Truyện ngắn: Cập bến sông đời
Tối…
Anh Tám vác sào đi ra ngả ba sông Cây Me, thọc đẩy một vật thể nổi lềnh bềnh ra khỏi xoáy nước lòng chảo Bà Hên, cách chợ Cây Thị chừng hơn trăm mét.
Khuya…
Anh lại vác xẻng đi ra gò cát giữa ngả ba sông, đào, chôn lấp, đánh dấu, quỳ đọc kinh. Xong việc, anh trở về ngôi “nhà tháp” của mình, làm xị rượu – miếng thịt, ngủ, xong.
***
Trở về sau 20 năm tù, anh Tám thành người dưng ngay trên chính quê hương của mình. Mà đúng. Ai thèm nhớ cái thằng Tám Hổ lì lợm, cả ngày chỉ biết bày cho lũ trẻ đủ trò bắt gà bẻ bí. Anh đi tù cũng là may phước cho xóm làng. Người ta chỉ cần biết có thế. Đâu ai thèm quan tâm đến hành động nghĩa hiệp của anh ở đất Sài Gòn.
Đi tù rồi trở về, anh chẳng còn chỗ dung thân. Mảnh đất hương hỏa đã được thằng em cùng mẹ khác cha thừa hưởng. Thế thì anh vào sống trong trụ sở thôn. Không được. Ai lại để anh thế, sai chính sách, chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Trăn trở mãi, ủy ban xã mới quyết định cho anh “ngụ cư” trong lòng ngôi tháp Chăm, gần ngả ba sông Cây Me. Cũng tốt chán. Anh kê ngay sát tường một cái gường. Trên đầu giường, anh dựng ngay một bàn thờ Đức Mẹ. Bên cạnh, anh nhóm một bếp lửa bằng ba cục đá. Anh bện một tấm phên tre làm cửa. Thế là xong một ngôi nhà. Ban ngày, đi làm, tối về, anh chui vào đó ngủ, chẳng sợ mưa gió bão bùng gì cả.
Có điều, từ ngày sống trong ngôi nhà tháp, anh trầm ngâm hơn. Sáng sớm, anh hay ra ngồi ở bờ sông, rít từng hơi thuốc dài, phà khói mạnh lên mặt. Và xuyên qua làn khói, anh ngắm nhìn ngôi tháp cổ mọc đầy cây dại trên đỉnh dần sáng lên trong nắng sớm. Tự nhiên, mắt anh ứa lệ. Mặt trời vượt lên khỏi đỉnh tháp, anh đứng dậy, ra chợ, “xị rượu – miếng thịt”, xong bữa sáng, đi làm. Làm gì? Ai thuê gì làm nấy. Nhiều lúc chẳng cần thuê, anh cũng xoắn tay áo nhào vô làm. Tiền công chẳng quan trọng: “xị rượu – miếng thịt – xong”. Mà có cũng được, không có, anh cũng chẳng đòi. Ai cho gì, anh ăn nấy. Ăn rồi làm, làm rồi nghỉ, tối về nhà, anh ngủ lăn như chết. Như thế mới nhanh qua ngày hết tháng.
Anh về tháng chạp năm trước, nay đã giáp năm. Trong tiết trời se lạnh, khuôn mặt anh trông già hơn, râu tóc bù xù. Đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu, nhất là về đêm, khi anh vác sào ra ngả ba sông. Trong bóng đêm mù mịt, đôi mắt anh sáng như hai hòn lửa đảo quanh lòng chảo tìm kiếm vật thể lạ. Ai trông thấy cũng chẳng hiểu anh làm gì. Một người điên trong đêm, cần gì quan tâm. Nhưng cho dù họ có muốn biết, anh cũng chẳng thèm nói, bởi đấy là một nhiệm vụ tuyệt mật.
