Header Ads

Noel không chỉ dành cho người Công giáo


NOEL KHÔNG CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO!


Tháng 12 đã về, và một mùa giáng sinh nữa lại đến! Đó là thời khắc thiêng liêng và trân trọng của cộng đồng những người theo đạo Công giáo. Còn tôi, lại là người ngoại đạo. Nhưng đêm Noel đối với tôi, cũng tràn đầy niềm vui và thật nhiều suy tưởng !

Sơn Tây là vùng quê trung du yên bình, ẩn chứa nhiều sự tích huyền thoại và thi ca. Nơi tôi ở là con phố nhỏ ngay cạnh nhà thờ thị xã. Những người hàng xóm đa phần là giáo dân. Họ sống gần gũi, chân tình, mộc mạc. Con phố này, đầy ắp những kỷ niệm trong tôi từ ngày thơ bé cho đến tận bây giờ. Đêm giáng sinh, trời lạnh giá, con phố ấy vẫn nêm chặt người đủ mọi lứa tuổi, nhưng phần nhiều là giới trẻ. Các nữ giáo dân và ca đoàn đẹp lộng lẫy trong tà áo dài khoe sắc. Cả thị xã ấm lên bởi dòng người từ các ngả đổ về nhà thờ, cùng mong đợi giây phút linh diệu Đấng Toàn Năng hiển sinh, hồi hộp đón chờ tiếng chuông nhà thờ vang vọng trong không gian huyền ảo. Thực ra những người ngoại đạo, họ chưa hiểu biết nhiều về ngày lễ giáng sinh.


Nhưng họ vẫn muốn tận hưởng giây giờ phút thiêng liêng ấy. Ngày này không còn là ngày dành riêng cho người theo đạo Công giáo. Họ cảm nhận như là ngày vui của chính mình, cùng được hưởng niềm hân hoan với bà con giáo dân. Họ đi vì nhiều lẽ, nhưng đó là dịp để được gặp gỡ và chia sẻ. Mọi người cố len vào bên trong nhà thờ để được nhìn thấy hang đá với máng cỏ, mô hình thu nhỏ nơi Chúa Jesus ra đời. Cây thông giáng sinh và những bài thánh ca vang lên của ca đoàn nhà thờ xứ Sơn Tây, với âm hưởng đầy rung động và xao xuyến lòng người. Đâu đó thấp thoáng ông già Noel tốt bụng với bầy tuần lộc kéo chiếc xe trượt tuyết để ban phát quà bánh cho trẻ em. Vào lúc này, các quán cà phê cũng chật người, tiếng hát vang lên cũng là những bài thánh ca rất đỗi thân thuộc. 
Lời ca quyện với màn sương bàng bạc giăng khắp phố. Đêm thành cổ lung linh in xuống con hào cũng đang chìm dần trong khói sương. Có lẽ, không ai không thuộc lấy một câu trong bài " Hang Bê-lem " nổi tiếng của cố nhạc sỹ Hải Linh: " Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa... ". Tôi nhớ, có một lần người bạn gái nói với tôi trong đêm Noel: - Thú thật, em không hiểu gì nhiều về ngày lễ này, chỉ biết là ngày Chúa sinh và hay được nghe những bản thánh ca mà em yêu thích. Thêm nữa, ơn Chúa, hôm nay cũng là ngày sinh nhật của anh, xin cầu chúc cho anh nhiều điều tốt lành và một mùa giáng sinh vui vẻ. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước câu nói ấy. Bởi chỉ có giây phút này, con người ta mới nói được trọn vẹn những ý nghĩ sâu thẳm từ đáy lòng trong sáng và thành thật. 

Đây cũng là dịp tôi trả lời những câu hỏi của em, nói với em những điều sơ đẳng nhất mà tôi nghe được ở bà con giáo dân. Trước hang đá nhiệm màu và linh thiêng tôi kể: Bê-lem là nơi thánh thiêng, vì chính nơi đây con Chúa đã ra đời. Ngày xưa Đức Maria và thánh Giu-se từ Na-da-rét đến Bê-lem để khai sổ nhân danh. Không tìm được chỗ trọ, hai ngài đã tìm nơi trú ẩn trong một cái hang đối diện với thành Bê-lem, và chính trong cái hang đó, Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Đức Maria đã đặt Con mình vào cái máng cỏ kia, và cũng ở đây, mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Nhi... Tôi kể cho em nhiều nhiều nữa, thực ra cũng từ sự kính trọng mà nói ra lời. 


