NGÀY VỀ - Phaolô Trần Văn Sơn (Phú Thọ)
NGÀY VỀ
Phaolô Trần Văn Sơn (Phú Thọ)
Sau 5 năm xa quê, trong lòng anh lúc nào cũng mang nặng nỗi nhớ bố mẹ, nhớ những bữa cơm gia đình… Hôm nay trở về, anh mang theo bao nỗi niềm khắc khoải, sao đường về lại xa đến vậy? Bước đi trên con đê làng, đôi chân anh có lúc nhanh thoăn thoắt nhưng có lúc chẳng hề muốn bước, bởi biết bao suy nghĩ ùa về trong tâm trí anh: Không biết bố anh có đón nhận anh không? Mọi người xung quanh sẽ nhìn anh như thế nào?... Anh đưa mắt nhìn con sông đỏ nặng phù sa vẫn lặng lẽ trôi, mang theo bao nỗi buồn vui của kiếp người.
Thế là sắp được trở về ngôi nhà thân thương bao năm xa cách. Mọi cảnh vật chẳng thay đổi là bao, ngôi nhà thờ vẫn mang nét đơn sơ, cổ kính thưở ấy. Chính nơi đó, anh cảm nhận được hương vị của sự bình an, của sự thánh thiện. Anh đứng lặng nhìn qua những song cửa gỗ, sâu vào bên trong, anh như bị cuốn hút bởi những tiếng gọi thì thầm. Là tiếng Chúa sao?
Ngước mắt nhìn lên thánh giá Chúa, Ngài vẫn giang tay chờ đón, như muốn ôm anh vào lòng. Như người cha ôm con nâng đỡ, ủi an, vỗ về khi con vấp ngã. Anh vẫn lặng thinh, ngắm nhìn Chúa đang giang tay trên Thập Tự và hồi tưởng lại quá khứ…
* * *
Năm ấy, anh bỏ nhà đi chỉ vì hiềm khích với bố. Bố anh, ông ấy là một người rất gia trưởng, khó tính. Gọi là “đạo gốc” nhưng chẳng sống đạo bao giờ, những việc đơn giản là làm dấu thánh giá, cái nghĩa cử cao đẹp ấy chẳng biết đã bị ông lãng quên từ bao giờ? Chắc có thể là sau gần 20 năm lam lũ vất vả vào Nam ra Bắc kiếm sống, vì thế mà đời sống đạo của ông đã bị “bụi trần” phủ lấp!
Bố anh trở về sau những ngày vất vả ngược xuôi, tưởng chừng cuộc sống sẽ êm đềm, nhưng rồi mọi thứ đã đổi thay. Ông chẳng muốn mẹ con anh đi lễ, hay đi nhà thờ đọc kinh nữa, vả lại ông cũng không bao giờ muốn ai nhắc đến Chúa trước mặt mình! Có ai khuyên ông đi lễ, thì ông nói: “Đạo tại tâm, việc gì phải đi đâu!”
Cứ mỗi khi mẹ nhắc nhở các con phải sống đạo cho tốt, đêm ngày phải phó thác cậy trông vào Chúa, vào Đức Mẹ, xin Ngài ban ơn nâng đỡ cho gia đình mình, cho công việc học tập nữa, thì bố thường khó chịu, quát tháo khi nghe những lời ấy của mẹ: “Chúa nào ban cho chúng mày… Không làm lấy gì đổ vào mồm”. Mẹ anh biết ý chẳng muốn nói lại, im cho xong chuyện, nói ra thì lại thêm cãi nhau. Có những lúc mẹ con anh đi lễ, ông lại có những câu nói đay nghiệt: “Mẹ chúng mày! Đi cho lắm vào, ngày nào cũng đâm mặt đi, nhà người ta giàu có thì người ta mới đi, nhà mình nghèo thì đâm mặt đi làm gì!”…
Nỗi buồn lúc nào cũng hằn sâu trên gương mặt mẹ, mẹ anh chỉ biết cầu xin, dâng lên Chúa người chồng cứng đầu, cứng cổ này. Lắm lúc mẹ cũng phải nói lại vài lời cho ông ấy hiểu: “Không có Chúa ban ơn thì lấy đâu ra sức khỏe mà làm việc, mà có công ăn việc làm ổn định?”… Nhiều lúc quá buồn, anh chỉ muốn xin Chúa một điều: “Lạy Chúa, xin Chúa cho bố con ‘ngã ngựa’ một lần như ông Phaolô trên đường đi Đa-mát. Để bố con quay về nẻo chính đường ngay”…
Ngày giáo họ anh chầu Thánh Thể thay giáo phận, mọi người ai cũng vui mừng háo hức đi chầu Chúa. Anh cũng muốn đi vì đã bao lâu anh không được tham dự một giờ chầu Thánh Thể vì sự cấm đoán của bố, anh “thèm”, anh “khao khát”. Anh ngỏ ý xin bố nhưng ông ấy không đồng ý. Nhưng rồi anh đã bỏ mặc sự ngăn cấm ấy. Tan chầu trở về, một sự giận dữ hiện lên trên khuôn mặt bố:
- Ai cho mày đi lễ? Tao bảo mày ở nhà cơ mà! Bố mày làm bục mặt ra mà mày còn đâm mặt đi à!
