Header Ads

Tấm Áo Ngày Xuân–Giải Viết Văn Đường Trường V, bản tin 16

Mã số: 17-163

- Chú Tư coi con mặc bộ đồ này có đẹp không?

Tiếng bé Ngọc Nhi hàng xóm nhỏ nhẹ vang lên làm cho hắn phải ngước lên nhìn. Một con bé 5 tuổi với bộ áo đầm trắng có cái nơ nhỏ màu xanh trên vai áo đang đứng nhìn hắn. Cô nhỏ cười, lúc lắc mái tóc dài chấm vai.

- Ừ, đẹp lắm! Hôm nay bé Nhi giống như công chúa vậy! Mẹ thưởng cho con đó hả?

- Dạ! Mẹ nói may áo mới cho con để mặc tết đó chú Tư!

- Anh Tư biết không- Mẹ bé Nhi trong nhà vừa ra, tiếp lời- Em dẫn con bé về quê, ngày mai này cho nó tảo mộ ông bà luôn. Năm nay, anh Tư có về quê tảo mộ không?

- Dạ! Có lẽ không về tảo mộ được chị Bảy ạ! Năm nay, đành để anh Hai ở quê quét dọn mộ ông bà giúp vậy. Bận quá! Chắc phải đến tết mới xong việc, rồi về quê luôn!

- Thôi, chào chú Tư đi, mẹ con mình đi thôi con gái! Trễ rồi đó! Chào anh Tư nhé!

- Chào chị Bảy nhé! Cho tôi gởi lời chào bà con dưới quê nhé!

Hắn nhìn theo hai mẹ con người láng giềng đi xa dần mà thấy lòng chợt xôn xao. Ở cái chốn Sài Gòn hoa lệ này, khó lòng tìm được một người miền Tây, có phong tục gần giống như mình lắm! Ngay đến cách xưng hô, người ta cũng gọi tên, chứ không mộc mạc theo thứ tự trong gia đình như ở quê hắn. Bây giờ, cũng không có mấy ai đi tảo mộ vào trước tết như xưa nữa vì công việc bề bộn, lại thêm bây giờ người ta ít chôn cất người thân mà thay vào đó là mang hài cốt đến gởi ở các chùa thay nhà thờ. Vậy nên việc đi tảo mộ người thân giờ đây càng thêm hiếm hoi, và việc gìn giữ nó, lưu truyền cho con cháu lại càng khó khăn hơn. Cuộc trò chuyện ngắn với mẹ con người hàng xóm, bộ áo mới của cô bé Ngọc Nhi làm cho hắn nhớ lại về tuổi thơ của mình, ở một vùng quê nghèo năm xưa….

