[Giải VVĐT 2018] Con ông cháu bà
CON ÔNG CHÁU BÀ
(Mã số: 18-015)
1.
1.
Đã hơn một năm kể từ ngày đám cưới của Trân và Ngọc. Ba má Trân vẫn không ngớt buồn sầu lo lắng. Ông bà buồn không chỉ bởi lời ra tiếng vào của bà con lối xóm về chuyện Trân “sinh con thiếu tháng” mà còn bởi chuyện của đứa cháu không được rửa tội. Dẫu rằng, hai mẹ con Trân đang ở nhà ông bà.
Hình minh họa |
Trân sinh đứa con đầu lòng nên ông bà mừng lắm, chăm chút cho hai mẹ con từng li từng tí. Nhớ ngày Trân sinh con ở bệnh viện, ông cứ đi qua đi lại trong phòng chờ, miệng cầu nguyện lâm râm, tay lần hạt không ngớt. Bà cũng thế. Ngọc và ba má nó thì làm một lễ lớn cầu khấn ở nhà cho mẹ con Trân được “mẹ tròn con vuông”. Ai cũng lo lắng cho mẹ con Trân hết. Nỗi lo ấy chỉ dần tan biến khi nghe tiếng khóc của đứa nhỏ. Một thằng cu tí khôi ngô trắng trẻo, đẹp như thiên thần. Nghe tiếng con khóc, Ngọc cảm đội ơn trời liên hồi, lòng thầm hứa sẽ đối xử tốt với hai mẹ con. Trân cũng vui mừng không kém. Dầu cơn đau vẫn còn nhưng nó hạnh phúc đến rơi nước mắt. Nó đưa tay ôm đứa con bé nhỏ vào lòng. Yêu ơi là yêu luôn! Nó nhắm mắt cảm ơn Chúa và Đức Mẹ Maria đã gìn giữ hai mẹ con nó đến giờ này. Trong thâm tâm nó quyết định đặt tên con là Thiên Ân. Niềm vui, niềm hạnh phúc ấy kéo dài được hơn tháng thì dường như tắt dần. Thay vào đó là sự gay gắt giữa Trân và Ngọc, sự giành giật của gia đình hai bên. Bên này muốn rửa tội, còn bên kia lại không.
Hôm đó, sau ngày bên nội sang nhà bên ngoại cúng đầy tháng thì Trân đề nghị với Ngọc.
- Anh, đã hơn tháng rồi, chúng mình nên đưa con đến nhà thờ để cha rửa tội.
- Rửa gì em? Nó nhỏ, tội tình gì mà rửa!
- Anh này nói gàn thế mà cũng nói được! Con trẻ không có tội gì nhưng nó còn mắc tội tổ tông. Nó phải được rửa tội để cho Chúa gìn giữ nó chứ!
- Thế chẳng lẽ Chúa ích kỷ đến mức không gìn giữ con của chúng ta vì nó chưa được rửa tội sao?
- Ừ! Chúa của em lạ vậy đó!... Nếu biết trước, thà ở một mình nuôi con còn hơn. Với lại, anh và ba má anh đã hứa cho em rửa tội con rồi mà. Anh muốn nuốt lời sao? Người lớn gì mà nói một đàng làm một nẻo. Thôi, em chẳng cần gì nữa. Để em nuôi con một mình được rồi. Người ta biết cái bụng anh quá rồi!... - Nói xong, Trân khóc không cầm được nước mắt.
