Đức Mẹ lên trời bằng đĩa bay?
ĐỨC MẸ LÊN TRỜI BẰNG ĐĨA BAY?
Theo nhiều sử gia nghệ thuật, đây là bức tranh đầu tiên thể hiện chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời". Tranh khổ nhỏ (30.3 x 45.7 cm), vẽ bằng tempera (bột màu pha lòng đỏ trứng gà) trên nền gỗ dát vàng, của Sano di Pietro (1406-1481) sáng tác trong khoảng thời gian từ 1447-1452 (Hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Lindenau, Altenburg).
Tuy được xem là tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật Gothic phương Tây, gần với tự nhiên và giàu tính trang trí, nhưng tác phẩm này của Sano di Pietro vẫn còn mang đậm dấu ấn ảnh hưởng ngôn ngữ biểu tượng phương Đông của nghệ thuật Byzantium. Cần phải biết điều này mới có thể "giải mã" thông điệp của tác phẩm.
Ngày nay, khi xem tác phẩm, chúng ta dễ có cảm tưởng họa sĩ đang vẽ cảnh các thiên thần đang xuống đón Đức Mẹ về trời. Và, cái "vật thể" có hình ô-van mà Đức Mẹ đang ngồi trong đó, có vẻ như là một "phương tiện" di chuyển đặc biệt...! Có người nói là đĩa bay!
Thực ra, đây là một biểu tượng cách điệu từ hình ảnh trái hạnh nhân. Trong nền văn hóa Do Thái (ảnh hưởng sang văn hóa Ý) cây hạnh nhân là biểu tượng của sự sống, và trái hạnh nhân là biểu tượng của tình yêu, của sự kiên trinh. Liên hệ từ biểu tượng này, chúng ta dễ hiểu, không phải tác giả đang thể hiện hình ảnh Đức Mẹ lên trời, mà đang thể hiện tình cảm tôn vinh Đức Mẹ ở ý nghĩa gắn liền với sự sống trường tồn, với tình yêu cao cả và bất diệt...- một tình cảm vượt qua sự sống -chết và các giới hạn trần tục...
(Nhân thể cũng xin lưu ý: đối với nghệ thuật Công giáo trước thời Phục hưng, nếu không có kiến thức về Iconography, thì coi như... mù!)
Post a Comment