Header Ads

[Giải VVĐT 2018] Nước mắt người khờ

NƯỚC MẮT NGƯỜI KHỜ 

tất cả mọi người đều là người khờ cần được Thiên Chúa xót thương


(Mã số: 18-150)

Khuya, gió cồn cào thổi từ trên núi xuống. Sương đêm làm ướt đám cỏ khô. Trăng vẫn thức nằm vắt ngang tháp chuông nhà thờ nghe nỗi buồn miên man chảy. Ama Phương không thể chợp mắt, tay cầm chuỗi hạt lui tới trước nhà xứ. Có lẽ, đêm nay lại là một đêm thức trắng với cha. Cũng phải! Sao ama có thể ngủ ngon khi những con chiên cha yêu thương vẫn còn trằn trọc, bồn chồn. Có khi, họ cũng đang thao thức như cha suốt đêm nay. Chẳng lẽ, Chúa cứ để ama phải u uất, lo lắng như vậy mãi? Lan man suy nghĩ, ama rảo bước rồi tiến vào nhà thờ. 

Lúc mới lên với vùng cao này, trăn trở, thao thức lớn nhất của ama là làm sao có nhiều bà con Raglai biết Chúa. Về sau, ama tìm cách giúp mọi người đủ sống, đủ ăn để họ có thể vững vàng tin yêu, thờ phượng. Mấy năm liền vất vả cùng đoàn chiên, rồi xây lên ngôi nhà thờ khang trang hiện tại đã bào mòn tâm sức ama phần nào. Chưa kể những lần thất vọng, cám dỗ ama so bì với người khác làm cha thêm phần tiều tụy. Ama phải đến giáo xứ xa xôi hẻo lánh, trong khi những người bạn linh mục cùng lớp đến những xứ lớn ở thành phố, đỡ phải lo lắng nhiều bề. Chỉ đến khi đối diện một mình với Chúa, ama mới tự an ủi: “Phải tin tưởng lắm, Chúa mới đặt để mình lên đây!”. 

Ama buồn, ưu tư là vậy nhưng tất cả mọi thứ như nằm trong ý định của Chúa. Mọi chuyện cứ đến rồi qua; ngay hiện tại, ama phải lo lắng vì điều khác. Bài toán khó này cứ lặp đi lặp lại, nhưng mỗi lần đụng phải, ama vẫn ngập ngừng khi giải quyết. Với bà con, ama là cầu nối đem Chúa đến cho họ, là khí cụ để xóa bỏ khoảng cách giữa người Raglai và người Kinh, nhưng bây giờ ama thấy bứt rứt trong lòng. Những lời ama khuyên bảo bà con sống yêu thương nhau đang bị chính người Kinh đi ngược lại? Biết khi nào người Kinh thôi bắt bẻ bà con Raglai? Biết bao giờ sự công bằng an nhiên thẩm thấu và chảy đều trong máu người ta? Những câu hỏi ấy ama luôn nghĩ nhưng chưa thể trả lời. 

Ama trở ra khi Katơ Min đang tựa đầu vào góc nhà ngầy ngật ngủ. Sương đêm phủ dày mọi vật làm tấm thân người đàn ông gầy rạc co ro. Hẳn ông đã thấm mệt vì cứ lui tới nhà xứ từ lúc chiều đến giờ. 

- Katơ Min! Sao lại ngồi đây? 

Katơ Min tỉnh giấc khi ama lay nhẹ người. Ông đưa tay dụi mắt, miệng ngập ngừng: 

- Thằng Vai vẫn chưa về nhà ama ơi! Con có đến nhà bà Hồng nhưng không có ai cả. 

- Ông có hỏi thử mấy người hàng xóm không? 

- Dạ… Họ nói, nhà bà Hồng đi đâu phải chiều tối mai mới có ở nhà. 

- Ừm… Biết thế là được rồi, để mai tính tiếp, chứ ngồi đây lạnh lắm. Katơ vào nhà xứ nghỉ đi. 

- Thôi… Con đến báo ama biết vậy, giờ con phải về… Thằng Vai về nhà không có con nó lại lo. 

