Header Ads

[Giải VVĐT 2018] Bến đỗ


BẾN ĐỖ 



(Mã số: 18-115)

Tôi đến Đà Nẵng khoảng giữa chiều. Tôi đã biết Đà Nẵng loáng thoáng qua truyền thông, sách vở. Đại khái là đẹp, giàu, năng động... Chiều cuối hè, nắng đậm. Những luồng gió biển thốc vào làm không khí dịu lại. Theo chỉ dẫn của chú Hoàng, tôi đứng chờ ở chân cầu Thuận Phước. Chú Hoàng là em ruột bố tôi. Chú là thợ xây đang làm việc ở đây. Sống lâu lên lão làng, nghe đâu chú được chủ thầu tín nhiệm cho làm đốc công. Oai lắm! Cách đây mấy hôm tôi đã liên lạc với chú để xin vào làm... 

- Ê, Cường! 

Tôi giật mình quay lại. Trước mắt tôi là Bằng. Hắn mặc đồ bảo hộ lao động, đang nhăn nhở cười, phô hàm răng trắng hếu. Thấy tôi đã nhận ra, hắn nói: 

- Chú Hoàng bận, bảo tao ra đón mày. 

Hắn hất hàm về phía cầu: 

- Đẹp không? Nghe nói là cầu dây văng dài nhất Việt Nam đấy. Buổi tối, vui lắm!... À, công trình ta làm ở gần đây thôi, chân cầu bên kia. Hàng tuần ta sẽ đi qua chiếc cầu này đấy. Nhà thờ ở đàng này. Chiều Chúa nhật nghỉ, đi lễ. 

Tôi nhìn theo hướng tay Bằng chỉ, cách chỗ tôi đứng không xa, xuất hiện một cái tháp nhà thờ, không cao lắm nhưng thấy rõ. Tôi chợt thấy bình yên. Bằng giục: 

- Thôi, bây giờ ta về đã.- Hắn nháy mắt chỉ chiếc xe 79 cà tàng- Sang không? Siêu xe đưa đón khách VIP đấy, còn bọn tao thì chỉ có đi bộ. Nào, lên xe! 

Tôi máy móc làm theo, thấy vui vui. 

Cầu thênh thang dài. Đường êm. Nắng trải mặt đường lấp lóa, nhìn xa như từng vũng nước loang. Mùi mồ hôi từ người Bằng phả ra mặn chát. Tôi vẩn vơ nghĩ. Vừa rồi là một thằng Bằng khác hẳn với hình ảnh lâu nay tôi có về nó. 

Bằng cùng làng và đi học một khóa với tôi. Tính khí tôi và hắn trái ngược nhau. Hắn khôn trước tuổi, năng động và có phần ngổ ngáo. Hắn thích lông bông hơn là ngồi một chỗ “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng”. Với tính cách đó, hắn ra trường sớm. Ngày “tốt nghiệp”, hắn được đích thân cô giáo chủ nhiệm dẫn về tận nhà; ông bố hân hoan đón quý tử bằng trận đòn chí tử. Hình như là hồi lớp 4. Trái lại, tôi nhút nhát, chậm chạp đến khù khờ. Những đức tính thích hợp để cuối tuần được phát phiếu “Bé ngoan”. 

Người làng tôi có “truyền thống” học ít. Đa phần ra trường với bằng tốt nghiệp tiểu học, cấp ba là số ít, họa hoằn lắm mới có đại học. Khóa tôi, cả làng có đến tám đứa vào cấp ba, một kỷ lục được giữ mãi cho đến tận bây giờ. Bằng bỏ học lêu lổng. Lớn lên, hắn còn gia nhập một nhóm “anh chị” trong làng. Trong một vụ trộm gà, cả bọn bị bắt. Hắn trốn đi biệt tăm từ đó. Chỉ tội bố mẹ hắn, hai ông bà hiền lành, đạo đức. Câu nói dân gian “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” quả là đúng. Sau đó, tôi có gặp lại hắn ở Sài Gòn khi vào thi đại học. Người hắn mập ra. Tóc nhuộm vàng khè. Cánh tay để trần khoe những hình xăm trổ. Hắn ăn nói bỗ bã và đùa rất tục. Hắn có vẻ không ưa tôi... 

- ... Cường ạ! 

- Ờ... Cái gì? 

- Vào đây uống nước đã, giờ này mọi người đang ở trên công trình cả. 

- Ừ! 

