đảnh của mình bội phần. Lại thêm khuôn mặt dễ nhìn, nụ cười và giọng nói lảnh lót, làm Hòa nhìn không chớp mắt. Phải đến mấy phút sau, Hòa mới chịu yên vị trên ghế. Bây giờ, Hòa mới chịu vào chuyện.
- Cô Sanh! Chuyện của cô và Son tính tới đâu rồi?
- Thì cô đang chờ chú đó!
- Ồ, xong! Con đồng ý... Nhưng mà cô phải làm thủ tục cho nhanh chứ con sắp về Mỹ rồi!
- Ừ, chú chờ thêm tháng nữa là xong. Tôi đã sắp xếp ổn thỏa hết rồi. Chỉ chờ hai đứa nó ly dị nữa là xong!
- Thế thì còn gì bằng. Cô là số một luôn!...
Trong khi nói chuyện, Hòa vẫn không rời mắt khỏi Son. Đúng là “Son” luôn! Hòa muốn được chiếm lấy Son ngay bây giờ. Hòa nghĩ, phải chi Son là vợ của mình thì hay biết mấy. Son xinh xắn, ăn nói dễ thương lại biết làm ăn chứ không như con vợ của mình. Vợ gì nữa! Nó bỏ mình theo trai và cuỗm luôn của mình phân nửa tài sản. Cho nên, lần này mình quyết không để cho mình chịu thiệt nữa. Nếu mình cưới được Son thật sự thì mình sẽ xây dựng tổ ấm chứ không dại gì vùi đầu vào công việc như trước. Mình đã lầm khi tin tưởng tiền bạc sẽ giữ được hạnh phúc gia đình. Thật khốn nạn! “Con vợ hư” của mình chỉ cần tình. Nó nuốt tiền của mình mà chẳng có lấy một lời cảm ơn. Bạc ơi là bạc! Để rồi xem nó có ngóc đầu lên được với lý tưởng của nó không… Thôi bỏ đi! Việc mình cần làm bây giờ là lo cho xong xuôi “vụ của Son”. Biết đâu, giả mà thành thật.
5.
Sau những suy nghĩ bâng quơ, Hòa trở về hiện tại. Hòa bắt chuyện với Son như để tiến thêm trong mối quan hệ sắp tới. Hòa kéo ghế ngồi sát Son hơn và đề nghị.
- Thưa cô! Chuyện của cô và Son như thế là ổn. Cô cứ đúng hẹn lo sắp xếp mọi thủ tục. Phần con, con sẽ lo xong trong vòng hơn tháng nữa. Bây giờ, cô có thể cho con và Son đi chơi riêng được không?
- Ôi, tưởng chuyện gì! Chú với Son cứ thoải mái với nhau. Còn cô, chắc phải về sớm lo chút chuyện…
Son có vẻ ngượng.
- Ấy, mẹ về thiệt hả... Thế ai chở con về?...
- Lo gì! Còn có chú Hòa mà...
Hòa nhanh miệng.
- Phải đó! Còn có anh, em lo gì nào!... Anh mời em đi chơi một chút. Trưa, anh chở em về...
Bà Sanh thúc giục.
- Đi đi! Chuyện mấy đứa nhỏ để mẹ lo cho...
Nói xong, bà rồ xe chạy mất, để mặc Son nhổm người ngóng theo. Bây giờ, Son thấy ngài ngại trong lòng. Tuy nhiên, khi nhìn cái mã điển trai và galăng của Hòa, Son bị hớp hồn. Trong lòng Son không còn hình bóng của Sơn, anh chồng khù khờ nữa. Son lấy lại tinh thần, mở miệng bắt chuyện rồi đưa Hòa lên mây lên gió. Hòa cũng bắt nhịp với Son rất nhanh. Nỗi buồn trong Hòa không còn nữa. Hình dáng và giọng nói của Son đã chiếm hết những ngóc ngách u buồn. Giờ đây, bên cạnh người đẹp, Hòa thấy mình hợp với Son hết sức. Ý định gá vợ chồng để thực hiện phi vụ sang Mỹ không còn hấp dẫn Hòa cho bằng “phi vụ” chiếm lấy Son làm vợ của mình. Hòa quyết biến giả thành thật. Cho nên, Hòa ngọt ngào hơn, tỏ rõ chiều chuộng Son hết mức.
- Son! Em thích đi chơi ở đâu nào? Anh sẽ chiều ý em...
