CUỘC ĐỜI NÀY ĐÂU ĐÃ HẾT NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP - Têrêxa Quỳnh Dao (Hội Dòng MTG Huế)
CUỘC ĐỜI NÀY ĐÂU ĐÃ HẾT NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
Têrêxa Quỳnh Dao (Hội Dòng MTG Huế)
Reng reng, reng reng...
Nghe tiếng chuông báo nghỉ giữa giờ, động cơ máy dệt nhỏ dần rồi im bặt, thay vào đó là tiếng người lao xao. Vác trên vai cuộn vải 50kg, Lép cũng thả xuống khi nghe hiệu lệnh, và đi đến gốc cây quen thuộc bên sông. Ở đó, những chiếc thuyền chở hàng cũng vừa rời bến.
Bên kia sông có nhóm trẻ con đang tắm. Ngụp lặn, quẫy nước… Có tiếng gọi, chúng lên bờ nhưng cũng vội khoát văng lên nhau những vạt nước rồi ù té chạy. Bóng người đã khuất dạng mà tiếng cười vẫn còn vọng lại, dội xuống dòng sông, chạm đến kí ức của Lép, của một đứa trẻ mới bước vào tuổi trung học hôm nào…
* * *
Cúc cu, cúc cu...
“Lạ thật đấy! Đã hẹn nhau đi câu cá, vậy mà tới giờ vẫn không thấy thằng Phát đâu, hay tại ba nó không cho đi?”- Lép nghĩ.
Cúc cu, cúc cu...
“Lép phải không? Vào đây đi em!”- Tiếng lạ từ nhà vọng ra.
“Ai thế nhỉ?”- Lép chui qua hàng rào rồi vào nhà. Gọi là hàng rào vậy thôi, chứ tụi thằng Lép vẫn chui qua chui lại hoài; chơi trốn tìm, bắt bươm bướm quanh cái hàng rào được tạo thành từ những cây dâm bụt. Mùa hoa nở lại thêm cái thú vui hái hoa, giơ lên miệng và hút lấy chút mật ngọt ngọt thanh thanh.
Phát vẫy Lép lại gần:
- Chị tao đi tu, về nghỉ hè hai tuần. Chị bắt tao học xong mới được đi chơi.- Phát thì thầm.
- Chào Lép!- Chị bước ra và đưa cho Lép cuốn tập cùng cây bút mới toanh- Nghe nói năm nay em lên lớp 6, học một chút rồi hai đứa đi chơi nghe…
Nhẹ nhàng, êm ái đến đau lòng! Vậy mà một đứa nhác học như Lép không hề muốn kháng cự, nó ngồi hiền và khẽ đáp: “Dạ”. Rồi cũng cung giọng nhẹ êm ấy đưa tất cả những đứa trẻ trong xóm thành một lớp học có một không hai: 15 học sinh từ mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 6; với đầy đủ những xếp loại giỏi, khá, và trung bình. Lép vẫn luôn tự hào về thành tích nhiều năm liền là học sinh “tốt bụng” (tb- tức trung bình)!
Cả xóm đều vui vì lũ trẻ giờ đây được qui tụ về một nơi, sạch sẽ, và giảm bớt sự la hét của cả người lớn lẫn trẻ con. Ba mẹ Phát người vui người buồn. Ba thì: “Con về có hai tuần mà làm gì vậy con? Có được ích gì đâu? Quậy quá là ba đuổi hết à nghe!”. Mẹ thì bữa trái ổi, lúc nồi chè đậu xanh mát ngọt. Mẹ còn tuyên bố sẽ cho lớp học hai chú vịt để chị làm “bữa tổng kết”.
Chị thấy vui vì không phải mình truyền đạt kiến thức, nhưng là sẻ chia một chút gì để các em có thể tự do vẽ lên những ước mơ, một chút gì để có thể tự tin đứng trước đám đông giới thiệu tên mình, quê mình, đất nước mình; để thấy rằng Tiếng Anh là môn học không quá khó như bao đứa trẻ cùng thời chị vẫn hằng sợ hãi... Cũng chỉ đơn giản là góp thêm nhánh củi cho “ánh lửa tương lai” được khơi lên nơi làng quê thân yêu này.
Lép thấy vui vì từ nhỏ đến giờ chẳng ai khích lệ nó như chị, nó có thể thỏa sức ghi ước mơ trở thành thầy giáo mà không sợ bị cười chê. Và nó sẽ không ngờ rằng đến một lúc nào đó trong đời, nó sẽ nhớ đến lớp học ấy, và nghiệm ra rằng: Có một ai lắng nghe mình trong cuộc đời này thật tốt biết bao!
Cứ thế, mỗi lần chị nghỉ Hè, nghỉ Tết, lớp học tự động qui tụ. Mấy đứa trẻ ngóng chị về vì chị luôn có những thứ mới lạ từ thành phố: Hình dán mặt cười khích lệ, chuỗi hạt đeo tay có màu mình yêu thích được “đặt hàng” trước, những cây bút bi, bút chì ngộ nghĩnh...