Hắn sinh ra trong một gia đình thuộc vào loại nghèo nhất trong xóm của vùng đất nằm dọc theo sông Tiền, nơi được gọi là vựa lúa của miền Tây. Cha mẹ hắn, người thì có một tiệm chụp hình, người thì từng làm việc văn phòng, có thể xem là tương đối an nhàn. Nhưng sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, thời thế đổi thay, điều kiện chính trị khó khăn, không thể tiếp tục công việc cũ, nên cả gia đình đưa nhau về đây. Cha hắn vốn dĩ sức khoẻ không tốt, lại đã quen công việc đánh máy nhẹ nhàng nên giờ không thể thích nghi với việc tay cày tay cuốc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Lại thêm, mấy năm trước, ông bị bệnh phù thũng suýt chết nên giờ đây sức khoẻ càng tệ hơn. Mọi việc chỉ còn trông chờ vào mẹ hắn và mấy công đất trồng nhãn nhưng thiếu người chăm sóc nên hoa lợi hàng năm không được là bao. Gia đình hắn lại được kể vào thành phần mà theo những người cán bộ trong xóm, cần phải “đề phòng” và “để ý theo dõi” mới được. Nhà hắn không làm chuyện gì phạm pháp, cũng không có cướp giật hành hung người nào, lại càng không phải là thành phần chống đối chính quyền. Nhưng trong cái thời kỳ “bao cấp” đó, người ta ưa nghi kỵ và xa lánh những ai đã từng làm việc cho chính quyền trước, làm cho Mỹ, dù chỉ làm một công việc văn phòng, không có liên quan gì đến chính trị, quân sự. Lại thêm vào đó, gia đình hắn lại là một gia đình có đạo! Thế mới thật lạ lùng! Nhà hắn mỗi tối hay đọc kinh cùng nhau, dưới ánh đèn dầu leo lét, nếu để ý nhìn ra bên ngoài, sẽ thấy đâu đó có vài người hàng xóm đang lân la ở gần, như thể đang làm việc gì đó, đôi khi lại phải bỏ dở đọc kinh để ra tiếp họ, vì một câu chuyện không ăn nhập gì với nhà hắn. Ở xóm ấy không có nhà thờ, gia đình hắn phải đi lễ Chúa Nhật ở một giáo xứ khác cách nhà gần 10 cây số, ấy thế mà bao giờ cũng có một vài cái “đuôi” đang đeo bám ở xa xa phía sau. Vì vậy, tuy là không có rào giậu gì, nhưng gia đình hắn ở trong xóm, giống như trong một “ấp chiến lược” vậy, mọi hành động đều được theo dõi từ xa! Ngày tết đối với anh chị em hắn, đã từ lâu rồi, đó chỉ đơn giản là những ngày không phải đi học, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, có năm thì được thêm vài đòn bánh tét ở bên nội hay ngoại gởi cho. Còn quần áo mới, thức ăn ngon ư? Anh em hắn chưa khi nào dám mơ tới. Bởi, dù nghèo nhất trong xóm, nhưng cha mẹ hắn quyết tâm không để cho các con phải bỏ học nửa chừng, vì vậy, hoa lợi ít ỏi thu được từ vườn cây chỉ đủ để trang trải học phí cho anh em hắn, còn bữa ăn hàng ngày chỉ đạm bạc đơn sơ gọi là “sớm trưa dưa muối cho qua bữa” vậy thôi. Cha hắn những khi thấy khoẻ, ông cũng cố gắng làm cỏ, chăm sóc ít cây trong vườn nhưng hiệu quả cũng chẳng được là mấy. Ngày tết gần kề càng làm cho ông bà thêm những lo toan, những suy tư cứ thế hằn sâu thêm trong tâm trí. Một bữa, hắn nghe cha mẹ hắn bàn với nhau. Bà nói:

- Ông này, năm nay tôi định mua cho bọn trẻ vài bộ áo mới để chúng mặc trong mấy ngày tết. Các con mình lâu rồi không có được niềm vui tết như bạn bè nó. Có mấy con gà tôi định bán để có thêm ít tiền mua thêm ít thịt cho mấy ngày xuân được ấm cúng hơn.

Ông chồng gắt:

- Lại áo mới! Lạ thịt cá! Tết nhất gì chứ? Gà mới vừa ra lông cánh thôi mà đòi bán chác gì? Được bao nhiêu tiền hả? Bình thường đã lo mệt lắm rồi! Bà còn khéo bày vẽ nữa!

Bà nhẹ nhàng nói:

- Thôi mà ông! Tôi cũng chỉ nghĩ tới mấy đứa nhỏ thôi mà! Thương cho tụi nó! Nhà mình mấy năm rồi không có tết!

Cha hắn có vẻ bực bội:

- Thôi, tôi mệt rồi! Bà muốn làm gì làm! Tôi không quan tâm!

Rồi sau đó, ông bỏ ra khỏi nhà, đi đâu cả ngày không rõ. Ở nhà, mẹ hắn cứ thắp thỏm lo âu, cha hắn trước giờ đâu có như thế, có lẽ ông buồn vì mình không tròn trách nhiệm chăng? Anh chị em hắn cũng chưa khi nào chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau như thế bao giờ nên chỉ biết lo lắng nhìn nhau. Mãi đến hơn 10h đêm, cha hắn mới về nhà, dáng người mệt mỏi rã rời. Mẹ hắn ra đón với nét mặt lo âu:

- Ông giận tôi hay sao vậy? Cả ngày nay ông đi đâu mà giờ mới về? Có chuyện gì sao? Ông đã đi đâu?

