Những đồng tiền mừng tuổi
Đến năm mười ba, tôi mới biết dành dụm những đồng tiền mừng tuổi cho một hy vọng mà, hôm nay, hy vọng đó, tôi gọi là một hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi thường được tôi nhìn lại. Nhìn lại từ đoạn đầu đời tăm tối nhất, hồn nhiên nhất. Tôi không tin, không bao giờ tin nữa, thứ hạnh phúc người ta tưởng rằng tôi đang nắm chặt hay thứ hạnh phúc tôi còn mơ ước khi tôi bị đẩy xuống vực thẳm của phiền muộn. Hãy nói về những đồng tiền mừng tuổi thoát khỏi sòng bạc thơ ấu. Bạn đừng nghĩ thoát khỏi vì tôi sớm nhận chân dung của những tên cò mồi. Bầu trời của bất cứ một tuổi nhỏ nào cũng chỉ có một sắc mây hồng. Tâm hồn của bất cứ tuổi nhỏ nào cũng chỉ có một mùi thơm ngát. Tôi chẳng hề nghi ngờ những đồng tiền mừng tuổi phiêu lưu biệt tích trên chiếu cò tôm cá do sự dụ dỗ của bọn cò mồi. Thôi bạn làm ơn hiểu giùm, đến năm mười ba, tôi mới biết dành dụm những đồng tiền để mua mấy chú gà con.
Bạn nên theo tôi trở về một vùng quê hương Bắc kỳ của tôi. Sau phiên chợ Tết, những phiên chợ tháng giêng thật buồn tẻ. Người ta mãi hội hè đình đám, chả thiết đi chợ. Mãi tháng hai, chợ phiên mới đông dần. Những đồng tiền mừng tuổi nằm trong túi áo tôi sốt ruột quá thể. Chúng cứ đòi mua gà ngay lập tức. Với trẻ con nhà nghèo, tiền mừng tuổi quí lắm. Có đứa mua vải trắng, mua củ nâu về nhuộm may áo. Có đứa cưa cái rãnh cột nhà bằng tre bương, để dành tới cuối năm. Có đứa cho anh vay lấy lãi. Có đứa gửi mẹ giữ hộ. Riêng tôi, tôi bỏ túi, cài ba bốn chiếc kim băng, đêm ngủ tay khư khư nắm túi tiền.
Đêm đêm, chờ đợi phiên họp đêm, tôi đều mơ thấy bốn chú gà con. Một chú trống, ba cô mái. Tôi học thuộc lòng câu chọn gà của bà tôi. “Gà ri chân chì nuôi chi của ấy. Gà vàng chân vàng ai mắng cũng mua”.
Mơ ước, ở tuổi nhỏ, quả là nỗi thú tuyệt vời. Trong hàng trăm bài ngụ ngôn của La Fontaine, không một bài nào dở, trừ bài cô Perrette và cái bình sữa. Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine đã chế giễu sự mơ ước. Mơ ước có làm hại ai? Tôi đã mơ ước bốn chú gà của tôi lớn như thổi. Chừng sang thu, chú gà trống gáy ngọt và ba cô mái gại mỏ lia lịa. Rồi ba cô bằng lòng lấy một chú trống làm chồng. Ba cô nhẩy ổ đẻ. Tôi kiếm ba chiếc rổ rách bắc ổ đẻ cho ba cô. Mùa đông ba cô xuống ổ với ba đàn gà con xinh xắn. Tôi mơ ước đến đó. Tết tôi sẽ ở nhà ngắm gà của tôi. Hả hê chán.
Chợ phiên giữa tháng hai người ta mới bán trâu, bò, lợn gà. Tôi có mặt ở phiên chợ ấy. Đến chợ, tôi lần tới chỗ bán gà liền. “Gà vàng chân vàng ai mắng cũng mua”. Tôi đã dốc hết tiền mừng tuổi mua bốn chú gà vàng chân vàng. Mùa xuân quê nhà tôi, trời còn lạnh ngọt. “Tháng ba bà già chết rét”. Gà của tôi cần được sưởi ấm. Mấy ngày đầu, cho gà quen chỗ, tôi nhốt các chú trong chiếc nơm, lấy áo tơi che quanh. Tôi lén bốc gạo nuôi các chú. Những con gà lớn chỉ được ăn chút cám rồi bị đuổi khỏi sân, ráng kiếm sâu bọ mà nuôi thân. Lười biếng rình ăn với lợn, sẽ bị xua tàn nhẫn. Bốn chú gà của tôi là gà nhà giầu dù tôi là con nhà nghèo. Buổi sáng, đợi nắng khô sương tôi mới dám thả gà. Buổi chiều, mặt trời chưa lặn tôi đã lùa gà về chuồng. Ban đêm, nghe tiếng gà kêu, tôi vùng dậy đốt đèn thăm thú. Tôi ghét chuột, ghét cáo, ghét luôn mèo. Ba tên này rình mò giết chết gà của tôi. Nhưng săn sóc kỹ mấy, chưa hết mùa xuân, chú gà trống đã khoác áo tơi. Đôi cánh chú trề xuống chấm thân. Chú chê ăn. Chú đứng một chân. Rồi chú lăn kềnh ra. Chú bị cúm, chú chết thảm. Tôi suýt khóc. Ba cô gà mái may mắn thoát bệnh. Sang hạ, ba cô trổ mã, đẹp gái ra phết. Tội nghiệp chú gà trống. Giá chú còn sống, chú đã vỗ cánh gân cổ tập gáy te te. Bây giờ, ba cô gà mái đã biến thành ba nàng gà và chịu chung số phận hẩm hiu của những con gà lớn. Ba cô từ giã thời thơ ấu. Phải giã từ thời thơ ấu, ngay loài gà cũng cơ cực.