Cái nhiệm vụ ấy anh nhận từ ủy ban xã. Chuyện là ủy ban gặp rắc rối với mấy cái xác chết trôi cứ tấp vào lòng chảo Bà Hên, gần chợ Cây Thị. Mà cũng lạ. Không hiểu sao, con sông Cây Me chảy đến xứ Gò Thị lại chia đôi, làm nổi lên chính giữa một cù lao. Cuối cái cù lao ấy, nó nhập lại, xoáy mạnh tạo thành lòng chảo. Rác rới và đủ thứ cứ trôi theo con nước tấp vào. Có hôm, nó tấp vào một cái xác. Thế là rắc rối. Thôn báo lên xã, xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh. Tỉnh lại cử đoàn công tác về khám nghiệm tử thi, xác minh: hình dạng, nguyên nhân cái chết, rồi thông cáo trên báo đài tìm kiếm thân nhân,… Bao nhiêu đó đủ ngốn hết kinh phí của xã. Thật là khốn đốn, cái ngân sách bé tí của xã phải gồng mình gánh hết mọi sự. Đã thế, cứ vài tháng lại xảy ra một vụ. Ai mà chịu nổi. Còn dân thì chẳng buồn lo. Vì thế, xã phải tính toán để giảm bớt chi phí cho mấy cái vụ này. Bàn đi tính lại, xã mới ra thông cáo cho dân, nhất là dân chài lưới, hễ thấy có cái xác nào tấp vô thì đẩy cho nó trôi đi. Thông cáo đã ra nhưng chẳng ai làm, bởi người ta bảo chẳng ở không, còn dân chài lưới lại sợ hà bá. Thành ra, cái thông cáo ấy coi như vô hiệu. Cho nên, xã càng rối đầu hơn, ăn chẳng ngon ngủ chẳng yên. Nhưng may quá, đã có người nhận, anh Tám xung phong mà chẳng đòi một đồng công. Như vớ được phao, xã trao ngay mật vụ cho anh.
Lạ…
Từ ngày nhận nhiệm vụ ấy, anh đi làm về sớm hơn, đọc kinh, lần chuỗi, đi lễ và ít say hơn. Đêm đến, anh lại ngủ sớm, dậy khuya, lầm lũi làm những việc lạ thường mà dân làng bảo là điên. Mà điên thật, ai lại đi làm cái việc thất đức ấy. Người ta dù có chết trôi cũng nên cho họ một nơi yên nghỉ. Lẽ nào, người sống lại để kẻ chết phải tan xương nát thịt làm mồi cho cá tôm. Ái chà, lý sự thì giỏi nhưng chẳng ai làm. Bởi dù là lương dân hay Công giáo, ai cũng tin vào một hậu sự chẳng lành cho mình và gia đình khi đụng vào mấy cái xác ấy. Đấy là một niềm tin ẩn tàng trong lớp lớp người tự ngàn xưa truyền lại. Họ sợ. Sợ là khôn đấy. Chỉ có người như anh Tám mới không sợ một thế lực linh thiêng đang rình rập mình. Tối đi đẩy xác, khuya đi đào bới, chôn vùi “mọi cái điên của đời”.
Bẵng đi một thời gian, người ta chẳng còn thấy bóng dáng anh Tám đâu cả. Tự nhiên, cái không khí làng quê chìm hẳn. Tối, chẳng còn ai ra sông xem anh đẩy xác. Khuya, chẳng thấy ai tò mò rình anh đào bới. Cả sáng và chiều, chẳng thấy tiếng lũ trẻ trêu ghẹo anh mỗi khi đi ngang nhà chúng. Và cả làng bắt đầu buồn, vì chẳng có ai sai vặt hay nhờ vả làm những việc không tên. Duy chỉ có câu cửa miệng của anh vẫn còn văng vẳng trong cuộc chơi của lũ trẻ con: “xị rượu – miếng thịt – xong”.
Bỗng người ta đồn, anh bị công an bắt nhốt trên huyện, vì tội “ăn cắp đồ của người chết”. Thiệt sao? Hay là anh lấy cắp vàng bạc của mấy cái xác chết trôi. Ừ, phải. Chắc trước khi chết, họ cũng mang theo ít nhiều gì đó chứ. Chẳng hạn như dây chuyền, nhẫn vàng, tiền,… Mỗi cái xác một ít, chắc cũng kiếm được kha khá. Nhưng kiếm được, anh giấu ở chỗ nào. Nhà chẳng có chỗ nào cất. Hay là anh đem chôn đâu đó. Ngoài bãi cát, phải rồi, chắc anh đem chôn ngoài bãi cát. Cũng chẳng phải. Ai lại dại đến mức đem chôn của cải ngoài bãi cát. Mưa gió, lũ lụt trôi đi hết còn gì. Thế là bao nhiêu câu hỏi, bàn tán rôm rả khắp xóm trên làng dưới.