Quả đúng như dự đoán của cha sở và ông bà Biện Sơn. Cái hôm hai ông bà lên trình bày hoàn cảnh của Trân, cha sở đã có linh tính không hay về chuyện kết hôn của nó. Cho nên, cha tìm cách tính chuyện cưới xin cho nó cách hoàn mỹ nhất. Tuy nhiên, khi nghe bên chồng nó trình bày, cha buồn lắm. Cha muốn gỡ cho chúng nó mà không được. Bên chồng đang được lợi thế, họ đang nắm đằng chuôi mà! Miệng họ nói không cấm cản con cái theo đạo nhưng những lý do viện ra đủ thấy thâm ý của họ. Nào là thời gian học giáo lý quá lâu, sợ rằng cái bụng của Trân to quá thì không nên. Nào là để cho Ngọc tự quyết định, nó có cảm được đạo thì nó theo. Nào là ngày lành tháng tốt sắp đến nên cha chu toàn sớm cho họ hàng được mừng… Đấy, họ có muốn cho con theo đạo đâu! Cho nên, trước khi cưới, cha cho mời Trân, Ngọc và gia đình hai bên lên nói chuyện một lần nữa. Nói xong, cha quyết định xin phép chuẩn cho hai đứa. Đi kèm với việc này là giấy cam kết của hai gia đình và của hai đứa. Trong đó có mục: “Dù đạo ai nấy giữ nhưng Ngọc và gia đình Ngọc phải đảm bảo cho Trân và những đứa con của Trân phải được rửa tội và giữ đạo. Bên chồng không được ngăn cấm dưới bất kỳ hình thức nào. Ngược lại, Trân và gia đình Trân phải đảm bảo sống đạo gương mẫu, phải giữ gìn đức tin của mình và đồng thời chịu trách nhiệm trên phần rỗi linh hồn của Ngọc và gia đình Ngọc. Nếu hai bên chấp thuận thì ký tên vào giấy cam kết. Lúc ấy, cả hai bên đều đồng tâm ký vào bảng cam kết, có cha sở làm chứng.
Thế đấy, giấy trắng mực đen vẫn còn rành rành mà mọi chuyện đã theo ý riêng của từng người. Bên nội xem như đã xong trách nhiệm. Họ ký giấy chỉ để lấy phép thông hành cho đám cưới của con họ chứ đâu có màng gì đến những lời hứa. Bên ngoại thì trông mong từng ngày, mong sao sự thật nghiệt ngã ấy đừng xảy ra cho con cháu của mình. Họ ký vào giấy mà lòng tin chỉ đặt vào Chúa thôi. Mấy cái chữ ký của người ta chẳng đáng tin chút nào. Kinh nghiệm mười mấy năm làm chủ tịch hội đồng giáo xứ đã cho ông Biện Sơn thấy rõ tương lai của con gái mình. Bà Biện cũng chua xót lắm. Bà lần chuỗi hằng ngày cầu mong Mẹ Maria cứu giúp gia đình con của bà. Mọi hy vọng, mọi tin tưởng đều tan biến khi nghe chính miệng Ngọc nói ra quyết định không cho Thiên Ân được rửa tội. Ông bà không biết nói làm sao cho Ngọc hiểu, còn Trân thì cứ khóc hoài. Nó tức Ngọc lắm. Hôm nay, nó nói tuột ra, bất cần gì hết. Nó chỉ mong giữ được đứa con của nó thôi.
Lâu nay, Ngọc vẫn nghe Trân cằn nhằn về chuyện rửa tội cho con. Khai sinh, đầy tháng đã làm đầy đủ rồi, chỉ còn rửa tội nữa thôi. Trân chờ hoài mà chẳng thấy Ngọc động đậy gì cả. Nó cứ nhắc thì Ngọc lại ầm ừ cho qua chuyện. Đến nay, Trân hết chịu nổi rồi! Nó cố dịu ngọt một lần nữa mà không được thì thôi. Vợ chồng gì, chẳng cần gì nữa! Sống một mình nuôi con còn sướng hơn. Trân tuôn hết ruột gan ra cho Ngọc biết điều.
2.
Nãy giờ nghe Trân kể lể đủ thứ chuyện, trách móc đủ điều, rồi bất cần Ngọc nữa, nên nó chột dạ. Nó không còn đủ tỉnh táo để nghĩ đến những lời dặn dò của ba má nó. Nó chỉ kịp nghĩ đến chuyện mất con, mất Trân. Nó yêu Trân thật mà. Chỉ tại… Nó nghẹn ngào nói với Trân.
