[Giải VVĐT 2018] Tình yêu nói lên tất cả
(Mã số: 18-129)
- Mẹ tôi bỏ nhà đi là do cô, cô đúng là đồ thất hứa, bất nhân...
Mẹ chồng tôi là một Phật tử mộ đạo. Bà là người hiền lành và có tấm lòng nhân ái, nhưng bà không mặn mà gì đối với đạo Công giáo. Bởi vì bà có hai người con trai, và bà muốn con bà trở thành một Phật tử để tiếp nối công việc lưu giữ bàn thờ kính Phật Thích Ca như bà đang làm. Thế nhưng, con trai lớn của bà kết hôn với một người Công giáo, và không lâu sau, bất chấp lời ngăm đe của bà, anh ta quyết định gia nhập đạo Công giáo. Kể từ đó, sự ác cảm của bà dành cho Công giáo ngày càng lớn dần lên.
Thời gian cứ thế trôi đi, mẹ chồng tôi không còn trông mong gì nơi người con trai lớn, nhưng bà đặt hết hy vọng nơi người con trai út. Vì thế, ngày ngày bà tận tâm tận lực giáo dục con trai út của bà bước theo con đường của một Phật tử chân chính. Người con trai út đó chính là chồng tôi, anh tên Hùng.
Sau một thời gian tìm hiểu, vào một ngày đẹp trời đã định trước, Hùng và mẹ anh ấy đến nhà tôi để bàn việc thành hôn cho chúng tôi. Biết rằng bên nhà Hùng khăng khăng đạo ai nấy giữ, còn bên nhà tôi cứ giữ lập trường phải theo đạo mới cưới. Điều này làm đầu óc tôi miên man như thể là tôi đang bay lơ lửng trong không gian vô định. Bất chợt tôi sờ tay lên cổ, và đụng phải sợi dây chuyền có ảnh Đức Mẹ Maria.
Cách đây hai mươi lăm năm, khi mang thai được bốn tháng, mẹ tôi tự nhiên cảm thấy đau nhói nơi vùng bụng, không yên tâm, bà đi khám bác sĩ. Sau khi xét nghiệm kỹ lưỡng, bác sĩ cho biết mẹ tôi mắc bệnh ung thư cổ tử cung và cần giải phẫu gấp để giữ mạng sống, nhưng có thể thai nhi sẽ chết. Nếu không giải phẫu thì chắc chắn cả hai đều sẽ không tồn tại. Đứng trước sự lựa chọn sống còn, mẹ tôi dứt khoát không chịu giải phẫu để giữ thai nhi. Từ ngày đó, mẹ tôi năng đi hành hương Đức Mẹ với ước nguyện: “Xin Mẹ gìn giữ thai nhi ra đời mạnh khỏe”. Trong các chuyến hành hương đó, mẹ tôi đã mua một sợi dây chuyền có ảnh Đức Mẹ với một điều ước nhỏ nhoi: “Mình sẽ đeo sợi dây chuyền này cho con khi nó ra đời và nói: Đức Mẹ đã cứu con”.
Đêm đến, khi mọi cảnh vật đều đang yên tĩnh, thì bất ngờ tiếng rên la đau đớn quằn quại của mẹ tôi như xé toang tất cả. Khoảnh khắc mong chờ đã đến, mẹ tôi sinh ra một bé gái xinh xắn, và việc đầu tiên mẹ tôi làm là đeo sợi dây chuyền đã khấn với Đức Mẹ vào cổ đứa con mới chào đời… Bé gái ấy chính là tôi. Và chỉ vài ngày sau, mẹ tôi đã nhắm mắt mãi mãi trong niềm vui trộn lẫn với đau đớn, do căn bệnh quái ác mang lại.
