Nén hương lòng
Nguyễn Văn Ba Điềm (Gp. Hưng Hóa)
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”.
Kính nhớ tổ tiên là một nét văn hóa đặc trưng khu vực Á Đông, cách riêng là của người Việt Nam. Thường là những ngày giỗ chạp, kỷ niệm ngày trở về đoàn tụ với tiên tổ, ngày mà con người rời xa thân bằng cố hữu để đi vào cuộc sống mới. Đó cũng là dịp, là cơ hội để những người còn đang sống nhắc nhớ lại và tỏ lòng hiếu kính với những người đã qua đời.
Nén hương lòng là tâm tình của người sống, hòa quyện với khói trầm khi mọi người cùng hướng về người quá cố. Con người ta vẫn hay nói rằng: “Sinh ký tử quy”, sống chỉ là tạm gửi nơi trần gian, còn chính nhờ sự chết mà được trở về với cội nguồn của mình. Trong cái lúc, cái nơi sinh ly tử biệt, dù não lòng, mặn chát những đau buồn, nhưng vẫn tin vào một cuộc sống mới, nơi đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là “một cõi đi về”. Chết là hết? Không! Chỉ chết cái thể xác, còn cái tinh anh, cái linh hồn thiêng liêng bất tử vẫn sống. Chính nhờ sự thiêng liêng của linh hồn bất tử đó mà những nén hương lòng, những lời kinh, những thánh lễ dâng lên không trở thành vô nghĩa, mà trở thành sự kết giao giữa sự sống và sự chết.
Nếu nhưa Phật giáo có một mùa Vu Lan để báo hiếu công đức sinh thành hay cầu siêu cho các vong hồn để nói đến cái đặc tính của đạo hiếu, của đạo đức con người, thì người Công giáo dành riêng tháng Mười Một để nhắc nhớ người còn sống về cái chết, ý thức về giới hạn của mình, và nhất là để người còn sống thể hiện tấm lòng đạo hiếu với ông bà tổ tiên, xóa đi cái nghi kỵ của người không cùng tôn giáo nói rằng: Đạo Công giáo là bất hiếu, bỏ tổ tiên… Đó cũng là thời điểm để gợi lại những ký ức của người đã qua đời cho chính mình và cả một thế hệ không biết đến hình dáng người đã khuất. Cùng với đó, là những việc đạo đức, là cầu nguyện, dâng lễ, hướng về Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, xin Người thương đến thân phận tội lỗi mà tỏ tình yêu và lòng thương xót đối với những người tin vào Đức Kitô phục sinh, và hướng đến hạnh phúc Thiên Đàng.
Tháng Mười Một, trở về với thân nhân quá cố. Bên những nấm mồ vẫn còn nguyên mùi đất cỏ, những ngôi mộ um tùm cỏ dại và cả những nấm mồ ốp gạch men sáng bóng nữa. Tháng 11, cái tiết trời se se hơi lạnh của những ngày đầu đông đang phủ xuống nghĩa trang, vườn thánh càng làm tăng thêm vẻ cô quạnh, hắt hiu một nỗi buồn, một sự mất mát mà con người từng trân quý. Nhưng tháng Mười Một là thời gian thắp lại ngọn lửa đức tin: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Niềm xác tín đó đã tông truyền theo dòng lịch sử của Hội Thánh, của quê hương và của mỗi trang sách cuộc đời từng Kitô hữu. Với niềm tin đó, người còn sống cũng đang mong chờ ngày đoàn tụ với thân quyến nơi vinh phúc Thiên Đàng.
Người Việt Nam có truyền thống kế thừa: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong cái nền văn hóa đa thanh, phức vị vẫn có một truyền thống rất đẹp, rất đạo đức, đã, đang và tiếp tục được lưu truyền cùng dòng máu của dân tộc. Ai cũng biết rằng, để có ngày hôm nay phải có ngày hôm qua. Hôm qua đó là lịch sử hào hùng trong việc gây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương, và nhất là bảo vệ đức tin của người Công giáo. Cái ngày hôm qua đó là của những người đã từng sống mà nay đã chết, đang nằm trong nấm mồ sâu dưới những lớp đất của quê hương. Những người đã đổ máu để sẵn sàng làm chứng và sống trung thành với niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, và làm trổ sinh những hạt giống mới.
Đúng là, để có nước phải có người khơi nguồn, có cây có quả phải có người đã từng trồng và chăm bón. Và cái thành quả của những công cuộc đó là nguồn sống, là sự sống của thế hệ hôm nay, của những người đang cùng hít chung một bầu không khí, sông chung cùng một đức tin và chung chia một Đức Kitô là nguồn sống . Chính nhờ truyền thống đạo đức cao đẹp đó mà những người còn sống hôm nay có cơ hội đọc lại những kỷ niệm, xem lại những kỷ vật và nhớ những ký ức về những người đã từng sống. Cũng nhờ đó mà họ biết nói lời cám ơn, lời xin lỗi dù muộn màng, để biết hiếu kính với người xưa và ý thức về trách nhiệm của chính cuộc đời mình.