Mẹ của chị nuôi thêm con vịt, con gà để “xem như mẹ ủng hộ lớp học”. Ba thì cười trừ: “Chắc ba phải xin vào học để được mẹ chăm sóc như thế!”
Lép và em gái- đứa em gái đã cặp tập vở vào nách sang nhà chị mà hỏi: “Chị có dạy mẫu giáo không?”- luôn đứng ở cửa mỗi khi trời chập choạng tối, để khi nghe chị gọi: “Lép ơi, Tuyền ơi… đi lễ”, là cả hai anh em chạy ào ra.
Đường đến nhà thờ luôn luôn vui vì ở đó có người hỏi Lép: “Em có muốn đi tu không?... Hôm nay có gì vui buồn kể chị nghe với?”. Lép kể cho chị nghe hôm nay mình bắt được bao nhiêu cá, bán được thế nào; kể rằng anh Hai đã nghỉ học để phụ mẹ làm việc nhà, rằng ba mẹ cãi nhau... Lép có thể kể mà không hề sợ, dẫu nó chẳng biết mình sợ điều gì.
Rồi một năm chị không về. Phát nói chị vào “nhà tập” gì gì đó.
Đường đến nhà thờ giờ chỉ có hai anh em. Lép muốn khoe với chị là sẽ thi vào cấp 3 trường X, trường này chỉ học sinh khá trở lên mới dám thi.
Đường đến nhà thờ không có tiếng vọng lại nhưng Lép thấy ấm áp vô cùng. Lép muốn trả lời “có” cho câu hỏi của chị hôm nào.
Cũng năm đó mẹ Lép rời bỏ làng lên phố làm ăn, mang theo mọi đồ dùng trong nhà. Ngôi nhà nhỏ lại thêm trống vắng. Bốn anh em Lép lóng nga lóng ngóng, đứa em gái khóc khan đòi mẹ.
Ba Lép đi làm về. Lặng người. Rồi cả mấy cha con trở về nhà nội, nơi đó giờ ông bà đã ngoài tám mươi. Nếu ngày chuyển về cách đây hơn 4 năm ngập tràn niềm vui và biết bao dự định của ba mẹ, thì ngày hôm nay ra đi, Lép sợ không có ngày về.
Đường đến nhà thờ năm đó vắng bóng người…
Ngày Lép đi tìm mẹ vì đói, mẹ cho nó mười ngàn. Lép mua cho em gái một chiếc bánh, Lép một chiếc. Chẳng hiểu sao ba Lép biết chuyện, đánh một trận nhừ tử: “Mày mà gặp mẹ mày một lần nữa thì cút!”
Phát đến thăm và mang theo lời nhắn: “Chị đang đi giúp xứ, sẽ có cách giúp Lép. Đừng bỏ học”. Sẽ không kịp, Lép biết như thế nhưng vẫn thấy ấm áp. Cuối năm ấy ba và mấy anh em Lép vào Nam bốc vác, chỉ em gái ở lại với ông bà.
* * *
- Lép à, vào nhà đi em. Chị để dành cho em cái này nè…- Chị vừa nói vừa mang ra hai chén gì đó.
- Em nghe nói chị đã khấn dòng… Mà sao chị biết em sẽ đến?- Lép đáp lại.
- Đơn giản là chị biết thôi...- Chị nháy mắt- Ăn đi em!
- Thạch rau câu khoai môn, em thích món này lắm đó. Chị mang từ thành phố về phải không chị?
- Món thành phố đãi người thành phố.
Thế rồi hai chị em cứ nói hết chuyện này sang chuyện khác, cứ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Đường đến nhà thờ hôm ấy lại thấy bóng người.
- Nhà nội nhà ngoại em bây giờ ai thấy “bà ấy” cũng đánh đuổi. “Bà ấy” cũng tìm gặp em nhưng bây giờ em khôn rồi, không đòi tiền em được đâu!- Vừa đi Lép vừa kể.
Với giọng nhẹ êm hôm nào, chị nói: “Nếu là em, chị chẳng biết phải làm thế nào. Dù sao thì đó cũng là người đã sinh ra em...”
* * *
Reng reng, reng reng...
Tiếng chuông báo hiệu hết giờ nghỉ giải lao.
Lép đi lên, bốc cuộn vải và tiếp tục bước đi…
“Chị biết không, những ngày đầu em đau ê ẩm cả người, những tưởng mình chẳng thể tiếp tục được. Vậy mà đến nay đã hai năm rồi, giờ thì em bốc vải nhẹ nhàng lắm.
Em muốn khoe với chị là em đã bắt đầu đi học ở lớp bổ túc ban đêm, nơi chị đã giới thiệu cho em. Và trong lời cầu nguyện của em bây giờ, đã có hình ảnh của mẹ...”
Câu nói ấy và lời nguyện ở hai khoảng không gian khác nhau cùng bay lên trong khói chiều.
Cuộc đời này đâu đã hết những điều tốt đẹp.
Post a Comment