Tôi đi làm ngay sáng hôm sau. Công trình chúng tôi đang thi công là một chung cư bảy tầng dành cho người thu nhập thấp. Một nhóm đang đóng cốp pha chuẩn bị đổ sàn tầng bốn. Công việc của nhóm chúng tôi là xây tầng hai. Biết tay nghề tôi còn yếu, chú Hoàng xếp tôi đi cặp với Bằng. Hắn không ngại, còn vui vẻ nữa. Bằng chơi bời vậy chứ tay nghề điêu luyện lắm. Tay gạch, tay bay [1]  cứ thoăn thoắt. Một bức tường, tôi cố gắng lắm cũng chỉ được một phần ba, còn lại thì hắn cả. Vậy mà chúng tôi cũng không thua một cặp nào. Mà đẹp. Mà phẳng. Mà kín mạch như bưng. Cùng sống và làm việc, dần dà tôi nhận ra được nhiều điều và hiểu Bằng hơn. Một hôm, trên chiếc cầu thênh thang lộng gió, Bằng kể tôi nghe về tuổi trẻ “dữ dội” của mình. 

* * * 

Tên tôi là Bằng. Bố tôi tên An. Có lẽ khi đặt tên, bố mẹ tôi đã gửi gắm theo đó cả một ước nguyện yên bình. Không ngờ lớn lên, tôi lại trải qua một quãng đời không mấy phẳng lặng. Quyết định sai lầm đầu tiên của tôi là bỏ học từ năm lớp 4. Sau trận đòn hôm bị đuổi học, bố tôi, rất dân chủ, đưa ra hai phương án: “Một là đi học cho tử tế, tao sẽ lên xin lần này nữa. Hai là ở nhà đi chăn vịt”. Dĩ nhiên là tôi chọn phương án sau. Để chắc chắn, ông hỏi tôi đúng ba lần nữa. Tôi vẫn không thay đổi. Thất vọng, ông bảo: “Sau này đừng hối hận?”. Tôi quả quyết: “Không hối hận!”. Từ hôm sau, xuất hiện một thằng người và năm mươi con vịt xông pha trên khắp cánh đồng làng. 

Tôi lông bông với lũ bạn thất học. Chúng tôi bày ra nhiều trò ngỗ nghịch và tôi luôn chứng tỏ vai trò thủ lĩnh của mình. Năm mười bảy tuổi, tôi bỏ rơi đám bạn cùng trang lứa. Tôi gia nhập lớp đàn anh, tập tọng hút thuốc, theo chúng đi tán gái khắp làng trên xóm dưới. Nhiều đận bị bọn thanh niên thổ địa đuổi đánh tơi bời, vẫn không chừa. Một dạo, làng tôi liên tiếp xảy ra mấy vụ mất trộm. Bố sợ tôi có tham gia nên dò hỏi, tôi cáu lên bảo: “Con không bao giờ làm chuyện đó”. Thật ra, tôi cũng phong thanh biết mấy thằng làm việc này, thậm chí có chơi với chúng nhưng không thân. 
Kệ! Một bữa, thằng Sơn lé nhắn tôi đến nhà nhậu chia tay, mai hắn đi Đăk Lăk. Tôi đến đã thấy mấy thằng tụ tập ở đó rồi. Chuẩn bị vào cuộc thì một toán người ập vào, đó là Ban Bảo an của giáo xứ. Tôi ngỡ ngàng. Thì ra các tướng trộm gà, có bằng chứng hẳn hoi, hết cãi. Tất cả bảy thằng bị giải về phòng học giáo lý. Tôi ít tuổi nhất nhưng to xác và trông có vẻ lì lợm, cha xứ tiến lại, tôi định mở miệng thanh minh thì “bốp”, một cái tát mà đến cả tuần sau tai vẫn còn dị ứng với âm thanh. Thôi, thế là xong. Mấy thằng kia thất đảm kinh hồn, hoảng hốt nhận bừa cả những tội chưa phạm, vội vã chỉ điểm luôn cả những thằng vắng mặt. Anh hùng thế đấy! 

Hôm sau, cha “xét xử” ngay trong nhà thờ và “tuyên án” một tuần làm cỏ chè vườn nhà xứ, sau khi đã đền bù thiệt hại. Cha xứ yêu cầu những người bị mất trộm (cả những vụ trước đó) thống kê thiệt hại, để chúng tôi chia nhau đền. Cha mẹ chúng tôi được một dịp “vinh danh” trước bàn dân thiên hạ. Bầu khí gia đình tôi những ngày đó thật ngột ngạt. Bố tôi trầm ngâm, lặng lẽ đốt thuốc lào. Mẹ chỉ khóc. Bức bách, tôi cầm tiền mẹ đưa để nộp phạt, trốn đi Sài Gòn. Một cuộc ra đi không hẹn ngày trở lại. Phía sau là bức tường vô hình không dễ vượt qua. 