Dù ta có theo đạo hay không theo đạo, tin hay không tin thì mọi thứ tôn giáo cũng đều nói đến đạo làm người, đều hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đều bắt nguồn từ trái tim, biết yêu thương và trân trọng, biết sẻ chia với những cảnh đời éo le, nghiệt ngã. Tôi đã dự nhiều lễ thành hôn của các bạn trẻ ở nhà thờ, và vị Linh mục từng giảng giải cho những lưá đôi nhiều điều thật thấm thía. Từ tình yêu, đến hôn nhân, gia đình, đến đạo làm con, làm cha , làm mẹ vv...Vị linh mục nhắc đến cuộc sống gia đình: "Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu ". Cha mẹ sinh ra chúng ta, thay mặt Chúa để chăm sóc dạy dỗ chúng ta. Công cha nghĩa mẹ là khôn cùng. Kính hiếu với mẹ cha cũng làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Cuối bài giảng, Linh mục cũng mong mỏi và tin ở họ sẽ có cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung, sống phúc âm trong lòng dân tộc.

Còn nhớ, cách đây đã bảy năm, tôi đón một mùa giáng sinh đầy kỷ niệm tại Hà Nội. Cùng với ca sỹ tài tử Ngọc Bảo, nhà báo Nguyễn Kế Nghiệp, NSUT Minh Thu, Đặng Quý, Thu Hằng, Hương Sen vv... chúng tôi trò chuyện và ca hát, đọc thơ suốt đêm. Bản thánh ca "Hang Bê-lem ", " Đêm thánh vô cùng "... do ca sỹ tài tử Ngọc Bảo và Minh Thu trình bày đầy xốn xang và xúc động. Nguyễn Kế Nghiệp nặng lòng với những bài hát tiền chiến của Đoàn Chuẩn. Nghệ sỹ Thu Hằng, Hương Sen với "Tình cây và đất "," Về quê"... mang đến cho nhau tình yêu con người, yêu quê hương xứ sở. Bài thơ " Đêm Nôel em hát " của tôi, nhờ có cảm xúc chân thành ấy mà ra đời ngay sau đó. Đêm giáng sinh ở Hà Nội đã hút hồn tôi, ấm áp và thơm thảo lòng người. Trên các ngả đường Hà Nội, sương giăng đầy mái phố. Và lúc đó, tôi lại nhớ đến Sơn Tây, người dân quê tôi cũng tưng bừng trong đêm Nôel tràn đầy hạnh phúc. Vậy mà, đã mấy mùa giáng sinh chúng ta không còn được nghe tài tử Ngọc Bảo ngân nga các bản thánh ca và nhà báo, nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp cũng đã cùng Ngọc Bảo nhẹ gót về cõi thiên thu...

Đêm giáng sinh đã là của tất cả mọi người. Nhân ngày này mà chúng ta cùng chung vui và chúc phúc cho nhau. Bởi lễ giáng sinh là lễ của sự sống, liên kết nỗi đau và niềm vui. Bê-lem, nơi người mẹ đã sinh con trong thế gian, đó là con người, đó là màu nhiệm. Người đã cởi bỏ vinh quang của Thiên Chúa để sinh ra sống giữa con người và chịu chết vì con người.

Mùa giáng sinh năm nay, tôi sẽ đón nhận và tận hưởng niềm vui này ở đâu? bạn bè và những người thân không dễ gì gặp được, bởi ai cũng bận bịu nhiều công việc. Nhưng tôi tin, kỷ niệm về những mùa giáng sinh sẽ còn nguyên vẹn trong ký ức mỗi người. Hãy nhớ và trân trọng những tháng ngày đã đi qua. Như lời ca tha thiết của Trịnh Công Sơn: 

Lại một mùa giáng sinh nữa đã đến! 

Sơn Tây. Mùa giáng sinh 2011.


Ba Sàm: Đúng vậy, ở một số nước, Giáng Sinh là ngày lễ lớn của đất nước, cũng giống như ngày Tết ở Việt Nam. Chẳng hạn như ở Mỹ, Christmas là một trong 10 ngày lễ lớn ở nước này, trẻ em thường được nghỉ học 2 tuần. Hầu hết các gia đình có đạo Công giáo hay không, cũng đều trang hoàng nhà cửa, dựng cây thông Noel, và đặc biệt là có rất nhiều quà dưới cây thông, dù gia đình chỉ toàn là người lớn. Họ tặng cho nhau những món quà mà người thân của mình sẽ thích, để thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau. 





whats Christmas

Christmas isn’t about toys
Christmas isn’t about money
Christmas is about giving food to the needy 
Christmas is about loving your family 
Christmas is to get time to spend with your family

What’s Christmas
Christmas is about the holiday
Christmas is about loving what you get
Christmas isn’t about sending cards