Sau những lời cáu bẳn, với tính khí tự nhiên bố anh lại có những hành động thô tục. Nỗi căm giận, uất ức bỗng dâng trào bên trong con người anh như giọt nước tràn ly. Anh muốn nói ra hết những tâm tư suốt những ngày bị dồn nén:
- Bố không đi lễ thì để mẹ con con đi, bố đừng sống ích kỉ như thế… Bố nên nhớ mình là người có đạo đấy!
Những đường gân trên khuôn mặt bố nổi hằn lên trong sự tức giận:
- Đồ mất dạy! Mày dám lên mặt dạy đời tao à? Tao là bố mày hay mày là bố tao hả? Biến … Cút khỏi nhà tao… Tao không có đứa con như mày.
Tại sao trong giây phút này anh lại căm giận ông đến như vậy, anh nghĩ anh không thể sống trong gia đình có một người cha như thế. Anh biết anh ra đi mẹ anh sẽ vất vả, nhưng anh nghĩ dù sao đó cũng là sự chọn lựa của riêng anh.
* * *
Những ánh nắng le lói, xuyên qua những kẽ lá của những hàng cây ven đường, Sài Gòn rộng lớn mĩ lệ là thế! Những tòa nhà san sát cao ngất ngưởng, dòng người, xe cộ cứ nối đuôi nhau trên những con phố…
18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, anh đặt những bước chân ngập ngừng, bước từng bước lạ nơi đất khách quê người. Trong cái nhìn mới, anh đã ấn tượng với cuộc sống nơi thành phố nhộn nhịp và tấp nập này. Anh biết mình phải tự lập, phải đi làm để kiếm sống, và anh cũng nhanh chóng tìm được việc làm. Công việc của anh lúc thì phục vụ quán ăn, lúc thì đi bán hàng hay làm cửu vạn… Cuộc sống nơi phồn hoa xô bồ, dần biến anh trở thành con người khác. Anh nghĩ cuộc sống như thế sẽ làm anh quên đi hết mọi chuyện, nhưng không, cuộc sống ấy càng làm anh mệt mỏi, chán ngán. Biết bao lần, nỗi nhớ nhà ùa về khi màn đêm buông xuống. Anh biết chính cái tôi, cái sĩ diện, cái nông nổi bồng bột của tuổi trẻ nó đã đưa anh đến đây.
Những ngày xa nhà, anh hứa với lòng mình sẽ cố gắng kinh nguyện, đi lễ hằng ngày. Nhưng điều ấy chỉ như ánh nến vừa thắp lên đã bị gió làm vụt tắt. Mọi cám dỗ như mây mù giăng lối, bao quanh cuộc đời anh. Ngày đi làm kiếm tiền, đêm lại đi nhậu nhẹt với bạn bè, hay cùng bạn bè đua xe thâu đêm cho quên đi những đắng cay, uất hận mà anh phải chịu. Anh lao vào đời bằng những sự tình cờ theo lời mời gọi của chúng bạn. Chúa đâu còn trong tâm trí anh nữa!
Sau cái đêm ngộ độc rượu suýt chết, anh mới nhận ra rằng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy anh đã không còn nhận ra mình nữa. Thế anh mới hiểu ra và cảm thông cho bố suốt mấy mươi năm xa nhà. Anh chỉ muốn nói lời xin lỗi bố anh ngay lúc này. Ngước lên nhìn thánh giá Chúa nơi căn phòng trọ chật hẹp, anh sực tỉnh là đã bao lâu mình chưa đi lễ, chưa xưng tội, đã bao tháng ngày mình bỏ kinh nguyện sáng tối… “Lạy Chúa lòng lành vô cùng… Mình còn là người Công giáo nữa không? Lạy Chúa, con xin lỗi, sao con lại bỏ Chúa một cách phũ phàng đến như vậy... Chẳng lẽ tiền tài, thú vui nó đã chôn vùi con người đạo đức của con ngày xưa rồi sao?”… Những dòng nước mắt đang lăn dài trên khóe mắt, tâm trí anh dần được hé mở, anh cảm thấy nơi con tim có gì đau nhói.
