Header Ads

KÝ ỨC NGỦ QUÊN… - Nguyễn Thị Bích Phượng (Quy Nhơn)


KÝ ỨC NGỦ QUÊN…

Nguyễn Thị Bích Phượng  (Quy Nhơn)

Hình ảnh có liên quan

Những cơn mưa đầu mùa rả rich, âm vang tí tách bên khung cửa sổ nhỏ. Bầu trời xám xịt một màu buồn hiu hắt, gợi nhớ cái ngày ảm đạm ấy... Ngày ấy, trời cũng tối đen như mực, tiếng kèn, tiếng cầu kinh văng vẳng hòa trong những giọt mưa nghe mà đứt từng đoạn ruột. Đó cũng là ngày tôi mãi mãi không còn gặp lại bà Cố nữa.
Thuở còn bé, khi gia đình còn nhiều vất vả, ba tôi đi làm xa, mẹ và tôi đành về sống với ngoại một thời gian. Hằng ngày mẹ phụ bà ngoại ngồi chẻ lác, rồi đến nhuộm màu cho chúng, cuối cùng là ngồi dệt chúng thành một chiếc chiếu đủ màu sắc sặc sở. Trong lúc mẹ và bà ngoại làm việc thì tôi thường hay lẻn chạy sang căn nhà nhỏ cạnh bên, đó là căn nhà của bà Cố. Bà khi ấy cũng đã ngoài tám mươi, cơ mà bà còn tinh anh lắm, nghe thấy bước chân lạch cạch bé nhỏ của tôi là bà phát hiện ra ngay. Mỗi lần như vậy bà cười khẽ bảo: “Con bé Ròm phải không, vào đây con!”. Cái tên “Ròm” ấy là do Cố đặt cho tôi, bởi ngày ấy thân hình tôi bé tí teo. Cố có thói quen rất lạ là thích ngồi bên cửa sổ nhìn ra chân trời xa xa, miệng lầm thầm đọc những kinh nguyện quen thuộc, nên chiếc giường của Cố cũng được đặt gần cửa sổ để lúc nào cố cũng thấy rõ mọi thứ. Mặc dù tuổi bà đã cao, nhưng trong suy nghĩ của tôi bà vẫn còn trẻ lắm. Bà có những câu chuyện về thời còn trẻ, những ngày bà quen ông rồi cùng ông bôn ba khắp nơi. Cả những thăng trầm cuộc đời, bà hay tỉ tê cho tôi nghe, mặc dù khi ấy tôi chả hiểu bao nhiêu. Cố là người đầu tiên dạy tôi cách cầm đũa, muỗng như thế nào cho đúng cách, rồi đến ăn như thế nào cho khoa học, trước khi ăn phải nhớ làm dấu tạ ơn Chúa… Ngày ấy những điều bà nói đều làm tôi thích thú nhiều lắm.
Nhà bà Cố được xây trong một khu vườn rất rộng, Cố cũng nuôi nhiều con vật lắm, nào là gà rồi có cả chó lẫn mèo nữa. Có lẽ được di truyền từ Cố mà từ bé tôi đã thích chơi đùa cùng với thú cưng, đến giờ thói quen ấy vẫn còn. Tôi còn nhớ phía sau nhà Cố có một bụi dâu tằm rất sai quả, đó là Cố chỉ cho tôi biết, cứ mỗi lần ghé nhà Cố chơi là tôi lại lẻn ra sau vườn rồi mang về một bụm dâu ửng hồng, vị chua chua của trái dâu khiến vị giác tôi vô cùng khích thích.
Sau khi gia đình ổn định, ba đưa tôi và mẹ về nhà riêng ở, từ đó tôi ít được gặp bà hơn. Những ngày đầu về nhà mới chẳng khi nào là tôi không nhớ Cố, cứ cuối tuần tôi lại đòi mẹ chở về thăm ngoại và Cố. Có dạo Cố ngày một yếu hơn, đó là thời gian mắt Cố không nhìn rõ được nữa, mỗi lần ghé thăm Cố tự nhiên nước mắt tôi lại chực trào. Dù không nhìn thấy rõ tôi nhưng chỉ cần nghe tiếng bước chân là bà đoán ra tôi ngay. Cố hay xoa đầu tôi rồi bảo: “Mồ tổ nhà mày! Ăn gì mà nay lớn ghê nhỉ, lâu lắm mới thấy về thăm Cố”. Cái giọng