LỜI KINH CỦA MẸ - Anna Lê Tuyết (Hội Dòng MTG Qui Nhơn)
LỜI KINH CỦA MẸ
Anna Lê Tuyết (Hội Dòng MTG Qui Nhơn)
Thánh lễ xong mà trời vẫn chưa sáng hẳn, còn sớm, nó nán lại trong nhà thờ thêm vài phút để viếng Chúa chứ hôm nay phải cả ngày trên xe...
Sân nhà thờ đầy người, họ tụm năm tụm ba “tám” chuyện. Chuyện ở đâu mà nhiều thế, mới sáng sớm, mới xong thánh lễ chứ nhiều nhặn xa xôi gì! Nó bị chia trí vì những giọng nói vọng vào nhà thờ trong không gian yên tĩnh. Chuyện ai đó không còn tu nữa, đã “cởi áo dòng”… trở nên “hot” nhất trong mớ thông tin đầu ngày.
Mấy hôm nay mẹ nó không đi lễ, vắng bà trong nhà thờ cả tuần nay càng làm cho câu chuyện thêm nóng sốt hơn, và đáng tin hơn.
... Về đến cộng đoàn nó gọi điện báo tin cho mẹ, nó đã về đến nhà bình an. Bà vẫn chưa khỏe hẳn, giọng khàn đục: “Tạ ơn Chúa đã dẫn đưa con đến nơi bình an”.
- Nhưng, nhưng… Con về nhà dòng thật chứ?
- Dạ, con về nhà dòng chứ đi đâu, thưa Mẹ!
Nó cảm thấy có điều gì không ổn trong lòng. Sao mẹ lại hỏi như thế? Mẹ biết con của mẹ hơn bất cứ ai mà…
- Có chuyện gì hở mẹ?- Nó hỏi lại.
- Có chuyện mẹ mới nói chứ!- Giọng của mẹ mang âm điệu buồn buồn.
Sáng nay, con đi được một lúc, mấy bà mẹ trong hội đến thăm mẹ, xem tình hình ra sao. Mấy bà nói: Con bà “bỏ tu, cởi áo dòng”, bà buồn quá hay sao mà cả tuần nay bà không đi lễ?
Có thật vậy không con? Con giấu mẹ sao?...Tối kia con về thăm mẹ, mẹ mừng tưởng con đi công chuyện, tiện đường ghé thăm mẹ như mọi lần. Lần này con bỏ tu thật hả con? Con không còn tu nữa sao?
Tôi nghe thật rõ giọng của mẹ khàn khàn, cộng thêm âm thanh của tiếng sụt sùi nước mắt trong điện thoại. Tim tôi như nghẹn ứ. Ai lại có cái suy nghĩ, phán đoán ác nghiệt đến thế! Tôi có bỏ tu, cởi áo dòng gì đâu! Sao lại dựng chuyện, làm cho mẹ tôi đau khổ?
“Sáng may ma-sơ đi lễ trong bộ complet, thấy sơ không mặc tu phục nên... suy nghĩ, đồn đoán như vậy”. Hèn gì mà lúc đi ngang qua mấy bà đứng cạnh tháp chuông, nó cúi đầu chào, các bà đáp lại nó bằng mấy cái “lườm nguýt”.
- Mẹ, vì mấy ngày qua di chuyển nhiều nơi, áo dòng con “bị nhớp”, con giặt chưa kịp khô, con mặc đồ thường đi lễ... nên mấy bà hiểu lầm.
- Thật dzậy không con?
- Thật chứ mẹ! Con mặc đồ tây đi lễ sáng nay.
- Dzậy mẹ phải nói sao với mấy bà trong hội? Mẹ minh oan cho con sao đây?
Thương mẹ quá! Tại sao các bà mẹ kia lại đối xử với mẹ như thế!
Tại sao các bà lại xét đoán một sự việc chưa biết rõ nguyên nhân thực hư thế nào cơ chứ! Tiếng đồn thổi nó “cởi áo dòng” không chỉ ở trong hội này mà lan nhanh ra cả xứ. Không biết mẹ nó phải đối diện sao với vụ tai tiếng này đây?
Nó thầm trách mình trong lòng cùng với một quyết tâm mãnh liệt.
Mẹ ơi, con đang tu nè, con sẽ tu, tu thật tốt. Mẹ đừng bận tâm chi đến lời ra tiếng vào, cứ để thời gian trả lời tất cả. Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, mau khỏi bệnh và tiếp tục sống bình thường mỗi ngày, tham dự thánh lễ và lần thêm chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho chúng con như mẹ vẫn làmlà đủ rồi. Đừng thanh minh cho con, không nói gì thêm về con với các bà mẹ ấy. Mẹ khỏi tham gia hội nhóm là xong...
