Kính chào Lòng Chúa Thương Xót - Bài 2: CUỘC LÊN MEN TỰ NHIÊN
Kính chào Lòng Chúa Thương Xót
Bài 2: CUỘC LÊN MEN TỰ NHIÊN
Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự
Hầu hết những người được nhắc đến trong các bài viết này đã biết đến Lòng Chúa Thương Xót và các bài giảng của cha Long trước khi họ gặp tôi. Tôi có cảm tưởng mình bỗng dưng bị bắt cóc để phục vụ một số đối tượng của Lòng Chúa Thương Xót. Tôi không liên quan gì tới những bài viết của nhóm này nhóm kia trên mạng. Tôi chỉ dõi theo tiến trình ơn Chúa nơi những người mà tôi bị buộc phải phục vụ. Tôi nói tới trạm thí nghiệm nhưng tôi không đóng vai điều hành hoặc chịu trách nhiệm. Tôi chỉ làm công việc ghi nhận và giữ lại các số liệu, để ai đó muốn nghiên cứu thì có thể đến tham khảo.
TRẠM THÍ NGHIỆM Ở GÓC NHÀ HƯU DƯỠNG
Không rõ trường hợp tôi có phải là một đoàn sủng chăng. Nếu bảo đoàn sủng là một ơn chẳng giống ai, được ban vì lợi ích cộng đoàn, thì có lẽ tôi đang có một đoàn sủng mini, đúng hơn phải nói là một đoàn sủng ống nghiệm. Sau những ống nghiệm ở trại thí nghiệm cấy mô khoai tây hoặc cấy mô hoa lan là một góc vườn, xa hơn góc vườn là một nông trại, rồi sau đó là nông trường tiếp nối nông trường, canh tác đại trà theo kết luận có được từ ống nghiệm. Nói cách khác, nó cũng giống như có sự tương tự giữa sáng, trưa, chiều, tối của một ngày, rồi xuân, hạ, thu, đông của một năm với tuổi thơ, tuổi thanh niên, tuổi trung niên rồi tuổi già của một đời người.
Trạm thí nghiệm ở đây chủ yếu 1à bộ ghế đá trong sân nhà hưu dưỡng và phòng tiếp khách của nhà bếp Tòa giám mục Qui Nhơn. Đối tượng trong ống nghiệm là hơn chục hạt giống hoa bồ công anh từ những búi lông nhỏ, ai đó đã tung vào gió cho bay khắp muôn phương. Những hạt giống ấy khi vô tình rơi xuống vệ đường đã cuốn hút ánh mắt và tấm lòng du mục của một lãng tử, được trao sứ vụ chăn chiên nhưng hơn bốn mươi ba năm rồi chưa một ngày làm cha sở hay cha phó.
Câu chuyện hai vị khách nữ, xin được gọi là bà Cả và bà Hai, tuổi bảy mươi. Vì họ đột ngột xuất hiện trước hôm lễ Hiển Linh năm 2019, tôi sẽ gọi họ là các đạo sĩ. Tiếp theo là những vị khác do họ giới thiệu tới hoặc những người tôi được gặp gỡ thật bình dị ở những nơi mình dừng chân, có khi chỉ trong khoảnh khắc, nhưng hình như đều mang theo những tín hiệu lạ lùng Chúa đang nhắc nhở tôi phải đặc biệt quan tâm tới. Mà, tất cả đều liên quan tới Lòng Chúa Thương Xót.
- Đầu tháng Tư là hai em sinh viên ở Hà Tĩnh và bà nội của các em cùng nghe những bài giảng về Lòng Chúa Thương Xótrồi xin học giáo lý.
- Sau đó, bà Cả và bà Hai được lãnh nhận thánh tẩy đêm Vọng Phục sinh tại nhà thờ giáo xứ Huỳnh Kim. Họ đưa tới hai bà cụ khác cũng đã trên bảy mươi, bà Ba và bà Tư, nhà ở trên địa bàn giáo xứ Đồng Tiến, Tp. Quy Nhơn, cho nên tôi nhờ cụ Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ ở đó giúp học giáo lý.
- Tại Tp. Tuy Hòa tôi được gặp một người đàn ông Công giáo khoảng năm mươi tuổi đang rao truyền Lòng Chúa Thương Xót để đền đáp ơn được chữa lành ung thư. Một phụ nữ tại huyện Sông Hinh, xin ơn chữa lành cho con không được nhưng lại được ơn đức tin. Tôi giữ liên lạc với cả hai người.
- Rồi bà Ba và bà Tư lại dẫn tới thêm hai bà nữa cũng trên bảy mươi, xin được gọi là bà Năm và bà Sáu.
- Tiếp đó, một ông cụ bị ung thư ở giai đoạn cuối, thân phụ một giảng viên Đại học được ơn lãnh bí tích thánh tẩy vào phút cuối.