- Anh xin lỗi! Anh xin lỗi Trân! Em nín đi. Tại ba má anh có dặn, không được cho thằng bé rửa tội. Rửa tội rồi chẳng khác gì nó theo đạo. Nó theo đạo thì bỏ đạo của ông bà sao. Với lại, nó còn bé lắm, biết gì đâu mà theo đạo. Để nó lớn, nó tự quyết định có theo đạo hay không. Lúc đó, nó có đủ tự do để quyết định…
Ngọc cứ nói, cứ phân trần, còn Trân bịt kín tai. Trân không chịu nổi cái kiểu lý luận của Ngọc và của ông bà bên ấy. Tự do gì! Ông bà chỉ muốn chiếm lấy đứa con của nó thôi. Nó rứt ruột đẻ ra mà người ta coi nó như người ngoài. Nó chẳng có quyết định gì trên con cái của nó sao? Còn cái anh chồng này nữa, chỉ biết nghe lời ba má thôi. Anh không chịu nghĩ cho nó. Nói thương yêu nó mà chẳng biết bênh nó chút nào. Ông bà bảo sao cứ nghe vậy. Nó cũng có ba má mà. Nó cũng phải nghe lời ba má nó chứ!... Cũng chẳng cần ba má, đức tin của nó bảo nó phải làm thế. Nó phải rửa tội cho con của nó. Nó chẳng cần chồng nữa. Sống vậy nuôi con được rồi…
Ông bà Biện đứng ngoài nãy giờ nên đã nghe hết câu chuyện của hai đứa. Ông bà cũng muốn giải quyết cho xong chuyện này để hai đứa còn tính chuyện làm ăn nữa. Cứ cãi cọ nhau về chuyện này cũng không hay. Ông mới gọi Ngọc ra nói chuyện.
- Ngọc, ra đây, ba má muốn nói chuyện với con.
- Dạ! Con ra liền…
- Dạ, ba má gọi con? Có chuyện gì không ba má?
- Ừ, chuyện của con và con Trân. Ba má đã nghe biết cả rồi. Con tính sao?...
- Dạ, con cũng không biết nữa! Ba má con bên đó không chịu cho Thiên Ân được rửa tội. Thú thật, con đang rối lắm bá má... Con chỉ muốn gia đình con yên ấm thôi. Con không muốn tức nước vỡ bờ.
- Ừ, con nói phải lắm! Con về nói với ba má ngày mai sang nhà bên này chơi. Ba má có chuyện muốn thưa với ba má bên đó. Con nhớ buổi sáng nghen con!
- Dạ! Để tối nay con về bên ấy báo cho ba má biết.
- Thôi, dọn cơm tối ăn đi bà! Con ăn cơm xong rồi đi.
- Dạ!
Nằm trong buồng với con, Trân nghe hết đầu đuôi câu chuyện giữa ông bà già với Ngọc. Nó mường tượng ra cảnh cả nhà sum vầy bên Thiên Ân trong ngày rửa tội. Nó mong gặp lại nụ cười trên khuôn mặt ba má. Nó mong gia đình nhỏ của nó được hạnh phúc, vui cười. Bỗng nó chột dạ nghĩ đến cuộc đấu khẩu của hai gia đình. Chắc nó chết mất. Nó bịt tai, nhắm mắt lại và không muốn suy nghĩ tiếp nữa. Tiếng Thiên Ân khóc đã kéo nó về thực tại. Nó phải dỗ cho con nó ngủ. Tiếng Ngọc vang lên.
- Em ơi! Dậy ăn cơm tối nào! Cơm canh mẹ nấu ngon lắm... Để anh ru con ngủ cho.
- À, ơi!...
3.
Sáng hôm sau, đúng như lời hẹn, gia đình ông Bảy Nên sang thăm nhà ông bà Biện Sơn. Tiếng là đi thăm nhưng ông đã chuẩn bị đầy đủ những lý luận để đáp lại ông Biện Sơn. Ông bà vẫn giữ lập trường không cho Thiên Ân được rửa tội. Rửa tội gì, bắt thằng nhỏ theo đạo thì có. Ông bà vẫn cứ đinh ninh sẽ có một cuộc đấu khẩu giữa ông bà và bên nhà.
Nghe tiếng sủa của con chó già, ông bà Biện Sơn đã biết là ông bà sui đã đến. Từ sáng đến giờ, ông bà vẫn loay hoay chuẩn bị đón tiếp. Ông bà còn làm cơm để mừng ông bà sui đến thăm. Ông bà vận áo quần lịch thiệp ra đón khách.
- Chào anh chị sui! Mừng quá, được hai anh chị nhận lời đến thăm.
- Dạ, cảm ơn anh chi sui nhiều.
- Dạ, không có chi! Mời anh chị ngồi... Mời anh chị uống nước.
Sau bấy nhiêu câu chào hỏi và sau mấy chén trà. Ông Bảy Nên mới khơi chuyện.
- Hôm nay, anh chị mời chúng tôi sang đây chắc có chuyện chi quan trọng nhỉ?...
