Header Ads

[Giải VVĐT 2018] Hành trình một ngày

(Mã số: 18-018)

HÀNH TRÌNH MỘT NGÀY


Chào mọi người, tôi là Trăng. Đã lâu lắm rồi tôi chưa tổ chức một chuyến đi cho riêng mình, tôi rất ít giao lưu với thế giới bên ngoài và cứ dành hết thời gian để học. Vào kì nghỉ hè tháng bảy, tôi đã quyết định tự đi và chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết.

Thế là mọi thứ cũng xong, tôi bắt đầu đi ra đường, đi qua những đoạn đường quen thuộc mà không biết hôm nay sẽ có điều gì xảy ra. Tôi khởi hành rất sớm và chào ba mẹ, ba mẹ tôi luôn ủng hộ mọi điều tôi làm, ít có cha mẹ nào như thế.

Đi đến một ngã tư, vì không cẩn thận nên tôi đã xém té bởi một hòn đá to dưới chân, đúng thật là thú vị! Sau đó tôi đi thẳng, băng qua đường và bất chợt, tôi nhìn thấy một bà lão ăn xin, với một đống ve chai bùi nhùi bên cạnh là một đống rác. Bà để tóc chẻ ngôi với búi tóc đằng sau, đầu lổm nhổm là những cọng tóc lù xù đen bạc và chẻ ngọn… Bà mặc một bộ đồ màu xám cũ kĩ và có vài mảnh vá. Trông bà thật đáng thương!




 Thấy vậy, tôi liền rút tiền đưa cho bà, nhưng bà lại nói với tôi:
- Chừng nào cháu làm ra tiền hãy đưa cho bà, bà không nhận đâu!

Tôi đã năn nỉ rất nhiều, nhưng không hiểu sao bà không nhận.
- Bà ơi, bà nhận đi, cháu rất muốn giúp bà.

Mắt bà lão sáng lên và nở nụ cười cảm ơn tôi:
- Bà cảm ơn cháu rất nhiều, nhưng bà không nhận đâu, cháu giữ lại mà xài.


Bà nhất quyết không nhận tiền và bất cứ thứ gì tôi đưa, thật kì lạ! Tôi đã chào tạm biệt bà, và đi tiếp. Tôi thật không hiểu tại sao bà lão nghèo khổ kia lại không nhận tiền tôi đưa. Nhưng nhìn nụ cười của bà tôi cảm thấy bà rất vui. Trong đầu tôi vừa đi vừa suy nghĩ, một ý nghĩ lóe lên: “Có lẽ rằng bà thấy mình còn nhỏ tuổi mà không lấy không ta, không đúng, bà lão ấy ăn xin mà! Nhưng có thể bà lão muốn nhắc nhở mình rằng làm ra đồng tiền rất quý báu, bà sẽ nhận tiền mình trừ khi đó là những đồng tiền mình thực sự làm ra”. Dù không biết lòng tôi giải thích như vậy có hợp lí hay không. Nhưng, tôi biết chắc rằng, lâm vào cảnh túng thiếu này ắt hẳn bà đã có một quá khứ buồn. Và tôi thực sự rất cảm kích, bà thật quảng đại, bà đã cho tôi một niềm vui trên đường. Cùng lúc đó, tôi chợt nhớ có việc ở nhà quên dặn em tôi, việc đó cũng không quan trọng gì nhưng tôi muốn gọi điện thoại cho nó biết. Rờ vào trong túi quần, tôi giật mình thì ra tôi đã quên điện thoại ở nhà, tôi nghĩ “thôi vậy”.

Ghé qua một tiệm bánh mì, tôi đã mua một ổ bánh mì để ăn dọc đường. Tôi cứ thế tiếp tục đi, vừa đi tôi vừa hát nhỏ. Điều này khiến tôi cảm thấy thanh thản.

