Header Ads

VẾT SẸO ÂN TÌNH - Maria Hồng Hà (TP.HCM)


VẾT SẸO ÂN TÌNH

Maria Hồng Hà  (TP.HCM)

Kết quả hình ảnh cho chúa jesus 

“Má ơi, con đau ở trên đầu”… Má nó vén mái tóc của nó ra, một cái nhọt khá lớn. Má gọi cả ba nó nữa đến xem, và hôm sau nó được đưa đến bệnh viện. Ba chở nó đi từ sáng sớm bằng chiếc xe đạp cũ. Từ nhà nó đến bệnh viện 8 cây số, nó sợ hãi bám chặt lấy ba. Khi dắt nó vào bệnh viện, thấy ba nói chuyện với bác sĩ và vén tóc nó ra cho bác sĩ xem. Một lúc sau mấy cô y tá đến bên nó, cầm cái kéo và cắt tóc nó. Nó khóc thét lên, ba ôm nó và nói: “Nín đi, bác sĩ chữa cái mụn nhọt trên đầu cho”. Rồi một bác sĩ cao cao đến ngồi cạnh nó và nói: “Để bác chữa cái nhọt trên đầu cho bé nha”. Bác vừa dứt lời, nó thấy đau nhói trên đầu, hét lên: “Đau quá!”. Nó đẩy tay ba ra để trèo xuống đất. Nhưng cánh tay ba thì to và khỏe hơn, ba giữ chặt hai tay nó và giữ cái đầu yên để bác sĩ phẫu thuật cái mụn nhọt. Nó tiếp tục gào lên và cắn vào tay ba để thoát khỏi cảnh đau đớn này. Phẫu thuật xong, trên đầu nó có một cục bông trắng và tay ba nó cũng bị băng lại do răng nó cắn vào.
Trên đường về, ba dừng lại mua cho nó một que kem, món nó thích ăn nhất. Ba nói: “Nín đi, ăn kem rồi mai mốt cái nhọt sẽ khỏi thôi”. Nó loay hoay liếm que kem và quên đi vết đau trên đầu. Kem chảy ra tay nó liếm không kịp, thế là nó lau tay vào áo ba. Ngồi sau chiếc xe đạp, nó thấy ba thật to lớn, bóng của ba che mát cho nó nhưng áo ba ướt mồ hôi vì đường xa. Nó chợt thấy thương ba vô cùng…
Về tới nhà, má ra đón và nhìn vào vết thương. Má chép miệng: “Tội nghiệp, không biết tóc có mọc lại được không?... Ơ, mà tay ba nó bị làm sao vậy?”. Ba cười bảo: “Con còn nhỏ quá người ta không dám gây mê, con lại dị ứng với thuốc tê nên người ta mổ sống, đau quá con cắn vào tay ấy mà… Không sao!”
Một tháng sau, vết thương trên đầu nó mới khỏi hẳn nhưng để lại một vết sẹo dài, và tay ba cũng có một vết cắn nay cũng thành sẹo luôn.
* * *
- Hu… hu… hu…
- Sao lại khóc?- Ba hỏi.
- Bị má đánh đòn.
- Sao vậy?
- Con đánh nhau với thằng Còi…
Ba ôn tồn ôm lấy nó: “Con là con gái không được đánh nhau, nhớ chưa? Bị phạt là đúng rồi!”
- Nhưng tại nó nói con là “Ba mày là đồ tu xuất, má tao nói vậy”, nên con mới đánh nó… Tu xuấtlà gì vậy ba?
- Con không hiểu hết thì tại sao lại đánh nhau?
- Con không biết nữa! Nhưng con không thích ai đưa ba của con ra chọc ghẹo…
- Thôi… Đi tập viết bài đi…
Nó thấy ba buồn buồn thế nào ấy! Rồi ba ra cái chõng tre bên hiên nhà nằm đánh đưa…
* * *
Mắt anh nhòe đi… Anh nhớ rất rõ năm 1975, với hình ảnh chiếc áo chùng thâm trong tâm trí nhạt nhòa, anh đang là chủng sinh năm thứ hai của Đại Chủng viện. “Ba của Anh bị bắn chết”, được tin ấy anh vội vã trở về nhà. Anh và mẹ xuống tận bãi biển Hà Tiên tìm xác ba. Một viên đạn xuyên thủng bên thái dương. Ôm cái xác lạnh cóng của ba, anh gào lên…