Katơ Min lên xe ra về. Màn đêm chực chờ nuốt chửng ông. Ama nhìn theo dáng người khuất dần, lòng vẫn canh cánh ưu tư. Một Katơ Min nhiệt tình luôn tươi cười thường ngày giờ lao đao vì lo lắng. Chuyện mấy năm về trước vẫn ám ảnh Katơ Min khi ông bị chính người Kinh lừa mất một khoản tiền trong ngày ma chay của vợ. Cũng vì chuyện đó, ama Phương đã lập đội tang lễ để giúp đỡ bà con. Nhưng đến bây giờ, ông vẫn chùn chân khi đụng chuyện với người Kinh. 

* * * 

Sáng sớm, Katơ Min đã đèo xe đi vòng quanh các ngỏ ngách trong làng, đến những nơi thằng Vai thường đến. Ông qua tận các làng bên, ra tới con suối cạnh bờ rừng làng Khơm nhưng vẫn không tìm thấy. Lòng ông bứt rứt, hối hận rồi quay xe về phía nhà xứ, ama đã đứng trước hiên nhà như đang chờ ông. 

Chiều qua, thằng Hùng con bà Hồng đến nhà Katơ Min bắt đền năm triệu đồng. Hắn bảo thằng Vai con ông lên nương phá hỏng một vạt ngô khi nhà hắn sắp vào mùa thu hoạch. Trong cơn nóng giận, Katơ Min giáng xuống thằng Vai một cú tát nảy lửa. Nó tức ông, rồi hậm hực bỏ đi. Katơ Min vội vàng lên nhà xứ tìm gặp ama, tiện xem thằng Vai có lên nhà xứ hay không nhưng nó trốn biệt tăm. Khi nghe Katơ Min kể, ama khựng người. Tấm lưng như có thứ gì đè nén làm cong thêm. Ngặt nổi, số ngô đó thằng Vai đã mang đến nhà thờ để quyên góp như lời ama kêu gọi. Ama muốn dành những phần quà trong ngày bổn mạng của ama cho bà con nghèo nơi đây. 

- Giờ Katơ Min tính sao?- Ama đưa ánh mắt quan tâm nhìn ông. 

- Con định đi vay ít tiền rồi mang trả cho người ta thôi ama à! Đụng đến người Kinh con sợ phiền phức lắm. Mà nhà đó cũng không tin Chúa nữa! 

- Còn thằng Vai? 

- Hôm qua, nó không về nhà. Con lo lắm nhưng giờ cũng không biết phải làm sao, chỉ mong nó sẽ sớm về thôi… 

Nghe đến đây, ama cảm thấy nghẹn ngào. Từ hôm thằng Vai mang ngô lên nhà xứ, lòng ama cứ bồi hồi, xúc động. Ama mừng vì những con chiên của ama vẫn sẵn sàng trải rộng lòng để chia sẻ. Ama vui hơn khi thằng Vai biết đóng góp với mọi người vì công việc chung. Nhưng đâu ngờ mọi thứ lại nên chuyện như bây giờ. 

Nhưng ama cũng không thể trách Vai. Giả như nó tỉnh táo như bao người ama còn có thể trách móc đôi câu và khuyên nhủ. Đằng này, nó khù khờ, ý thức mọi chuyện đâu rành mạch như người bình thường. Ama buồn những người Kinh kia hơn vì họ biết rõ số ngô đấy đâu đắt đỏ như vậy. Họ lại càng rõ: Đất canh tác ở vùng cao này không vỏn vẹn trong góc nhà; nương nối nương, ngút ngàn ngô, sắn, lúa... trên những hecta đất. Khoảng cách giữa các nương thì không rõ ràng phân chia bằng những dãy hàng rào. Giữa các nương chỉ cách nhau bằng một con đường, một đoạn đất dài được đắp lên, có khi chỉ là quy ước giữa những người canh tác gần nhau. Nương nhà bà Hồng và Katơ Min liền kề thì việc nhầm lẫn giữa hai nương không có gì là chuyện lạ. Họ cũng thừa biết hoản cảnh gia đình Katơ Min nhưng sao lại đối xử tệ như vậy? Ngồi được một lúc, ama tiếp lời: 

- Thôi! Khoản tiền đó, Katơ Min để ama lo, đừng đi mượn người khác làm gì, kẻo sinh thêm phiền! 