- Đi đâu cũng được. Tùy ý anh thôi! Miễn sao đừng để người quen gặp là được…
Thế là Hòa chở Son đi chơi hết chỗ này đến chỗ khác. Hòa ăn nói gợi tình và đôi khi cố tình ôm Son. Lúc đầu, Son còn e ngại tránh né, ăn nói chừng mực. Về sau, Son cũng buông xuôi theo Hòa. Tự nhiên, Son thấy không cần gò bó mình nữa. Bao nhiêu năm nay, Son chỉ mong được chồng thể hiện tình yêu một cách dạt dào nhưng chẳng lần nào Son được thỏa mãn. Son cứ thấy ấm ức trong lòng, sống không thoải mái. Lại thêm chuyện sinh hai đứa con như chôn vùi đời con gái của Son. Bây giờ có dịp để sống thực với cảm giác của mình, Son phấn khởi, cười nói không ngừng. Chốc chốc, Son lại nhìn Hòa đầy yêu mến. Nhất là những lúc hai người ở riêng với nhau, Son ước gì mình là vợ của Hòa. Cho nên, những ràng buộc hôn nhân tưởng chừng bền vững trước mặt Chúa đều bị Son cắt đứt. Son đang lên kế hoạch để biến chuyện giả thành chuyện thật đúng như ý muốn của Hòa.
6.
Cuộc tình giả giả thật thật của Son và Hòa ngày càng được củng cố bởi những lần đi chơi qua đêm để tạo tình thân mật hoặc lo dàn xếp giấy tờ. Son cứ đi còn Sơn cứ làm việc. Sơn cũng chẳng quan tâm vợ làm gì. Sơn tin tưởng vợ sẽ vì hạnh phúc gia đình mà lo lắng ổn thỏa việc định cư ở Mỹ. Sơn cũng hy vọng công việc ấy hoàn thành càng sớm càng tốt để hai đứa con có cơ hội đi ra nước ngoài mở mang trí thức, thay đổi cuộc đời. Sơn không mảy may nghi ngờ vợ “ăn ở” với người ta, bởi vì bao nhiêu năm chung sống với nhau, chưa bao giờ anh thấy Son quan tâm đến chuyện ấy. Hết buôn bán ở chợ, Son lại về nhà xem phim hay nghe nhạc gì đó thôi. Như thế, chồng nào mà chẳng tin tưởng vợ để chăm lo làm ăn kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, chính điều ấy đã đánh lừa Sơn. Người ta có thể trung thành suốt đời nhưng cũng có thể bất trung trong giây lát. Đấy, hàng xóm đồn ầm lên chuyện Son đi lại với Hòa chỗ này chỗ nọ. Tuy nhiên, Sơn chẳng tin. Hằng ngày, Sơn vẫn thấy vợ ra chợ buôn bán rồi về nhà, vẫn anh anh em em chứ có gì lạ đâu. Kệ người ta đồn thế nào cũng được, miễn là công việc đi Mỹ được êm xuôi. Tất cả vì tương lai của cả gia đình. Thế là Sơn vẫn cứ đinh ninh chẳng có chuyện gì xảy ra cho đến khi cả hai ra tòa ký đơn ly dị.
7.
Ngày hai người ra tòa ly dị, Sơn vẫn cứ tưởng là giả thôi. Cho nên, Sơn chẳng có ý kiến gì về việc phân xử của tòa. Tuy nhiên, hai đứa con phản đối dữ dội. Thằng lớn chạy đến trước mặt bố mẹ hét ầm lên.
- Bố mẹ làm gì thế! Đang yên đang lành, tự nhiên ly dị là sao? Đừng nghĩ con là đứa con nít!...
Nó quay sang, nhìn thẳng vào mặt Son.
- Mẹ là một người đàn bà trắc nết!...
Rồi quay sang Sơn, nó gào lên.
- Bố là một người đàn ông nhu nhược!...
Nó cũng không quên bà Sanh.
- Còn bà ngoại là một mụ già xấu xa!... Tiền đã che mù mắt bà rồi!...
Nó khóc hu hu.
- Chúa sẽ trừng phạt tất cả các người!...- Nói xong, nó bỏ chạy ra ngoài và lao đi trong chiều gió.
Con bé nhỏ đang khóc nãy giờ, nghe anh nói, nó cũng gào theo. Nó chạy ra giữa, nhìn ngài chủ tọa chằm chằm.
- Bác ơi! Sao bác chia rẽ bố mẹ con? Con ghét bác!...
Nó đứng và gào lên cho đến khi Son bế nó vào trong dỗ dành đủ thứ. Sơn vẫn đứng như trời trồng và chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mặt. Thằng con của anh chưa bao giờ hỗn hào với bố mẹ như thế. Con bé nhỏ cũng chưa bao giờ mạnh dạn lý sự trước mặt người lạ. Tại sao? Anh đang làm điều gì sai sao? Hay có chuyện gì ẩn khuất mà anh không biết?... Anh đưa mắt nhìn Son, nhìn bà Sanh và Hòa. Tự nhiên, Sơn ngộ ra một điều gì đó khó giải thích được. Nhưng anh biết chắc chắn anh bị lừa. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn. Anh bị chính vợ và mẹ vợ lừa lấy hết tài sản chỉ sau một chữ ký. Đúng là đồ ăn cháo đá bát! Bừng bừng tức giận, Sơn ném mạnh chiếc điện thoại xuống nền vỡ tan tành, liếc nhìn vợ rồi bước nhanh ra khỏi tòa án. Trời chiều bắt đầu kéo mây đen kịt.