Hai tháng sau, chiến tranh nổ ra dữ dội hơn, Chủng viện bị giải tán. Anh đến gặp cha giám đốc, cha bảo: “Thôi con cứ về, bao giờ thời thế ổn định, Chủng viện mở cửa lại cha sẽ gọi con trở lại”. Trở về nhà chưa được bao lâu, anh cùng đám thanh niên làng được gọi đi làm thủy lợi. Vốn người hiền lành và ôm ấp đời thánh hiến, anh sống gương mẫu là người Công giáo ở mọi nơi. Anh được chia vào đội đào kênh mương, cuộc sống thật khó khăn và đầy vất vả. Làm việc từ sáng sớm đến chiều tối, lặn lội dưới các con kênh rạch, người lúc nào cũng ướt nhẹp và đầy bùn đất, bữa ăn thì chỉ toàn khoai lang hay cơm độn với bo bo. Buổi tối, còn phải tập luyện chạy, hít đất… mãi đến mười giờ đêm mới đi ngủ, và ba giờ sáng đã phải thức dậy. Anh nhớ nhà, nhớ tiếng chuông của Chủng viện, nhớ những giờ kinh nguyện, nhất là Thánh lễ. Anh khao khát được đi lễ, được rước lễ… Tiếng chuông nhà thờ ở đâu đó vọng lại mỗi buổi sáng như mũi kim đâm vào tim anh. Tiếng chuông nhắc anh là một chủng sinh, tiếng chuông như tiếng đập của trái tim anh. Ở vùng kinh tế mới này, anh phải làm việc vất vả nhưng anh vẫn không hề kêu ca hay có ý phản kháng. Anh vẫn đọc Lời Chúa mỗi ngày, cuốn Kinh Thánh nhỏ anh cất giữ cẩn thận bên mình, những khi nghỉ giải lao anh lại mang ra đọc như là nguồn sống để anh tồn tại, và khi mọi người đi ngủ anh vẫn mân mê lần chuỗi.
Sáng hôm ấy, anh phải xuống dưới con rạch khá lớn để đào sâu hơn, nước chỉ mới tới đầu gối anh thôi. Bỗng nhiên anh thấy đau nhói dưới lòng bàn chân, anh vội lên bờ thì người cai đội hét lên: “Làm việc đi, đồ lười biếng!”. Nhưng anh thấy mình không ổn nên anh vẫn cố bước lên bờ, bàn chân anh đầy máu vì dường như anh giẫm phải mảnh sành ở dưới con rạch. Lúc ấy, khuôn mặt anh trắng bệch, và cơn sốt ập đến làm anh run lên rồi rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Người ta đưa anh vào trạm xá vì bị mất máu quá nhiều và vết thương khá nghiêm trọng. Sau hai ngày anh dần phục hồi, nhưng với vết thương đó anh không thể tiếp tục công việc ở đây.
Rồi họ nhận ra anh là người có học thức và còn biết tiếng Anh, nên điều anh về một trường học gần nhà để dạy học. Anh trở về nhà, buổi sáng đi dạy học chiều về lo việc ruộng đồng, nhưng ước vọng dấn thân cho Chúa vẫn luôn thôi thúc. Vết thương dưới lòng bàn chân dần khỏi với vết sẹo khá dài. Anh trở nên một giáo viên gương mẫu trong trường và trong mắt đồng nghiệp, được học trò thương mến vì thầy giáo hiền, đẹp trai, dạy rất hay và dễ hiểu. Anh đã là giáo viên, nhưng với nghề này anh chẳng đủ tiền để nuôi sống bản thân, và còn mẹ già của anh nữa. Nhưng anh không thể nghỉ dạy được vì dường như cả trường không có giáo viên nào dạy tiếng Anh cả, và nếu nghỉ việc anh phải trở lại vùng kinh tế mới để đào mương thủy lợi, nên anh vẫn tiếp tục dạy học và cố gắng vươn lên trong những hoàn cảnh khó khăn. Anh trở nên một “kiểu mẫu giáo viên” trong trường. Các cô giáo không để anh yên, họ tìm cách tiếp cận, và chọc ghẹo anh. Nhưng với thái độ đứng đắn và vô tư, anh không thích và chẳng để ý đến ai, còn bởi lời hứa của cha giám đốc Chủng viện: “Khi nào thời thế ổn định, cha sẽ gọi con trở lại”.
