Header Ads

Trao đổi






Ở Việt Nam, có lẽ không mấy người Công giáo bán hàng cho cha xứ, nhất là giáo dân trong giáo xứ. Thay vào đó, người giáo dân thường lựa những gì ngon nhất, tốt nhất đem biếu cha thầy. Nhớ những tháng giúp một giáo xứ vùng biển nơi có nhiều ngư dân, mỗi lần tàu về, mỗi ngư dân đem biếu cha xứ những con cá, con mực to nhất. Do đó nhà xứ có 2-3 tủ đông chứa hải sản ăn cả tháng không hết. Còn ở An Giang, dừa và thốt nốt gần như luôn có sẵn.

Nhưng ở đây, việc người giáo dân đem nhánh chuối, trái đu đủ, trái bí ngô, bó rau hay con cá ... đến nhà xứ để bán là chuyện bình thường. Khi thấy người dân đem gì đến nhà xứ, câu đầu tiên là hỏi giá. Đôi khi họ không muốn lấy tiền nhưng muốn đổi mì gói, đồ hộp, xà bông, muối, đường... Và cũng có những khi họ nói không bán, cái này là cho, chủ yếu là đồ ăn (khoai), tuy vậy điều đó không có nghĩa “free” nhưng là đổi lại gì cũng được. Khi đó, mình có thể gởi lại họ một cái gì đó.


Lối suy nghĩ này cũng đã ăn sâu vào tâm thức của những đứa trẻ. Khi thấy mình làm vườn hay làm gì đó, chúng sẽ háo hức tới phụ giúp (có khi rất đông, quá mức cần thiết), với một suy nghĩ sẽ nhận được cái gì đó (chủ yếu là kẹo, bánh). Để cho hai bên đều hài lòng, mình cần thương lượng với chúng trước, ví dụ: giờ chỉ có chuối hay khoai thôi, hết bánh kẹo rồi, chịu thì làm, không thì đứng đó chơi thôi nha.

Trưa nay đang ăn cơm, có tiếng gõ cửa, mình mở ra thì thấy hai nữ sinh đứng đó. Hai em là học sinh của trường giáo xứ ở trong khuôn viên nhà thờ. Hai em chắc khoảng lớp 7, nhưng trông già hơn học sinh ở VN. Một em đưa cho mình củ nghệ đã được gọt rửa sạch sẽ (như hình). 
Mình giả bộ hỏi cái này để làm gì? Em trả lời để nấu với cá, ngon lắm. Mình tỏ ra rất vui và bất ngờ vì giờ mới thấy củ nghệ ở PNG, mình nói cám ơn. Chưa kịp quay lưng đi thì em ấy nói: Tụi em đói quá, cho tụi em chút gì để ăn đi (We’re so hungry but we have nothing to eat. Please give us some food!). Lúc này mình mới hiểu ra đây chính là cách người ta trao đổi hàng hoá! Mình vào nhà đem cho hai em một ít thức ăn để ăn tạm.

Tóm lại, cơ chế là thế này: Người ta đem cho thì mình không thể không nhận; mà nhận rồi, người ta xin cái gì mình cũng phải cho lại. Chợt nghĩ, cứ theo cái đà này, mai mốt lỡ có ai đó xin cái khác thì sao ta?


Powered by Blogger.