Header Ads

Những Cái Ôm – Giải VVĐT 2017 - Bản Tin 17

Mã số: 17-171

Gần cuối giờ, người giảng viên già vừa nâng cặp kính cận đang sắp trôi ra khỏi hai lỗ mũi vừa điều chỉnh máy tính quay lại slide chiếu ban đầu có dòng chữ: VẤN ĐỀ TÔN GIÁO TRONG HỌC THUYẾT MÁC LÊ.

Hai tròng kính dày được ông đưa lên đúng chỗ, giờ nằm yên vị ngay ngắn giữa cặp chân mày. Từ phía sau mắt kính, đôi mắt ông nhanh chóng nhìn khắp giảng đường.

“… Vì vậy, tôi không thể nào hiểu được là: vào thế kỉ XXI này, vẫn còn những con người đặt trọn niềm tin của họ vào nơi thần thánh, nơi ông này, bà nọ, Chúa kia. Tất cả chẳng qua chỉ là nỗi sợ hãi mà thôi. Hãi sợ. Và cô đơn.

Và kết quả là gì? Kết quả của nỗi sợ và cô đơn là con người trở nên mụ mị. Mụ mị khi tin rằng con người không thể làm chủ được cuộc sống của chính mình.

Mặt khác, với một thế giới phẳng như hiện nay, ta nhìn thấy trên thế giới này có nhiều tôn giáo, nó đồng nghĩa với việc có nhiều thần thánh. Ấy vậy mà vẫn có những tôn giáo như Kitô, Hồi chỉ coi Chúa hay Thánh của mình là đối tượng tôn thờ duy nhất? Cái này không chỉ là mụ mị mà còn là độc đoán và cực đoan. Kết quả là chiến tranh, rất nhiều cuộc chiến tranh.

Ôi, tôn giáo! Mỗi lần nói đến chủ đề này là tôi lại xúc động vì không thể nào hiểu được những đồng loại của mình lại ngây thơ đến thế!” - ông thầy triết Mác Lê rõ ràng đã thở dài khi kết thúc bài giảng của mình bằng câu chốt như trên.

Con người đeo kính cận dày, ngồi trên bàn giảng viên trên kia, chắc không thể nào nhìn rõ được từng cái nhếch mép, thở dài chán chường của tụi sinh viên phía dưới. Ông giảng hăng say nhưng tuyệt nhiên đám sinh viên im lặng, không ai nói gì. Vài đứa đang đọc sách, đứa nữa đang nghe nhạc, dăm ba đứa lướt điện thoại. Cũng có đứa đang gục đầu trên bàn. Có vẻ như những điều ông nói thật khó để chấp nhận. Mà cũng có thể chẳng có mấy đứa quan tâm đến cái học phần này đang dạy cái gì. Thử hỏi có đứa sinh viên năm nhất nào mà chẳng được rỉ tai: Ờ, cái môn triết Mác Lê là thế… Cộng thêm cái môn học với lí thuyết hàn lâm, dài dòng, thuyết trình toàn chữ như thế kia là một điều cực kì khó nuốt với đám học trò vừa mới được giải thoát khỏi trường phổ thông sau khi đã chiến ngày đấu đêm với những trang chữ của Nguyễn Tuân, An Cao, Tô Hoài…

Đám sinh viên lẹ làng đứng dậy. Đứa nào đó thốt lên: Ôi, giải thoát! Rồi cả đám ồn ào, chen chúc nhau tuôn ra dọc hành lang.

Người giảng viên già thu dọn tài liệu, laptop và rời bục giảng. Một tay ông xách cặp táp, tay kia chốc chốc lại đưa lên di chuyển cặp kính trên khuôn mặt tròn bầu. Hơn nửa cuộc đời đi dạy, năm nay nữa là ông sẽ về nghỉ hưu ở cái tuổi 65. Ông khẽ mỉm cười. Đôi chân ông chậm rãi bước qua từng dãy ghế.

Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, tại căn phòng này, ông đã nhìn bao thế hệ học trò lớn lên. Ông đã từng hào hứng giảng cho các em về thế giới quan tiến bộ, về các cặp phạm trù, các nguyên lí phổ biến của triết học mới, với mong muốn giúp đời tốt đẹp hơn. Trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm thời cuộc, càng về sau này ông càng cảm thấy mình thực sự mong chờ một điều gì đó sẽ đến. Điều gì đó ông không gọi được tên nhưng vẫn luôn chờ đợi. Điều gì đó sẽ đánh gục mình – Ông vẫn hay nói với mình như vậy.

