Đi Qua Cánh Đồng – Giải VVĐT 2017 - Bản Tin 17
Mã số: 17-170
Vị linh mục treo lên giá chiếc áo ngoài vừa gỡ. Khi rút tay về, thoáng thấy cảm giác ram ráp, lần theo sớ vải, ông tìm được một thứ như là bông hạt. Vị linh mục bỗng bâng khuâng! Chiều nay ông đã đi qua cánh đồng, chắc là cái vật nhỏ xíu này đã bám theo từ lúc ấy.
Nâng chiếc hạt lên gần mắt ngắm, vị linh mục không thể nhìn rõ đó là lúa non hay cỏ lồng vực! Trời tối quá! Và ông lại không thắp đèn. Ông có một thói quen hơi khác thường! Khi chiều hôm dần sậm màu, nếu không bận việc gì, ông sẽ ngồi một mình, không tiếng động, cũng không ánh sáng. Ông để tâm trí mình như khách lữ hành giữa đêm sa mạc. Đêm không trăng và đầy mây mù, ông cứ thế mà thiếp đi. Mãi đến khi có một ánh sao băng ngang bầu trời, ngôi sao khổng lồ với chiếc đuôi chói loà như muốn đốt cháy mọi vật trên đường bay, người lữ khách bật dậy. Gần quá rồi! Có lẽ chiếc đuôi sao sẽ quét phải ông!
Đầu gối từ từ quỵ xuống, hai tay thu vào trước ngực, mắt nhắm chặt, tất cả đã sẵn sàng! Người lữ khách run rẩy chờ nghe da thịt mình như sáp ong tan vào trong lửa. Toàn thân ông sẽ lấp lánh như khối đá quý. Từng tế bào như ngọn pháo hoa vừa căng trào đến đỉnh điểm liền lập tức vỡ tung thành muôn vạn đốm sáng li ti. Thảng thốt và say mê! Ông mãn nguyện được hoà vào ánh sáng, ở lại trong ánh sáng. Mãi mãi! Vĩnh viễn!
Ngôi sao rùng rùng lướt qua rồi lướt đi mất hút. Chỉ còn lại một đốm nắng bứt mình khỏi chiếc đuôi rực rỡ, chao đảo bay trong không trung. Đốm nắng bay suốt đêm. Mãi đến khi bình minh lên, nó mới chịu đậu lại trên gương mặt vị linh mục đang nằm lả trên mặt đất.
Vị linh mục nặng nhọc mở mắt. Hơi khó chịu vì đốm nắng cứ liên tục nhảy nhót trên sống mũi mình, ông chắn bàn tay trước mắt để ngăn trò nghịch ngợm đó lại. Đột ngột, cánh cửa bị xô mạnh, ông bếp xộc vào, hét toáng lên:
- Ôi, trời đất ơi! Cha! Cha bị làm sao vậy!
Ông líu ríu nâng đầu vị linh mục lên. Vị chủ chăn chậm rãi mỉm cười:
- Tôi không làm sao cả! Ông đừng lo quá!
Ông bếp vẫn nhăn mặt:
- Không làm sao mà Cha lại nằm lăn ra nền thế này! Đêm qua Cha trúng gió phải không ạ?
Vị linh mục khe khẽ lắc đầu:
- Tôi định chợp mắt một chút nhưng say giấc quá nên nằm đây luôn ấy mà!
Ông bếp ngồi thừ ra.
- Cha làm con sợ chết khiếp! Cứ tưởng là...
Chiều hôm trước có người quen kéo ông bếp đi ăn giỗ. Chủ nhà giữ khách lại lai rai đến tận nửa khuya. Ông xin kiếu mãi mà không được, rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay, đến chừng giật mình dậy thì trời đã tờ mờ sáng. Trên đường về, một gã soi ếch níu ông lại.
- Ơ... này... Ban tối ông đi vắng à? Về nhanh đi, ông Cha bị làm sao ấy! Cứ ú ớ nỉ non nghe thảm thiết lắm!
Ông hả lên một tiếng, cắm đầu chạy, không quên trách vọng lại:
- Trời đất! Sao mày không ghé vô xem Ngài thế nào thì giúp với!
Gã soi ếch gãi tai:
- Tại... chẳng thấy đèn đóm gì, tôi ngại! Lỡ có chuyện xảy ra cũng chẳng biết đâu mà lần!
Cũng phải! Bóng tối làm người ta muốn thoái thác! Ai biết được nguy hiểm nào đang đợi mình phía ấy! Cha ơi là Cha! Sao lại cứ thích để cho chỗ mình ở đen ngòm thế kia! Có cái đèn dầu với mấy cây nến đấy... thắp lên cho sáng sủa chút chẳng hay hơn à!