Phía trước là đến đèn giao thông, chân bước đi thì nhìn tôi thấy ở chỗ đó có hai đứa trẻ đang ngồi bệt xuống đất. Thân hình chúng gầy gò, ốm nhom, da đen thui, đầu tóc nhếch nhác, nhìn lấm lem đất cát. Điều đáng nói ở đây khiến lòng tôi muốn co thắt lại là bộ đồ chúng đang mặc. Cũng không hẳn là bộ đồ nữa… Bởi vì hai đứa trẻ, một đứa thì mặc quần mà không mặc áo, một đứa mặc áo mà không mặc quần. Quần và áo đó ghép lại là một bộ quần áo. Lúc đầu vì không nhìn rõ nên tôi tưởng hai đứa trẻ đều là bé gái. Nhưng nhìn lại thì tôi mới biết đứa bé gái để tóc dài không mặc quần là con trai. Hai đứa trẻ ngồi ở vỉa hè đèn giao thông để ăn xin. Có hai cái ca và hai cái túi ở bên chúng, vừa nhìn vào,  tôi đã biết rằng hai đứa trẻ này đã được những người chuyên dùng con nít để kiếm tiền sắp xếp ngồi đây, mọi người xung quanh đều chạy xe ngang qua nhưng không ai để ý đến tụi nhỏ cả.

Điều đó khiến lòng tôi rất rối bời. Bên cạnh các em có những vỏ chai, nắp chai, bọc ni lông và mấy cọng thun. Các em đã biến chúng thành đồ chơi và chơi một cách rất tự nhiên, vui vẻ. Các em không hề mặc cảm mà cứ chơi những thứ vất đi đó như báu vật. Hai em bé hồn nhiên xin tiền, miệng cười toe toét khi thấy tôi, gương mặt đen thui với bộ quần áo nửa thiếu nửa còn khiến tôi suy nghĩ một điều: “Trẻ em! Chúng không biết xấu hổ hay biết lòng tự trọng là gì, chúng đi xin ăn mà lúc nào cũng vui tươi. Chúng bị lợi dụng để làm công cụ kiếm tiền cho người đứng sau mà không hề biết. Nhưng người hưởng là ai? Đương nhiên không phải là các em. Chính vì thế mà ít người cho tiền các em”.


Mẹ tôi thường nói, những người mà bắt trẻ em đi ăn xin thì có những người là xã hội đen nên khó giúp, có lẽ không ai dám giúp các em vì sợ rắc rối chăng... Hình ảnh em trai đưa dây thun lên miệng cười toe toét với đôi mắt sáng và trong khiến tôi thấy được những đứa trẻ khác giống như em.

Tôi không muốn cho tiền các em để mà những người “đứng phía sau” các em có thể hưởng lợi, nhưng tôi sẽ cho các em đồ ăn của tôi.
- Của em đây, em ăn đi ha!

Tôi móc đồ ăn trong túi ra và đưa cho các em. Đôi trẻ ngơ ngác nhìn tôi, chúng không nói gì, chỉ cười mà thôi.

Nụ cười của hai em khiến tôi tin chắc rằng sẽ có những con người tốt có thể nhìn thấy hai đứa trẻ và giúp đỡ chúng.

***

Lương tâm tôi thực sự rất cắn rứt, tôi ước gì có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng sức tôi chỉ có thể giúp được như vậy.
“Không lẽ không có ai dám giúp hai đứa trẻ sao. Sao Chúa lại để cho những đứa trẻ này có hoàn cảnh như vậy?”. Tôi muốn tìm câu trả lời …

Cuối cùng tôi thấy một chú kia băng qua phía đường bên tôi, tôi liền hỏi chú có điện thoại để nhờ chú giúp gọi bảo trợ trẻ em đến. Thật phũ phàng. Tôi đã bị chửi và mắng…
- Thằng này, mày điên à, tao có việc gấp không rảnh xen vào mấy chuyện này. Đúng là phiền phức!

Tôi không biết phải nói gì cả, tôi đã bị đơ một hồi. Một lúc sau, có một bác đi chợ đi ngang qua, tôi liền hỏi bác và bác đã giúp tôi. Vậy thì tôi cũng có thể để hai em ở đây để đi rồi. Tôi thầm cầu nguyện với Chúa, xin Ngài mở lòng của con người, đừng để họ tự che mắt mình nữa. Có một người đã từng nói với tôi nếu gặp những trường hợp như trên ắt hẳn chúng ta sẽ nghĩ: “Rồi cũng sẽ có người giúp đỡ họ thôi”. Nhưng trên đất nước này nếu chúng ta quá thờ ơ thì sẽ có biết bao nhiêu người phải chịu cảnh lạnh nhạt, vô cảm của những người xung quanh.