- Không được ama, sao con có thể nhận được.- Ông xua tay từ chối. 

- Không không cái gì, Katơ Min cứ xem như ama trả chút tiền vì ông và thằng Vai giúp đỡ ama lâu nay. 

- Nhưng… nhưng… 

- Không nhưng gì cả? Ama quyết vậy rồi! Mà ông hỏi thử khi nào bà Hồng có ở nhà chưa? 

- Dạ… Khoảng chiều tối nay ama à! 

- Vậy chiều nay Katơ Min đi cùng ama đến đó nhé! 

Ama lui bước vào phòng, đây đâu phải lần đầu ama hi sinh giúp đỡ cho bà con. Khoản tiền đó không thấm vào đâu so với công sức lâu nay Katơ Min giúp ama phục vụ giáo xứ. Ama mở chiếc hộp nhỏ, lấy bớt năm triệu đồng đặt vào bao thư. Số tiền ama dành giụm để chi tiêu khi cần thiết. Số tiền ama tính gửi cho ông trùm xứ, người giúp việc cùng ama xưa nay để giúp ông chữa trị căn bệnh gai cột sống lâu năm. Giờ đụng chuyện, ama phải dùng đến; còn bệnh tình của ông trùm, ama vẫn hi vọng Chúa sẽ có cách giúp ama. 

* * * 

Cảnh nhà xung quanh hiu hắt, lạnh buồn được đệm bằng tiếng chó sủa inh ỏi dội ngược vào bên trong. Ama bước vào nhà bà Hồng, Katơ Min vội bước theo sau.Vai nép mình cạnh chiếc xe dựng giữa sân. Đôi mắt nó rưng rưng nước, răng cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Lúc xe ama vừa ra tới cổng nhà thờ, nó đã đứng đợi sẵn: “Ama! Cho con xin lại ngô được không?”. Nghe nó nói, bỗng dưng lòng ama nghẹn đắng. Nó trốn trên nương từ hôm qua tới giờ mới chịu về. Được một hồi, ama bảo Vai lên xe rồi cả ba cùng đi. 

Nhà bà Hồng neo người, mình thằng Hùng đang ngồi trên chiếc sập nhỏ phía trước nhà. Ama biết rõ từng gia đình trong làng. Gia đình bà Hồng cũng không mấy khá giả. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau nhưng họ lại thuộc số người lương ít ỏi nơi đây. 

- Chào ama! 

- Chào anh! 

- Con mời ama ngồi.- Hắn lịch sự chào hỏi rồi đưa tay kéo ghế. 

Ama đưa mắt nhìn quanh, căn nhà xập xệ với những bức tường loang lỗ. Không gian như quánh nghẹt trong im lặng. Thằng Hùng đẩy ly nước về phía ama rồi lên tiếng: 

- Mà ama đến đây có gì không? 

- À… lâu lâu tôi đến thăm gia đình, tiện có chút chuyện nhà Katơ Min, tôi muốn hỏi anh. 

- Thôi, chuyện đó hả? Cũng không cần nói gì nhiều đâu ama. Mọi thứ con đã nói hết với ổng rồi. Nương ổng cũng đã lên xem. Con không bịa đặt thêm gì cả…- Thằng Hùng trả lời thẳng thừng. 

- Nhưng anh cũng biết thằng Vai khờ khạo mà?- Ama bênh vực. 

- Nó khờ thì ai cũng biết nhưng nương nhà con thiệt hại, con phải làm sao? Đáng lí con đã bắt đền bù thêm, nhưng… nhưng thôi…- Thằng Hùng bỏ lửng câu nói. 

- Mày… mày nói gì? 

Katơ Min đưa tay chỉ mặt rồi bật mình đứng dậy, lao về phía thằng Hùng. Ama kéo tay ông thụt lùi vài bước. Nghe ama nói chuyện nãy giờ, Katơ Min không kìm được sự tức giận. Thái độ ngang ngược của hắn làm ông hừng hực tức. 