- Dạ, không dám giấu gì anh chị. Chúng tôi mời anh chị sang đây cũng có chút chuyện phải thưa. Chuyện cho Thiên Ân được rửa tội. Vì chuyện này mà con Trân và thằng Ngọc cự nự nhau suốt. Nghe thằng Ngọc nói là anh chị không cho phép.
- Tôi có nói là không cho phép đâu anh! Anh chị hiểu lầm rồi. Chúng tôi chỉ nói với cháu là để cho thằng nhỏ đủ tuổi khôn rồi để cho nó tự quyết định. Nhỏ mà, biết gì đâu mà chịu phép rửa tội.
- Anh sui nói phải lắm! Cháu nó còn nhỏ lắm. Nhỏ thì chưa có tự do gì hết, chưa biết gì hết. Chưa biết nên cha mẹ nó phải quyết định cho nó. Anh thử nghĩ xem, nếu cứ để nó tự quyết định, để cho nó lớn rồi tự chọn lựa thì bây giờ anh đừng cho nó bú, đừng cho nó ăn. Anh cứ để cho nó tự đòi ăn, tự đòi bú. Anh cũng đừng bắt nó đi học, đừng bắt nó mặc quần mặc áo, đừng làm gì hết, để cho nó lớn rồi nó tự quyết định.
- Đồng ý là vậy. Nhưng chuyện đạo lại là chuyện khác…
- Khác sao anh? Ba mẹ nó biết điều gì tốt cho con thì làm. Chuyện ăn uống, mặc áo mặc quần, đi học, đi chơi… là chuyện tốt nên ba mẹ nó tự quyết định cho nó. Chuyện đạo cũng vậy! Rửa tội là để cho nó sạch tội tổ tông, để cho nó được Chúa giữ gìn, chăm sóc. Như thế không tốt hơn sao? Anh biết đến ngày đến tháng cúng kiến ông bà tổ tiên, xin phép thần thánh phù hộ độ trì cho cháu nó thì anh cũng biết cho chúng tôi rửa tội cho cháu. Bộ anh nghĩ nó chỉ là cháu của anh sao?
- Ừ, là cháu của cả hai bên nhưng nó là cháu đích tôn của dòng họ nhà tôi mà. Cháu đích tôn phải giữ đạo ông bà để thờ kính tổ tiên chứ!
- Ủa, anh nghĩ chỉ có mình nhà anh có tổ tiên sao? Nhà tôi cũng vậy chứ! Thờ kính hay không là để nó lớn rồi tính. Anh có nhìn thấy biết bao nhiêu đứa ăn học đàng hoàng, mà khi cha mẹ già yếu bỏ lăn bỏ lóc. Còn chuyện thờ kính thì bên tôi cũng có. Chỉ có điều là hình thức khác nhau thôi. Anh nghĩ đạo của tôi bất hiếu bỏ ông bỏ bà sao.
- Anh rắc rối quá! Tôi có nói là cấm không cho nó rửa tội đâu. Chỉ tại nó còn nhỏ quá. Nhỏ mà, tội tình gì đâu mà rửa?
- Dạ đúng rồi anh sui à! Cháu nó còn nhỏ lắm. Nó chưa có tội gì hết. Chính vì chưa có tội nên chúng tôi phải rửa tội cho nó. Tôi rửa tội cho nó là để bảo vệ nó. Dù nó còn nhỏ nhưng vẫn là con người. Con người thì phải mang tính yếu đuối. Tôi rửa tội cho nó để nó mạnh mẽ hơn, để nó được Chúa giữ gìn, để nó không bị ma quỷ xâm chiếm. Bộ anh không muốn cháu chúng ta được mạnh khỏe sao?...
- Ừ, nhưng theo như tôi được biết, rửa tội là đã theo đạo rồi. Theo đạo mà không giữ đạo thì uổng phí và mang tội lắm anh ơi! Tôi thấy thằng Bảy Gà, Sáu Khôn, Chín Mùa… mấy thằng đó theo đạo mà có giữ đạo đâu. Theo đạo gì mà chẳng kinh lễ gì hết. Trộm cướp, bài bạc, gái gú... thứ gì chúng cũng có. Rửa tội, theo đạo làm gì cho thêm tội vào thân. Cứ để vậy rồi nó tự quyết định.