***

Bây giờ là 11 giờ trưa, tôi vô một quán cơm và ăn cơm tại đó. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tôi đã gặp lại người bạn tri kỉ của tôi. Ba tháng qua cậu ta và gia đình đã chuyển đến nơi khác sống. Tôi đã nghĩ là có thể tôi sẽ không gặp lại cậu ấy nữa. Mà còn ngạc nhiên hơn, quán cơm tôi vô ăn là quán cơm nhà cậu ấy. Vì lâu rồi chưa gặp lại nên tôi đã trò chuyện rất lâu với bạn của tôi.
- Chà chà, không ngờ đó Thiên! Nhà cậu lại mở quán cơm đấy! Quán cậu đông khách thật.
- Thời gian đầu mở tiệm, quán tớ hơi ế vì chưa nhiều người biết đến, nhưng sau này làm ăn cũng được lắm.

- Sao cậu lại đến đây hay vậy?
- Tớ hả, tớ đi chơi hè.
- Vậy ba mẹ cậu không hỏi gì hả?
- Ba mẹ tớ biết chứ!
- Cậu đi chơi có một mình à?
- Hè mà, tớ muốn đi một mình với lại tớ cũng 17 tuổi rồi.
- Cho tớ đi với, hè ở nhà chán… quá!  Trăng, cậu ở nhà tớ tối nay, ok?
- Chắc cũng được, tớ định đi hết ngày hôm nay rồi tới tối tớ sẽ về nhà chú tớ. Lát nữa tớ sẽ mượn điện thoại của cậu gọi điện nhắn chú tớ biết, tớ quên điện thoại ở nhà rồi.
- Lâu rồi tớ mới gặp lại cậu, không ngờ trên đời này lại có sự trùng hợp như thế.

Thiên vừa cười khanh khách vừa đưa ra một câu rất triết lí mà tôi nghĩ đúng thật: “Đôi khi những điều trùng hợp hay ngẫu nhiên lại đưa ta đến những định mệnh mà ta không thể nào biết trước được. Và điều đó có thể mang cho ta một điều gì đó ý nghĩa trong cuộc sống!”.

Thế là tôi đã xin hai bác ở lại buổi tối và xin rủ bạn Thiên đi chơi buổi chiều này cùng với tôi.
Hiện tại đang là buổi trưa, chừng hai giờ trưa là chúng tôi đi.

***

Tiếng chuông báo thức reo lên. Chúng tôi chuẩn bị và chào cả nhà rồi đi.
Chúng tôi đi qua công viên sau đó đi qua một cây cầu, bên dưới cầu là một đường ray xe lửa. Đi đến cuối chân cầu, phía trước chúng tôi là một ngã ba, chúng tôi đang đợi đèn giao thông chuyển sang tín hiệu dành cho người đi bộ thì chúng tôi nghe có ai gọi: “Cháu trai ơi, cháu trai…”. Chúng tôi nghĩ chắc là nghe lầm. Tôi quay sang phải sang trái mà có thấy ai gọi đâu, bạn tôi gõ gõ vai tôi chỉ tay ra đằng sau, tôi quay ra đằng sau. Hóa ra đó là một cụ bà.
- Cháu trai ơi, cháu trai!


Giọng bà đặc khàn và nghe như cố gắng để nói cho được rõ cho chúng tôi nghe thấy. Đặc điểm đặc trưng nhất của bà đã khiến cho chúng tôi luôn nhớ về bà và không bao giờ quên... Đó là mùi “hôi”rất “đặc biệt”, rất hôi. Tôi thì không thính lắm vì tôi bị viêm xoang và hay nghẹt mũi nên tôi nghĩ chắc không phải của bà mà là của xe rác đậu gần đấy, nhưng mà bạn tôi lại khác, cậu ấy mũi rất thính.


Bà lão mặc một bộ quần áo màu đen, bên tay trái có đeo một cái giỏ đan bằng mây, đầu đội một chiếc nón lá rách. Chắc là bà cần chúng tôi giúp đỡ. Tôi liền hỏi bà:
- Dạ! Bà cần chúng con giúp gì ạ?
- Cháu chỉ đường giúp bà đến nhà thờ Hà Nội với?