- Anh đã nói vậy thì thôi. Hẳn anh có lí riêng. Đây là số tiền đền bù, tôi gửi anh.- Ama đặt bao thư xuống mặt bàn- Còn đây là phiếu nhận quà của giáo xứ, thứ bảy này anh đến nhận với bà con cho vui, nhà thờ có chút quà muốn gửi cho mọi người trong làng. 

Nói xong, ama chào hắn rồi trở ra xe. Ama nhìn cha con Katơ Min mà không nói điều chi. Biết nói gì khi đầu óc họ đang luẩn quẩn những ý nghĩ mà ama không thể hiểu? Nhưng có lẽ, ngay hiện tại tai họ đã ù đi vì chứa đầy những lời trách móc mà người ta rót vào. 

Tình người như ánh trăng lơ lửng trên cao. Chữ tình đúng nghĩa vành vạnh thắp sáng cả vùng trời. Trăng lúc tròn, lúc khuyết, lúc trôi dạt vào màn đêm. Tình người cũng vậy, người trao trọn, kẻ nửa vời, kẻ vô cảm hững hờ. Không ai rõ ánh trăng của người khác trông như thế nào? Nhưng Đấng tạo nên ánh trăng luôn có cách của Ngài. 

Thằng Hùng nhìn ra xa, bóng tối phủ đầy con đường nhỏ, ôm trọn những căn nhà của bà con trong làng. Dáng người mục tử kì lạ kia, cùng cha con Katơ Min khuất dần dưới bầu trời đêm mờ tối. Hắn vẫn chưa hiểu hết hành động của ama. 

* * * 

Thứ bảy mừng Lễ Bổn mạng ama Phương đã đến. 

Nắng len lỏi qua từng đám mây làm những giọt nước tan dần trên lá. Sân nhà thờ vùng cao rộn ràng, nhộn nhịp người ra vào. Người quét dọn, nhóm tập luyện lại Chhar (Mã la: Chiêng), khen bầu để chuẩn bị cho Thánh Lễ bổn mạng của ama tối nay. Gương mặt họ tươi cười rạng rỡ. Ban nãy, khi bà con đến nhận quà, trời mưa liu riu, gió lạnh thổi đều nhưng giờ đã ngớt. Phía trước sân nhà xứ, ama Phương đang xếp gọn lại số quà mà một vài gia đình chưa thể nhận. 

Bên ngoài tháp chuông, một bóng người phụ nữ thấp thoáng, bà không dám bước chân vào trong. Ama xếp gọn mọi thứ xong, quay người thì nhận ra bà Hồng. 

- Chị đến nhận quà hả? Mời chị vào nhà xứ ngồi chơi đôi chút. 

Vẻ thẹn thùng hiện rõ trên khuôn mặt bà Hồng. Ama đưa tay rót nước. 

- Dạ… thú thật với ama, con đến đây để xin lỗi ama chuyện hôm bữa… 

- Giữa tôi và chị đâu có chuyện gì đâu?- Giọng ama ngập ngừng. 

- Chuyện thằng Hùng bắt đền nhà ông Katơ Min đấy ama, đã phiền ama đến tận nhà con để giải quyết. 

- À… Chuyện đó qua rồi. Không sao đâu! 

- Dạ… Gia đình con gặp chuyện nên thằng Hùng mới làm như vậy ama à! 

Nói đến đây, bỗng dưng bà Hồng sa sầm nét mặt, giọng ấp úng như sắp khóc. Ama ngồi yên, để những lời tâm sự của bà Hồng chảy đều.Theo lời bà Hồng, căn bệnh hen suyễn đã dày xéo bà bao năm, nhất là khi trái gió trở trời. Vì thương bà, thằng Hùng trông mong vào mùa ngô này để chữa bệnh cho mẹ nên mới hành động như vậy. Nhưng khi biết ngọn nguồn, bà đã can ngăn vì bà biết: Gia đình bà khó khăn, gia đình Katơ Min càng khó khăn hơn. Bà Hồng nhìn ama một hồi lâu: 

- Nhưng con đến đây để trả lại số tiền này cho ama. Con đã gặp Katơ Min rồi, ổng bảo khoản tiền này của ama. Gia đình con không thể nhận như vậy được. 