Quay trở lại chuyện của tôi, giữa một khung trời không lối thoát này, tôi thường nại tới sự giúp đỡ của Mẹ Maria và xin Mẹ can thiệp vào chuyện cưới hỏi của tôi, như năm xưa Mẹ đã giải nguy cho đôi vợ chồng trẻ ở làng Cana. Trong khi tôi còn mải mê cầu xin cùng Đức Mẹ, bỗng có tiếng cất lên:
- Em ơi! Anh và mẹ tới rồi nè!- Tiếng của anh Hùng.
Tôi chạy lại chào, quay sang Hùng:
- Anh ơi! Em lo quá, không biết có được không?
- Đó là chuyện của người lớn, nếu không được, anh với em sẽ tính cách khác, vì trên đời này không có gì ngăn cách hai chúng ta đến với nhau, trừ khi em bỏ anh.
- Anh à…
- Anh đùa đấy mà… Mẹ ơi! Chúng ta vào thôi, con nôn quá.
- Thằng quỷ! Mày không thể kiềm nổi cái máu thèm vợ của mày đi hả?- Mẹ anh Hùng nói.
Lúc này, mặt trời đã nhô lên cao, không khí đang dần nóng lên, ánh nắng chiếu qua tấm cửa kính len lỏi vào phòng khách, làm bừng sáng lên những khuôn mặt thân quen: ba tôi, mẹ anh Hùng, tôi và anh Hùng đang bàn chuyện cưới hỏi của chúng tôi. Mọi vẻ mặt đều căng thẳng, vì hai bên đều cứng nhắc lập trường của mình. Rốt cuộc, ba tôi không cho phép chúng tôi cưới nhau. Tức khắc tôi kéo ba tôi vào phòng riêng và nói:
- Ảnh có gì không tốt chứ?
- Không phải chuyện tốt xấu, mà cậu ấy không chịu theo đạo Công giáo.- Ba tôi đáp lại.
- Đạo nào cũng dạy con người sống tốt cả, chẳng lẽ đạo Phật dạy giết người sao?
- Chuyện này…
- Chẳng lẽ ba muốn con trở thành tay anh chị, một quỷ ma đầu khát máu thì ba mới vừa lòng sao!
- Thôi được rồi, ba thua con luôn.
Sau một hồi bàn hỏi, ba tôi và mẹ anh Hùng tán thành cho chúng tôi kết hôn với điều kiện đạo ai nấy giữ.
Sự quyết định này sẽ không tránh khỏi dư luận nhỏ to, vì ba tôi đang giữ chức vụ trong Giáo xứ, vả lại nhà tôi cũng là một gia đình gương mẫu sống đạo. “Ba ơi! Con cám ơn ba về tất cả”. Tôi thầm nghĩ. Không khi nào tôi yêu ba tôi như lúc này, một người cha luôn gây ấn tượng cho con, một người cha luôn dành điều tốt cho con, một người cha có trái tim của người mẹ để tạo hạnh phúc cho con… Tôi thiết nghĩ, ba tôi sẽ cô đơn lắm đây, khi mai này tôi rời xa vòng tay yêu thương của ông để cùng với bạn đời giăng buồm vượt sóng ra khơi. Tôi thầm cầu xin Chúa cho ba tôi được khang an.
***
Sau sáu năm lấy nhau, gia đình tôi vẫn đang sở hữu bầu khí hạnh phúc, niềm vui càng được nhân đôi khi tôi sinh một bé trai kháu khỉnh. Niềm vui đó được bộc lộ rõ nét trên khuôn mặt mẹ chồng tôi, không chỉ dừng lại nơi việc đứa trẻ chào đời, nhưng đó còn là một sự khát khao, nghĩa là mẹ chồng tôi muốn cháu mình trở thành một Phật tử để hương khói bàn thờ kính Đức Phật.