khàn khàn vì nhai trầu của Cố khó có thể nhầm lẫn với một ai khác. Mặc dù đã già yếu nhưng cố vẫn giữ thói quen nhai trầu mỗi ngày, khắp sân nhà đều là những đốm đỏ lòm, đôi lúc làm tôi giật mình khi lỡ giậm phải chúng. Tôi thích ngồi cạnh Cố nhìn bà têm trầu, nhai trầu, rồi xoa xoa bàn tay khô gầy của mình. Chắc ngày trẻ Cố tôi xinh đẹp lắm, mắt Cố to tròn, mặc cho tóc đã trắng gần hết đầu nhưng bà Cố vẫn giữ mái tóc dài ngồi xõa bên khung cửa.
Ngày Cố ốm nặng, không còn đi lại được nữa, chỉ nằm im trên chiếc giường cũ bên cửa sổ, Cố hay nhìn ra cửa như đang chờ đợi điều gì đó mà ngày ấy tôi không hiểu được. Sau đó tôi nhớ có một khoảng thời gian tôi không được gặp Cố nữa, ngoại tôi bảo, bác trai đã đưa Cố ra ngoài Bắc để tiện chăm sóc cho Cố. Rồi một ngày mưa rất to, tôi vừa đi học về đã thấy ba và mẹ tôi tỏ ra rất gấp gáp, thấy tôi mẹ nói: “Cố mất rồi con à, giờ mẹ và ba phải về đưa Cố”. Tôi chưa định hình điều gì đang xảy ra, mất là cái gì, có phải là không mở mắt ra được nữa không, là không còn xoa đầu tôi nữa không… Nước mắt tôi chực trào, hai má đỏ hây lên, đôi chân cứ run run chả biết mình đang ở đâu nữa. Khi đó tôi còn bé lắm, có thể chưa hiểu mấy sự chia xa là gì, chỉ thấy trong lòng trống trải như mất đi một thứ gì đó quan trọng lắm, thân thuộc lắm. Chắc vì sợ tôi còn nhỏ dễ bị ám ảnh nên ngày đưa Cố đi mẹ không cho tôi về tham dự lễ an táng, tôi chỉ biết ngồi thẩn thờ bên hiên nhà, tiếng mưa rơi ngoài kia như khóc thương cho sự ra đi của Cố. Đến mãi về sau, nỗi mất mát ấy vẫn luôn để lại nỗi ám ảnh trong lòng tôi, dường như một phần tuổi thơ tôi cũng chết lặng từ ngày ấy, tôi ít chơi đùa nhảy nhót như trước kia nữa.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, nay tôi đã trưởng thành, không còn là con bé “Ròm” như ngày nhỏ nữa, thế nhưng tôi vẫn thích cái tên Cố đặt cho tôi. Mỗi khi có dịp về thăm ngoại, tôi lại ghé qua thắp hương, đọc vài kinh cầu cho linh hồn Cố được nghỉ yên trong tay Chúa, rồi kể Cố nghe về những chuyện tôi trải qua. Với tôi, Cố như một người bạn để tôi có thể trải lòng mình những lúc mệt mỏi. Sau khi Cố mất, bụi dâu tằm cũng héo rồi chết đi, tôi đã không còn được thưởng thức cái vị chua chua tê tê đầu lưỡi ấy nữa. Những kí ức về bà như một quyển cẩm nang sống mà tôi luôn mang theo bên cạnh mình, mỗi khi vấp ngã trên đường đời, tôi lại đem chúng ra làm sức mạnh mà vượt qua. Tôi vẫn luôn tin rằng Cố chẳng đi đâu xa cả mà vẫn luôn ở bên cạnh tôi, luôn thương yêu bảo ban tôi như ngày nào. Với tôi, đó là một phần kí ức bị ngủ quên mà thôi.
Đêm qua trong giấc mơ, tôi thấy một bà tiên bay từ trên trời xuống, mái tóc trắng dài, đôi mắt to tròn, bà cười với tôi, nụ cười thật quen thuộc. Giật mình tỉnh dậy, tôi nhìn sang ô cửa cạnh giường, hình như ngoài trời đang đổ cơn mưa…

Powered by Blogger.