Tiếng gọi của lòng thương xót (Bài 4 của loạt bài "Hiệp nhất trong lòng thương xót")
HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
BÀI 4: TIẾNG GỌI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Xót xa thốt lên điều ấy, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy con người thật đáng thương. Đang khi Thiên Chúa rất tha thiết muốn cứu vớt con người thì chính họ lại xem nhẹ, không quan tâm đến ơn cứu rỗi Ngài ban.
Con người được Thiên Chúa dựng nên cao trọng hơn mọi sinh vật khác. Giá trị ấy còn tăng gấp muôn ngàn lần khi họ tin vào Thiên Chúa, gắn bó với Ngài và được hưởng hạnh phúc trong Ngài. Tiếc thay, con người không màng đến hạnh phúc đời đời. Họ xem tiền của chóng qua ở đời này là nhất và miệt mài làm nô lệ cho nó (x. Mt 6,24). Tiền của mở ra khung cửa rộng và con đường thênh thang đưa đến diệt vong, và người ta háo hức đi qua đó; còn nẻo theo Chúa là khung cửa hẹp và đường chật, đưa đến sự sống, nhưng ít người đi theo nẻo ấy (x. Mt 7,13-14). Đáng thương ở chỗ họ đui mù mà lại tưởng mình sáng mắt (x. Ga 9,41).
Trước cảnh ấy, Thánh Phaolô đã thương cảm thốt lên: “20 Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?” Rồi ngài nói rõ hơn:
“21 Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22 Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,20-25).
Bạn hãy hình dung một nhà hảo tâm đầy nhân ái tạo điều kiện cho đám trẻ nghiện ngập từ bỏ ma túy, một số nhỏ nghe lời ông và chí thú học hành, có những em đã đỗ đạt cao. Thế nhưng, ảnh hưởng của bạn xấu không nhỏ, lắm em lại bỏ hướng tương lai rực sáng và quay lại đường cũ. Ông ngậm ngùi xót thương tự hỏi: Rồi sẽ còn được mấy em đáp lại lòng tốt của ông mà kiên nhẫn đến cùng? Trên đường tâm linh, Satan ghen tức với hạnh phúc Thiên Chúa dành cho con người. Nó tìm cách chống phá: Không được ăn thì đạp đổ. Con người bị lừa gạt thật dại dột và bi đát, Thiên Chúa còn thương cảm gấp bội người hảo tâm kia. Ngài trì hoãn ngày quang lâm của Chúa Giêsu, kéo dài thời gian thi thố Lòng Thương Xót để tìm kiếm thêm những người được cứu vớt. Bạn nghĩ sao? Bạn sẽ chọn cuộc sống hạnh phúc đời đời trong tình thương Chúa, hay sẽ chọn sự bất hạnh vì phải mãi mãi xa cách Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc?
Ở đoạn 153 trong “Nhật ký”, Thánh nữ Faustina ghi lại một thị kiến diễn giải câu Lời Chúa trong Mt 7,13-14: “Một ngày kia, tôi nhìn thấy hai con đường. Một con đường thênh thang, đầy cát mịn và hoa lá, tràn đầy lạc thú, tiếng nhạc, và mọi trò tiêu khiển. Người ta đi lại trên con đường ấy, múa hát và vui vẻ. Họ đã đi đến cùng đường mà không biết. Và ở cuối con đường này là một vực thẳm kinh khủng; tức là hoả ngục. Các linh hồn sa xuống đó một cách mù quáng; họ đi thế nào thì sa xuống đó như vậy. Và con số ấy rất đông, không thể đếm xuể. Tôi còn nhìn thấy một con đường nữa, đúng ra là một nẻo hẹp, rải rác đầy gai góc và đá sỏi; những người đi trên con đường này khóc lóc vì đủ loại đau thương ập xuống trên họ. Một số người ngã xuống trên đá sỏi, nhưng lập tức đứng dậy và tiếp tục đi. Ở cuối con đường này là một khu vườn lộng lẫy chan chứa mọi hạnh phúc, và tất cả các linh hồn này đều được vào nơi ấy. Ngay lúc đó, họ quên hết mọi đau thương của mình.”
Tiếng gọi của Lòng Thương Xót đang được nhiều người nghiêm túc lắng nghe. Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, trong Hội thánh Công giáo đang có phong trào cầu nguyện theo hướng mà Chúa đã muốn cho thánh nữ Maria Faustina truyền bá.