Ama thoáng chút đăm chiêu rồi nhẹ nhàng: 

- Chị cứ giữ lấy đi. Chuyện nhà chị, tôi biết cả rồi. Tối hôm tôi đến, không có chị ở nhà. Tôi nhờ người trong giáo họ tìm hiểu nên biết chị đang nhập viện. Chị cứ an tâm nhận để chi trả viện phí, cứ xem như là phần quà giáo xứ giúp đỡ cho các gia đình khó khăn. 

Rồi ama cũng bày tỏ đôi chút về nỗi lòng của bà con Raglai. Những lời tâm sự chân thành ama nghe được từ những người đồng bào nơi đây. Bà Hồng ngạc nhiên, đưa đôi mắt ngời sáng về phía ama. Sự bối rối hiện rõ nhưng từng lời của ama như đang sưởi ấm lòng bà. Bà đâu nghĩ tấm lòng ama lại trải rộng như vậy. Tấm lòng của một vị mục tử đầy “mùi Thiên Chúa” luôn sẵn sàng đón nhận “mùi chiên”. Bà Hồng nói chuyện với ama đến chiều khi tiếng chuông báo giờ Lễ vang lên rồi ra về. Trước khi về, ama động viên: 

- Chị cứ an tâm, tôi và bà con sẽ cầu nguyện cùng Chúa cho sức khỏe của chị. Tôi cũng cảm ơn chị vì giúp tôi nói được với bà con, không phải người Kinh nào cũng bắt bẻ họ. 

Đêm vùng cao, gió vẫn cồn cào thổi. Tan Thánh Lễ, ama Phương tản bộ xung quanh khoảng sân nhà thờ. Những gương mặt sạm đen do mưa nắng núi rừng in hằn nét khắc khổ đang nói cười bằng thứ ngôn ngữ của họ. Họ vui vì vừa nhận được món quà thiêng liêng. Đám trẻ con ngồi bệt giữa sân, tay phe phẩy cái bánh, gói kẹo được các bà mẹ Công giáo phân phát. Càng nhìn, ama càng thương họ cách lạ lùng. Nhìn thấy ama từ đằng xa, Katơ Min và Vai vội đến gần. 

- Ama ơi! Bà Hồng tới nhà xin lỗi con rồi. Bà ấy tìm gặp ama chưa? 

- Ừ! Bà ấy vừa đến chiều nay, có lí do riêng thằng Hùng mới làm như vậy. Hắn cũng hối hận lắm. Katơ Min đừng trách họ nhé! 

- Dạ… dạ… Bà ấy nói vậy nên con cũng yên tâm. 

Katơ Min nở nụ cười rạng rỡ. Vai vẫn cúi đầu thẹn thùng. Ama bỗng tiếp lời: 

- À… có chuyện này ama muốn hỏi ý kiến Katơ Min và thằng Vai. Đợt tới, ông trùm đi chữa bệnh lâu ngày. Vai lên ở nhà xứ với ama, ama giao cho con việc đánh chuông nhà thờ. 

- Ơ… ơ… nó khờ khạo sao thể làm được ama?- Katơ Min ấp úng. 

- Có ama hướng dẫn, ông lo gì. Mà trong Chúa Kitô, ama và tất cả mọi người đều là người khờ cần được Thiên Chúa xót thương Katơ Min à! 

Nghe ama nói vậy, Katơ Min cảm thấy an lòng, vội gật đầu đồng ý. Như tìm được sự đồng cảm, Vai ôm chầm lấy ama. Nơi khóe mắt nó, mấy giọt lấp lánh đã trào ra. Ama đưa tay vuốt nhẹ mái tóc khô cứng, mắt cha cũng rưng rưng nước, rồi khẽ tràn mi làm mềm tóc kia. 

Phía trên kia, trăng tròn vành vạnh thắp sáng cả bầu trời đêm.
Powered by Blogger.