Nhưng hình như ông bếp còn chưa nhớ hết: cây đèn con đã cạn dầu, còn nến trắng cũng đã được đem hết vào nhà thờ. Ông bếp bỗng nhận ra lý do thật sự của vị linh mục khi ngồi trong bóng tối.
- Ngài giả vờ như vậy cho đỡ tủi thân chăng!
Để người tưởng rằng ta khác thường, hoặc là bị người thương hại vì ta khốn khó, đằng nào hơn? Đằng nào giữ được mặt mũi thì hơn! Ông bếp chép miệng.
Không phải là dân đạo gốc nhưng ông bếp đã gắn bó với việc nhà đạo hơn nửa đời người, vì cơ duyên với vị linh mục đầu tiên đến đây lập xứ. Hồi ấy ông bếp còn trẻ, mới lấy vợ. Chuyện lấy vợ của ông cũng ly kỳ. Ông vốn mồ côi, nghèo kiết xác, chẳng hiểu cách nào lại lọt vào mắt một cô gái con nhà giàu! Dĩ nhiên gia đình cô đời nào cho cưới! Tự cô bỏ nhà trốn theo ông thôi! Hai người sống với nhau vui vẻ lắm! Bỗng dưng một hôm cô bị cảm mạo. Tưởng rằng chỉ bệnh hoạn qua quít vài ba ngày, ai ngờ tình trạng đột ngột trở nặng, cô phát sốt dữ dội. Ông ẵm vợ chạy táo tác tìm người giúp. Đường đất vắng hoe, còn sót mỗi một vị mặc áo chùng thâm dừng xe cho ông đi nhờ. Nhưng vợ ông không thể cứu được! Sau đó, không còn nghĩ đến việc gia đình, ông ở lại nhà xứ, lo chuyện nhà cửa, cơm nước cho các Cha.
Ông đã giúp việc cho mấy đời linh mục. Vị đầu tiên tại chức gần ba mươi năm, đến tận lúc qua đời. Các vị tiếp theo có người ở được một, đôi năm, hoặc lâu hơn chút ít. Mỗi người mỗi tính, chẳng ai giống ai. Có vị lúc nào cũng đóng kín cửa phòng, không bước ra ngoài; có vị cả ngày im ắng. Còn vị khác bình thường mặt mũi ảm đạm, đến tận ngày rời nhiệm sở mới vụt tươi tắn, vui vẻ hẳn ra...
Khoảng thời gian ghế quản xứ bị bỏ trống, đều đặn mỗi ngày, ông bếp đi rảo hết vòng từ nhà thờ cho đến nhà ở, bếp ăn, vườn tược... Ông muốn khi linh mục mới đến, Ngài sẽ cảm thấy nơi đây chưa bao giờ vắng hơi người.
Về vị linh mục mới đến, dạo này ông bếp thấy Ngài có vẻ xao nhãng. Mới hôm qua thôi, khi ông nhắc chuyện đi xức dầu kẻ liệt, Ngài liền hỏi lại:
- Người đó ở đâu ấy nhỉ?
- Dạ, thì vẫn là cụ già xóm dưới mà tháng nào Cha cũng định kỳ đưa Mình Thánh cho đấy ạ!
Vị linh mục hơi bối rối:
- À... à... ông cụ đó à? Tôi nhớ rồi!
Không rõ Cha đã nhớ ra chưa, nhưng cứ nhìn bộ dạng tần ngần, chậm chạp của Ngài khi ra khỏi cửa thì ông bếp nghi ngại lắm! Lại một người nữa muốn thoái lui rồi! Chẳng lẽ ngoài vị linh mục đầu tiên đến đây lập xứ thì không một ai muốn gắn bó với miền đất này sao! Ông bếp nhướn mắt, cố kìm một giọt nước đang chực trào ra.
Vùng đất này, như người đàn bà không duyên, túng bấn, có bao giờ quyến rũ được ai, các Cha về đây nào phải tự nguyện gì, chỉ vì bị buộc phải gánh lấy một thứ bổn phận, bổn phận truyền đạo!
Ông bếp không hiểu lắm về việc truyền đạo, cũng như ông không hiểu hết về đạo, chưa cảm được câu chuyện thầy Giêsu chết thay cho dân mà đạo vẫn truyền tụng! Nhưng ông quý vị linh mục ngày đó đã cho mình đi nhờ xe! Và sau mỗi lần Ngài đi truyền đạo về thì ông lại càng thương hơn! Không để ý ông bếp đang nhìn trộm mình, hồn hậu như một cậu học trò nhỏ, Ngài luôn miệng nói với bản thân rằng mai đây lúa sẽ lên bông. Chừng nhận ra ông bếp cũng nghe thấy, Ngài mỉm cười ngượng nghịu:
- Đời linh mục là như vậy đấy ông à, ra đi gieo hạt và chờ đến vụ mùa tương lai!