Đã lâu, anh không còn nghe tiếng chuông nhà thờ giữa lòng thành phố, nhưng hôm nay tiếng chuông ấy vang lên như xé tan cõi lòng anh. “Thiên thần” và “ác quỷ” đang đấu tranh dữ dội trong tâm hồn anh. Anh chợt nhớ lại câu nói mà cha xứ anh đã nói với anh, khi anh còn là tu sinh: “Hãy nhìn lên đừng nhìn xuống, trên kia mới có vinh quang vĩnh cửu, dưới này chỉ toàn phù vân”.
Anh cảm nhận thánh lễ hôm nay khác hơn những thánh lễ khác. Anh đến sớm hơn, quỳ thật lâu trước nhan thánh Chúa để “nhìn lại mình”. Anh muốn được “gột rửa” lại tấm áo cuộc đời sau bao ngày sa ngã. Trong thánh lễ, cha chủ tế mời gọi mọi người suy nghĩ về hình ảnh người con thứ và người cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu. Hai hình ảnh ấy đã xoáy sâu vào tâm trí anh làm toàn thân anh bủn rủn. Anh suy ngẫm về những lời cha nói: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn yêu thương con người ngay khi còn là thù địch với Ngài”. Hình ảnh người bố hiện lên trong tâm thức, ngay lúc này anh muốn cất bước trở về bên người bố thân yêu.
Thánh lễ kết thúc, anh nhanh chân tới gặp vị linh mục để chia sẻ về những điều anh đang gặp phải trong suốt năm tháng qua. Sau cuộc gặp gỡ, anh cảm thấy bình an nơi tâm hồn với lời khuyên: “Con hãy trở về, vì cha con vẫn chờ con. Đừng cứng đầu nữa… Mà cha thấy nơi con có nét gì đó ‘chân tu’ lắm!”. Những lời nói ấy như đập mạnh vào cánh cửa tâm hồn, làm bừng dậy cái ước mơ trở thành linh mục hồi nhỏ, với mong ước đem nhiều người như bố trở về với Chúa. Những ánh sao trên bầu trời đêm nay bỗng lung linh huyền diệu như đang soi dẫn cuộc đời anh.
* * *
Những hàng cây bằng lăng bên hông nhà thờ vẫn lặng yên, đâu đó chỉ có những tiếng chim mẹ gọi con da diết. Trong sự tĩnh lặng chỉ mình anh với Chúa, anh gục đầu, nước mắt lại ứa ra. Tâm trí anh đang rối bời: Anh không biết phải đối diện với bố ra sao? Anh không biết mình còn đủ can đảm để mở lời, không biết bố có đón nhận anh không ?… Tiếng sụt sịt của ai đó làm anh giật mình. Ngước nhìn lên, anh thấy phía hàng ghế đầu, ngay trước tượng Lòng Chúa Thương Xót, một người đàn ông tóc đã bạc đang quỳ gối, hai tay ôm mặt thì thào trong nước mắt: “Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cho nó trở về với con”… Anh nhướn mắt, cố nhìn bóng người đó. Có lẽ người đàn ông không để ý đến anh đang ngồi nép mình đằng sau chiếc cột nhà thờ. Càng cố nhìn, anh càng nhận ra dáng dấp kia quen thuộc… Anh chợt sững người: Là bố anh! Anh không thể tin vào mắt mình nữa. Anh như muốn đưa tay ra để chạy đến ôm lấy bố nhưng không dám.
Những cơn mưa bất chợt đến, làm cho không gian trở nên tù túng. Những lời rì rầm trong nước mắt của bố khiến lòng anh rân rân. Anh nhẹ đứng dậy, rón rén bước đến sau lưng ông, lấy hết can đảm, khẽ cất lên một tiếng: “Bố!”… Người cha giật mình quay lại, ông sững người khi thấy đó là anh, bất giác ông thốt lên: “Nam… Nam… Con đã về rồi sao?” . Nước mắt ông ứa ra, ông vòng tay ôm lấy anh. Anh dường như chết lặng… Những dòng lệ tuôn rơi hòa với dòng chảy của đất trời đã xóa tan đi những hờn giận của lòng người. Nam quỳ thụp xuống, nghẹn ngào trong tiếng nấc:
- Bố ơi! Con xin lỗi… Con đã sai…
- Không ! Bố xin lỗi vì bố cũng sai… Chỉ vì bố… bố… không hiểu về Chúa… Nhưng từ ngày con đi bố đã hiểu…
Cơn mưa nay đã ngớt, nhường chỗ cho những ánh nắng vàng tươi mới. Những chú chim lại vươn mình bay trên khoảng trời xanh bao la.
Post a Comment