Dùng văn chương để loan báo Tin Mừng
Nên duyên với thơ văn ngay từ khi còn là một cậu bé, nay linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh - Trưởng ban Mục vụ Văn hóa và Giáo dục giáo phận Qui Nhơn lại biến niềm gắn bó ấy thành công cụ rao giảng Tin Mừng, bằng cách tạo những sân chơi bổ ích để rèn luyện và kết nối giới trẻ.
BÚT DANH “TRĂNG THẬP TỰ”
Với cha Khánh, nguồn cơn đầu tiên nhóm lên lòng mến đời dâng hiến chính là cái nôi gia đình. Rồi theo năm tháng, mầm ơn gọi ấy dần được đắp bồi thêm qua những sự việc, con người mà cha ngẫu nhiên được trải nghiệm, tiếp xúc. Cha kể lại, khi còn nhỏ, có lần được tham dự thánh lễ tạ ơn do một linh mục mới được thụ phong chủ tế. Ấn tượng về vị mục tử trẻ lúc đó khiến cha lúc đó mới chỉ chừng 10 tuổi bắt đầu để ý đến đời sống tu trì. “Tiếp đó, một hôm đi trên một chiếc ghe để vào Tuy Hòa học. Chủ ghe mời ngồi ăn cơm với họ. Thấy tôi làm dấu trước khi ăn, họ (là người ngoài Công giáo) bèn hỏi tôi làm như vậy có ý nghĩa gì. Lúc đó, tôi trả lời không được. Sự việc này thôi thúc tôi tìm biết giáo lý nhiều hơn và nhen lên ước muốn mình có thể trở thành người giới thiệu Chúa đến cho mọi người”, cha chia sẻ. Từ những ấp ủ âm thầm ấy, đến năm 13 tuổi, cha vào Tiểu Chủng viện Làng Sông, mở ra một hành trình dài theo đuổi lý tưởng phục vụ của mình.
Cha Trăng Thập Tự (Võ Tá Khánh) |
Nhắc đến linh mục Võ Tá Khánh, không thể không nhắc đến cái tên “Trăng Thập Tự”, bút danh đã gắn với cha ngay từ những ngày đầu ở Tiểu Chủng viện. Ðến kỳ sinh hoạt làm báo tường, cha cũng đóng góp mấy bài thơ do chính mình sáng tác. Ðọc thơ cha, bạn bè chung lớp ghẹo: “Mày đừng có làm thơ, làm thơ không đi tu được đâu”. Trong lòng cha chợt bật ra một quyết tâm sẽ làm thơ và trở thành một linh mục. Từ ấy, bút danh Trăng Thập Tự ra đời với tâm niệm riêng là nghệ thuật (trăng) và đời tu (thập tự) không tách rời mà phải luôn song hành với nhau. Ðến lúc lên Ðại Chủng viện, cha Khánh cùng với mấy anh em mê văn thơ họp nhau lại thành một nhóm bút có tên “Niềm tin”. Trong những buổi gặp gỡ để chuyện trò, các chủng sinh trao cho nhau những bài thơ, tản văn mình viết trong cảm nghiệm đời tu, truyền cho nhau ngọn lửa đức tin cũng như khuyến khích nhau rèn luyện ngòi bút để loan báo Tin Mừng.
Hơn 40 năm linh mục đã đi qua, giờ nhìn lại, tên gọi “Trăng Thập Tự” dường như đã gói ghém được hết thảy hành trình của cha Khánh: vừa bước theo Chúa và rao giảng lời Người bằng nghệ thuật. Trong các sáng tác của mình, cha luôn nỗ lực đem hình ảnh Chúa, nếp sống đạo đến gần hơn với người giáo dân bằng cách dùng những lời thơ ẩn chứa nét dung dị, đời thường. Không chỉ dùng thơ để loan báo Tin Mừng, cha còn nối sợi dây liên kết giữa anh em chung mối quan tâm về văn thơ Công giáo và tạo một sân chơi để họ tìm tòi và phát triển khả năng.
