Champions League: Bài ca từ Thiên Chúa
Champions League: Bài ca từ Thiên Chúa
Một trong những người nghe trên Youtube đã thốt lên "Thật đúng là bài ca từ Thiên chúa" khi nghe lại giai điệu ảo diệu của bài hát chính thức của UEFA Champions League.
Champions League luôn gắn liền với những giai điệu hào hùng trước trận đấu |
Khi được đắm chìm trong những giai điệu từ ca khúc của Tony Britten vang lên trước mỗi trận đấu, hẳn mỗi người trong chúng ta ai cũng có cảm giác sởn gai ốc. Nhưng có lẽ không nhiều bạn sẽ nghĩ rằng, đằng sau tuyệt phẩm này là những câu chuyện nghe có phần…buồn cười.
Vào năm 1992, Liên đoàn bóng đá Châu Âu quyết định đổi tên giải đấu cấp độ cao nhất các câu lạc bộ thành Champions League, nhằm chủ yếu là gia tăng tính thương mại của giải đấu. Và cũng vì mục tiêu như thế, nên những nhà lãnh đạo mong muốn sẽ có một chiến dịch thương mại hoành tráng dành cho giải đấu này. Cuối cùng TEAM, một công ty chuyên về marketing, đã được lựa chọn là người thực hiện chiến dịch hoành tráng nhất trong bóng đá từ trước đến nay.
TEAM nhanh chóng thành lập một đội ngũ dành cho dự án này. Đội ngũ liền bắt tay vào xây dựng kế hoạch. Và các thành viên nhanh chóng quyết định sử dụng âm nhạc làm vũ khí chính trong chiến dịch lần này. Họ bị ảnh hưởng quá mạnh từ thành công của “Mùa hè Italia”, bản nhạc làm thay đổi hẳn cách nhìn về âm nhạc trong bóng đá.
Ban đầu, nhóm đã dự định lựa chọn bài nhạc bất hủ của nhóm Rock Queen huyền thoại, “We are the Champions”. Thế nhưng Craig Thompson, một nhân vật đứng đầu đầy tham vọng đã nhanh chóng gạt phắt ý tưởng này. Vì sao ư? Vì đây là một bản nhạc…Rock. “Bóng đá thời nay đang bị đám hooligan phá nát cả, thảm họa diễn ra khắp nơi. Vì vậy, thông qua chiến dịch này, chúng tôi phải tạo được một cú bứt phá, “nâng tầm” nó lên một đẳng cấp mới. Phải cần một giai điệu mang tính cổ điển”, Thompson đã trả lời trong một phỏng vấn.
Vậy là TEAM liền tìm cách liên hệ với một nhạc sĩ nhằm sáng tác cho họ một nhạc phẩm như thế? Vào những ngày mùa thu năm 1992, Tony Britten, một nhân viên làm trong phòng quảng cáo bằng phim ảnh và các đoạn quảng cáo trên truyền hình, được gọi vào văn phòng của Thompson. Quá khứ đã từng tốt nghiệp từ Học viên âm nhạc Hoàng gia của anh đã khiến những người đứng đầu dự án ấn tượng. Họ yêu cầu anh trong vòng sáu tuần phải gửi ý tưởng cho giai điệu của bài nhạc trong chiến dịch của mình.
Britten đã gửi cả tá trích đoạn những nhạc phẩm cổ điển cho đội dự án. Ngay lập tức, những nhạc phẩm của The Three Tenors, một nhóm nhạc nổi danh đương thời, đã được để mắt đến. Nhưng, một lần nữa, gã khó tính Thompson lại không chấp nhận.
“Họ không muốn những nhạc phẩm solo, họ muốn một bài hòa nhạc” Britten đã nói thế với phóng viên.
“Vậy, anh trả lời thế nào?” Phóng viên hỏi lại.
“Tôi trả lời ‘OK thôi, tôi sẽ chiều ý’” Britten cười.
Và rồi, vào tháng 11 năm 1992, bản nhạc Champions League đã được giới thiệu đến những trận đấu trên khắp châu Âu. Giai điệu bài nhạc hùng tráng nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim của người nghe. Nhưng trong giới âm nhạc, những nhạc sĩ khó tính lại khá ác cảm với bản hòa âm. Steve Smith, một trong những nhà soạn nhạc của Time Out New York và một chuyên gia về nhạc cổ điển đã phải thốt lên “Đây là đạo từ nhạc của Handel, tôi chẳng thể thấy sự khác biệt giữa bản của Handel và của Britten”.
“Tác giả”…cũng không thèm phản bác. Anh nói rằng “Tôi không giả vờ rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật gì cả, đó chỉ là công việc và tôi đã làm ra nó”. Britten thừa nhận anh lấy cảm hứng từ những đoạn nhạc của George Frideric Handel, nhạc phẩm “Zadok the Priest”, được sử dụng trong lễ đăng quang của vị vua đầy tai tiếng trong thế kỷ XVIII của nước Anh, Geogre II. Bài nhạc sau này được dùng rất nhiều trong các nghi lễ hoàng gia. Britten đã giữ lại những giai điệu của bộ dây, và thêm vào những gì của riêng mình.
