Header Ads

Tạp bút: Quảng đại hiến dâng

hình minh họa

Quảng đại hiến dâng 


Gọi điện thoại về nhà gặp mẹ, nó hỏi: “Mẹ có khỏe không?”. Đầu bên kia là tiếng mẹ rất khẽ: “Mẹ khỏe lắm con ạ”, khẽ đến mức một cơn gió xào xạc trên cành lá cũng át hẳn tiếng mẹ. Dù đã được chị gái nhắn là mẹ đang bệnh, nhưng nó vẫn nén nổi đau để không làm mẹ phải buồn, cười đáp lại: “Tạ ơn Chúa vì mẹ vẫn khỏe”. Rồi sau đó là hằng loạt những câu hỏi mà mỗi khi nó gọi điện về nhà mẹ đều hỏi nó: Nào là… “Con khỏe không? Học hành tốt không con? Các chị em trong nhà dòng vẫn khỏe phải không con? Có cần tiền không để mẹ gửi vô? Bựa ni ở nhà được mùa, lúa lạc đầy nhà nên có thiếu thì nói để bố mẹ gửi vô con nha!”… Đại loại là những câu hỏi mà những ông bố bà mẹ mô có con đi tu khi nói chuyện với con cái đều hỏi. Nghe mẹ nói, nó thấy như có vị mặn trong miệng mình, nhưng vẫn cười cười bảo mẹ đừng lo, khi nào thiếu con xin. 

Ra đi khi mới vừa tiêu tốn rất nhiều tiền của bố mẹ cho chuyện học hành, nó chưa kịp làm gì để phụ giúp bố mẹ một phần gánh nặng cho nó trong mấy năm học. Ngày lên xe, nó nói thầm với mẹ mà không để bố nghe: “Hay con ở nhà đi làm một năm để trả bớt nợ, rồi năm sau con vô dòng”. Mẹ cốc nhẹ trên đầu bảo nó đi đi, đừng để Chúa đợi mãi. Và nó đã đi, với một tâm hồn rạo rực sau bao năm chờ đợi, cộng một chút nỗi niềm của đứa con gái sắp xa bố mẹ, nhưng nó lại hít một hơi thật sâu để tiến bước. 

Đêm mùa đông đầu tiên trong nhà dòng, một mình trong chiếc chăn mới ấm áp thơm phức, nước mắt nó cứ chảy dài. Nó nhớ nhà, và thương mẹ vì suốt một đời mẹ đã trải qua những mùa đông dài đằng đẳng trong cái chăn cũ mèm. Tất cả chỉ vì lo cho anh chị em nó. Nằm ủ mình trong cái chăn mới, nó mới thấm thía sự hy sinh cao cả của bố mẹ, nhất là sau thời gian nó bước theo tiếng gọi của Người. 

Nó vào nhà dòng nhưng mọi khoản chu cấp bố mẹ vẫn còn phải lo. Đôi vai gầy guộc ấy chưa bao giờ được nghỉ ngơi, giờ đã già lại càng trĩu nặng vì vẫn còn phải mang thêm một gánh nữa, mà gánh nặng này lại phải lo lắng suốt đời cả về vật chất lẫn tinh thần. Lâu lâu về nhà, thỉnh thoảng trong bữa cơm bố mẹ lại kể chuyện về mấy đứa bạn, đứa em con chú của nó. Bố mẹ nói mấy đứa giờ thành đạt lắm, kiếm mỗi tháng cả chục triệu đồng, thế nhưng nó vẫn nhận ra trong lời kể của bố mẹ chẳng có chút gì buồn hay tủi thân. 
Thỉnh thoảng ôm lấy mẹ, nó nói: “Mẹ, con đi tu bố mẹ phải nuôi con mãi, cực cho bố mẹ quá”. Mẹ chỉ cười rồi nói: “Từ khi con đi tu, luôn cầu nguyện cho bố mẹ nên bố mẹ được bình an và chẳng có chi phải lo lắng cả”. Nó biết mẹ nói dối, vì đêm đêm mẹ vẫn nói với bố khi nó đã ngủ là: “Phải dành dụm tiền để ngày nó khấn, cả nhà sẽ thuê xe vô dự lễ khấn của nó. Mình ở nhà có chi ăn nấy, chịu cực nhiều cũng đã quen rồi”. 
Vậy nhưng mỗi lần nó về thì ắt hẳn trong nhà cũng sẽ bị hao hụt ít gà vịt. Ngồi ăn, khi nó bảo bố mẹ ăn đi thì cứ nhận được câu trả lời là con ăn đi, bố mẹ ở nhà ăn mãi. Mà thật ra nó biết, mẹ chẳng dám đi chợ nhiều, tuần chỉ đi một lần, cứ ăn uống qua loa cho xong bữa, còn lại dành dụm tiền cho nó. Rồi ngày nó trở lại dòng, lại dúi dúi vô tay nó số tiền dành dụm được, khi nó không chịu lấy, lại cứ bảo con cầm đi, con ở xa bố mẹ không chăm nom được, cầm lấy gửi chị bề trên cần chi thì xin chị mua mà dùng. 

