Truyện ngắn: Bình minh trên đảo
Bình minh trên đảo
Bao giờ cũng vậy, đi chợ về, đặt gánh hàng xuống là bà Liên vội bước ra sân săm soi mấy nong tỏi đang phơi. Tỏi đối với bà là tài sản quý. Đặc biệt từ khi thương hiệu “Tỏi Lý Sơn” được người ta biết đến thì bà Liên và mọi người dân trên đảo Lý Sơn đều rất vui mừng và phấn khởi. Năm nay thời tiết không được thuận lợi, tỏi mất mùa. Những củ tỏi không còn được trắng trẻo, mát mắt như mấy vụ mùa trước. Nhìn vài nong tỏi đang phơi mà lòng bà Liên trĩu nặng. Chồng bà sức khỏe không còn được như trước nên cũng ít đi biển. Thỉnh thoảng có những chuyến đánh bắt gần bờ thì ông mới đi, còn đi dài ngày ngoài khơi xa thì ông chịu. Gia đình bà Liên bây giờ chỉ còn phụ thuộc vào những ruộng tỏi. Đôi lúc nghĩ ngợi nhiều khiến bà mệt mỏi, bà nhắm mắt tặc lưỡi: “Kệ đi, tới đâu hay tới đó, suy nghĩ nhiều thêm đau đầu”. Bà Liên có hai người con trai, nhưng đều đi làm ăn xa trong Nam, mỗi năm về một lần. Ở nhà hai vợ chồng bà nương tựa vào nhau. Có những lúc không bán được tỏi, hai vợ chồng bà ăn cơm với cá khô, gỏi tỏi, mắm tỏi. Nói chung những gì liên quan đến tỏi thì bà đều chế biến ra các món ăn. Dù có đạm bạc một chút, nhưng đối với vợ chồng bà thế cũng đủ rồi. Đôi lúc bà nghĩ: “Già rồi! ăn kham khổ chút có sao đâu”.
* * *
Sáng nay, bà Liên dậy thật sớm để chở những bao tỏi khô ra ngoài cảng bán cho khách du lịch. Từ xa có một vị khách nói giọng Bắc bước đến hỏi mua tỏi của bà:
- Tỏi này bán thế nào vậy cô?
- Tỏi thường là 100 ngàn đồng một ký. Còn tỏi đen “cô đơn” là 1 triệu một ký con nhé!- Bà Liên đáp.
Vị khách đó hơi băn khoăn, nhìn sang người bán đối diện thì thấy giá tỏi bên ấy có phần rẻ hơn. Thấy thế vị khách nghiêm nghị:
- Sao cô bán đắt vậy! Mấy người kia ai cũng bán rẻ hơn cô.
Bà Liên mỉm cười thật tươi và giải thích:
- Cô bán không đắt đâu con. Tỏi cô bán là chính gốc Lý Sơn. Tỏi chất lượng tương đương với giá thành của nó. Cô buôn bán ở đây bao nhiêu năm, ai đến đây mua tỏi của cô rồi cũng đều biết.
Người khách ấy có vẻ nghi ngờ và bước sang người bán tỏi bên kia để mua. Bà Liên hiểu và thông cảm cho vị khách ấy, vì bà biết người đó chắc lần đầu đến đây nên cứ thấy cái gì đắt là sợ người bán “chặt chém”. Nhưng không phải hoàn toàn thế. Người ta hay nói “tiền nào của nấy” cũng rất đúng. Người khách ấy thấy có chỗ rẻ hơn nên đến mua cũng là điều dễ hiểu. Bà Liên không trách họ, chỉ thấy tội nghiệp cho họ nếu mua nhầm tỏi không có chất lượng như mong muốn. Bà cũng không thể nói toẹt ra với khách là người bán bên kia bán tỏi “dỏm”. Có ai xa lạ đâu, người bán tỏi đối diện chính là cô Đương, cô này cùng xóm với bà, và vốn là một người rất “ranh mãnh” trong chuyện làm ăn buôn bán.
Hồi lúc đầu cô Đương bán tỏi giá rẻ ai cũng phát ghét và cho rằng cô ta phá giá, nhưng không người nào dám lên tiếng, vì phía sau cô ta có một đám giang hồ “bảo kê”. Mọi người không hiểu tại sao cô ta lại phá giá như vậy? Chuyện này thì có lẽ thằng Rân là người biết rõ nhất. Thằng Rân là đứa cháu họ hàng xa của bà Liên. Nó là một trong những đứa ở trong đám giang hồ kia. Bà Liên cũng ít khi gặp thằng Rân. Nó cứ đi hoài ngoài đường, tụ tập với cái đám bạn ăn chơi, tay chân mình mẩy đầy những vết xăm, tóc tai xanh đỏ đủ các kiểu. Mà lần nào gặp bà Liên là thằng Rân luôn được nghe những lời giáo huấn, nên nó luôn tìm cách tránh mặt.
Nhưng có hôm nọ, thằng Rân bỗng ghé vào nhà bà Liên xin ăn trưa. Chắc nó chơi bời ngoài đường hết tiền nên túng quá mới đánh liều như vậy. Khác với mọi lần khác, lần này nó không tránh né bà Liên nữa. Nó tự tin lắm, như thể nó đang biết được một tin gì thú vị mà nó sắp nói ra. Bà Liên cũng khá ngạc nhiên. Nếu là người khác với cái hình thù bặm trợn như vậy thì có lẽ có cho vàng bà cũng chẳng dám để nó vào nhà, nhưng nó là cháu họ hàng nên bà không nỡ. Bà cũng thương nó. Mỗi tội là nó cứ lêu lổng ngoài đường chẳng chịu làm ăn lương thiện. Ăn cơm với cá khô, mắm tỏi mà nó ăn ngon lành. Vừa ăn nó vừa quay sang hỏi bà Liên:
- Mợ Hai, mấy nay mợ bán tỏi được không?