Phần lời, nếu các bạn để ý sẽ có ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức. Đây cũng là một phần trong chiến dịch quảng cáo, vì là thứ tiếng chính được dùng trong UEFA. Nghe có vẻ hay, chứ thật ra chỉ là những đoạn lời lặp đi lặp lại mà dịch ra là “nhà vô đich”, “đội hay nhất”,…Nhưng những đoạn lời này đã tốn rất nhiều thời gian của Britten. Anh phải lựa phải viết ra hàng trăm câu viết từ ba thứ tiếng, chỉ để…hợp vần. Và ơn trời, từ “The champions” (nhà vô địch) trong tiếng Anh và “Veranstaltung” (sự kiện) trong tiếng Đức cũng đã thỏa được yêu cầu cơ bản. Nhanh chóng, Britten viết ngay lời hát và lập tức đến phòng thu Angel Studios ở London, cùng với Royal Philharmonic Orchestra và Academy of St. Martin in the Fields cùng nhau tạo nên bản hợp tấu.
Cuối cùng bản hòa tấu nhanh chóng trở thành một tuyệt phẩm có một không hai trong thế giới bóng đá. Tất cả mọi người, kể cả cầu thủ trên sân, hay những đám đông trên khán đài, đều bùng cháy khi giai điệu nổi lên trên loa phóng thanh của sân vận động.
Bản nhạc hoành tráng nhanh chóng kết nối mọi người với Champions League, đóng góp rất lớn trong chiến dịch marketing của UEFA. Thompson đã trả lời rằng có tời 98 phần trăm trong số những người được khảo sát từ châu Âu, đều có thể nhận ra bài hát khi được nghe đến.
Sam Borden đã một lần mô tả trong bài báo của mình:
Một bài nhạc với đoạn điệp khúc chẳng cô đọng vì viết bởi ba thứ tiếng. Một bản nhạc cổ hủ đã được viết cách đây 300 năm, cho đợt đăng quang của một vị vua khét tiếng là không chung tình và cộc cằn. Một bài hát không bao giờ được lọt vào Billboard’s Top 100 và phát sóng trên radio. Vậy mà, trong suốt trên 20 năm, nó vẫn khiến cổ động viên rùng mình khi những tiếng đàn đầu tiên cất lên, mặc cho tuần nào cũng được nghe, và nghe từ năm này qua năm khác.
Tại sao vậy? Thật khó lý giải. Vậy hãy thử tìm câu trả lời trong những lời thừa nhận từ các cầu thủ, những người chiến đấu trên sân thử xem.
Lucio đã nói rằng, World Cup là giải đấu lớn nhất thế giới, nhưng chính Champions League mới là giải đấu khiến cho những đôi chân thể hiện hết những gì tốt nhất của mình. Những điệu nhạc từ bài hát khiến niềm khao khát trong cầu thủ được thức giấc.
Chúng ta thấy lời nói của Lucio cũng có vẻ hợp lý. Champions League xét với World Cup chỉ hơn về mặt bóng đá chứ về mặt tinh thần thì thua xa, khi World Cup bốn năm mới có một lần và nó cũng mang tính tinh thần dân tộc cao độ. Thế nhưng, chỉ có theo dõi những trận đấu từ đấu trường danh giá nhất châu Âu mới làm người xem cảm thấy sởn gai óc.
Messi đi bóng lả lướt khi được tiếp thêm niềm khát khao từ tiếng hát. Bale chạy như gió để thể hiện sự mong muốn được tham gia vào dàn Cello. Francesco Totti mỗi lần nghe giai điệu là lại rớt nước mắt trên thảm cỏ xanh. Buffon phải thường xuyên cứu thua, vì không muốn phải nhớ đến tiếng kèn khi phải nằm trên ghế sofa theo dõi một đội bóng khác đang chơi ở cup châu Âu. Robert Lewandowski như được tiếp thêm đạn từ nhịp trống để nhả vào lưới các đội bóng. Tất cả cầu thủ tham gia vào giải đấu, đều thừa nhận chịu ảnh hưởng từ bản nhạc. Nó ám ảnh đến nỗi Stefan Effenberg, hơn mười năm chia tay bóng đá đỉnh cao vẫn nhớ về khoảnh khắc bước ra đường hầm và những điệu nhạc vang lên trên khắp sân đấu.
“Tôi phải thành thật là không ngờ đến sự thành công của bải hát. Tôi chỉ đơn giản là làm công việc của mình” Britten đã nói như thế. Đến tác giả còn không hiểu nỗi thì chúng ta cũng khó tìm ra cầu trả lời.
Chỉ biết là sau khi được điều khiển dàn giao hưởng La Scala opera house chơi bản Champions League trên sân San Siro trong trận chung kết 2001, ông đã không bao giờ có thể bỏ được một khoảnh khắc nào khi bài hát mình được chơi trước mỗi trận đấu. Cái tinh thần ấy, chỉ đơn giản là ngấm và hòa quyện trong tinh thần túc cầu giáo mà thôi.
Dữ liệu tham khảo: The Guardian, Telegraph, Four Four Two, Wikipedia
"Zadok the Priest" là bài ca do nhà soạn nhạc người Đức George Frideric Händel sáng tác cho lễ đăng quang của Vua George II của Anh Quốc năm 1727. Với nội dung dẫn từ sách I Các Vua 1:38–40, đây là một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất gắn liền với Hoàng gia Anh Quốc. Bạn sẽ thấy bài ca này rất quen thuộc vì giai điệu chính của nó là nguyên mẫu cho nhạc hiệu của UEFA Champions League.
Tư tế Xađốc và Ngôn sứ Nathan
xức dầu tấn phong Vua Salômôn.
Muôn dân mừng vui và ca vang:
Xin Thiên Chúa độ trì Đức Vua!
Vạn tuế Đức Vua!
Nguyện cho Đức Vua trường thọ.
Amen.
Hallelujah.
Post a Comment