Lúc đầu chúng tôi định chỉ đường giúp bà nhưng rồi tôi liền nhận ra bà bị mù nên chúng tôi đã dẫn bà đến đó. Tôi định dắt bà vô trong khuôn viên nhà thờ ngồi cho đỡ nắng nhưng bà nhất mực không chịu vô và bảo rằng người ta không cho bà vô. Bà cụ bảo tôi giúp bà băng qua đường mua ly trà đá, bà bảo đưa tay cho bà và dí vào tay tôi năm ngàn đồng. Đang loay hoay không  biết phải mua ở đâu, ở chỗ băng qua đường chỉ thấy có một quán cà phê nên tôi nghĩ chắc trong này có bán.
- Chú ơi! Chỗ chú có trà đá không chú? Cho cháu mua một ly trà đá.


Thế là chú bán hàng đã đưa cho tôi một ly trà đá khổng lồ, tôi bèn đưa tiền cho chú ấy nhưng chú lại không nhận. Tôi liền hỏi chú ấy là tại sao và tôi nghĩ là chắc chú biết về bà cụ nên tôi đã hỏi về bà. Tôi thấy chú cứ nhìn bà cụ hoài.
- Về trà đá thì chỗ chú miễn phí.
- Dạ, cháu cảm ơn chú!
- Còn về bà cụ để chú nói cho cháu nghe… Bà cụ bị lẫn và hay đi lang thang đôi lúc hay ngồi ở chỗ cây dừa ở ngoài cổng nhà thờ đấy cháu. Cháu biết không, bà cụ năm năm rồi chưa tắm, bà cụ ăn ngủ ngoài đường và mỗi lần đi vệ sinh là “đi trực tiếp” luôn. Quần áo lần nào cũng chỉ mỗi bộ đồ. Dù không thấy gì nhưng bà luôn miêng gọi: “Cháu trai ơi, cháu trai”.


Bây giờ thì tôi cũng đã hiểu tại sao bà lại đặc biệt “hôi” đến thế. Nhưng không hiểu sao tôi lại không cảm thấy ghê mà lại cảm thấy rất thân thương lạ thường. Và rồi tôi dần hiểu ra mọi chuyện khi chú bán hàng kể tiếp cho tôi về bà.
- Vậy bà không có gia đình chăm sóc sao chú?
- Bà cụ có gia đình nhưng gia đình bà cứ tìm bà về là bà lại cứ bỏ nhà đi lang thang, rồi gia đình bà cũng không quan tâm nữa, để mặc bà luôn. Chú nghe người ta nói vậy.
- Dạ, cháu xin cảm ơn chú!

Trước khi băng qua đường về lại chỗ bà cụ tôi đã mua cho bà đồ ăn, bà thật gầy và tiều tụy…
- Này, cậu nhanh lên!

Thiên gọi tôi từ xa và cậu ấy cứ vẫy vẫy cánh tay, miệng cười hí hửng. Mua xong tôi liền băng qua đường.
- Cậu mua xong rồi à, làm gì mà lâu thế!
- À… Tớ nán lại lâu vì đã được nghe một câu chuyện rất hay về một người. Lát nữa tớ kể cậu nghe.
- Ừ.
- Bà ơi cháu trả lại tiền cho bà, chỗ bán họ cho trà đá miễn phí.
- Thế à cháu, hên quá vậy, bà tưởng sẽ không đủ tiền mua chứ.
- Còn đây là đồ ăn, khi nào đói bà hãy ăn nha bà.

Bà cụ liền đưa tiền cho tôi và nghĩ rằng tôi mua hộ bà đồ ăn, bà còn hỏi tôi bao nhiêu tiền.
- Bà ơi cháu mua cho bà mà, bà nhận đi bà.

