Bà tôi
Bà tôi mất khi tôi mới lên 10. Ngày ấy trẻ trâu, tôi chẳng hiểu nhiều về sự đời, lại còn sợ khi ở gần người mới qua đời. Bố mẹ bảo trẻ con biết cái gì, ở nhà lo coi nhà, học hành đi. Ngày ấy cũng muốn đến thăm bà lắm. Ngày bà mất, tôi cứ nghĩ đến bà suốt, cả đêm không ngủ được. Chỉ vì muốn đến nhìn bà lần cuối. Vậy mà tôi cứ sợ. Đến sau này, mỗi lần gặp những bà cụ, ông cụ chạc tuổi bà tôi khi trước, mỗi khi thấy bạn bè kể về những người bà, người ông của mình, tôi mới thấy đời mình thiếu cái gì đó. Bà cứ khó khó thế nào ấy, và tôi cảm thấy khó gần bà ghê gớm. Bà hay chép miệng, hay thở dài và đôi khi khó tính.
Bà hay chép miệng, không biết vì miếng trầu bà đang nhai hay là bởi bà đang buồn gì đó trong lòng. Mấy đứa nhóc thì ham chơi, mấy đứa lớn thì bận rộn làm ăn. Thấy nó vất vả tất tưởi lo làm ăn, muốn giúp chúng nó mà mình chẳng làm được gì. Gặp được con dâu, con rể hiền lành dễ mến đã đành, gặp phải người không đồng cảm, chỉ còn biết lủi thủi một thân một mình. Đã không lo được cho con, bà cũng chẳng muốn chúng bận tâm vì mình. Tiếng trầu ngày càng chậm lại nhưng đôi môi vẫn đỏ hồng và hơi thở vẫn còn thơm lắm.
Bà tuy già yếu dần rồi nhưng lại sống chủ động. Ngày ấy bà cũng tân tiến thấy lạ. Bà bảo: nuôi con đủ 18 tuổi thì cho nó tự lập, đứa nào học được thì hỗ trợ thêm, rồi thả nó vào đời để lớn lên như những người khác. Phần bà, bà dành cho mình một ít tiền phòng thân lúc đau ốm, hay ít là sinh hoạt hàng ngày. Bà không muốn vì bà mà con cái khó xử, đâm ra lục đục cãi cọ nhau, bởi con trai thì có con dâu, con gái thì còn có con rể nữa. Người ta bảo, thật là dại dột nếu cứ đòi hỏi con cái cháu chắt phụng dưỡng, nhưng nhớ lại những ngày tháng mình hy sinh vì con cái, bà lại chạnh lòng. Bà bảo: tiền của mình là của con, đất của mình là của con, chứ tiền của nó đâu có thể là của mình, nhà của nó đâu phải là của mình. Có đứa khi được chia đất, đào được mỏ thì coi mình là cái đinh han. Ban ngày còn có thể cười đùa, mà đêm về gió thu hiu quạnh lòng người xốn xang.
Bà đau bệnh, tiếng thở dài nay lại càng dài hơn. Sau cơn bệnh, nằm một chỗ, bà thấy đời mình thừa thãi vô dụng. Bà dễ tổn thương đến lạ. Một câu nói vô ý, một hành động nóng nảy cũng dễ làm bà bận lòng. Ở cái tuổi mà cái gì cũng phải nhờ cậy, phải chờ đợi, bà thà ở vậy, không cần ai chăm sóc, còn hơn là được quan tâm mà bị. Những lúc như thế, bà chỉ khóc. Bà khóc cho cuộc đời bà, hay bà khóc cho thế hệ mai sau sẽ mất đi chữ hiếu, mất đi cái tế nhị ân cần? Chỉ biết bà thu mình lại, thế giới của bà bỗng nhỏ đi và cuộc đời vì thế cũng không còn nhiều tiếng cười.
Niềm vui của người già là lũ cháu đàn con, thế mà niềm vui ấy cũng dần bị tước mất. Lần kia, một bà cụ lại gần một đứa nhỏ, mong nở một nụ cười dễ thương với nó. Nhưng đứa bé cứ giẫy nảy lên khi bà ve vuốt nó. Nó khóc vang khắp cả căn nhà. Thế là bà lùi lại, trở về cái góc nhỏ của mình mà khóc. Bà tự thấy mình không còn dễ thương ngay cả với một đứa trẻ vô tội, mà lại còn làm cho đứa nhỏ mình yêu mến phải sợ hãi. Bị người khác làm tổn thương đã đành, nhưng có lẽ thứ mất mát lớn nhất là thấy mình không còn dễ thương. Bà khó chịu với mình, khó chịu với đời và bà lại càng cô đơn.
Người trẻ như tôi cũng cần cô đơn nhưng cái cô đơn của tôi khác cái cô đơn của bà. Người trẻ cần cô đơn để lùi lại, để nhìn đời cho kỹ càng hơn, nhưng sau đó lại tiến lên. Bà lùi lại nhưng ngày càng lùi hơn. Cuộc đời bà như càng ngày càng bị tước đi, tước đi cả những gì mình trân quý nhất, cho đến những gì mình tự hào nhất, chắc chắn nhất. Người ta ước mong cuộc đời có những người bạn đủ sắc màu, nhưng dường như cuộc đời của bà bây giờ chỉ có màu xám và màu đen. Và một ngày kia, tất cả chỉ còn lại gam màu tối. Chẳng có một nhóm bạn, mà đến một người ở bên lúc đau ốm cũng không còn.
Người ta thường bảo tuổi già cũng là tuổi thơ, nhưng tuổi thơ của bà bây giờ khác với tuổi thơ của tôi ngày trước. Con trẻ ngây ngô, chẳng phiền muộn, vui thì cười, buồn thì khóc. Còn bà, nếu bà ngây ngô, không lo lắng, người ta bảo bà có vấn đề về thần kinh. Không biết bà có vấn đề hay người ta có vấn đề đây? Người đời thường bảo hãy bảo vệ các quyền của trẻ em, vậy ai sẽ bảo vệ những người bà dễ bị tổn thương?
Cuối cùng, ai cũng từ biệt cõi trần này. Cả một đời bà long đong, mà lúc trở về với đất vẫn chưa xong nỗi nhà. Bà vẫn lo cho con cái hoà thuận, yêu thương. Bà vẫn lo cho những đứa nhỏ khôn lớn, trưởng thành. Và một người đã cống hiến tất cả tiền bạc dành dụm được cho Nhà Chúa, hẳn chỉ mong con cháu mình được giữ đạo nghĩa đến cùng. Một lời cầu nguyện cho bà và ước mong mình cũng trân quý những người cao tuổi để họ cũng được sống nét thanh cao của một kiếp người.
Trần Đỉnh, SJ
https://dongten.net/2019/03/08/ba-toi/
Post a Comment