Hôm nay cũng không ngoại lệ, ông mạnh mẽ nói lên quan điểm mà ông được quán triệt, cho dù nó có khác với những gì ông suy nghĩ. Vì ông vẫn hi vọng một cái gì…

Ông tặc lưỡi: Con người mà, chúng ta vẫn thường hay hành động mâu thuẫn như vậy đấy! Nghĩ rồi, ông bước bước cuối cùng qua cánh cửa giảng đường.

Hôm nay như vậy là xong. Cái gì đó vẫn chưa hề xuất hiện.

Nhưng ông đã lầm. Hoặc có thể ông không lầm, nhưng là theo một cách hiểu khác. Vì ngay khi ông bước chân qua cánh cửa, có hai kẻ đã ở sẵn đó đợi ông.

Kẻ đứng phía bên phải cánh cửa lên tiếng trước:

- Thưa thầy, thầy nói là thầy không hiểu được điều đó đúng không?

- À, con trai, con đang nói đến điều nào ấy nhỉ? Ông thầy nghiêng người, khuôn mặt bầu bầu rạng rỡ hẳn lên.

- Thưa thầy, con đang nói là thầy không hiểu được vì sao người ta vẫn còn Đức Tin? Hay chính là… là con, thầy ạ. Con là một trong số đó. Con là người có Đức Tin.

- Con trai, nói cho thầy nghe, con tin vào vị thần nào vậy?

- Xin lỗi thầy, con tin vào Thiên Chúa. Ngài là Chúa, chứ không phải là một vị thần như người ta vẫn nghĩ. Cậu sinh viên vẫn chẳng rời mắt khỏi ông thầy đang đứng lại ngay giữa lối đi.

Ông thầy gật đầu: “Ừ, được!” Rồi ông quay qua cậu sinh viên bên trái. Ông hỏi cậu: “Còn con, con muốn nói gì không?”. Cậu chàng khảng khái thưa:

- Thưa thầy, con đã định im lặng ra về mà không nói gì cả, nhưng rồi con cảm thấy không yên lòng để đi, vì quan điểm thầy dạy cho tụi con quá mang tính cào bằng và đầy sự thiếu hiểu biết. Con không biết đó có thực sự là suy nghĩ của thầy hay không, nhưng con muốn nói rằng: Trên đời này, có vô số những thứ mà người ta sẽ không thể nào biết rõ để hiểu được, nếu như chính họ không tự học lấy, nếu như họ không thực sự trải nghiệm lấy, cho dù có nói với họ cả trăm nghìn lần. Vấn đề tin vào tôn giáo cũng vậy, con mong thầy, vì thầy là người ở ngoài, nên thầy sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa thực sự của những cái mà thầy nhìn và nghe thấy. Còn nữa, con ghi nhận những thách đố của thầy về những vấn nạn của tôn giáo, trong đó có Đạo Kitô của con và bạn này mà thầy đã kể tên. Đúng, có những cái hạn chế, sai lầm trong lịch sử nhưng nếu chỉ nhìn thấy như vậy thôi mà kết luận thì quá là hạn hẹp.

Ôi, con không có cách nào làm cho thầy hiểu được đâu, nhưng mà, đó là những điều con muốn nói với thầy. - Chàng trai đầy xúc động nhìn vào đôi mắt người đang lắng nghe mình.

- Cho ta hỏi tên của hai trò? Và hai trò có thể nói về Đức Tin của hai trò trong buổi học kết thúc học phần này của ta được không? Xem nào, nó sẽ rơi vào tuần cuối cùng của tháng năm. Hai trò đồng ý chứ? Ta cho phép các trò nói về Đức Tin vào Chúa của các trò. Chúng ta sẽ cùng bàn về chuyện đó. Và thử nghĩ xem, rất có thể chính các trò sẽ hạ gục ta lắm chứ… Người giảng viên vừa đi vừa nói chuyện với hai đứa trẻ. Ông mỉm cười nhìn từng đứa học trò và rẽ vào cuối góc hành lang.

Sau khi thầy đi khỏi, hai cậu chàng nhìn nhau, cười khích lệ nhau mỗi người một cái rồi ra về.