Chúa nói với thánh nữ Faustina
Thánh nữ Maria Faustina tên ở nhà là Helena Kowalska, người Ba Lan, sinh năm 1905, là con thứ ba trong số mười người con của gia đình. Từ bảy tuổi, chị đã khao khát muốn dâng mình làm nữ tu. Học hết Tiểu học, chị xin cha mẹ vào Dòng nhưng cha mẹ không cho. Năm 19 tuổi, đang khi khiêu vũ với các bạn, chị được thấy Chúa Giêsu chịu thương khó. Chị tới nhà thờ cầu nguyện thì Chúa bảo chị phải đi Warsaw ngay để vào Dòng. Warsaw cách đó khoảng 130 km. Chị lên tàu đi ngay, chỉ có mỗi một bộ đồ trên người.
Nhờ cha sở và một phụ nữ đạo đức giúp đỡ, sau khi bị nhiều Dòng từ chối, cuối cùng chị đã được nhận vào Dòng Đức Mẹ của Lòng Thương Xót. Cuối tháng Tư 1926, chị được lãnh tu phục với tên Dòng là Maria Faustina Thánh Thể. Tháng Tư 1928, chị khấn lần đầu. Ngày 22-2-1931, đang khi chị cầu nguyện tại tu phòng thì Chúa Giêsu hiện đến, khoác áo chùng trắng, có hai tia sáng đỏ và trắng xanh tuôn chảy từ trái tim Ngài. Chúa bảo chị vẽ chân dung Chúa như chị đang thấy, với dòng chữ: “Ôi Giêsu, con tín thác nơi Chúa”. Đó là ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Chúa muốn ảnh này phải được làm phép trọng thể vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh, và Chúa nhật này sẽ là Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Chúa mời gọi chị quảng bá Lòng Chúa Thương Xót để dọn đường cho Chúa đến lần hai.
Nhờ cha sở và một phụ nữ đạo đức giúp đỡ, sau khi bị nhiều Dòng từ chối, cuối cùng chị đã được nhận vào Dòng Đức Mẹ của Lòng Thương Xót. Cuối tháng Tư 1926, chị được lãnh tu phục với tên Dòng là Maria Faustina Thánh Thể. Tháng Tư 1928, chị khấn lần đầu. Ngày 22-2-1931, đang khi chị cầu nguyện tại tu phòng thì Chúa Giêsu hiện đến, khoác áo chùng trắng, có hai tia sáng đỏ và trắng xanh tuôn chảy từ trái tim Ngài. Chúa bảo chị vẽ chân dung Chúa như chị đang thấy, với dòng chữ: “Ôi Giêsu, con tín thác nơi Chúa”. Đó là ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Chúa muốn ảnh này phải được làm phép trọng thể vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh, và Chúa nhật này sẽ là Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Chúa mời gọi chị quảng bá Lòng Chúa Thương Xót để dọn đường cho Chúa đến lần hai.
Tháng Năm 1933, chị được khấn trọn trong Dòng Đức Mẹ của Lòng Thương Xót. Chị trình bày những điều Chúa dạy với cha giải tội là cha Michael Sopocko. Vị linh mục này nhờ hai chuyên gia tâm lý kiểm tra và họ xác nhận chị là người quân bình và minh mẫn. Từ đó ngài đã nâng đỡ chị và khuyến khích chị ghi lại những điều Chúa nói với chị. Nhờ đó chúng ta có được quyển nhật ký “Lòng Chúa Thương Xót trong tâm hồn tôi”. Quý vị có thể đọc bản dịch tiếng Việt của Lm. Matthias M. Ngọc Đính, CMC, 2002, tại: https://linhmucmen.com/kho-sach-quy/nhat-ky-long-thuong-xot-chua-phan-i-so-1-150-129.html (Cuối bản tin có đường link 10 bản tin khác, mỗi bản tin giới thiệu 150 số của Nhật ký). Các trích đoạn trong loạt bài của chúng tôi đều lấy theo bản dịch này.