* * *
Mấy bà “nhiều chuyện” thật, “áo dòng không làm nên thầy tu”, “đi lễ không mặc áo dòng như thế có phải là bỏ tu đâu!”… Nó bị chi phối, nghĩ ngợi nhiều về việc nó không mặc tu phục khi dự lễ ở quê nhà khiến mẹ nó đang khổ tâm, nhiều người xóm giềng cho là nó bỏ dòng, đã cởi áo nhà tu... Nó phải làm gì để minh chứng cho mọi người trong giáo xứ biết là nó còn tu, bởi phải cả năm nữa vào dịp nghỉ phép nó mới về quê. Cả năm mẹ nó phải chịu đựng để người ta nói con bà “ăn lừa gạt” cơm nhà Chúa sao!
Nó lại gọi về cho mẹ, có chút trách móc cho rằng mấy bà trong hội “tám” quá đáng… như để an ủi mẹ, nhưng mẹ nó gạt phắt đi: “Các mẹ ấy không sai, không lắm chuyện hay thích phán đoán gì đâu! Có khi con đã làm cớ, nữ tu phải mặc áo dòng chứ! Hồi giờ con vẫn mặc áo dòng, tự dưng hôm đó không mặc áo dòng, lại mặc đồ hàng hiệu… Con không nên bực bội vì cách bàn tán và nhận xét của các bà ấy”.
Con biết rồi đó, các gia đình trong giáo xứ mình hạnh phúc, có được nhiều người dâng mình cho Chúa trong đời tu là nhờ các bà, các bà cầu nguyện nhiều cho mọi thành phần con cái trong giáo xứ. Hội các bà đã làm được nhiều việc tông đồ cho Chúa, cho giáo xứ, giúp đỡ cho các gia đình trẻ gặp khó khăn đó, con không biết sao?
Nhưng con vẫn thấy các bà “nhiều chuyện”!
Không phải thế, Con không nên bực bội, khó chịu vì chuyện đã qua... Chuyện đã qua mẹ chịu đựng được, mẹ không thanh minh, không nói gì thêm nhưng mẹ vẫn tham gia hội để gia tăng lời cầu nguyện cho các con.
Còn con, đã là “nữ tu” hãy nhớ trân quý tu phục của mình, không thể viện lý do này khác để không mang tu phục, để mang một thứ đồ khác, khác với “áo cưới” của mình. Con biết rồi đó, truyền thống tốt đẹp của xứ mình rất trân trọng linh mục, tu sĩ… Tu sĩ, linh mục không nên làm điều gì khác thường khiến bà con giáo dân thất vọng...
Dạ, con hiểu!
* * *
Và lúc này, mỗi dịp trở về với gia đình, thăm lại giáo xứ, là mỗi lần nó được khích lệ đỡ nâng, được hâm nóng lại ý muốn và quyết tâm sống đời thánh hiến, với lời kinh tha thiết mà các bà mẹ dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày cho con cái mình: “Xin Cha hãy lắng nghe những người mẹ đang tha thiết cầu xin cho các con thân yêu của chúng con. Những đứa con nguội lạnh xa Chúa, xin đưa chúng trở về... Những đứa con dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, xin cho chúng được ơn bền đỗ đến cùng”. Lời kinh ấy như động lực giúp nó bước đi vững vàng, yên tâm lội ngược dòng đời trong ơn gọi tu trì. Bên cạnh nó có các bà mẹ luôn ngày đêm cầu nguyện xin ơn trợ giúp. Một mình nó không thể sống trung thành với đời tu trì tận hiến, nó rất cần lời cầu nguyện của mọi người.
Lời kinh trầm lắng nơi quê nhà sớm chiều của mẹ, cho nó thêm niềm vui và nghị lực trên con đường nó đang đi. Nó không còn nhớ hay bực bội gì nữa về cái chuyện xầm xì nhỏ to nó “bỏ tu” năm nào, mà vẫn luôn thầm cám ơn mẹ nó, nhớ ơn các bà mẹ trong hội. Những hiểu lầm, có làm nó tổn thương đôi chút, nhưng nhờ đó giúp nó “chỉn chu” hơn trong phong cách của một tu sĩ ở mọi nơi mọi lúc. Những hoạt động trong chương trình mục vụ của nó lúc này là trãi nghiệm một thời ấu thơ nơi gia đình giáo xứ, hòa quyện với lời kinh của mẹ nơi quê nhà yêu dấu, làm nên sứ mạng Tông Đồ mà Thiên Chúa mời gọi nó trong hành trình cuộc sống.
Cầu mong hồi chuông nơi xứ đạo thân yêu luôn vang vọng, cho lời kinh của mẹ mỗi sáng sớm hay khi đêm về vẫn luôn tha thiết, cho niềm tin thêm vững vàng mạnh mẽ, cho tấm lòng thành mãi mãi kiên trung...
Post a Comment