Nhà của thằng Lê cách trường khá xa. Trên đường chạy xe về nhà, nó cứ nghĩ mãi về con người tên An ấy.

Hôm sau đến trường, Lê và An vô tình lại ngồi cạnh nhau và hầu như môn học nào, hai đứa cũng thuộc chung một nhóm. Thế là quen rồi nên thân, hai anh chàng nói chuyện, trao đổi vui vẻ suốt buổi học sáng. Cho đến tận giờ trưa, lúc hai đứa đang ngồi ghế đá trong một góc hành lang, trước mặt mỗi đứa là một ly mì cốc.

- Lê làm dấu đi. An vừa nói vừa mỉm cười.

- À, là cầu nguyện đúng không? Vậy mình cầu nguyện nha - Nói rồi nó cúi đầu, quay người qua giữa. Còn An đưa tay phải mình lên trán trong khi Lê bắt đầu lên tiếng: Lạy Chúa Giêsu Christ, tạ ơn Chúa đã cho chúng con có bữa ăn này… Ngay khi nghe tên Giêsu Christ, tay An đã bất giác buông khỏi trán, mắt cậu nổ bong bóng nhìn Lê mà không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Cầu nguyện xong rồi nhưng phải một lúc sau An mới mở được miệng để hỏi Lê một câu hỏi hết sức ngớ ngẩn: (nhưng lại cực kì quan trọng với An khi đó)

- Ôi, Lê, cho An hỏi là Lê tin Chúa nào vậy?

- An bình tĩnh nghe Lê nói. Lê cũng tin vào Chúa Giêsu như An vậy. Nhưng bên Lê là đạo Tin Lành. Còn An là Công Giáo. Lê biết vậy vì ngay từ hôm qua, Lê nhìn thấy tượng Thánh Giá trên cổ An và ở cổ tay phải của An có đeo dây chuỗi.

- Nghĩa là đạo Tin Lành của Lê tin Chúa Giêsu nhưng không đeo Thánh Giá à?

- Ừ, bên Lê không tin thờ ảnh tượng, cũng không đeo dây chuỗi gì. Còn tên gọi Chúa Giêsu Christ là một với tên gọi Chúa Giêsu mà đạo Công Giáo vẫn gọi thôi An.

- Cho An hỏi một câu nữa nhé! Làm sao mà Lê biết nhiều vậy?

- Là tối qua Lê hỏi bố. Còn An mới là người hiểu biết nhiều, hôm An nói chuyện với thầy triết, Lê thấy khâm phục An lắm.

Có rất nhiều điều muốn hỏi nữa nhưng An cố gắng kìm lại. Từ trước đến giờ, cậu đã từng tìm hiểu về đạo Hồi, đạo Phật,… nhưng lại chưa từng đọc một cuốn sách nào về đạo Tin Lành. An chỉ biết là đạo Tin Lành ra đời sau khi ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Thỉnh thoảng cậu cũng nghe người ta nhắc đến đạo Tin Lành, nhưng hình như những gì An được nghe là đạo Tin Lành không được mấy tốt đẹp, mà cậu thì không thích những điều đó chút nào. Định bụng sẽ tìm hiểu rõ ràng đã rồi mới tiếp tục nói chuyện với Lê, dù gì thì hai đứa cũng còn gần hai tháng để nói chuyện với nhau về Chúa trước khi kết thúc môn triết Mác Lê như đã hứa với thầy. An quay lại ly mì trước mặt mình: Ha ha, nguội ngắt rồi, tụi mình ăn đi Lê! Lê đón lấy ly mì và ăn ngon lành, chẳng quên ném cho An một cái cười nheo mắt thông cảm khi cậu chàng này vội đưa lại tay mình lên trán…

2 giờ chiều, An bước vào Nhà sách Công Giáo. Cậu tia mắt nhìn quanh và dường như ngay lập tức, hai mắt cậu dừng lại trên cái kệ sách ở cuối góc phải căn phòng.