Ngày đó, ba tôi cũng đến thăm và chia sẻ niềm vui đứa cháu ngoại chào đời khỏe mạnh. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng được bao lâu thì phát hiện thằng Đức có khối u lạ nằm trong não, có thể gây tử vong cao. Ôi thôi, mọi thứ dường như đổ sầm xuống, tô lên một màu thê lương, ảm đạm. Tội nghiệp thằng bé chưa đầy bốn tuổi đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Mọi khuôn mặt trong nhà đều tỏ vẻ u sầu, ăn không ngon ngủ không yên. Mẹ chồng tôi bảo: “Để mẹ gõ mõ niệm kinh bái Phật xem ra có chút hy vọng chăng”. Đứng trước cảnh tượng hết sức hoang mang, tôi cầu nguyện với ảnh Đức Mẹ của mẹ tôi để lại, và không khi nào tôi rời tràng hạt Mân Côi, đến độ tôi không nhớ mình đã lần bao nhiêu chuỗi.
Vào một buổi chiều gió se se lạnh của mùa đông, tôi nói dối mẹ chồng và chồng tôi đưa thằng Đức (tên con tôi) về ngoại chơi để ông ngoại nhìn cháu lần cuối. Thật ra, trước đó, ba tôi đã nhắn tôi đưa thằng Đức về để Rửa tội, cho nó gia nhập Giáo hội của Chúa, nó có ra đi thì ra đi thanh thản trong bàn tay của Chúa nhân từ, và như thế thì tôi cũng làm tròn trách nhiệm của một người mẹ Công giáo.
Trước đây, lúc mới sinh thằng Đức, ba tôi và tôi muốn nó được Rửa tội, nhưng mẹ chồng và chồng tôi không cho. Về việc này, hai bên gia đình căng thẳng không bên nào nhường nhịn bên nào. Thấy thế, tôi bảo chồng tôi: “Anh khuyên mẹ cho thằng Đức rửa tội đi!”. Nhưng chỉ nhận một câu nhức nhối của bà: “Nếu không có sự cho phép của mẹ, thằng Đức theo đạo Công giáo, mẹ sẽ bỏ nhà đi”. Cuối cùng hai bên đưa ra giải pháp an toàn: Đợi cho thằng Đức lớn lên và có đủ nhận thức, lúc đó nó muốn theo đạo nào tùy ý nó. Vì lẽ đó mà thằng Đức đến bây giờ vẫn chưa chịu phép Rửa tội.
Vừa tảng sáng, khi những giọt sương long lanh còn nhảy nhót trên cành lá dưới ánh nắng mặt trời, tôi và thằng Đức lên đường về ngoại để kịp giờ nghi thức Rửa tội. Khoảnh khắc bế con tiến vào nhà thờ, không có chồng bên cạnh, tôi thấy thật tủi thân, nhưng tôi cố nén nước mắt lại, tự nhủ lòng: “Mình phải vui lên, vì hôm nay con mình trở thành một Kitô hữu, trở thành con của Chúa Mẹ rồi, không có gì phải lo lắng”.
Khi Linh mục hỏi: “Con đặt tên cho cháu là gì?”, tôi đáp:
- Dạ, tên cháu là Martinô Nguyễn Minh Đức.
Liền đó, tôi thầm nói với con: “Con đã có tên mới rồi nhé, đó là tên thánh quan thầy của con, thánh Martinô sẽ giúp con trước tòa Chúa, con sẽ biết điều đó khi con bước vào thiên đàng”. Tôi đã không khóc trong suốt nghi thức Rửa tội, nhưng trước khi kết thúc, chặng bế con đến dâng cho Đức Mẹ, chính lúc này, nước mắt tôi cứ tuôn mãi, không cách nào cầm lại được, vì khi nhìn lên Đức Mẹ tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Ba tôi chứng kiến cảnh này cũng đành rơi lệ, còn bố đỡ đầu thằng Đức không biết chuyện gì xảy ra nên cũng long lanh trên đôi mắt. Ai ai cũng đều xúc động rơi nước mắt chỉ trừ thằng Đức là không. Đứng trước tượng Đức Mẹ, tôi xin Mẹ cầu cùng Chúa mở cửa thiên đàng cho thằng Đức được đoàn tụ với bà ngoại nó.