Riêng anh, khi bị nhốt trong phòng tạm giam, anh chẳng tỏ ra một nét gì sợ hãi. Có lạ gì đâu, 20 năm tù rồi mà. Không, là lý do khác. Anh đâu có làm chuyện thất đức như người ta tố. Anh chỉ làm theo chỉ thị của ủy ban. Nhưng làm sao chứng minh được. Thôi, cán bộ dạy sao anh chịu vậy. Mà coi bộ ở tù sướng hơn ở nhà, ngồi không, anh vẫn có cơm ăn nước uống, tối ngủ không sợ muỗi chích.
Nhốt mãi cũng chán, cán bộ cho mời anh ra hỏi cung.
- Anh có làm những gì người ta tố cáo không?
- Dạ, không.
- Thế chuyện bắt gà của bà Thắng Củi thì sao?
- Dạ, em xin nói thiệt là em chẳng có bắt. Sáng ra, em đã thấy con gà giãy đành đạch trước cửa nhà. Em tính vứt nó xuống sông nhưng thấy tiếc nên đem làm thịt. Thế là bà ta sang nhà em chửi, còn báo cáo cán bộ nữa chứ.
- Còn chuyện buồng chuối nhà ông Ban Già thì sao?
- Buồng chuối đó ngã chắn ngang đường. Em có đề nghị ông nên chống hoặc kéo vào trong nhà mà ông chẳng chịu nghe, còn chửi em là thằng khùng. Tức quá, nửa đêm em chặt đem về nhà để chín ăn dần.
- Còn nữa, chuyện bắt gà, bắt cá, bẻ bí, đủ thứ khác, anh có làm không?
- Dạ có, nhưng em “chỉ bắt đủ ăn, chỉ hái đủ xài” thôi. Em xin thề không thêm bớt điều gì?
- Thôi được…
***
Vào một sáng cuối tháng chạp, xe cán bộ ở huyện chạy về làng đến mấy chiếc, cả phóng viên nhà báo nữa gần hai chục người. Tất cả cùng cán bộ thôn xã đi theo anh Tám ra bãi cát giữa ngả ba sông. Họ lập ngay một bàn hương, chưng đầy đủ đồ cúng. Họ thắp hương, khấn vái rồi lệnh cho anh Tám thi hành phận sự. Anh bước tới trước bàn hương, cúi đầu, xong, bước tới mấy lùm cây dại phía trước. Anh lấy xị rượu đưa lên miệng hớp liền mấy hơi, phun ra khắp nơi. Số rượu còn lại, anh đổ lên đầu và thoa khắp người. Thấy chuyện lạ, dân làng bỏ cả buổi chợ tuôn đến kín cả bờ sông.
Anh Tám bắt đầu đào hết bụi cây này đến bụi cây khác. Từ trong cát lộ ra đến năm bộ hài cốt, tương ứng với năm cây thánh giá, anh đã làm đặt trên xác khi chôn họ. Một bộ của bé trai chừng 15 tuổi. Một bộ của một ông lão. Một bộ nữa của một cô gái, trên cổ vẫn còn đeo sợi dây chuyền vàng có treo hình trái tim. Tự nhiên, từ trong đám đông, có một phụ nữ la lên, nhào vô ôm lấy cái đầu lâu khóc nức nở. Hóa ra, đó là con gái của bà ta, vì thất tình mà tự tử cách đây gần năm. Bà nhận ra con gái nhờ sợi dây chuyền. Bộ nữa của ông già cụt chân. Còn bộ cuối cùng của bà già có một cái răng bọc vàng. Lần lượt, anh đem từng bộ rửa sạch, hôn lên rồi gói gọn trong tấm bạc, cho vào quách đóng nắp lại. Thế là xong chuyện oan uổng của anh.
Nhưng còn kẻ vu khống anh thì sao?
Đó là thằng Thịnh Soái. Con người nhỏ mọn ấy đang ngồi tù, vì tội trộm chó. Dân Gò Thị, ai cũng biết mặt hắn. Trong một đêm khuya, khi đi chôn cái xác chết trôi, anh bắt gặp hắn đang trộm chó. Anh cho hắn một trận. Thế là hắn thù và vu khống cho anh cái tội ác nhơn trên.
Còn chuyện mấy cái xác, thiệt ra, anh chẳng đẩy cái nào ra khỏi lòng chảo, vì anh biết đường nào nó cũng tấp vào lại. Thôi thì anh âm thầm đem đi chôn, coi như tránh rắc rối cho đời và làm phước cho người xấu số. Anh coi mình như “người lái đò” cho những mảnh đời bất hạnh “cập bến sông đời”.
Phaolô Trở Lại (Qui Nhơn)
Post a Comment