Cậu đọc một mạch các cuốn sách viết về đạo Tin Lành, về mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và các Hội Thánh Tin Lành. Lân la từ kệ Tôn Giáo sang kệ Lịch Sử rồi cả Thần Học, có quá nhiều điều mới mẻ mở ra trước mắt cậu. Chỉ mới lúc trưa thôi, lúc nói chuyện với Lê, An chỉ nghĩ, cái mình chưa hiểu rõ và đang muốn biết là cái đạo Tin Lành của bạn ấy cụ thể là như thế nào, cả hai có những khác biệt gì trong khi cùng tin vào một Thiên Chúa? Những điều mà Lê nói có nghĩa là gì?... Tất cả những gì cậu nghĩ, vỏn vẹn chỉ xoay quanh người bạn tên Lê cùng với một cộng đoàn Tin Lành của bạn ấy đang ở đâu đó mà thôi. Nhưng bây giờ, An biết là mình vừa chạm vào cái gì. Một vấn đề của cả Giáo Hội hoàn cầu. Nó rộng lớn và phức tạp quá chừng – An nghĩ. Kể từ khi Martin Luther, vốn đã là một Linh mục Công Giáo tách khỏi Giáo Hội và thành lập giáo phái mới đến nay ngót nghét cũng đã 500 năm rồi. Quá nhiều những xung đột, đối kháng khốc liệt và lâu dài trong quá khứ. An chỉ còn biết rên rỉ: Ôi, Chúa ơi, thật là quá đau thương.

An nhớ đến mấy điều Lê có nói, là đạo Tin Lành không đeo Thánh Giá, cũng không có chuỗi hạt Mân Côi. Bây giờ thì An biết là không đơn giản vậy, còn rất nhiều những khác biệt nữa giữa cậu và Lê. Ẩn dấu đằng sau những cái khác bề ngoài đó là những khác biệt sâu xa, hoàn toàn rõ ràng về giáo lý giữa hai cái tên Công Giáo và Tin Lành. Thực sự là khi đọc cuốn sách nói về giáo lý cải cách, An đã hoàn toàn bất ngờ. Cậu không hình dung được là giữa Công Giáo và Tin Lành, vốn có cùng một Đức Tin vào Thiên Chúa, lại có sẵn một hố sâu những khác biệt với vô số rào cản sừng sững như bức tường thành như vậy.

Thất vọng. Nhức nhối. Vùng vằng. An đi nhanh ra cửa. Cậu đạp xe về nhà mà lòng bải hoải, xót xa. Tin Lành – Công Giáo – chia cắt – Chúa. Tất cả cứ xoắn tít trong đầu óc cậu. Vậy là hết ư? Tình bạn giữa bọn nó sẽ ra sao? Rồi bọn nó sẽ nói gì về Chúa với người thầy dạy triết, chả lẽ lại là chỉ có duy nhất một Thiên Chúa mà thôi, nhưng đã được chia hai – cùng với những khác biệt, cho người Tin Lành như Lê một nửa, nửa còn lại dành cho Giáo Hội của nó, chả lẽ lại như vậy?

An ngồi nơi bàn học, trên bàn là tượng khổ nạn và cuốn Kinh Thánh. Cậu đang nhìn trân trân vào Thánh Giá. Lê cũng tin vào một Chúa Giêsu bị đóng đinh, đã chết và sống lại. Lê cũng tin vào Lời Chúa trong bộ Kinh Thánh cơ mà. Dù cho có khác biệt trong quy điển các sách và cách giải thích, cách hiểu Thánh Kinh, nhưng mà Chúa Giêsu vẫn chỉ là một thôi mà… Đang miên man suy nghĩ, bất giác, An nhớ ra…

Cậu đứng lên, lấy xuống từ trên giá sách cuốn giáo lý màu vàng yêu quý của mình. Đúng rồi, Giáo Hội, Giáo Hội chính là điểm khác then chốt nhất. An muốn xem Giáo Hội nói gì với cậu lúc này, vì đó chính là điều Chúa Giêsu đã muốn khi thiết lập Giáo Hội của Người.

Cuốn giáo lý YOUCAT được mở ra ở trang 117, câu 130: Các Kitô hữu “không Công Giáo” có là anh chị em với ta không?

An xoe tròn đôi mắt, cậu ngấu nghiến từng con chữ: Tất cả những ai đã được rửa tội đều thuộc về Hội Thánh của chúa Giêsu Kitô. Vì thế, những người đã được rửa tội, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo, họ cũng được gọi cách chính đáng là Kitô hữu, và do đó họ là anh chị em với ta.