Tôi năn nỉ mãi bà mới thôi đưa tiền cho tôi, chúng tôi sau đó đã chào tạm biệt bà và tiếp tục đi. Trên đường đi tôi đã kể hết với Thiên về bà và y như rằng Thiên rất ngạc nhiên. Tuy là mùi “hôi” đó của bà vẫn còn bám trên tay tôi khi tôi cầm tay bà nhưng tôi cảm thấy điều ấy thật là “vui”, lần đầu tiên tôi được nắm tay một người chưa tắm năm năm. Cảm giác buồn vui lẫn lộn cứ đan xen mạch cảm xúc của chúng tôi. Và tôi nghĩ chắc hẳn Thiên Chúa muốn nói gì đó với chúng tôi qua những con người này. Tôi chợt nghĩ: “Tại sao Ngài lại để cho những con người nghèo khó và đau khổ xuất hiện trên trần gian này”. Rồi thình lình có một câu trả lời thốt ra: “Từ thuở khai thiên lập địa, Ta tạo nên con người bình đẳng, không có người giàu và kẻ nghèo. Ta tạo nên con người để con người có thể giúp đỡ nhau. Nhưng chính loài người đã tự phân chia giàu nghèo. Nhưng nếu trên nhân gian này không có người đau khổ, người nghèo khó thì chắc chắn rằng không ai quan tâm đến ai, vì lúc đó chẳng ai cần giúp đỡ ai. Nếu không có những con người vĩ đại ấy sống và tác động trong cuộc sống này thì loài người khó có thể thấu hiểu được tình yêu thương con người thật sự là gì và ý nghĩa thật của cuộc sống!”. Và tôi cũng tự hỏi một câu hỏi cho chính mình: “Đúng vậy, tại sao có những nước giàu mà vẫn còn có những người nghèo đói, đau khổ? Có phải vì con người ta quá vô cảm?”



Qua bệnh viện chúng tôi tới một khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Có một sự hỗn loạn nơi đây, có hai thằng bé đánh giày đang đánh nhau, đánh nhau ghê đến nỗi công an phải ra can ngăn. Rốt cuộc, cả hai đứa bị dẫn về đồn công an, chúng tôi thấy hiếu kì nên cũng đi theo nhưng đứng ngoài cửa để xem tình hình. Chúng tôi đã nghe được một vài cãi vã bên trong. Chú công an đã hỏi hai đứa, và cuối cùng được biết đứa lớn thì mười bốn tuổi. Lúc tám tuổi, ba mẹ nó li dị và nó phải ở chung với ba, ba thằng bé đi bước tiếp và ngày càng không quan tâm đến thằng bé, còn mẹ kế thì coi nó như cái gai chướng mắt. Nó trốn học và cuối cùng bị ba phát hiện nên bị đánh nhừ tử một trận rồi sau đó nó đã bỏ nhà đi bụi, nó phải vật lộn với cuộc sống rất nhiều, phải ăn bờ ngủ bụi ở dưới cầu, có khi nó còn bị chửi rủa vu oan. Và để có thể mưu sinh nó làm nghề đánh giày. Nó là đại ca ở đây và đây là lãnh thổ của nó, đứa nào muốn đánh giày phải nộp tiền khi làm ăn trên lãnh thổ của nó. Thằng nhóc nhỏ tuổi hơn nó đã dám đánh giày mà không chịu nộp tiền nên nó đánh.

Còn về thằng bé nhỏ tuổi hơn thì nó năm nay bảy tuổi, nó sống cùng với bà nội, ba mẹ nó mất khi nó mới một tuổi, nhà nó nghèo lắm. Hôm nay nó đi đánh giày ở chỗ này tự nhiên có anh đánh giày cùng nghề với nó bảo phải nộp tiền thì mới cho làm ăn ở đây. Thằng nhỏ không chịu, nên đã bị đánh.
Chú công an lên tiếng:
- Hai cháu cùng có chung hoàn cảnh khó khăn, phải biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, sao lại đánh nhau?
- Ai thương tôi mà tôi phải thương nó!

***

“Ai thương tôi mà tôi phải thương nó”- Một âm thanh im lặng bao trùm khắp cả phòng.
Tôi chợt nghĩ trong đầu: “Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều để giúp đỡ cho những đứa trẻ ấy, ta không thể cho chúng nhà, người thân để được yêu thương hay tiền để ăn và học. Và lẽ thường chúng ta chỉ có thể khuyên chúng mà thôi. Tôi cảm thấy rất bất lực”.