Sau này, ông bếp không tìm được hình ảnh của Ngài trong các vị linh mục kế nhiệm nữa! Song, ông vẫn hy vọng, nhất là khi vị linh mục mới này xuất hiện...
Nhìn theo dáng người đang bước dần ra phía cửa, ông bếp không khỏi băn khoăn: cái vóc nghiêng mảnh khảnh đó, liệu có cáng đáng nổi công việc của người gieo hạt không?
- Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên nương đồng... (trích bài hát "Ngày về 2”, tác giả: Kim Long)
Vị linh mục cất lên lời hát ấy khi ông băng qua cánh đồng. Ông đã lang thang suốt một ngày, thay vì đến xức dầu cho kẻ liệt. Ông không nhớ mình đã đi đâu, chỉ biết đến khi trời tối hẳn thì ra tới cánh đồng này. Ông lao vào giữa đồng, như kẻ say trầm mình xuống dòng nước! Dòng nước đen ngòm, cánh đồng đen ngòm! Buông xuôi hai tay, ông ngước mặt nhìn trời. Kìa, một ánh sao băng! Ngôi sao linh thiêng đang cho ông chiêm ngưỡng ánh sáng huy hoàng của nó trước khi dùng chính ánh sáng ấy thiêu đốt ông! Đó sẽ là kết thúc đẹp nhất của cuộc đời ông, cuộc đời kẻ đuổi theo ánh sáng!
Ngôi sao rùng rùng lướt qua rồi lướt đi mất hút, thậm chí chẳng để sót lại một đốm nắng! Ông nằm dán vào đất! Chẳng có cuộc hoá thân nào! Chẳng có viễn ảnh thiên đường nào! Tất cả là sản phẩm của trí tưởng tượng, của sự huyễn hoặc, tự vuốt ve bản thân mình khỏi tổn thương, là cơn mê sảng khi linh hồn tuyệt vọng, tuyệt vọng cùng cực!
- Bảo ông linh mục đó ra ngoài nhanh lên! Tao không cần xức dầu gì hết! Khi nào tao chết, chúng mày hãy khiêng tao đến đặt trong toà thánh thất nguy nga ngoài thị trấn ấy! Một đời tao đã khốn cùng rồi! Đến lúc cuối cũng phải được tinh tươm chứ!
Vị linh mục không dám nhìn cánh tay khô đét, đen đủi chĩa về phía mình! Trong khoảnh khắc, Ngài tưởng đã nhìn thấy cánh tay quỷ, khi hắn từ chối Chúa mà sa vào Hoả ngục.
Người đàn ông hốc lên sù sụ, tay vẫn trỏ trừng trừng vị linh mục:
- Sao ông ta vẫn đứng đấy! Chúng mày không nghe tao nói gì à!
Vị linh mục quay ra cửa. Sau lưng ngài còn lao xao tiếng nói của mấy đứa con:
- Cha thông cảm giúp bọn tôi đi! Ông già đã lựa chọn thế rồi!
Đã lựa chọn! Phải, linh hồn ấy đã lựa chọn! Và vị linh mục biết mình chẳng thể làm gì khác! Vụ mùa mai sau lại thiếu đi một nhánh lúa vàng!
Vị linh mục áp tai vào đất! Dẫu cố gắng đến mấy ông cũng chẳng thể nghe được tiếng những hạt mầm! Chúng đang cựa mình thoát khỏi vỏ; đang oằn oại khổ sở vì chuột gặm, quạ tha; hay riết róng đớn đau vì gai chèn, đá cắt... Cuộc chiến ấy là của riêng chúng! Và vị linh mục biết mình chẳng thể làm gì khác!
- Về thôi Cha ơi!
Bằng cách nào đó, ông bếp tìm được vị linh mục. Ông kéo Ngài đứng dậy. Bất ngờ, vị linh mục rút tay lại.
- Chuyện gì vậy Cha!
- Có thứ gì găm vào tay tôi đau lắm!
Vị linh mục khẽ khàng rút khỏi da thịt mình một chiếc bông hạt. Ông thả nó xuống cánh đồng. Chiếc hạt chui vào lòng đất. Nó ở đó và đợi ngày nảy mầm, cùng với những hạt giống khác. Chúng sẽ trổ bông, sẽ kết những vụ mùa óng vàng như sắc sao băng, ngôi sao băng với chiếc đuôi rực ánh lửa của trời mà có Đấng đã từng phán rằng: "Thầy đã đến để ném lửa vào mặt đất, và Thầy xiết bao trông đợi lửa ấy bừng lên!" (trích Phúc Âm Luca, chương 12, câu 49)
Post a Comment