Một buổi tối cuối hạ, điểm gà trước khi chúng lên chuồng, tôi đã thấy mất một nàng gà mái của tôi. Có đứa ăn cắp một chút hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi. Nàng gà mái không bỏ nhà đi theo trai đâu. Người ta đã bắt cóc nàng. Tôi buồn cho đến hôm hai nàng gà mái còn lại chịu nằm trên ổ đẻ. Tôi theo dõi hai nàng. Mẹ tôi bảo nhìn gà đẻ sẽ bị lang ben. Tôi không sợ lang ben. Tôi mở căng mắt xem gà đẻ. Và tôi thấy rõ chiếc trứng gà con so rơi xuống ổ lót rơm. Và tôi sung sướng nghe những tiếng cục ta cục tác của hai nàng gà mái rộn ràng một thuở mười ba. Chẳng bao giờ tôi được nghe một thứ âm thanh nào kỳ diệu hơn, thứ âm thanh đã làm tôi nao nức, quên hẳn nỗi buồn. Hình như đời tôi bị bủa vây bằng sầu buồn. Tôi không có niềm vui liên tục. Bây giờ, vẫn thế thôi. Vẫn là kẻ dò mìn hạnh phúc. Là kẻ khốn khổ cầm trong tay từng khúc hoan lạc đứt rời. Tôi, gã phù thủy, bắt những nhân vật tiểu thuyết của mình đau đớn hay vui tươi, giàn xếp cho nhân vật của mình một đoạn kết bi thảm hay hào hùng hay an phận hay hạnh phúc những đã không đủ phép tích giàn xếp cho chính đời mình một sợi hạnh phúc nối dài! Những tiếng kêu cục ta cục tác của gà đẻ xuống ổ mới làm tôi sung sướng hôm qua đã đem theo xót xa vì tiếng quang quác não nề của một nàng gà bị cáo cắn chết tha đi. Tôi ngày nay tội nghiệp tôi ngày xưa. Nhưng nếu được sống lại ngày xưa, tôi ngày xưa sẽ tội nghiệp tôi ngày nay nhiều hơn. Nhiều lắm. Vô cùng.
Giữa thu, nàng gà mái sống sót với hy vọng của tôi cho tôi một đàn gà nhỏ. Đàn gà nhỏ. Đó là những bà tiên bay quanh giấc ngủ thiếu thời của tôi. Những bà tiên dạo nhạc ru tôi ngủ. Những bà tiên an ủi đứa trẻ nhà nghèo cô độc. Những bà tiên nuôi ước mơ giùm tôi. Những bà tiên tuyệt đẹp dưới nắng thu vàng. Ôi, những bà tiên dạo ấy sao nỡ xa lánh cuộc đời đầy đặc phiền muộn của tôi hôm nay. Có lẽ, bởi còn có mùa đông. Và bởi có mùa đông nên những bà tiên rét mướt, những bà tiên lười bay, những bà tiên ủ rũ. Mùa đông cuộc đời tàn nhẫn cả với những bà tiên. Mùa đông thổi một luồng gió độc ác. Những bà tiên khoác áo tơi, đứng im lặng bằng một chân, hết khiêu vũ, hết ca hát. Rồi những bà tiên thay nhau chết. Và tôi từng ngày, chôn những bà tiên gần nhau. Tôi xây một nghĩa trang mơ ước. Và tháng chạp thảm sầu, tôi chôn luôn mẹ của những bà tiên. Tưởng tượng đứa trẻ nhà nghèo chôn hy vọng của mình, bạn có buồn không? Tết năm mười bốn, những đồng tiền mừng tuổi lại dùng để mua bốn chú gà con. Rồi nghĩa địa mơ ước lại biến thành thiên đường mơ ước. Và cứ vậy, ước mơ đều đều…
Tôi lớn khôn, không còn thích nuôi gà nữa. Cũng chẳng còn ai cho tôi những đồng tiền mừng tuổi. Tôi tự cho tôi những giọt nước mắt ví như những đồng tiền. Tôi nuôi một hy vọng khác. Tôi thấy những giọt nước mắt mỗi năm một ít đi. Xuân này, những giọt nước mắt khô cạn. Mà hạnh phúc, bạn ơi, mãi mãi cứ gặp luồng gió độc ác của mùa đông cuộc đời.
Post a Comment