"Sự Phục sinh của Chúa" của Matthias Grunewald
“SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA” CỦA MATTHIAS GRUNEWALD
Trước chủ đề “Sự phục sinh của Chúa” trong hội họa, chúng ta có rất nhiều tác phẩm đặc sắc để lựa chọn.
Riêng tôi, viết về chủ đề này, ban đầu, tôi dự tính giới thiệu bức tranh tường “Sự phục sinh” (khổ 225cm x200cm) của Piero Della Francesca (1416-1492) sáng tác từ 1463 đến 1465, tác phẩm được xem là đỉnh cao với phong cách tả thực của nghệ thuật Phục hưng Ý thời kỳ đầu, là một trong những kiệt tác của nghệ thuật Công giáo.
“Sự phục sinh” (khổ 225cm x200cm) của Piero Della Francesca (1416-1492) sáng tác từ 1463 đến 1465 |
Tôi lại muốn chọn cả “Sự phục sinh” (1565) của Tintoretto (1518-1594), “Sự phục sinh” (1570) của Veronese (1528-1588)-hai tên tuổi lừng lẫy của nghệ thuật Ý cuối thời Phục hưng.
“Sự phục sinh” (1565) của Tintoretto |
“Sự phục sinh” (1570) của Veronese |
Và, muốn chọn luôn cả “Sự phục sinh của Chúa” (1611-1612)-một đỉnh cao của nghệ thuật Công giáo với phong cách Baroque náo nhiệt, cuồn cuộn sức sống-của Peter Paul Rubens (1577-1640) một họa sĩ “vĩ đại” xứ Flanders-nước Bỉ ngày nay.
“Sự phục sinh của Chúa” (1611-1612) của Peter Paul Rubens (1577-1640) |
Mỗi tác phẩm nêu trên (và còn nhiều hơn nữa-không thể kể hết) đều có nhiều chuyện để bàn luận…
Tuy nhiên, đắn đo mãi, cuối cùng, tôi quyết định chọn “Sự phục sinh của Chúa” (1512-1516) cũng của Matthias Grünewald (~1470-1528)-họa sĩ người Đức thời Phục hưng, tôi vừa mới giới thiệu trong bài trước với tác phẩm “Sự khổ nạn của Chúa”. Xin xem ảnh tranh:
Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này:
Thứ nhất, đây cũng là một bức tranh đẹp. Một vẻ đẹp bình dị với ngôn ngữ tạo hình hết sức tằn tiện nhưng vô cùng sống động, tinh tế và gây ấn tượng mạnh. Hãy nhìn lại ảnh ba bức tranh của Tintoretto, Veronese và Rubens ở trên. Chính vẻ đẹp hoàn hảo của các nhân vật và không gian chung quanh, đã khiến cho chúng ta có cảm tưởng sự sống lại của Chúa Giêsu là một câu chuyện thần thoại. Hết sức huy hoàng, hết sức rực rỡ… nhưng, không thật! Sự sống lại của Chúa Giêsu trong tranh Matthias Grünewald khác hẳn. Đó là cuộc thần hiện giữa đời thường. Dường như Chúa Giêsu vừa mới bay lên từ mộ phần, để lại một luồng sáng chói chang-tấm khăn liệm trước đây quấn xác Người phản chiếu những tia màu của hào quang. Có một tương quan sâu sắc giữa Chúa Giêsu vượt lên, Người như dừng lại trên hiện trường, và những bộ điệu yếu đuối của những người lính trên mặt đất, những kẻ bị quáng mắt và kinh hoàng vì cuộc thần hiện chói chang bất ngờ này. Ta cảm thấy mức độ dữ dội của cơn hoảng hốt trong tư thế họ vặn mình. Hai người lính phía sau trông như những con rối đổ xuống, và hình dáng méo mó của chúng chỉ có tác dụng tăng thêm vẻ điềm tĩnh oai nghiêm của Chúa Giêsu… Cái đẹp ở đây, là cái đẹp của tính hiện thực-hiện thực của điều bất ngờ!
Thứ hai, tác phẩm này đi cùng “bộ” với “Sự khổ nạn của Chúa” nằm trong loạt tranh Matthias Grünewald vẽ cho một nhà thờ ở làng Isenheim ở Alsace. Giới thiệu bức tranh này ngay sau bài giới thiệu bức tranh “Sự khổ nạn của Chúa” sẽ rất thuận tiện cho việc so sánh về cách thể hiện của tác giả. Ý nghĩa rất lớn. Nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tài năng của người họa sĩ. Và xa hơn, là các khả năng biểu hiện, hết sức biến ảo, của ngôn ngữ tạo hình. Hãy nhìn kỹ hai cặp ảnh đặt sát nhau ngay dưới đây:
Hình ảnh Chúa Giêsu trong cả hai bức tranh này, đều nằm ngoài các tiêu chuẩn thẩm mỹ của thời đại Phục hưng. Chúng cũng khác nhau hoàn toàn trong sắc thái biểu hiện. Nhưng cả hai, đều là những biểu hiện tuyệt vời chủ đề tương ứng. Một bên là biểu hiện tột cùng của sự đau đớn và đau khổ; một bên là biểu hiện rạng rỡ của sự thần hiện trong vinh quang... Sự khác biệt ở mọi cấp độ này, cho thấy bản lĩnh của người họa sĩ. Ông ta hầu như thông thạo tất cả các chuẩn mực và kỹ pháp của nghệ thuật đương thời, nhưng ông ta làm chủ nó. Ông ta chỉ dùng đúng những gì giúp diễn tả tốt nhất những điều muốn truyền đạt…
Và đây là một sự khác biệt khác, ở cấu trúc ngôn ngữ hội họa, rất đáng khâm phục. Một sự khác biệt có giá trị tư tưởng. Với “Sự khổ nạn của Chúa”, họa sĩ đã cấu trúc tác phẩm theo các nguyên tắc tượng trưng và ẩn dụ của nghệ thuật Trung cổ (xin xem lại bài trước), nhưng với “Sự phục sinh của Chúa”, ông lại cấu trúc tác phẩm theo các nguyên tắc tả thực (tả người như mắt thường nhìn thấy, tả không gian theo đúng luật phối cảnh…) của nghệ thuật Phục hưng. Ông muốn nói lên điều gì? Trong bức tranh thứ nhất, có lẽ, ông muốn chúng ta phải suy ngẫm lại về sự khổ nạn của Chúa, phải quay trở lại tìm kiếm ý nghĩa trong Kinh Thánh... Còn trong bức tranh thứ hai, dường như, ông muốn khẳng định với chúng ta về tính hiện thực của sự kiện Chúa Giêsu sống lại…
Thứ ba, giới thiệu tác phẩm này trong sự so sánh như vừa trình bày ở trên, chúng ta sẽ có cơ may hiểu đúng hơn về tính chất tượng trưng và biểu hiện trong ngôn ngữ hội họa, và tiếp theo, là ý nghĩa thực sự của những cái mã (code) văn hóa và phong cách ẩn trong các tín hiệu tạo hình... (Những điều này, bạn đọc có thể ít nhiều hình dung trong các phân tích ngắn gọn ở trên)
(Bài đã in trong sách Nghệ thuật Công giáo-tập 1-xuất bản năm 2011)
Post a Comment