Những năm ở Sài Gòn, tôi sống buông thả, làm được đồng nào xài đồng nấy. Đánh nhau, bài bạc, gái gú có cả, nhưng tôi chưa bao giờ trộm cướp, dù thiếu thốn cách nào. Thời gian mới vào, tôi vẫn đều đặn đi lễ Chúa nhật. Rồi thưa dần. Mặc cảm tội lỗi luôn đè nặng tôi. Có thời gian hàng tháng tôi không đến nhà thờ. Dấu hiệu còn sót lại của một người có đạo ở tôi là ăn cơm còn làm dấu, có lẽ do thói quen hơn là đức tin. Cuộc sống cứ nặng nề trôi. Một đôi khi, tôi cũng đã nghĩ đến chuyện trở về, nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhất là những dịp cuối năm khi người người náo nức về quê đón Tết, tôi lại không khỏi chạnh lòng. Đêm giao thừa, tôi lang thang trên phố đến mệt nhoài. Trở về cô đơn nơi căn phòng hoang lạnh, nghĩ đến cảnh sum họp gia đình, lòng tôi thắt lại, không khóc mà nước mắt ướt đẫm tự bao giờ. Rồi Tết cũng qua... 
Một năm rất dài, mà một năm cũng là rất ngắn. Và cứ một năm qua đi, là con đường trở về của tôi như càng kéo dài thêm. Dài thêm mãi... Tôi như người lún sâu trong vũng lầy, không tự thoát ra được và cũng không ai kéo ra. Tôi cũng là một con người, biết giận dữ nhưng cũng biết yêu thương; đáng khinh nhưng cũng cần được bao dung, độ lượng. Người cùng làng vào làm ăn trong này cũng nhiều. Thi thoảng gặp nhau vẫn tỏ ra vui vẻ, nhưng thực lòng họ coi thường, khinh bỉ tôi, bọn con gái còn xa lánh... Vậy mà vẫn còn một người tin tưởng, tôn trọng tôi. Người đó là Vân. 

Trong một lần đi dự đám cưới, tôi nhận ra Vân khi em lên hát tặng đôi tân hôn. Đã lâu lắm tôi mới được nghe thánh ca, lại được cất lên từ một giọng hát ngọt ngào như thế. Những ký ức tưởng chừng đã chìm sâu lại bỗng chốc ùa về. Sau bữa tiệc, Vân chủ động nói chuyện với tôi. Ở quê, nhà Vân liền kề với nhà tôi. Vân kém tôi bốn tuổi. Thuở nhỏ, Vân thường lẽo đẽo theo tôi. Tôi coi Vân như em gái nên hay bênh vực, chiều chuộng. Chuyện trẻ con, tôi đã quên từ lâu không ngờ Vân còn giữ. Gia cảnh khó khăn, Vân phải nghỉ học sớm đi làm. Vân và một nhóm bạn cùng quê đang làm việc cho một Công ty sản xuất lông mi giả ở Đồng Nai. Thu nhập không cao lắm nhưng ổn định. Ông chủ cũng là người Công giáo. Vân còn tham gia ca đoàn ở đó nữa, ở quê em là thành viên ca đoàn giáo xứ. 

Sau lần gặp ở đám cưới, chúng tôi liên lạc với nhau khá thường xuyên. Thỉnh thoảng vào Chúa nhật, tôi còn xuống tận chỗ Vân làm. Qua Vân tôi biết, khi tôi đi cha xứ làm căng lắm, nhưng dần dà cũng nguôi ngoai. Hơn nữa, cha còn quan tâm đến gia đình tôi, nếu không có ngài giúp đỡ thì thằng em tôi đã phải nghỉ học từ lâu rồi. Cũng phải! Gia đình đã nghèo, có mỗi tôi lao động chính thì biệt tăm, hai chị gái đã lấy chồng còn nói làm gì, chỉ còn hai ông bà cầm cự với mấy sào ruộng thì lấy đâu. Vân còn bảo: “Từ ngày cha về, giáo xứ ta thay đổi nhiều lắm, nhất là dẹp được các tệ nạn xã hội. Trong nhóm của anh, ngoại trừ anh và anh Hà (đã bị tai nạn chết), còn thì đều đã lập gia đình và chí thú làm ăn. Vừa rồi Bề Trên chuyển cha đi xứ khác, ai cũng tiếc nuối...” 