Những đổ vỡ trong Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô đều xuất phát từ những bóp méo giáo huấn của Ngài, từ những lầm lỗi của con người và từ những thiếu sót trong ý muốn hòa giải, nhất là nơi các vị hữu trách trong Hội Thánh. Kitô hữu ngày nay (An hiểu cụm từ này là chỉ Lê và nó) không chịu trách nhiệm về những chia rẽ trong lịch sử Hội Thánh. Tuy nhiên vì muốn cả nhân loại được cứu rỗi, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong các Hội Thánh và các cộng đồng đã ly khai khỏi Hội Thánh Công Giáo. An nuốt nước miếng cái ực. Ở đâu có Thánh Thần Chúa Kitô, ở đó có một năng lực nội tại thúc đẩy phải “khôi phục lại sự hiệp nhất”, bởi vì ai thuộc về Thánh Thần đều khao khát tập họp lại với nhau.

Giáo Hội tuyệt vời! Con yêu Giáo Hội! - An hét lên như thể cậu đang đứng trước rất đông người. Cậu đọc đi đọc lại những lời đó và miệng cậu khẽ mỉm cười. Vậy là cuối cùng, nhờ Giáo Hội, cậu ấy đã biết mình nên và phải làm gì.

Cầm ly mì nóng trên tay, An tươi cười bảo Lê: Ê, hôm nay bồ cầu nguyện tiếp nhé! Tụi mình cùng hiệp thông.

Lê sốt sắng dâng lời nguyện, mắt hai đứa cùng khẽ khép lại. Xong xuôi, cậu bạng ngạc nhiên quá, vội vàng hỏi An: Sao hôm nay bồ khác vậy?

An cười toe: Tớ vừa khám phá ra một điều rất tuyệt vời. Mẹ Giáo Hội của tớ khẳng định mọi người tin vào Chúa Kitô đều là anh em. Và chính Chúa Kitô cùng với Thánh Thần của Ngài vẫn đang không ngừng hoạt động để khôi phục lại sự hiệp nhất trong Đức Tin vào Một Thiên Chúa duy nhất… Và những sai lầm đã xảy ra trong lịch sử là do sai lỗi của những con người ở cả hai bên. Riêng cậu và tớ, chúng mình vốn dĩ được sinh ra và tiếp nhận niềm tin vào Chúa Kitô trong cộng đồng đức tin mà chúng ta thuộc về, chúng ta không thể và không bao giờ bị kết tội chia rẽ. Cậu có hiểu điều tớ nói không?

Trong góc hành lang lúc ấy, trên cái ghế đá, có hai ly mì cốc nóng. Và đặc biệt, có cả hai người trẻ ôm chầm lấy nhau.

Giờ ra chơi, An quay qua Lê:

- Kể cho mình nghe cậu chịu Phép Rửa Tội như thế nào đi?

- Ngày chịu phép rửa... mắt Lê sáng lên khi đang nhớ lại biến cố trọng đại nhất trong cuộc đời mình…ah… bên mình gọi là ngày chịu phép Báp-tem. Năm đó, tớ đã 15 tuổi rồi. Cậu biết đấy, tớ là một đứa trẻ từ bé đã được lớn lên ở Nhà Thờ, đã học hành, chuẩn bị biết bao nhiêu năm cho biến cố trọng đại ấy. Xem nào, trước ngày lễ, ông mục sư sẽ phỏng vấn riêng từng đứa tụi mình trong một căn phòng. À, ông mục sư mình đang nói chính là bố mình đấy. Bố hỏi nhiều lắm, để cuối cùng kết thúc bằng một câu thôi, là: Con có tin là con được cứu không? Tớ vẫn còn nhớ mãi. Sau đó là lễ Báp-tem ở Nhà Thờ, tụi mình được dìm đầu vào một giếng nước. Vậy đó. Còn bên cậu thì sao, An?

- Vậy à, chỉ nghe câu kể thôi mà tớ đã thấy thú vị rồi. Cái cảm giác lúc được dìm đầu chắc đáng nhớ lắm phải không? Rồi cậu có nghĩ là cậu gặp được Chúa lúc đó không, Lê?