- Anh nói đúng lắm! Mấy đứa đó ở trong xóm của mình, ai mà chẳng biết. Thằng Bảy Gà mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên cưới được con vợ thì lại bỏ nó ra đi. Còn thằng Sáu Khôn thì ba má nó ly dị ly thân. Dẫu rằng đạo Chúa cấm không được phân ly nhưng chúng nó sống bất cần mà. Còn thằng Chín Mùa nữa. Gia đình nó chết hết trong một tai nạn xe. Nó còn sống là hên lắm rồi. Bởi đó, nó đâm ra bất cần và hận đời cũng từ đó. Còn nữa còn nữa những người đạo hạnh không ra gì, toàn làm gương xấu cho lương dân. Nhưng anh có nghĩ là cháu chúng ta khác với mấy người ấy. Nó có đầy đủ cha mẹ, ông bà, dòng họ. Nó phải được yêu thương chứ! Nó phải được đôi bên chăm sóc, lo lắng cho đầy đủ những gì tốt đẹp nhất. Đối với gia đình anh là việc cúng kiến, niệm kinh. Đối với chúng tôi là việc rửa tội và cho nó đến nhà thờ học giáo lý. Phần anh, anh và gia đình cứ việc làm theo ý của anh. Phần tôi và gia đình cứ làm theo ý của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không cấm cản việc anh làm thì anh cũng đừng cấm cản việc gia đình tôi làm. Anh có đồng ý là chúng ta đều muốn làm điều tốt nhất cho cháu của chúng ta không?
- Nghe anh nói cũng phải lắm! Nhưng còn chuyện nhà nước qui định thì sao?
- Nhà nước thì họ nói chung chung vậy thôi. Với lại, cháu nó còn nhỏ nên chuyện đạo hạnh vẫn phải tùy thuộc ở quyết định của ba mẹ nó chứ! Ba mẹ chúng biết điều gì tốt cho nó mà... Mời anh chị uống nước.
4.
Bấy nhiêu lý sự đó không phải do ông Biện Sơn nghĩ ra. Suốt mấy tuần rồi, mỗi lần đi nhà thờ là bấy nhiêu lần ông gặp cha xứ để nói chuyện. Ông trình bày bấy nhiêu lý do mà người ta thường gặp khi cho con cái kết hôn khác đạo. Ông nghe cha giảng giải và cố gắng nắm bắt tất cả những lý luận mà cha đưa ra. Về nhà, ông suy đi ngẫm lại cho nằm lòng. Rồi ông khẩn cầu Ba Đấng giúp ông vượt qua cửa ải này. Ngày đêm, ông lần hạt cầu nguyện cùng Đức Mẹ Maria soi sáng cho các con ông có được quyết định đúng đắn. May mà con Trân còn giữ được đức tin. Nó lại cứng rắn, không giống với bao nhiêu cặp hôn phối khác, xuôi theo số phận, bỏ đạo bỏ đức tin. Chúng chỉ níu lấy hạnh phúc gia đình chúng. Sau ngày cưới là chúng đã bắt đầu quên Chúa rồi. Ông thương con Trân và quyết định làm ra lẽ chuyện này cũng vì tính cứng rắn giữ gìn đức tin của nó.
Cầm ly nước trà hớp một ngụp rồi để xuống, ông Bảy Nên ngẫm nghĩ hồi lâu. Bấy giờ, bao nhiêu lý sự ông chuẩn bị để nói với ông sui tan biến hết. Ông ngẫm nghĩ những điều ông sui nói thật có lý. Đạo nào cũng tốt nhưng mình không được giành cho riêng mình. Mình có quyền làm điều này điều nọ cho cháu của mình thì mình cũng nên cho ổng làm gì đó chứ. Cháu của chung mà! Với lại, họ là đàng gái. Trong chuyện này, họ đã chịu thiệt nhiều rồi. Nhớ hôm đám cưới, vì cái lỗi chửa trước mà gia đình mình không cho chúng nó diện kiến ông bà. Lạ chưa, dù có chửa trước thì cũng là con cháu trong nhà. Tại sao mình lại không cho chúng hành lễ? Mình đã đích thân đi hỏi cưới nó cho con trai mình mà khi cưới lại không dám thừa nhận. Lỗi đâu phải chỉ tại mình nó. Lỗi của con trai mình, lỗi của chính mình. Bây giờ, mình lại chèn ép chúng nó, mình có nhẫn tâm quá không? Không được, mình thương cháu thương con mà. Đức Chúa Trời chẳng dạy mình phải biết đặt tình yêu thương lên trên hết sao. Ông bà tổ tiên là chuyện của ông bà. Bây giờ là chuyện bây giờ. Có thực mới vực được đạo. Mình phải làm sao để cho con cháu mình được hạnh phúc là tốt rồi. Nghĩ xong bấy nhiêu sự, ông đứng lên quả quyết.