- Rồi một cụ ông tân tòng gần tám mươi ở Phù Mỹ mời một cụ khác trên sáu mươi nghe các bài giảng, nhắn tin xin một quyển Tân ước chữ lớn.
- Rồi hai cụ ông ở gần cầu Nhơn Hội, Tp. Quy Nhơn, đang được mấy hội viên Legio giúp giáo lý, tôi chỉ mới nhận lời đến thăm, và một số trường hợp khác nữa…
TỪ NHỮNG CHAI NƯỚC VÀ NƯỚC PHÉP
Chuyện đầu tiên là chuyện nước phép. Hai vị khách lễ Hiển Linh đem đến 6 cây nến lớn cao 15cm và 6 chai nước suối loại chai một lít hai, xin làm phép. Tôi mời họ vào nhà nguyện giới thiệu hang Bêlem, để có giờ nghĩ ra giải pháp tốt nhất. Đây là hai người thành tâm thiện chí. Tôi phải giải quyết cách nào cho thật hồn nhiên, để vừa đáp ứng nguyện vọng của họ vừa loại bỏ những hàm hồ có thề khiến họ lẫn lộn cử chỉ tôi làm với chuyện bùa phép mê tín. Tôi đã tìm được một dĩa muối nhỏ rồi vào phòng lễ phục cầm theo quyển Nghi Thức Thánh Lễ. Về lại nơi để nước và nến, tôi hỏi:
- Các bà xin làm phép nến để làm gì?
- Để thắp trên bàn thờ Chúa khi cầu nguyện.
- Tốt quá! Còn nước?
- Để chúng con uống và để rảy trong nhà khi cảm thấy không bình an.
Tôi tặng mỗi vị một quyển “Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo”, chỉ cho họ lời cầu nguyện trước bữa ăn, rồi lấy bớt đi một chai nước và bảo:
- Các bà hãy cùng đọc kinh này với tôi. Đây là kinh các bà sẽ đọc trên mọi thức ăn và thức uống cần dùng. Về nhà, các bà sẽ tự đọc lấy. Dù các bà chưa được rửa tội, cứ thật lòng cầu nguyện theo kinh này, Chúa sẽ ban phúc lành cho thức ăn thức uống và cho bản thân các bà.
Sau đó, tôi đặt đĩa muối bên cạnh chai nước còn lại, mở nắp chai, rồi bảo:
- Đây là nước chính các bà đã đem tới. Đây là muối tự nhiên. Tôi là linh mục của Chúa, sẽ cầu nguyện trên nước và muối này theo đúng công thức của Giáo hội, để các bà có “nước thánh”hoặc “nước phép” dùng để xua trừ tà ma. Các bà hãy lắng nghe những lời nguyện tôi sắp đọc đây, sẽ hiểu ý nghĩa.
Hai lời nguyện đượcđọc đúng theo sách Nghi thức Thánh lễ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005 trang 178 và 179.
Tôi lấy mẩu giấy nhỏ ghi “Đây là nước thánh”, dán lên chai nước vừa làm phép để khỏi bị lẫn lộn với những chai kia, rồi trao cho họ.
Đó là chuyện trong ống nghiệm, vào thứ bảy 05/01, trước lễ Hiển Linh 2019.
Câu chuyện tiếp theo là Bà Hai khao khát có được một thẻ nhớ các bài giảng vềLòng Chúa Thương Xót. Lâu nay, bà nghe chung với bà Cả. Giờ đây bà đã sắm được một cái máy nhưng chưa có thẻ nhớ. Bà chỉ cần thẻ nhớ chứ không cần cái máy. Tình cờ, một tuần trước đó có người cho tôi một chiếc máy nghe những bài giàng này. Tôi đã cám ơn và cất kỹ trong hộc bàn. Khi nghe nhu cầu của bà Hai, tôi trực nhận ra rằng những miếng thẻ nhớ sẽ là phương tiện giúp cho những bài giảng lan rộng theo kiểu “lên men tự nhiên” trong ống nghiệm và ngoài thiên nhiên. Tôi đã nhờ một em sinh viên mua và chép cho tôi mười thẻ nhớ. Buổi học giáo lý tiếp đó, tôi đã tặng cho hai bà tám thẻ nhớ và giữ lại hai thẻ làm “thẻ cái”, như khi ăn yaourt rồi phải giữ lại một hũ yaourt cái làm “vốn”. Thêm một bước nữa, cậu sinh viên khi giao mấy thẻ nhớ, đã dặn tôi:
- Cha có internet, cha không cần dùng thẻ, dùng máy gì cả. Cha mở Youtube nghe thích hơn. Con vẫn nghe bài giảng mới mỗi ngày.
Mời bạn tìm đọc bài 3: Từ lòng tin tìm kiếm tới đức tin Kitô.
Post a Comment