Thao thiết mùa chuông
Nguyễn Văn Học (Hà Nội)
Ngày nào xóm đạo chẳng văng vẳng hồi kinh cầu nguyện, nhưng vào mỗi mùa Noel, những tiếng chuông như trở nên uy nghiêm, thành một hợp âm xôn xao, vẽ ra khung cảnh thiêng liêng hơn.
Mỗi đứa trẻ làng tôi đều có một đức tin sốt sắng vào Đấng thần linh và ngay từ nhỏ đã được sống chan hòa, tắm đẫm không khí thánh đường với những lời ca linh diệu. Ở tuổi thiếu niên, đứa nào cũng khao khát nhập vào đoàn Thiếu nhi thánh thể, lớn lên muốn nhập Ca đoàn, sống trong nguyện cầu, trong những bài thánh ca âm vang tinh khiết. Từ những lời hát thấm nhuần trong trái tim, mỗi đứa đều được thắp lên một khát vọng bay cao, bay xa. Và thế là, giới trẻ ngày càng học tập tiến bộ, học đại học, mang cả tiếng chuông, niềm tin bước vào đời. Làng tôi có cây gạo trăm năm vươn cao sừng sững, cùng với tháp chuông nhà thờ vừa là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, vừa là biểu tượng của đức tin và khát vọng. Dáng trầm tư nghiêm ngắn rêu phong của tháp chuông, kết hợp với sức vóc cổ thụ trăm năm với thân vỏ sần sùi hứng chịu mưa nắng, tạo nên một kết hợp hài hòa đến khó tả. Và trong không gian ấy, cùng với vẻ đẹp bình dị của một làng quê còn chưa nhuốm màu đô thị hóa, chiếc hồ lồng lộng soi bóng đại thụ và loài liễu rủ tóc quanh năm, làm thành bức tranh đa sắc.
Tôi yêu cảnh đẹp quê mình, yêu tiếng chuông thiêng liêng vang ngân. Trong tình yêu ấy, sự mầu nhiệm đã lan tỏa để tôi yêu đồng loại mình, sống và làm việc sốt sắng. Ngay cả trong dòng chảy mưu sinh ồn ã, tiếng chuông trong tâm hồn thỉnh nhắc. Nếu tôi lạc đường, nó gần gũi và làm tỉnh thức. Nếu tôi quên, nó nhắc nhở và sẻ chia. Nếu tôi yếu đuối, nó động viên và khích lệ. Nếu tôi chùn bước, tiếng chuông xoa dịu và đỡ nâng. Ôi tiếng chuông diễm tuyệt đang vào mùa vọng. Tiếng chuông đã làm hội tụ biết bao nhiêu tâm hồn con chiên ngoan đạo về trong ngôi thánh đường. Và chắc hẳn, tiếng chuông đã hộ phù cho hàng ngàn đứa con đi xa, hàng ngàn trái tim đã từng yếu đuối, không vững dạ. Và chắc hẳn, rất nhiều người con làng tôi cũng mang tâm trạng như thế, từng ôm những vết thương để về nghe lại tiếng chuông trong tâm hồn mình, tiếng chuông của tuổi thơ ngay ngôi thánh đường mà mình được kết nạp vào đoàn chiên. Khi đi hết tiếng chuông, tôi đã quỳ gối trước Chúa để cậy xin. Tiếng đàn óc-gan làm tôi bình tâm và lời thánh kinh ngân ngân tiếp thêm nghị lực. Đó là lần tôi khủng hoảng nhất trong suốt mấy chục năm làm người có đạo.
Bao nhiêu cổ thụ đã bạc đầu, bao nhiêu cụ già chân yếu chậm chạp vẫn chống gậy men theo miền chuông reo để về thánh đường. Tận sâu trong miền quá vãng, tâm tưởng tôi đã nhiệt thành một niềm tin. Và khi mùa Giáng sinh về, năm nào tôi cũng trở về quê mình để tìm lại những điều đã cũ, rất cũ nhưng không thể nào tìm được trong dòng chảy vô định của thời gian và không gian bao la ngoài kia. Ở đó rất khó tìm thấy sự bình an, nhưng trong tiếng chuông và hồi kinh thì có, rất nhiều. Bởi thế tôi không thể nào ác được, ít nhất là với bản thân mình.
Trong mùa chuông xóm đạo, mùa vọng, mùa hân hoan vui đón Chúa hài đồng, thể nào chả có một đêm tưng bừng với biết bao nỗi niềm. Đó là đêm giáo dân mọi miền đổ về. Không gian quanh thánh đường, các ngõ xóm, hồ nước, những hàng cây, hang đá… đều được trang hoàng rực rỡ. Tất cả chào đón thời khắc mầu nhiệm, Chúa giáng sinh, giáng sinh trong mỗi tâm hồn người, mỗi đức tin. Sự kiện trọng đại ấy mãi mãi được tôn vinh, như tiếng chuông là một kiến trúc độc đáo ngoài không gian, bất biến.
Post a Comment