Sau đó, hai thằng nhóc được thả, thằng lớn chạy một mạch vụt biến mất trong một con hẻm nhỏ, thằng nhỏ còn lại đi những bước đi chậm rãi, mặt nó vẽ nên một nỗi buồn miên man. Chúng tôi đi theo nó. Bàn chân nhỏ bé của nó cứ đi rồi dừng lại và nó ngồi xuống ngoài cổng của một nhà thờ nhỏ. Đầu thằng nhỏ tựa vào bức tường, người thì ngồi co rúm lại, khoanh tay và cúi mặt xuống. Bạn tôi đi đến và vỗ vai thằng nhỏ, thằng bé giật mình, liền ngước đầu lên thật nhanh.
- Này em, tối rồi em còn chưa về nữa à?

Thằng bé chỉ im lặng, đôi mắt nó cứ nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Chúng tôi hỏi lại lần nữa, cuối cùng thằng bé nói:
- Hai anh đi theo em hả, lúc nãy ở đồn em thấy hai anh. Các anh muốn đánh giày không, em lấy giá rẻ cho?
- À, không em, tụi anh đi dép chứ không đi giày.

Thằng bé nhìn xuống chân chúng tôi, tôi liền buông lời bắt chuyện:
- Em đói rồi đúng không, để anh mua cho em đồ ăn, tụi anh ngồi đây có được không?
- Dạ được, em cảm ơn anh.


Chúng tôi đã trò chuyện với thằng nhỏ và hỏi thăm gia đình của nó. Đột nhiên nó hỏi tôi:
- Anh có tin vào Chúa không?
- Có chứ, sao em lại hỏi anh thế, em là người Công giáo đúng không?
- Dạ không, chỉ là em tò mò, em hay đi xem lễ ở nhà thờ này mỗi khi em rảnh… Vậy thì anh ơi, Chúa là ai?


Lúc này tôi bỡ ngỡ không biết giải thích sao cho thằng bé có thể dễ hiểu vì nó không phải là người Công giáo, tôi sợ nói sai. Trong lúc bối rối miệng tôi đã tuôn ra:
- À, thì Chúa là… Chúa là Cha em đó.
- Nếu Ngài là Cha em, tại sao lại để em mồ côi, tại sao lại để em phải đi kiếm tiền lại còn bị người ta đánh nữa vậy anh? Anh trả lời em đi? - Thằng bé nói như thể muốn khóc và trút giận lên chúng tôi vậy.
“Điều gì đã khiến cho một đứa trẻ có thể suy nghĩ như vậy”. Tôi thầm nghĩ.


Câu hỏi của thằng bé khiến tôi thấy hoang mang. Không biết phải nói gì, tôi đã đá chân Thiên để ra hiệu vì bí và Thiên đã giúp tôi:
- Nghe này, đây quả thật là một câu hỏi khó đấy, thật là anh không biết phải trả lời ra sao, nhưng nếu Chúa mà bỏ rơi em thì em sẽ không gặp được tụi anh đâu. Có lẽ Chúa đã dẫn tụi anh đến đây để giúp em. Em biết không, chúng ta không có quyền lựa chọn mình sinh ra ở đâu, trong hoàn cảnh nào nhưng chúng ta có hai sự lựa chọn khi ta sống trên đời này, một là chấp nhận hoàn cảnh và buông xuôi, hai là thay đổi và vươn lên nghịch cảnh, dù nó là gì…Và Chúa, Ngài cũng là một người đau khổ nhưng Ngài đã vượt qua mọi đau khổ để có thể trao hạnh phúc đến cho người khác!
- Tại sao Ngài lại đau khổ vậy anh?


Và thế là Thiên đã kể cho thằng bé nghe về Chúa. Sau một hồi giảng thuyết cậu ta đã ôm chầm lấy thằng bé, thằng bé im lặng.
- Cảm ơn anh.
- Vào mỗi chủ nhật bọn anh sẽ đến thăm em ở đây, em thấy thế nào?
- Được ạ.


Chúng tôi đã an ủi thằng bé và đi về nhà, trong lòng tôi muốn làm một điều gì đó cho những đứa trẻ đường phố và những con người khốn khổ. Tôi đã thắc mắc, tại sao trong cùng một ngày tôi lại gặp được nhiều con người đặc biệt. Và tôi đã hỏi Thiên:
- Cậu đi tu không Thiên?
 - Đi!
Powered by Blogger.