Kể từ ngày đó, sắc mặt của thằng Đức tươi tắn hơn, lại còn chạy nhảy linh hoạt như bao đứa trẻ khác. Lấy làm lạ, tôi bảo chồng tôi: “Ngày mai, anh với em đưa con đến bác sĩ kiểm tra thử xem sao”. Đêm về, ai ai cũng chìm sâu trong giấc ngủ, nhưng tôi không ngủ được, cứ lo cho đợt kiểm tra sức khỏe thằng Đức vào ngày mai. Một lần nữa, tôi lại sờ vào ảnh Đức Mẹ đeo trên cổ và bắt đầu đọc kinh Mân Côi, một chuỗi, hai chuỗi, rồi ba chuỗi… đến độ tôi ngủ thiếp đi tự bao giờ.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng tôi đưa thằng Đức đi khám bác sĩ, khi bác sĩ kiểm tra thì không thấy khối u nữa. Không tin vào mắt mình, bác sĩ kiểm tra lại một lần nữa, cũng chẳng thấy. Lúc này, hai vợ chồng tôi ôm nhau mừng rỡ không nói nên lời. Riêng với tôi, tôi nghiệm ra rằng, chính ngày Rửa tội, Đức Mẹ đã cứu thằng Đức, như xưa Người đã cứu tôi. Vừa về tới nhà, mẹ chồng tôi đã vồn vã: “Thằng Đức sao rồi? Bác sĩ nói sao?”
Chồng tôi đáp:
- Cháu của mẹ không bị gì hết.
- Thiệt không?
Nghe mẹ chồng nói vậy, tự nhiên tôi đưa tay cầm ảnh Đức Mẹ lên nói:
- Thiệt đấy mẹ, Đức Mẹ Maria đã cứu thằng Đức.
Mẹ chồng tôi gầm gừ: “Đức Mẹ, Đức Mẹ…”, rồi quay sang bồng cháu lên:
- Đức Phật cứu cháu Đức của bà đấy.
***
Trong bữa cơm tối, thật lạ lùng, mẹ chồng tôi không nói năng gì, bà mang một bộ mặt đưa đám, và tôi đâm ra lo lắng: “Không biết mình đã làm sai điều gì chăng…”. Liền đó, bà vứt mảnh giấy trước mặt hai vợ chồng tôi, vẻ hằn học: “Hai vợ chồng con đã cho thằng Đức theo đạo Công giáo rồi phải không?”. Tôi đơ người ra, chồng tôi đáp: “Làm gì có chuyện đó, lúc ban đầu, cả nhà chẳng phải đồng ý để thằng Đức lựa chọn tôn giáo khi nó lớn khôn sao!”. Tôi bối rối và không muốn ai nghi kỵ ai, tôi kể lại đầu đuôi chuyện thằng Đức chịu phép Rửa tội cho mẹ chồng và chồng tôi. Nghe xong chuyện, chồng tôi cảm thông cho tôi, nhưng mẹ chồng thì không, bà đứng phắt dậy đi ngay vào phòng, đóng sầm cửa lại. Bầu khí trong nhà trở nên ngột ngạt, bữa cơm cũng bỏ dở ngay tại đó.