Ròng rã suốt mười năm, anh vẫn chờ và chờ, chờ một tiếng gọi. Mẹ của anh già và yếu hẳn đi, trong nhà anh là người con duy nhất của bà. Chăm sóc mẹ và mọi việc trong nhà ngoài ruộng anh đều cáng đáng hết. Bao nhiêu cô gái trong xóm thương thầm anh, nhưng họ dần nhận ra anh là người của Chúa, nên họ cũng dần lo lập gia đình vì “con gái có thời” mà.
Hôm ấy… Có cô Út nhà bên cạnh sang…
- Bác Tư ơi… Má con biếu bác con cá chuối, hôm nay nhà con tát ao bắt được…
Mẹ đi vắng nên anh ra nhận con cá chuối to gần 2kg.
- Cảm ơn cô Út nha!
- Ủa… Anh Hai hổng về Chủng viện hả?
- Đang chờ...
- Thôi Út về…
Bất chợt một tiếng “xẹt”…  trên mái nhà! Cô Út đẩy vội anh ra một bên, và cô Út ngã xuống đất máu đầy vai làm anh hoảng sợ. Nhưng anh nhanh chóng bế cô Út chạy xuống trạm xá gần đó. Thời chiến tranh đã qua, nhưng đâu đó vẫn còn những viên đạn lạc hướng, nên cô Út bị trúng viên đạn đó trên vai. Vì viên đạn đi qua mái nhà rồi mới trúng nên vết thương không nghiêm trọng lắm. Viên đạn được gắp ra để lại trên vai cô Út một vết thương khá sâu. Anh nắm tay Út hỏi sao Út cứu anh? Cô Út trả lời: “Vì anh còn phải về Chủng viện làm Cha mà!”
Một năm sau, đám cưới của anh và Út diễn ra trong ngôi nhà thờ nhỏ bé nhưng ấm áp tình yêu thật sự của đôi bạn trẻ này…
- Anh Hai ơi có thư nè!
Dấu mộc bưu điện đã quá một năm bây giờ thư mới tới, đúng là thời buổi! Anh bóc lá thư đọc mà mắt anh nhòe đi… Anh được gọi trở lại Chủng viện. Lá thư anh đợi suốt mười năm, nhưng sao khi nhận được anh lại thất thần như vậy?...
* * *
“Ba ơi! Đọc kinh tối”
Nó thấy ba dường như không nghe nó gọi, nó lại gần lay cánh tay ba. Choàng tay ôm nó vào lòng, ba nói với nó rất nhỏ: “Ba là người tu xuất con ạ”. Nó chợt reo lên: “A… con hiểu rồi, tu xuất là tu ở nhà và mang nhiều viết sẹo trên người như ba phải không?”. Con bé mới bốn tuổi mà như đã hiểu chuyện của ba. Hai ba con nắm tay nhau vào nhà đọc kinh. Tiếng kinh râm ran trong ngôi nhà nhỏ ấm áp này vẫn vang lên mỗi buổi tối.
Sau giờ kinh tối, nó nhõng nhẽo: “Ba ơi, chiều mai ba đi dạy giáo lý cho con đi theo với. Con sẽ ngồi yên không nghịch phá gì đâu. Con đã thuộc kinh Tin, Cậy, Mến rồi cả kinh Tin Kính con cũng thuộc luôn rồi… Nghen Ba?” - “Ừ!”…
Chiều hôm ấy sau giờ dạy giáo lý của ba, các anh chị học xong về hết rồi, nhưng nó thấy ba quỳ thật lâu trong nhà thờ, ánh nhìn của ba dừng lại thật lâu trên cây Thánh Giá. Nó cũng quỳ bên ba thật lâu và nói nhỏ vào tai ba:
- Ba ơi, ba nói gì với Chúa thế?
- Ba xin Chúa chữa vết thương trong lòng ba…
- Chắc đau lắm hở ba?
- Ừ! Nhưng Chúa có cách chữa của Chúa, ba sẽ khỏi thôi… để yêu thương má con và cả con nữa, như ba yêu Chúa vậy.
Ba ơi… Vết sẹo trên đầu con, vết sẹo dấu cắn của con trên tay ba, vết sẹo trên vai của má, vết sẹo trên chân ba… thì đã khỏi và thành sẹo. Còn Chúa chịu đóng đinh trên Thánh Giá lâu như vậy, thì bao giờ vết thương trên tay chân và ngực Chúa mới lành và thành sẹo, hở Ba?
Xoa đầu nó, ba nói: “Vết thương ấy không lành được, vì là vết thương của tình yêu Chúa dành cho con người, trong đó có ba và cả con nữa”…

Powered by Blogger.