Người cha móc trong túi ra một xấp tiền mỏng mà nói:

- Không! Tôi không có giận gì bà hết! Chỉ buồn chút thôi. Hồi sáng, tôi lên xóm trên, thấy ông Bảy cần người vét mương để nuôi cá nên tôi tới làm luôn. Trước giờ không quen làm, nên thấy mệt quá! Có ít tiền này, bà cầm lấy rồi mua thêm áo mới hay là thức ăn gì đó cho tụi nhỏ trong dịp tết!...

Năm đó, gia đình hắn có một chút gì đó gọi là “không khí của ngày xuân”. Hắn được thêm một cái áo mỏng, loại áo giảm giá mà ngày nay thường thấy bán trong các đợt khuyến mãi, bữa ăn cũng được thêm ít thịt kho…nhưng bù lại, cha hắn bị cảm, sốt mấy ngày, mãi cho đến chiều ba mươi tết mới thấy khoẻ được đôi chút…

Chuyện đời thoáng qua như một giấc mộng. Mới đó mà đã gần hai mươi năm trôi qua kể từ ngày hắn được mặc tấm áo ngày xuân đầu tiên trong đời ấy. Gia đình hắn đã khá hơn xưa, cũng bởi anh chị em hắn đã được đi học đàng hoàng, giờ đây công việc cũng đã ổn định, không còn cảnh bữa rau bữa cháo như trước! Gia đình hắn cũng không còn phải gặp cảnh “vui buồn lẫn lộn” như cách đây hai mươi năm, vì hai hôm sau khi cha hắn đi vét mương để kiếm chút tiền may áo mới cho hắn, thì cha sở nơi nhà hắn thường đi lễ, đã gởi cho gia đình một phần quà tết của người nghèo, dù biết gia đình ấy không có trong sổ của giáo xứ. Có lẽ đó là tấm lòng của người mục tử, hay là tình yêu của Chúa xuân đã động lòng thương cho gia cảnh bần hàn của hắn? Mấy năm trước đây, cha hắn đã mãi mãi ra đi sau một thời gian dài bệnh tật. Tấm áo ngày xưa đã rách tự bao giờ, nhưng trong lòng hắn, nó vẫn như còn mãi cùng với hình ảnh về người cha bị cảm sốt cả tuần vì đi vét mương để lấy tiền mua áo cho con. Các anh chị của hắn, mỗi lần có dịp ngồi lại bên nhau, cũng hay nhắc về một trong những kỷ niệm đáng nhớ đó, vừa để nhắc nhớ về người cha quá cố và cũng để khơi lại trong lòng các cháu hình ảnh thân thương về người ông của chúng.

Một mùa xuân nữa sắp về rồi! Hắn có thể cảm giác được hương xuân từ những cảnh hối hả của đường phố Sài thành: nhiều cửa hiệu đã bắt đầu trang trí, đã có những chậu mai vàng được mang đến các công ty, các đồng nghiệp cũng xôn xao bàn chuyện về quê đón tết… Ngày hôm qua, hắn cũng vừa mới đi theo nhóm Caritas, phát quà cho người già neo đơn ở Bình Phước. Hình ảnh những cụ già móm mém cười hạnh phúc bên phần quà nhỏ nhận được, những đứa trẻ lam lũ hí hửng, nhảy chân sáo bên món quà trên tay mẹ chúng làm cho hắn cảm thấy ấm lòng hơn, như làm sống lại trong tim hắn những kỹ niệm của ngày xưa hắn đã từng vui như thế nào khi nhận được món quà nhỏ từ tay vị linh mục ở xứ đạo vùng quê nghèo ngày ấy. Nhớ lại hình ảnh tung tăng bên mẹ trong bộ áo mới của bé Ngọc Nhi khi nãy, hắn cảm thấy vui vui trong dạ. “Ừ nhỉ, sao mình không mua thêm vài bộ đồ mới đem về cho các cháu đón tết?” Bên nhà hàng xóm, ai đó cũng vừa mở lên bản nhạc mùa xuân:

“Tết Tết Tết Tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người…

Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi

Ngàn hoa thơm khoa sắc xinh tươi

Đàn em thơ khoe áo mới

Chạy tung tăng vui pháo hoa…”

(nhạc phẩm “Ngày tết quê em”, sáng tác: Từ Huy)

Ngoài trời, một bầy chim én vừa mới bay ngang qua…!

__________________________

Powered by Blogger.