8.
Về đến nhà, Sơn chạy đi tìm thằng con. Sơn chạy hết nhà nội đến nhà mấy đứa bạn cũng không thấy nó đâu. Sơn hốt hoảng chạy lên bờ đê, vì nghĩ rằng biết đâu nó dại dột gieo mình xuống đó thì khốn. Lên đến nơi, Sơn nhìn quanh quất chẳng thấy một bóng người. Sơn phát hoảng khi nhìn thấy chiếc áo màu xanh nổi lềnh bềnh trên sông. Sơn lao người xuống, bơi đến chỗ chiếc áo nhưng chẳng thấy gì. Sơn ngụp lặn liên hồi, mong sao tìm được ít là cái xác của con. Sơn vừa buồn vừa giận, muốn giết ngay “con vợ bạc tình”. Sơn phải giết, giết cả mẹ cả con và cả thằng bồ của nó nữa. Giết hết!... Sơn gào thét, ngoi lên ngụp xuống tìm con. Sơn đang thất thần, bỗng có tiếng chuông chiều rồi tiếng ai đó gọi anh trong gió. Sơn ngói đầu lên nhìn. Thì ra có người nhìn thấy thằng nhỏ đang ở trong nhà thờ nên đi báo cho anh biết. Anh vội lên bờ chạy theo người ấy đến nhà thờ.
Đến nơi, anh thấy thằng nhỏ quỳ trước tượng Đức Mẹ ở một góc sân nhà thờ. Nó cứ nhìn Đức Mẹ và khóc. Trong tiếng khóc, Sơn nghe nó than van: “Mẹ ơi!... Mẹ cho con biết… Tại sao bố mẹ con cứ muốn làm theo ý riêng, không chịu làm theo lời Chúa dạy? Lẽ nào Chúa và Mẹ không làm gì được họ sao?... Mỗi lần con phạm lỗi đều bị bố mẹ đánh, còn bố mẹ con phạm lỗi tại sao Chúa không đánh họ? Chúa ở đâu, Mẹ ở đâu? Xin giải thích cho con biết tại sao? Tại sao...”. Nó gục đầu sát đất rồi nằm im, miệng cứ ấm ức một nỗi bực dọc không chịu được. Sơn nhìn con và cũng thổn thức theo. Sơn chẳng biết làm gì cho con lúc này. Hình tượng người cha vĩ đại và người mẹ dịu hiền trong nó đã vụt tắt. Làm sao lấy lại niềm tin của con bây giờ? Làm sao?... Sơn nhích gần đến con và chỉ biết ôm nó. Sơn ngước nhìn lên Đức Mẹ trông mong một sự nâng đỡ ngay bây giờ. Và như hiểu lòng Sơn, Đức Mẹ trìu mến nhìn hai cha con và đặt vào lòng họ một niềm an ủi vỗ về: “Đứng lên các con! Nào hãy về mà xây lại gia đình của mình. Mẹ sẽ ở cùng các con”. Tự nhiên, hai cha con ngồi dậy ôm nhau tha thiết.
9.
Trở về nhà, mấy cha con Sơn dọn hết đồ đạc bỏ về nhà nội. Sơn trả lại tự do và tất cả mọi thứ cho Son. Giờ đây, Son cứ đi theo tiếng gọi tình yêu và giấc mộng nước Mỹ. Cha con Sơn không thèm quan tâm gì đến Son nữa. Son là một người dưng.
Và dường như những việc làm trái ý Chúa đều phải gánh hậu quả. Cho nên, bao nhiêu tính toán của bà Sanh, Son và Hòa đều bị bại lộ. Đại sứ quán Mỹ đã ba lần bác hồ sơ xin phỏng vấn của Son. Họ còn cho mở cuộc điều tra xem sự tình thế nào. Thế là bao nhiêu mộng ước của Son đều tan vỡ. Hòa trở về nước, Son trở về nhà nằm chèo queo, chẳng buồn đi ra ngoài. Hai mẹ con cứ giấu mặt trong nhà chẳng dám đi đâu. Cả hai đang mong chờ một phép lạ để thay đổi tất cả hiện tại. Một hiện tại ê chề, chỉ vì những tính toán khù khờ mà con người cho là khôn ngoan. Thế mới biết mình ngố hay người ta ngố. Ngố hay không là ở cái nhìn phiến diện của mình mà thôi.
Làm người, xin chớ chê kẻ khờ người khạo. Biết đâu chính mình lại là kẻ khờ khạo nhất thì sao?
Post a Comment