Đêm đó, tôi nằm trằn trọc, không sao ngủ được, tôi ngẫm nghĩ sự đời rồi cầu nguyện với Đức Mẹ, mong sao mọi chuyện êm xuôi. Cảm thấy trong lòng bồn chồn, tôi rón rén đến phòng mẹ chồng tôi để nói lời xin lỗi. Đêm đã khuya, nhưng cửa phòng thì mở mà bà thì chẳng thấy đâu. Trở về phòng, tôi nói ngay với chồng: “Anh ơi! Anh… Em không thấy mẹ đâu cả!”. Chồng tôi bật dậy chạy đi kiếm khắp nhà mà chẳng thấy bóng dáng bà đâu, không yên tâm, anh khoác vội chiếc áo gió phóng xe tìm mẹ. Lúc này đã mười giờ đêm, mẹ chồng tôi chưa hề đi khỏi nhà vào giờ này, ngẫm nghĩ một hồi, tôi sực nhớ lời bà cách đây đã lâu, nếu thằng Đức theo đạo Công giáo, bà sẽ bỏ nhà đi. “Ôi! Lạy Chúa con, xin Chúa Mẹ gìn giữ mẹ chồng con cũng như cho chồng con tìm được bà ấy về bình an, nếu không con sẽ ân hận không kịp”. Tôi thầm nguyện xin trong lòng.
Đồng hồ đã điểm bốn giờ sáng mà chưa nhận được tin tức gì cả, tôi sốt ruột quá, rút điện thoại gọi cho chồng. Cùng lúc đó anh về, tôi nhanh chân chạy ra với hy vọng nhìn thấy anh Hùng đưa mẹ trở về, nhưng chồng tôi đưa tay chỉ vào tôi với giọng khàn khàn say xỉn: “Mẹ tôi bỏ nhà đi là do cô gây ra, cô đúng là đồ thất hứa, bất nhân...”. Tôi đứng lặng mặc cho anh trút giận lên mình. Từ giây phút này, cuộc sống gia đình tôi trở nên lộn xộn, vợ chồng như người xa lạ, mạnh ai nấy sống. Ban ngày chồng tôi đi làm nửa buổi, nửa buổi sau anh len lỏi từng con hẻm tìm mẹ. Tìm hoài không thấy, anh lao vào bia rượu để vơi đi nỗi buồn đến tận một, hai giờ sáng mới chịu về nhà. Về tới nhà, anh lại lôi tôi ra mắng chửi là đồ bất nhân.
***
Tối về, phố xá đã lên đèn, nhà nhà ấm cúng bên mâm cơm, còn gia đình tôi thì mỗi người một nơi. Tôi cảm thấy cô đơn, mọi thứ đi dần vào ngõ cụt. Tôi định tâm bỏ về quê ngoại với thằng Đức, nhưng không sao làm được, vì thấy chồng mình đang mất phương hướng, mẹ chồng thì chưa biết sống chết ra sao. Đang lo nghĩ, bỗng điện thoại reo lên, có người báo đã tìm thấy mẹ chồng tôi. Trước đó, lúc bà bỏ nhà đi, tôi đã đăng tin “tìm người” trên các trang mạng xã hội. Mừng quá, tôi gọi điện cho chồng tôi đến đón, nhưng anh lại không nghe máy. Nóng lòng quá, tôi để mặc thằng Đức ở nhà một mình, rồi rảo quanh các quán nhậu mong gặp được anh. Kia rồi, nhưng anh lại đang ngồi nhâm nhi với một cô gái nào đó, khá trẻ. Vì mẹ chồng, tôi cố gắng bình tĩnh đi thẳng tới bàn anh, anh hơi bất ngờ nhưng sau đó trấn tĩnh lại: “Cô theo dõi tôi đấy à?”. Liền đó, tôi vứt mảnh giấy ghi địa chỉ nơi mẹ đang trú ngụ và quay lưng bỏ đi ngay lập tức.
Sau khi tôi về nhà được nửa giờ, chồng và mẹ chồng tôi cũng về tới nhà. Lúc đó, tôi đã đứng sẵn đón trước cổng, thật lạnh lùng, họ có vẻ không thấy sự hiện diện của tôi. Tôi lấy làm đau xót, đành ngậm ngùi quay về phòng và tự hỏi: “Mình sẽ sống như thế nào trong những ngày kế tiếp đây?”