Tôi thay đổi nhiều, duy chỉ việc Vân bảo đi xưng tội là tôi tìm cách thoái thác, lần lữa mãi. Dịp Giáng Sinh, Vân rủ tôi xuống dưới đó mừng lễ. Đến nơi, Vân thuyết phục tôi đi xưng tội. Lần này thì tôi thua. Thật lạ! Tôi tự hào chưa từng thua ai, nhưng với Vân tôi rất dễ nhận thất bại. Trước khi đi, Vân còn ra lệnh: “Muốn thay đổi bên trong, phải thay đổi bên ngoài đã”. Tôi ngoan ngoãn đáp: “Dạ!”. Vân cấu tôi đau điếng. Tôi cắt nhuộm lại tóc, ăn mặc chỉnh tề, “trịnh trọng” đi gặp cha xứ. Mọi hôm đánh trần vẫn tự tin, hôm nay áo sơ mi bỏ trong quần mà cứ lúng ta lúng túng, hai tay thừa thãi chẳng biết để vào đâu. Trái lại, Vân khá tự nhiên. 

Tôi không ngờ cha xứ lại đón tiếp thân tình và gần gũi đến thế. Thì ra, Vân đã cho ngài biết chuyện từ trước. Sau một lúc chuyện trò cởi mở và tin tưởng, ngài bảo: “Nếu con thật lòng ăn năn thống hối thì Chúa tha thứ hết, cha tin là cha xứ của con cũng đã tha thứ cho con rồi. Bù lại, con cũng phải thông cảm cho ngài, tất cả cũng chỉ là muốn tốt cho con và giáo xứ. Con cũng phải thứ tha cho chính mình nữa. Một tâm hồn bình an chỉ có thể là một tâm hồn biết tha thứ và được thứ tha”… Xưng tội xong, tôi cảm động cám ơn cha. Ngài dặn thêm: “Tết này, cha khuyên con nên về quê, và nếu tiện thì đến thăm cha xứ cũ để cha con hiểu nhau hơn. Chúc con đi bình an!”. Tôi dự Lễ sốt sắng và cung kính rước Mình Thánh Chúa, sau bao năm đói khát đi hoang. Lặng quỳ bên hang đá, tôi cầu nguyện với Chúa Hài Nhi và tôi đã khóc... 

Tết đó tôi về, gia đình đoàn viên mừng mừng, tủi tủi. Ngày tôi đi, mẹ khóc. Ngày tôi về, mẹ cũng khóc, những giọt nước mắt vui sướng, thương yêu. Tôi cũng đến thăm cha xứ cũ. Ngài mừng lắm! Nhắc lại chuyện ngày trước, hai cha con cảm động rơi nước mắt. Ngài nói: “Lúc ấy mới ra trường, nóng nảy, cái gì cũng muốn làm được ngay...”. Tôi thì nghĩ: “Giá như ngày đó mình bớt tự ái đi. Giá như mình có đủ kiên nhẫn hơn. Giá như...”. Nhưng liệu không có biến cố đó, biết đâu tôi đã chẳng trượt dốc theo một hướng khác, bi đát hơn, tăm tối hơn? Và biết đâu tôi đã chẳng có cuộc trở lại này? Âu cũng là ý Chúa nhiệm mầu. 

Ra Tết, tôi theo một nhóm người trong xứ đi làm ở Đà Nẵng. Hầu hết họ đã lập gia đình nên tu chí làm ăn. Cuộc sống ở đây thật bình yên. Tôi không phải lo nghĩ gì, ăn no, ngủ kĩ, đến giờ đi làm. Tiền lương tôi nhờ chú Hoàng giữ, chỉ ứng tiền tiêu vặt. Chiều Chúa nhật kéo nhau qua cầu Thuận Phước dự lễ. Buổi tối, thường đọc kinh chung (điều tôi chưa từng thấy khi ở Sài Gòn). Mấy hôm đầu tôi ngượng, chỉ lẩm nhẩm, sau cũng quen. Tiếng cầu kinh nơi đất khách quê người sao thấy ấm áp, bình yên lạ! Tôi nhớ thuở nhỏ ở quê, những hôm mưa gió, cả nhà quây quần đọc kinh. Tôi cũng ngồi quấn chăn lên tận cổ, gà gật. Tiếng kinh râm ran trong căn nhà ấm cúng, mặc cho ngoài kia gió thét, mưa gào... 
Phải xa Vân tôi khổ tâm lắm, và Vân cũng thế. Nhưng chúng tôi đã thỏa thuận với nhau. Hai gia đình đều khó khăn, muốn dành dụm một năm làm chút vốn. Bao nhiêu năm Sài Gòn ra về tay trắng, giờ mới thấy phí hoài. Thực ra thì hai gia đình cũng đã “đi lại” với nhau. Thế cũng coi như xong rồi! Hẹn Tết về, hai đứa sẽ vào trình cha lo liệu... Vậy mà đã tháng Tám rồi đấy!