Bà Liên lắc đầu ngán ngẩm:
- Tao bán lai rai cho khách quen, bữa được bữa mất.
- Ai bảo mợ bán giá cao quá chi. Sao mợ không hạ giá tỏi xuống?- Thằng Rân nói tỉnh bơ.
Bà Liên gắt:
- Mày nói hay nhỉ? Mày xem nhà tao làm có bao nhiêu ruộng hành tỏi đâu. Hạ giá xuống là không đủ cái vốn mà tao đã bỏ ra và cất công chăm sóc. Rồi lấy tiền đâu tao trang trải qua ngày.
Vẫn cái giọng điệu ngênh ngang, mắt láo liên, thằng Rân nói:
- Tui có cách này, nếu mợ làm được thì không những mợ bán không lỗ mà còn có nhiều khách đến mua nữa.
Biết thằng Rân cũng chẳng có cách nào hay ho ngoài những “chiêu trò” không trong sáng, nhưng bà Liên vẫn muốn nghe thử nó nói gì.
- Vậy mày nói tao nghe thử.
- Mợ biết vì sao cô Đương bán đắt hàng không?
- Làm sao tao biết được.
Thằng Rân kể là cô Đương đã cho người đi gom một số loại tỏi thường giá rẻ ở nơi khác về để trà trộn vào và đánh lừa mọi người, đó là tỏi Lý Sơn chính gốc. Nghe cái danh tỏi Lý Sơn với giá thành rẻ như vậy thì ai mà không muốn mua. Với lại tỏi ở đảo này cũng đã có thương hiệu. Tâm lý của người mua thường chọn rẻ mà ít có ai phân biệt được đâu là tỏi thiệt, đâu là tỏi “dỏm”, trừ khi là người chính gốc ở đây hoặc là người có những hiểu biết về tỏi. Mà tỏi của cô Đương bán không phải là thuần túy trên đảo. Cho nên không khó hiểu khi giá tỏi bán ra của cô ta lại rẻ hơn nhiều so với tỏi của bà Liên. Thằng Rân ngỏ ý muốn hướng bà Liên theo hướng ấy để sinh lời. Nó tưởng nói thế thì bà Liên sẽ vô cùng mừng rỡ và biết ơn nó. Nhưng không ngờ nghe nó nói xong, mặt bà Liên phừng phừng đỏ lên, tưởng chừng như những gân máu trên khuôn mặt bà “kết tủa” lại với nhau. Từng vết nhăn xô lại, bà quát:
- Mày có biết làm vậy là thất đức lắm không? Tao thà chết đói chứ không chịu làm những chuyện bán rẻ lương tâm như vậy. Dứt khoát… dứt khoát… Không!
Thấy bà Liên nổi cơn thịnh nộ, nó cũng chẳng dám nói thêm lời nào nữa. Ăn xong, nó vội vàng đi ngay. Thật ra, những “chiêu trò” đó bà Liên đã biết từ lâu. Nhiều đêm bà cũng suy nghĩ có nên làm vậy hay không, vì bà thấy ai cũng làm mà mình không làm thì cũng thiệt thòi. Bán được lại lãi nhiều, ai không muốn. Nhưng rồi lương tâm bà không cho phép. Bà đã nghe nhan nhãn hằng ngày trên báo đài những vụ làm ăn thất đức, gây tổn hại đến sức khỏe con người khiến bà luôn trăn trở. Bà nhất quyết không làm những việc trái đạo đức như vậy. Bà dành hết công sức của mình để chăm bón cho những ruộng tỏi. Tỏi của bà luôn có một hương vị đậm đà, bởi lẽ nó có sự hòa quyện của tình người, của những giọt mồ hôi, sự cần cù, chịu thương, chịu khó, mà hơn hết đó là cái “tâm” của một con người chân chính.
* * *
Người ta hay nói cái gì cũng có cái “giá” của nó. Điều chính nghĩa luôn luôn thắng. Tỏi bà Liên được mọi người biết đến nhiều hơn và công việc buôn bán của bà cũng thuận lợi từng ngày. Được một số vốn kha khá, bà mở một cơ sở bán tỏi riêng và đăng ký với tên thương hiệu là “Tỏi bà Liên”. Còn những người buôn bán không trong sáng như cô Đương đã bị chính quyền địa phương kiểm tra và mời về làm việc mấy lần, nên cô ta cũng chẳng dám bán tỏi “dỏm” nữa.
Ngày mới lại bắt đầu. Bình minh ló rạng. Bà Liên lại tất bật với công việc thường ngày. Lâu lâu nghe giọng bà khàn khàn nói: “Nhanh lên mấy đứa để kịp giao hàng cho khách”. Và đâu đó, đằng sau tâm hồn cao đẹp của một người phụ nữ ngoài 60 là nụ cười hiền hòa, đôn hậu như ánh nắng ban mai vừa bừng lên trên đảo.
Nguyễn Hoài Ân (Quảng Ngãi)
Post a Comment