Bộ sưu tập các sáng tác của nhiều tác giả Công giáo khắp nơi do Cha Trăng Thập Tự và các cộng sự thực hiện |
ÐẦU BẾP VĂN CHƯƠNG
Cuối năm 2007, khi được giao phụ trách mục vụ về văn hóa cho giáo hạt Bình Ðịnh, cha Khánh bắt đầu nghĩ đến kế hoạch làm sao để tìm kiếm và đào tạo mầm non văn thơ cho giáo phận. Cha trăn trở: “Tôi luôn lo người trẻ trong thời đại mới ít quan tâm đến việc đọc và viết, bởi họ có quá nhiều phương tiện giải trí vây quanh. Họ dần lãng quên nét đẹp của tiếng mẹ đẻ, của văn chương mà không biết rằng đó chính là một công cụ vô cùng hữu ích để mình có thể truyền rao Tin Mừng đến nhiều người. Thêm vào đó, ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trong thơ văn thực sự còn quá ít. Ngoảnh đi ngoảnh lại hình như chỉ thấy một khuôn mặt tiêu biểu là Hàn Mặc Tử. Vì thế, tôi luôn muốn ươm mầm cho những tài năng trẻ, đồng thời có thể đồng hành với các em trong việc trau dồi tiếng Việt ngày một tốt hơn”.
Cha Khánh đã từng bước tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác. Những cuộc thi này như mảnh đất màu mỡ để các hạt giống gieo vào đó và cứ thế nảy mầm. Từ giải văn thơ cho thiếu nhi lớp giáo lý mang tên “Ðặng Ðức Tuấn, giải xướng họa trên mạng” đến giải “Viết văn đường trường” dành cho các tác giả trưởng thành đều là những dấu ấn ghi lại sự cố gắng của cha trong nỗ lực phát triển mảng văn thơ Công giáo. Nay, giải Ðặng Ðức Tuấn đã bước sang năm thứ 9, còn Viết văn đường trường đã tổ chức đến năm thứ 6. Bước một quãng đường dài như thế, hai cuộc thi này lại là nguồn cảm hứng hình thành nên lần lượt các tuyển tập, được phát hành định kỳ là Hoa Biển và Mục Ðồng. Ban đầu, các tập san chỉ ra đời với mục tiêu tạo môi trường sinh hoạt cho những tác giả đã từng tham gia thi. Thế nhưng, sau khi phát hành được mấy số, cha Khánh nhận ra đây cũng là kho tư liệu giúp các bạn trẻ Công giáo có thể rèn luyện ngòi bút. Mặt khác, khi tuyển tập đến được với bạn đọc, thì những tác phẩm trong đó cũng giúp họ tiếp cận phần nào đến đời sống đạo.
Các tuyển tập từ giải Viết Văn Đường Trường và tập san Mục Đồng do Cha khởi xướng |
Bên cạnh phát triển năng khiếu trẻ, cha Khánh còn chú ý đến những tác giả xưa mà hầu hết đều đã gác bút. Trước đây, có một quãng thời gian, cha cùng các anh em trong ban văn hóa đi sưu tầm lại thơ của các tác giả Công giáo. Cha lặn lội đi tìm, xin lại các tác phẩm của họ, sau đó về nhờ người chép tay lại thành tập thơ hoàn chỉnh. Ðặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mặc Tử, cha đã nảy ra ý tưởng thực hiện một bộ sưu tập gồm 5 quyển với tên gọi “Có một vườn thơ đạo”, bao gồm 140 tác giả từ cột mốc năm sinh Hàn Mặc Tử (1912). Ðúng vào ngày kỷ niệm ngày sinh nhà thơ, cũng là khi 4 quyển đầu tiên trong bộ sưu tập kịp phát hành, các tác giả đã hội tụ về Qui Nhơn để gặp nhau. Buổi gặp gỡ thân tình ấy đã đem lại niềm vui lớn và có lẽ ít nhiều khơi lại nguồn cảm hứng viết lách của họ.
Có người biết công việc của cha Khánh đã dí dỏm ví ngài giống như người “đầu bếp văn chương”, luôn tận tụy chế biến “thức ăn tinh thần” phục vụ mọi người.
Ngồi trò chuyện với cha nơi văn phòng làm việc trong ngày tập san Mục Ðồng số 4 sắp sửa phát hành, chúng tôi càng cảm nhận rõ mối ưu tư cha dành cho công việc hiện tại. Chị Nguyễn Ngọc Thanh Hiền, thư ký tuyển tập Mục Ðồng nói: “Dầu rằng sức khỏe nhiều khi cũng trở chứng nhưng cha vẫn làm việc không kể khuya sớm, giờ giấc”. Dường như đối với vị mục tử này, miễn là được phục vụ, được cống hiến thì vất vả, gian nan đều không đáng kể.
THIÊN LÝ
(Theo cgvdt.vn)
Post a Comment