Lê nhẹ nhàng: Có chứ, cảm giác lúc đó thật lạ, như là mình chết đi và sống lại thực sự, tận căn. Nhưng gặp Chúa thì mình không nghĩ thế. Mình chỉ cảm nghiệm được Chúa và tin chắc là mình đã gặp Ngài chừng 6 tháng trước đây, lúc đó mình đã 18 tuổi rồi. Và cũng chỉ lần đó mà thôi, mình vẫn chưa được gặp lại. Bố mình cũng vậy, bố bảo bố làm mục sư từ năm 30 tuổi nhưng phải đến 16 năm sau bố mình mới gặp được Chúa. Và bố vẫn nói với mọi người rằng: mỗi người sẽ có một thời gian gặp Chúa riêng, khác nhau, và không ai biết trước được. Những cơ đốc nhân tụi mình thường tìm Chúa trong Kinh Thánh của Ngài. Cậu biết đó, bọn mình được học để nhớ Kinh Thánh ngay từ thưở bé.

Trong lúc Lê nói những điều này, An bỗng cảm thấy bồi hồi. Nó nhớ đến Nhà Tạm trong mỗi Nhà Thờ Công Giáo, nơi có Chúa Giêsu ở đó mà mỗi lần nó muốn gặp Ngài là nó lại đến để gặp cho no tràn. Nó nhớ lại chỉ mới sáng này thôi, nó đã kết hiệp với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể, và giờ đây, Ngài đang ở trong nó. Nó mỉm cười nhìn Lê trìu mến mà không biết phải nói gì. Nó muốn nhìn cậu bạn này như chính Chúa Giêsu Christ đang nhìn cậu ấy vậy.

Nó biết là trong truyền thống Tin Lành, Thánh Lễ của Công Giáo là một sự xúc phạm không thể dung thứ khi tiếp diễn hy tế trên Thánh Giá của Chúa Giêsu mỗi giờ, mỗi ngày. Điều mà tín hữu Tin Lành tin là hy tế của Ngài chỉ thiết lập một lần duy nhất hai ngàn năm trước. Và với họ, Bí Tích Thánh Thể của Công Giáo cũng là điều đáng hổ thẹn. Họ không thể nào chấp nhận được rằng, tấm bánh trắng đó lại chính là Thân Mình Chúa Kitô, và chén rượu nho là Máu của Người. Nhà Thờ Tin Lành cũng cử hành Lễ Bẻ Bánh, Lễ Hiệp Thông, mỗi tháng một lần, nhưng khi chia nhau tấm bánh không men, họ chỉ đón nhận nó với tâm thế đó là hình ảnh tượng trưng, là một biểu tượng. Họ không gặp được chính Chúa Giêsu ở trong đó.

An ghé Nhà Thờ. Cậu cầu nguyện lâu thật lâu trước Nhà Tạm. Nhìn đoàn người đang từ từ tiến về Tòa Giải Tội, vị linh mục già nghiêng đầu bên tòa giải, An bất giác lại khẽ mỉm cười. Cảm giác hạnh phúc thật sự, khi giờ đây, trong lòng mẹ Giáo Hội, An và các anh chị em của mình đang có cả một kho tàng. An muốn sẻ chia.

***

Ngày kết thúc học phần triết cũng đến, cả Lê và An đều đã sẵn sàng. Đang chuẩn bị âm thanh, máy chiếu đợi thầy thì bất ngờ có thông báo được gửi lên cho cả lớp: Thầy Dũng bị tai biến, phải nhập viện sáng nay - lớp nghỉ.

Lê chở An vào bệnh viện. Bước vào phòng, chúng nó thấy thầy đang thiu thiu ngủ. Trông thầy hốc hác đi thấy rõ. An khẽ gọi: Thầy ơi!

Người thầy mở mắt, mỉm cười, rất khẽ: Thầy vừa tỉnh lại… và… có Chúa… đến thăm thầy, phải không?…

Lê vỗ nhẹ vai An, chỉ vào chuỗi hạt trên tay cậu. Phải mất mấy giây, An mới hiểu Lê muốn nói gì. Cậu gật đầu, rồi nhẹ nhàng tháo chuỗi hạt Mân Côi, thận trọng đeo vào bàn tay xanh xao của thầy giáo. Nó khẽ nói: Chúng em nghĩ là Thầy nên giữ chuỗi hạt này. Chúng em sẽ cầu nguyện cho thầy luôn.

Bên cửa sổ một chiều cuối tháng năm, có những con người ôm nhau. Lặng lẽ.

Powered by Blogger.