Đêm hôm sau, tôi giật mình vì nghe như có tiếng ai đang gọi. Tôi nghĩ rằng mình mơ, tôi ngủ tiếp, nhưng cái giọng đó lại vọng bên tai tôi lần nữa: “Lan… con, Lan!”. Nhận ra đó là giọng mẹ chồng, lập tức tôi bung chăn mùng chạy tới mở cửa. Một cảnh tượng thật bất ngờ, chồng tôi ôm ngực rên rỉ đau đớn.
- Ảnh bị sao vậy mẹ?- Tôi hốt hoảng.
Mẹ chồng đáp với giọng yếu ớt, mặt tái xanh:
- Mẹ không biết nó bị gì nữa, đang ngủ thì bị đau ngực dữ dội. Con hãy mau đưa nó đến bệnh viện xem sao.
Ngay lập tức, tôi gọi xe cấp cứu.
Trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, tôi đã không ngớt cầu xin Chúa Mẹ, rồi sờ ảnh Đức Mẹ trên cổ, lạ thay, sợi dây chuyền đã không cánh mà bay. Xét nghiệm xong, bác sĩ bảo:
- Sao giờ này mới chịu đem tới? Ảnh bị ung thư phổi giai đoạn chót, mà ảnh là gì với chị?
Tôi đáp:
- Ảnh là chồng tôi.
- Tôi e rằng chồng chị không qua nổi mười ngày nữa đâu!
Tôi bàng hoàng:
- Thưa bác sĩ, có cách nào cứu ảnh không?
- Trừ khi có người hiến phổi...- Bác sĩ trả lời.
Tôi cám ơn bác sĩ rồi nhìn vào khuôn mặt chồng tôi lúc này như một con quỷ chết đói, hai má lõm vô để lộ gò má cao như hình đầu lâu trên các cột điện, thân hình thì xơ xác như tên ăn mày. Nghĩ tới thằng Đức, tôi thương nó vì mới được tí tuổi mà mồ côi cha. Nghĩ tới mẹ chồng tôi mà thấy tiếc vì chẳng còn ai tiếp nối ước mơ của bà. Lạ thay, có một sức mạnh vô hình xui khiến tôi đi đến gõ cửa phòng bác sĩ và nói:
- Thưa bác sĩ, tôi muốn hiến phổi cho chồng tôi.
- Chị suy nghĩ kỹ chưa? Chị có biết rằng điều này có thể gây tử vong cho chị không?- Bác sĩ hỏi tôi.
- Tôi quyết là quyết.- Tôi trả lời ngay.
- Nếu chị muốn, chị viết cam kết trong tờ đơn này rồi tôi dẫn chị đi xét nghiệm.
Thủ tục đã xong. Bác sĩ hẹn tôi ba ngày sau làm phẫu thuật. Nghĩ tới đây, bất giác, tôi cảm nhận một niềm hạnh phúc sâu xa trong chính mình. Một hạnh phúc đòi hỏi từ chính nội tâm. Tôi hiểu rằng: hạnh phúc không phải lúc nào cũng tìm đến với tôi một cách thuận lợi, dễ dàng. Nó cũng không hề ở ngoài tầm tay tôi, nhưng nó lại đòi hỏi một sự hy sinh, cao thượng, một sức mạnh nội tâm thật quyết liệt và quảng đại. Cũng như hơi thở vậy: nếu tôi chỉ biết nhận cho riêng mình cách ích kỷ, tôi sẽ trở nên cô độc, lẻ loi và “ngộp thở”.
Ngược lại, chính lúc biết “thở ra”, biết cho đi, tôi tiếp nhận nguồn sống mới, hơi thở mới, hạnh phúc mới - một hạnh phúc mà tôi nhận lại từ chính việc trao ban. Chẳng phải, chính Chúa Giêsu đã tiên phong làm điều đó sao? Ngài từ bỏ tất cả Vinh Quang, Uy Quyền vốn có, mà hạ mình đến với con người, sống vì con người, chết cho con người và phục sinh vì con người. Từ đó, Ngài cho đi mạng sống mình, để con người được sống - một sự sống viên mãn, một sự sống đời đời trong Thần khí và hiệp thông với Thiên Chúa.