- Thôi, anh sui! Tôi xin lỗi về những điều tôi đã làm. Tôi đã ngăn cản vô cớ làm cho con cháu đau khổ. Tôi nghe anh nói lọt tai lắm. Mặc dù tôi còn nhiều điều nghi hoặc. Nhưng tôi quyết định rồi. Anh cứ đưa cháu đi rửa tội. Hôm nào, anh đưa đi thì báo cho chúng tôi một tiếng. Chúng tôi sẽ có lễ mừng cho cháu. Cũng như hôm chúng tôi cúng đầy tháng cho cháu thì hôm rửa tội anh cũng để chúng tôi làm tròn bổn phận làm ông bà. Nhưng như anh đã nói, anh cũng đừng ngăn cản tôi dạy kinh bổn cho cháu của tôi nghen!...
- Dạ phải đó anh! Cháu của chúng ta chứ. Cháu cưng của chúng ta chắc là vui lắm...
- Cảm ơn Chúa của anh chị đi!... Không biết, hôm nay sao vợ chồng tôi dễ dãi quá nhỉ! Nói vui thôi... Anh chị cho chúng tôi xin lỗi nhé!
- Xong rồi anh chị à! Gia đình hai bên chúng ta giải hòa với nhau được quả là hồng phúc Chúa ban. Chúng tôi cảm ơn anh chị không hết mà…
Ngọc và Trân ngồi im thin thít trong buồng. Cả hai theo dõi cuộc nói chuyện của ba má chúng mà hồi hộp đến rụng tim. Trân nín thở cầu nguyện liên hồi. Ngọc cũng không khác gì người ngồi trên đống lửa. Nó mong sao chuyện này xong sớm và êm xuôi cho gia đình nó được yên ấm. Nó ngán lắm rồi cái khuôn mặt không có nụ cười của vợ nó. Nó không muốn bị vợ nó hất ra khi nó chạm vào con của nó. Nó không muốn Trân đau khổ và hờn giận nữa. Nó muốn hai đứa hạnh phúc như ngày trước. Nghe hai bên giảng hòa, mọi việc đã giải quyết êm xuôi, nó mừng húm. Nó ôm lấy mẹ con Trân khóc nức nở rồi nắm lấy tay Trân dắt ra phòng khách.
- Ba má ơi! Chúng con nghe hết rồi. Chúng con biết ba má hai bên đều yêu thương và lo lắng cho gia đình chúng con. Chúng con cảm ơn ba má nhiều… Đây, cháu đích tôn của cả nhà đây! Xin ba má đón nhận và yêu thương cháu như đã yêu thương chúng con.
- Ngốc nè! Yêu cháu hơn yêu con chứ...
Vừa nói ông bà Bảy Nên và Biện Sơn reo lên sung sướng. Ông Biện Sơn đỡ lấy Thiên Ân trong tay, hôn nó hồi lâu, mắt ông ươn ướt. Ông Bảy Nên và hai bà sui cũng vậy. Họ sung sướng hết sức, còn Trân thì chỉ biết khóc. Nó ôm má nó thật chặt.
- Anh chị sui ở lại dùng cơm với gia đình chúng tôi nghen! Tôi chuẩn bị hết rồi. Hôm nay, chúng ta phải ăn mừng vì sự hòa hợp của cả nhà chúng ta. Mời anh chị sui!
Trong bữa cơm trưa hôm ấy, mọi người đều cười vui, vì những hành động ngộ nghĩnh của Thiên Ân, vì nó sắp được rửa tội, vì cả nhà không còn nhìn nhau bằng ánh mắt buồn rầu. Mọi người vừa ăn vừa nghĩ về một tương lai tươi sáng.
Bên ngoài, trời vẫn nắng chang chang nhưng không còn oi bức nữa.
Post a Comment