* * * 

Tôi và Bằng lặng yên, để cho dư âm câu chuyện vừa rồi lắng xuống. Tôi thầm nghĩ, tình cảm của Bằng và Vân có lẽ được bắt đầu bởi lòng thương và chút nghĩa cũ càng còn rơi rớt từ một thời thơ dại. Nhưng đó lại là nhịp cầu vững chãi đưa đến một miền đất hoàn toàn mới lạ, mà tên gọi của nó là tình yêu. Khi tình thương thấm sâu, cũng là lúc tình yêu bắt đầu chớm nở. Không ồn ào nhưng dung dị; không màu mè, kiểu cách mà chất phác, chân tình. Tình yêu đó, có lẽ cũng mang đầy đủ những cung bậc cảm xúc của vui sướng nhớ thương và cả buồn đau hờn giận. Nhưng theo tôi, những cảm xúc đó chỉ như gia vị cho một tình yêu bền chặt hơn, thủy chung hơn. 
Điều cốt yếu là tình yêu đó được khởi đi từ tình thương. Yêu thì nhanh đến mà cũng mau đi, nhưng thương mới đủ sức níu giữ lâu bền. Có yêu mà không có thương là ẩn chứa sự mong manh dễ vỡ, như lửa rơm mau cháy và cũng nhanh tàn. Vì thế, chữ “yêu” phải đi với chữ “thương”, nghĩa là trong đó đã bao hàm sự bao dung, trao hiến, cả sự đồng hành và nâng đỡ lẫn nhau. 

Trời đã tối từ lâu. Ánh điện từ hai bên thành cầu chiếu sáng cả một quãng đêm. Gió mang theo hơi nước ngòn ngọt. Dòng sông vẫn thao thiết chảy. Dòng người vẫn tất tả ngược xuôi. Những ai đang đi, những ai trở về? Không ai biết! Đi hay về, có chăng chỉ bản thân họ biết... Cuối cùng thì Bằng cũng đã trở về. Về, sau bao nhiêu năm mải mê lạc lối. Về, trong tình Chúa tình người mong mỏi đợi trông. Về, để bước đi trên con đường mới, đường của tương lai và chan chứa nghĩa tình... 

Đã hơn một tháng kể từ ngày tôi đặt chân đến mảnh đất này. Ngày mai tôi phải rời nơi đây để chuyển sang làm công việc khác. Một thời gian ngắn ngủi nhưng chính nơi đây đã cho tôi gặp lại một con người. Một con người long đong chìm nổi, nhưng có lẽ đã tìm được bến đỗ cuộc đời. Liệu tình yêu có đủ giúp Bằng vượt thoát hẳn con đường cũ, vững vàng bước đi trên con đường mới? Liệu mầm sống đức tin vừa được hồi sinh có đủ ân ban để níu giữ một con người? Nhưng tôi tin tình yêu, một tình yêu không phải được chắp nối từ vẻ hào nhoáng bên ngoài hay nơi đầu môi chót lưỡi, mà được kết dệt nên bởi sự thấu cảm và sẻ chia, sự tin yêu và tôn trọng, sẽ là chất kết dính bền chặt cho một tổ ấm gia đình. Và đức tin, một đức tin đã kinh qua chông gai thử thách, được tái sinh từ thập giá cuộc đời, sẽ đủ sức xanh tươi để chống chọi với bão bùng giông tố. 

Sáng hôm sau, Bằng chở tôi ra đón xe về quê. Khi đã yên vị trên xe, tôi nhìn qua gương, thấy Bằng vẫn đứng đó đưa tay vẫy. Rồi quay xe, Bằng đi về phía bình minh đang lên. Tôi nhìn theo tin tưởng, bất giác đưa tay lên làm dấu thánh. 





[1] Dụng cụ của thợ xây, gồm một miếng thép mỏng hình lá lắp vào cán, dùng để xây, trát, láng.
Powered by Blogger.