***
Ngày định mệnh đã đến, tôi bắt đầu đối diện với cái chết, nằm trên giường mổ bên cạnh là chồng tôi vẫn đang hôn mê, một cái xác bất động chẳng nói được câu chúc bình an cho nhau. Nhưng tôi biết anh đang mỉm cười với tôi, anh là người hiền lành và yêu thương vợ con lắm. Nghĩ đến đó, hai dòng nước mắt tôi tuôn ra, rồi tôi mỉm cười với ảnh: “Chào anh yêu, em đi đây”.
Sau mười giờ làm việc cực nhọc, các bác sĩ thành đã công ca ghép phổi, chồng tôi thì được cứu, còn tôi thì hôn mê không biết sống chết ra sao. Qua một ngày, mẹ chồng tôi không thấy tôi về đâm lo, nên bà và thằng Đức đến bệnh viện. Tới nơi, hai bà cháu chỉ thấy anh Hùng nên nói: “Con Lan đâu mà để con một mình thế này, con có sao không?”
- Dạ, bác sĩ bảo nghỉ vài hôm là khỏe lại.- Chồng tôi trả lời.
Vừa lúc ấy, bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe chồng tôi rồi bảo:
- Anh là người có phúc, đáng lẽ bây giờ anh nằm trong lòng đất.
- Con tôi bị gì mà nghiêm trọng vậy bác sĩ?- Mẹ chồng tôi hỏi lại.
- Bác không biết gì sao, ảnh bị ung thư phổi giai đoạn chót, vợ ảnh đã hiến phổi cứu ảnh.- Bác sĩ đáp.
Thằng Đức sực nhớ, thọc tay vào túi lấy tờ giấy đưa cho chồng tôi:
- Ba ơi! Mẹ có nhờ con đưa cho ba cái này.
Đó là lời trăn trối tôi viết vội đưa cho thằng Đức trước khi mổ, và dặn nó đưa tận tay cho ba nó.
Chồng tôi vội lấy tờ giấy và giở ra đọc, anh đau đớn trong nước mắt vì nhận ra đó là nét chữ của vợ mình.
Anh yêu dấu!
Khi anh đọc những dòng này thì cũng là lúc em rời xa anh mãi mãi, em không thể cùng anh đi trọn con đường mơ ước của hai chúng mình. Hãy tha thứ cho em, nếu anh đang khóc, tức là anh đã tha thứ cho em. Cám ơn anh đã yêu em, em thật hạnh phúc được làm vợ anh…
Thằng Đức là niềm hy vọng của gia đình mình, nó không thể sống thiếu anh, anh là điểm tựa cho nó nên người, nên một Kitô hữu tốt nhé...
Anh đừng buồn, khi anh thở là lúc em đang sống... Em yêu anh nhiều lắm!
Anh cho em gửi lời xin lỗi tới mẹ: “Mẹ ơi! Con nợ mẹ một lời xin lỗi, con không thể là một đứa con dâu ngoan hiền”.
Vĩnh biệt mọi người!
Ngay lập tức, cả nhà tìm đến gặp tôi tại phòng hồi sức cấp cứu. Tới nơi, chồng tôi và thằng Đức ôm tôi khóc sướt mướt. Bất chợt, mẹ chồng tôi cầm trong tay sợi dây chuyền có ảnh Đức Mẹ Maria từ túi áo của bà, bà nhẹ nhàng đeo vào cổ tôi để mặc cho hai dòng nước mắt đầm đìa:
- Đức Mẹ của con đây, Đức Mẹ sẽ cứu con mà…
Post a Comment