Nó biết bố mẹ cực khổ nhiều, nhưng nó biết bố mẹ vui vì sự hy sinh đó. Mẹ cứ dặn dò nó mãi những điều mà mẹ đã sống. Mẹ nói mẹ tin tưởng vào lời cầu nguyện, bố mẹ dâng nó cho Chúa thì Chúa sẽ lo lại cho bố mẹ bằng cách này hay cách khác. Và lòng tin ấy cũng làm nó thêm nhiều động lực hơn để dấn thân. Nó biết chính bố mẹ đã tu trước cả nó, đã dấn thân hơn nó, đã sốt sắng hơn nó, hy sinh hơn nó chỉ để cầu nguyện cho nó được luôn bền đỗ. Người ta nói một người đi tu là cả họ cùng tu. Nhiều lúc thấy bố mẹ bị một số người săm soi mà nó thấy khó chịu, họ cứ nhìn vào bố mẹ để tìm chuyện mà nói là con đi tu còn thế này thế nọ. Bị hiểu lầm rất nhiều như vậy, nhưng bố mẹ vẫn âm thầm chịu đựng chưa một lần nói ra cho nó, chỉ vì sợ nó xao động, lo lắng. 

Khi hiểu hơn những gì bố mẹ đã hy sinh cho mình, nó cũng quyết tâm làm cho triển nở hơn đời sống của mình. Nó tin Thiên Chúa luôn thực hiện những điều tuyệt vời hơn nó nghĩ, và Ngài chẳng bao giờ ích kỷ với những người đã quảng đại dâng mọi sự cho Ngài. Nó không thể trực tiếp giúp bố mẹ thì trong nhà dòng nó luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, vì nó tin rằng khi nó chia sẻ sự vất vả với chị em thì ngoài kia cũng sẽ có người chia sẻ nổi vất vả với bố mẹ nó. Nhiều điều trong cuộc sống hiến dâng mà nó tin khi nó làm với lòng yêu mến, thì Chúa sẽ biến điều ấy thành những hoa trái an ủi tâm hồn bố mẹ nó. Và như bố mẹ nó, nó cũng khao khát được dâng hiến thật nhiều. Điều nó tâm đắc nhất là khi nó dâng cho Chúa cả tuổi già đang dần dần đến trên hai đấng sinh thành, dâng lòng quảng đại tuyệt vời của bố mẹ, và dâng cả nỗi niềm của đứa con “nhỏ” dành cho các ngài. 

Tết này về nhà, nhất định nó sẽ dành thật nhiều thời gian cho gia đình, cho bố mẹ. Bởi vì mùa xuân là “tết đoàn viên”, và vì nó luôn có một nơi để trở về và để yêu thương: Gia đình.

Maria Trần Thị Thùy (Dòng MTG Huế) 
Powered by Blogger.