Christmas is about love 


Jeffery McNutt 

Xin tạm dịch:


Giáng Sinh

Giáng sinh không chỉ là đồ chơi cho con trẻ
Giáng sinh là tin mừng cao hơn tiền bạc
Giáng sinh là sự chia sẻ no ấm tình người
Giáng sinh đem hạnh phúc đến gia đình nhân loại
Là bên nhau vạn ngày vui

Giáng sinh...
Giáng sinh là những dịp nghỉ ngơi sau những ngày cần lao vất vả
Mọi người gần nhau chan hòa tình yêu thương
Không chỉ là quà và thiệp, Giáng sinh từ chối xa hoa


Mà ở đó tình người

(Tác giả Jeffery McNutt )





Đúng vậy, Noel chắc chắn là không chỉ dành cho người Công Giáo. Nhưng nếu để ý chúng ta sẽ thấy ngay chính cái danh xưng "Công Giáo" là để chỉ một tôn giáo của công chúng, có nghĩa là dành cho mọi người ai theo cũng đặng !

Tôi nhớ ngày trước còn đi học, người mà năm nào cũng gởi thiệp Noel cho tôi một cách đều đặn nhất chính là một cô bạn người Phật giáo gốc Đà Nẵng . Sau vài lần, tôi cười cười hỏi nó "Ê, sao kỳ dzậy bay, tau nghĩ chỉ có người CG mới tặng thiệp nhau để kính nhớ ngày lễ này thôi chớ ?" Nó xuỵt tôi nói tôi vô duyên và vô ơn, vì đó là "cách bạn mi nhớ đến và mong cho mi có được mùa lễ an bình hạnh phúc". Mọi lần mà nghe nó kê tủ đứng là tôi sẵn sàng phùng mang trợn mắt lên phản pháo ngay lập tức, nhưng lần đó thì tôi yên lặng vì bận nghiền ngẫm cái ý nghĩ tử tế mà đứa bạn tôi vẫn cho là khó lòng chấp nhận những gì khác với nó vừa gieo vào đầu óc luôn "vô duyên và vô ơn" của tôi. Tự dưng tôi tự cảm thấy mình thật kém cỏi vì chưa hiểu nổi những gì tôi - một tín hữu- học và hiểu như con vẹt về mầu nhiệm giáng sinh và bản ngã "tính bổn thiện" của con người.

Lớn lên, tôi nảy sinh ra thông lệ mỗi năm gởi một cánh thiệp đến cho một hai người nào mà tôi nghĩ là sẽ đón nhận những lời chúc Noel của tôi một cách háo hức và thành thật nhất. Thường thì tôi hay gởi cho một người phạm nhân hiện đang mang án chung thân không có ngày ra tù về tội giết người và xâm phạm tình dục trẻ em. Giữa tôi và ông ta là cả một thế hệ về tuổi tác (tôi chỉ bằng tuổi con ông ta) và chẳng có gì tương đồng xét về mọi mặt, chỉ trừ một niềm tin là "Chúa luôn xót thương và tha thứ cho kẻ tội lỗi"

Mỗi lần viết cho ông, tôi lại nghĩ đến cô bạn của tôi, người đã mở mắt cho tôi hiểu thế nào là lòng bác ái đối với những người không là thân thích hay "đồng hội đồng thuyền" với mình. Tôi thầm nghĩ nếu bạn tôi mà biết tôi làm được điều này là nhờ nó mở mắt tôi ra chắc nó ...à mà sao tôi biết được nó sẽ nói gì nhỉ, đứa bạn gái mà lại mang khí phách của một nam nhi và một tư tưởng sâu sắc hơn hẳn bạn cùng trang lứa!

Năm nay tôi đã viết gởi cho chú Ngọc, nhưng tôi thay cánh thiệp Noel cố hữu bằng một post card tôi mua ở bưu điện Sài Gòn ngang hông nhà thờ Đức Bà, chụp cảnh một nhóm nữ sinh áo dài trắng Cần Thơ đang đạp xe dưới rặng tre xanh mát vào buổi trưa hè nắng chói chang. Tôi hy vọng các cai tù sẽ rộng lượng mà không vứt bỏ cánh thiệp ấp ủ những tâm tình quê hương của tôi gởi vào cho chú, vì tôi biết đó mới là những gì chú ao ước nhất mà chẳng biết bao giờ mới có được ?


