[BST Có Một Vườn Thơ Đạo] Tập 3: Ơn phước cả
ĐÔI LỜI CỦA NHÓM SƯU TẬP
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Hình ảnh ơn phước cả dâng cao gợi lại thị kiến về ơn cứu độ chan hòa trong sách ngôn sứ Ezekiel thời Cựu Ước, chương 47:
" 1 Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. 2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra. 3 Người ấy đi ra phía đông, tay cầm dây đo, đo năm trăm thước rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến mắt cá chân. 4 Người ấy đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến đầu gối. Người ấy lại đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến ngang lưng. 5 Người ấy còn đo năm trăm thước nữa: đó là một con sông, tôi không thể đi qua được vì nước đã dâng cao, khiến không thể đi qua mà chỉ bơi mới được thôi. 6 Người ấy bảo tôi: “Ngươi có thấy không, hỡi con người?” Rồi người ấy dẫn tôi trở lại bờ sông. 7 Khi tôi trở lại, thì này: có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông. 8 Người ấy bảo tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. 9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. 10 Sẽ có nhiều ngư phủ sinh sống ở trên bờ. Từ Ên Gheđi cho tới Ên Éclagim sẽ toàn là bãi phơi lưới. Cá ở đây cũng nhiều và đủ loại như cá ở Biển Lớn. 11 Nhưng đầm lầy của nó sẽ không hoá ra lành mà chỉ dùng để lấy muối. 12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc. ”
Đền thờ là tượng trưng thân thể Chúa Kitô, cho nên dòng suối chảy tự đền thờ cũng chính là dòng máu và nước trào tuôn từ cạnh sườn Chúa (x. Ga 19, 34), là nguồn ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa: ơn sáng tạo của Chúa Cha, ơn cứu chuộc của Chúa Con và ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần.
Trong sách Êzêkiel, dòng ơn phước dâng nhanh thành lũ lụt mênh mông nhưng, với Hàn Mạc Tử, nó còn dâng cao đến vô tận, nương theo “cõi vô cùng cao tột bậc”, như “sáng bao la vây lút cõi thiên không”.
Hòa cuộn vào nguồn ơn phước cả, dòng chảy văn thơ Công giáo Việt Nam cũng là một nguồn ơn dạt dào Thiên Chúa đang ban qua lịch sử. Thập niên 1990, chúng tôi chỉ mới liên lạc được hơn 50 tác giả và chọn giới thiệu trong tuyển tập đầu tiên, Góp Nhặt Thơ Công giáo Việt Nam [1], 40 tác giả, chưa được in chân dung và tiểu sử. Tôi trao đổi với anh Lê Đình Bảng và năm 2005 chúng tôi phân công: anh Bảng lo về các tác giả từ thời đầu cho tới những tác giả đã khuất của thế kỷ 20, sẽ được in thành ba tập, phần tôi đảm nhận sẽ là những tác giả còn lại và sẽ được gom thành những tập được ghi từ số 4 trở đi. Vì thế tuyển tập phát hành đầu tiên, Kinh Trong Sương, đã được ghi số 4… Tới khi anh Bảng hoàn tất bản thảo thì không chỉ ba tập mà là sáu… Số 4 của tập Kinh Trong Sương rơi vào cảnh bị việt vị trên sân bóng. Khi tiếp tục các bản thảo tiếp theo, anh em Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn giải quyết bằng cách lấy tên Kinh Trong Sương làm tựa đề chung cho bộ sưu tập mới, sẽ in ba tập 1, 2 và 3 rồi tiếp nối với tập 5… Đang khi lên khuôn bản thảo Kinh Trong Sương 1 thì viễn tượng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử tới gần. Chúng tôi chuyển hẳn sang một chương trình mới, tức là bộ sưu tập này, Có Một Vườn Thơ Đạo.
Nhìn lại, thân phận những bản thảo sưu tập chẳng khác nào những cánh bèo dập dềnh trên nguồn ơn phước cả mỗi lúc một dâng cao…
*
Bộ sách gồm 4 tập. Tập 1 dành riêng cho nhà thơ Hàn Mạc Tử. Tập 2 gồm hơn 40 tác giả có năm sinh từ 1912-1940. Tập 3 này gồm hơn 40 tác giả có năm sinh từ 1941-1955. Tập 4 gồm hơn 40 tác giả có năm sinh từ 1956-1990. Chúng tôi không làm công việc bình thơ. Thay vào đó mỗi tác giả sẽ có phần chia sẻ cảm nghiệm nội tâm, nếu thiếu phần chia sẻ, chúng tôi cố gắng tìm một bài người khác viết về tác giả. Cả hai đều nhằm giúp độc giả dễ gặp gỡ tác giả hơn.
Sau cùng, do hoàn cảnh và thời gian eo hẹp, một số tác giả chưa có ảnh chân dung, phần thông tin cá nhân còn sai sót. Ước mong quý tác giả và độc giả lượng thứ và giúp chúng tôi biết sớm những dữ kiện chính xác hơn để kịp điều chỉnh trong lần tái bản. Xin chân thành cám ơn.
TRĂNG THẬP TỰ
[1] Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999.
Post a Comment