Trở về giữa cái thời tiết giao mùa, giữa cái im lặng của khu đất thiêng thánh, giữa không gian bao trùm sự chết, mỗi người còn sống cũng đang thắp lại niềm tin vào Nguồn Sống là chính Đức Kitô, Đấng khơi nguồn sự sống, Đấng đã chiến thắng sự chết, mở ra cánh cửa hy vọng Nước Trời. Người còn sống dâng lời cầu nguyện cho ngươi thân bằng những câu kinh, thánh lễ, cùng với những nén hương trầm nghi ngút quyện tâm tình. Những điều đó theo khói trầm lên trước tôn nhan Đấng Tối Cao và chắc chắn sẽ được nhận lời. Chúng ta quây quần bên những nấm mồ và thắp lên những ánh nến lung linh, không phải để trang trí cho nghĩa trang, mà đó là ánh sáng của niềm hy vọng, của đức tin, của sự sống. Ánh sáng như ngọn đèn để đưa con người về bên Đức Kitô là chính Ánh Sáng Phục Sinh. Nhờ có ánh sáng làm xóa đi cái bóng đêm của sự chết, mở ra con đường đem lại sự sống. Cùng với Ánh Sáng Phục Sinh, con người chúng ta có dịp để soi lại chính mình, kiểm điểm lại cách sống, nhìn lại cuộc đời để tìm về với căn tính là một Kitô hữu, là con cái của Ánh Sáng.
Nhưng để có một nén hương lòng thực sự và xứng đáng thì chúng ta, những kẻ sống, hãy biết tân trang lại chính con người của mình. Chúng ta dọn dẹp, sơn sửa, trang trí lại những nấm mồ của thân nhân, thì chúng ta cũng cần dọn dẹp chính nội tâm của mình. Biết bỏ đi những hận thù, những ghen ghét đố kỵ, xóa đi những tranh chấp, ngờ vực đang giết chết tình huynh đệ và tình nghĩa xóm làng. Nhờ đó, chúng ta được chính Đức Kitô biến đổi và xứng đáng với ân huệ của Ngài. Tôn tạo lại chính mình là tìm về với Chúa qua Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Tôn tạo lại chính mình cũng chính là tìm lại mối giao hòa với tha nhân để yêu thương và tha thứ, để giúp đỡ và sẻ chia. Qua đó, tâm hồn mới trở nên thánh thiện, đạo đức và dễ dàng hướng lời cầu nguyện tới Thiên Chúa hơn.
Đứng trong khu nghĩa trang, bên cạnh người thân đã mồ yên mả đẹp, thử hỏi mấy ai đã lặng một chút thực sự, lắng đọng lại tâm hồn để xem mình đã làm được gì cho họ, cho những người đã và đang sống. Nơi đó, có ai nghe thấy lời kêu cầu của các linh hồn: “Từ vực sâu u tối, con cầu xin Chúa, Chúa ơi. Từ vực sâu thương đau, con nài xin Chúa nhậm lời...”. Những linh hồn đó đang cần lời cầu nguyện chân thành của người còn sống. Họ vẫn đang ở ngưỡng cửa hy vọng và đang trông chờ vào những việc lành phúc đức của người còn sống. Nơi đó, có ai nghĩ đến chính mình, một mai cũng trở về bụi tro, trở về với lòng đất, nơi đã được sinh ra. Liệu có ai thoát khỏi cái hố định mệnh sâu ba tấc đang chờ đợi? Nơi đó, có ai nghĩ đến sự mong manh của ranh giới giữa sống và chết, nghĩ đến cái chết sẽ thình lình như kẻ trộm, đến vào giờ ta không ngờ? Liệu sau khi tôi chết, có ai còn nhớ đến tôi chăng?... Có ai đã tự đặt ra những câu hỏi như thế khi nhìn vào ánh sáng của ngọn nến nhẹ nhàng, của những nấm mồ đang yên nghỉ lặng lẽ, như tự soi chiếu vào con người thật của mình.
Nhưng trong nơi giao ranh giữa sống và chết đó, có ai để ý đến những nấm mồ cũ kỹ, vẫn còn vương cỏ dại. Có biết đó là của ai, và đến đó thắp cho họ một nén nhang? Đó cũng là tình người, không chỉ với người thân thuộc, mà ngay chính với những người anh em cùng chung chia một Đức Kitô. Tôi nhớ đến một câu thơ mà cố linh mục thường đọc:
“Nấm mộ kia cỏ chưa đan kín hết
Mà bây giờ đã lạnh bóng người qua”.
Thử hỏi người thân của họ ở đâu, còn sống hay đã chết? Đang tha phương cầu thực hay mê mải với trần gian? Sự lạnh lùng của con người cũng ghê sợ chứ. Chết là hết đối với họ chăng?
Trở về cái giá lạnh của mùa đông, của vườn thánh, nghĩa trang để thắp lại ánh sáng đức tin, thắp những nén hương lòng là một nét truyền thống cao đẹp. Nó nối kết hai thế giới với nhau trong sự Phục Sinh của Đức Kitô. Và cũng nhờ đó mà nhiều người thấy mình trong cái chết, trong cái mong manh của kiếp người. Và nhất là họ thấy người đã chết như đang sống trong người còn sống.
Post a Comment