Được Đức giám mục ban phép, cha Sopocko đã trưng bày ảnh Lòng Chúa Thương Xót trong nhà thờ Cửa Rạng Đông tại Vilnius. Năm 1935, chị Faustina ghi lại thị kiến về Chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót và viết luật dòng cho một tu hội mới sẽ được thiết lập để tôn kính Lòng Chúa Thương Xót. Hai năm cuối đời, Chị bị bệnh lao. Chị báo trước về Thế chiến II và qua đời ngày 05-10-1938. Đức Tổng giám mục Jalbrzykowski cho phép phổ biến việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Năm 1941, việc tôn sùng lan nhanh tới Mỹ. Năm 1951, tại Ba Lan đã có 150 trung tâm tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót.
Nữ tu Maria Faustina được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1993 và tuyên thánh ngày 30-4-2000.
Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót cũng đã sớm lan rộng tại Việt Nam, cách riêng là tại Giáo điểm Tin Mừng ở huyện Nhà Bè, Sài Gòn (www.giaodiemtinmung.net).
Ghi chú về mạc khải công và mạc khải tư:
"Nhiệm cục Kitô giáo, vì là Giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một, chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang" (Hiến chế về Mạc Khải, số 4). Dù Mạc khải đã hoàn tất, nhưng vẫn chưa được diễn đạt hoàn toàn rõ rệt, nên Hội thánh phải cố gắng tìm hiểu một cách tiệm tiến qua dòng thời gian” (Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 66).
“Theo dòng lịch sử, có những điều gọi là "mạc khải tư," một số được thẩm quyền Hội Thánh công nhận. Tuy vậy, những mạc khải ấy không thuộc kho tàng đức tin. Vai trò của chúng không phải là "cải thiện" hoặc "bổ sung" Mạc khải tối hậu của Đức Kitô, mà để giúp người ta sống Mạc khải cách trọn vẹn hơn vào một thời điểm lịch sử. Được Huấn quyền Hội thánh hướng dẫn, người tín hữu nhờ cảm thức đức tin sẽ biết nhận định và tiếp thu trong các mạc khải ấy, những gì là lời mời gọi đích thực của Đức Kitô hoặc của các thánh gởi đến cho Dân Người. Theo đức tin Kitô giáo không có mạc khải nào được coi là vượt cao hơn hay sửa đổi mạc khải được hoàn tất trong Đức Kitô (Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 67).
Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót chỉ làm nổi bật những điểm quan trọng đã có sẵn trong Mạc khải Kinh thánh chứ không thêm điều gì mới. Ở bài sau chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về việc tôn sùng này.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Xin lưu ý để tránh sự nhầm lẫn tai hại:
Từ năm 2010 có một số người quảng bá những lời được gọi là “Sứ điệp từ trời”. Các “sứ điệp” này được cho là lời của Chúa Giêsu nói với một người mang tên Maria Divine Mercy, được dịch sang tiếng Việt là : “Maria Lòng Chúa Thương Xót” hoặc là “Maria Tông đồ Lòng Chúa Thương Xót”. Dựa vào cụm từ “Lòng Chúa Thương Xót” trong tên của người ấy, những người lôi kéo rủ rê người khác vào luồng thông tin sai lạc này thường đánh lận con đen, khiến người nghe lầm tưởng “Sứ điệp từ trời” cũng chính là mạc khải về Lòng Chúa Thương Xót đã được Chúa bày tỏ cho Thánh nữ Faustina.
Cho đến nay đã có hơn 1.100 “sứ điệp” như thế được phổ biến trên mạng internet hoặc trong ba tập sách tựa đề “Sách sự thật”.
Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thông cáo do Đức Giám mục Giuse Nguyễn Năng ký ngày 14-4-2015, nhận định rõ đó là luồng thông tin sai lạc, vì:
- Không ai biết được tư cách đạo đức của người tự cho là nhận được mạc khải.
- Về nội dung, có nhiều điều không hợp phù hợp với giáo lý công giáo.
- Về hiệu quả, các “sứ điệp” không mang lại bình an tâm hồn nhưng gieo rắc sự sợ hãi, hoang mang cho Nhiều tín hữu.
Vì thế, Ủy ban Giáo lý Đức tin nhắc nhở các tín hữu Công giáo đừng đọc, đừng phổ biến và đừng rao giảng các “Sứ điệp từ trời” này.
Bảng chữ tắt:
Mt: Sách Mát-thêu trong Tân ước.
Mc: Sách Mác-cô trong Tân ước.
Lc: Sách Lu-ca trong Tân ước.
Ga: Sách Gioan trong Tân ước.
1Cr: Thư 1 Cô-rin-tô trong Tân ước.
Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.
Post a Comment