Noel năm nay tôi cũng biết đến và nhớ nhung một người tù khác cũng đang phải xa nhà và bị tước đọat tự do một cách phũ phàng. Chỉ khác chú Ngọc ở chỗ người này không hề xâm phạm đến tính mạng tài sản hay danh dự của bất cứ ai, chị đi tù chỉ vì tội yêu nước, bỏ lại sau lưng con dại và bạn bè những người hết lòng lo lắng cho sự an nguy của chị. Tôi não lòng nhìn thấy cảnh cậu bé 19 tuổi lang thang giữa phố xá Sài Gòn đi tìm mẹ không khác gì cánh chim non trong chuyện "Are you my mother?" mà con tôi và hầu hết mọi đứa trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đều yêu thích. Câu chuyện nói về một con chim non bị lạc mẹ ngay từ khi mới lọt lòng, nó chưa hề biết mặt mẹ ra sao nên gặp ai cũng hỏi "ông bà có phải là mẹ của cháu không?" Câu chuyện có hậu ở chỗ cuối cùng con chim đã được người tài xế trục cẩu đưa về đúng ngọn cây nơi có chim mẹ đang mỏi mòn chờ con trong tổ ấm để được xà vào lòng mẹ cho bớt sợ hãi và lo lắng ...Đến bao giờ Bùi Hằng mới được trả về cho gia đình ? Tôi vốn tin vào sự công bằng của đấng tạo hóa, nếu đã xót thương ngay cả kẻ tội lỗi thì cũng không bỏ qua việc ban ơn lành cho những người công chính như Bùi Hằng. Không hiểu ở nơi lạnh lẽo và tàn nhẫn ấy, chị có biết rằng còn rất nhiều người chẳng hề quen biết cũng vẫn đang âm thầm nhớ đến và cầu nguyện cho chị, cho TẤT CẢ những người công chính hiện đang chịu cảnh tù đày oan ức ? 

Nói lên được điều này ở trang báo này tôi mong sẽ đến được tai Bùi Hằng để chị có thể cảm nhận được chút tình người ấm áp trong dịp lễ mang ý nghĩa của ngày đất trời giao hòa, ngày con người -lẽ ra- phải làm hòa và tử tế với nhau cho đúng nghĩa "đồng loại".

"The wicked flee when no man pursueth; but the righteous are as bold as a lion"
(Proverb 28:1)



Tôi cũng không phải người công giáo, nhưng tôi thích cách các bạn sống và cống hiến cho Đạo của mình. Từ nhiều năm nay, năm nao tôi cũng đi nhà thờ vào đêm 24/12, không phải là để a dua mà để cảm nhận sống và sống. Gia đình tôi, mẹ tôi đi chùa vào mỗi rằm và mồng một, tôi mà rỗi thì đưa người đi. Ngày tết thì cúng gia tiên (tại nhà) sau khi xông nhà thì mới vào chùa xin hương.

Lần đầu tiên tôi đi nhà thờ là năm 2008 về đám cưới 1 người bạn ở Kim Sơn, trưa CN mới tổ chức nhưng vì thân anh em về từ T7 để hát hò chia tay độc thân nó. Cách Phát Diệm không xa nên sáng CN anh em rủ nhau qua đó thăm quam cho biết (thời điểm đó, và với tôi đúng chỉ là thăm quan). Ấn tượng đầu tiên là chỗ gửi xe, lần đầu đến nên tôi "phòng" hỏi giá gửi xe, chú trông xe chỉ tôi 1 hòm công đức và nói: "Ở đây không thu tiền gửi xe, có bao nhiêu thì bỏ vào đó, không có không sao". Nói thật khi viết nhưng dòng này nhiều chùa tôi đi bây giờ cũng chưa làm được điều đó. Và cũng ở đó chỉ là vô tình tôi nghe "người thuyết trình" nói:" Chúa ban Hồng ân đến cho người cần, cũng như không cần Hồng ân của Chúa".

Người Công giáo thật lạ lung, lần đầu và đến lần n tôi đến nhà thờ vẫn thấy giống nhau, tôi trả qua 9 mùa Giáng sinh ờ 4 nhà thờ khác nhau ở Miền bắc và miền Nam (do công việc phải đi lại) nhưng chưa lần nào tôi thấy mình lạc lõng giữa các bạn, dù lạ hay quen, dù biết tôi không phải người địa phương cũng như không phải người Công giáo, chỉ cần bước dưới mái vòm đã là Thân hữu.

Bây giờ tôi biết "người thuyết trình" giữa các bạn là ai, và tôi sẽ giữ thói quen đi nhà thờ đêm Giáng sinh để được "cúi chào Thân hưu quanh mình". Không chỉ có Chúa mà chính các bạn - những người con của Chúa cũng cho đi mà không cần nhận lại. Cảm ơn các bạn.
Xin kính chúc các bạn cùng gia đình một mùa Giáng sinh 2016 an lành, tràn đầy hồng ân Chúa.




Powered by Blogger.